Để cứu muôn người

15:54 10/03/2017
“Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật một vài người để cứu muôn người” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nội dung này tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tinh thần nhìn thẳng, đánh giá khách quan thực trạng suy thoái chính trị, tư tưởng, tham ô, tham nhũng trong “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, từ đó yêu cầu phải làm rõ, xử lý nghiêm, phải “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. 

Thông điệp của Tổng Bí thư khiến ta nhớ lại câu chuyện xảy ra cách đây gần 7 thập kỷ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút bác đơn xin ân giảm tử hình của tử tù Trần Dụ Châu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.

Câu chuyện được kể lại như sau: Mùa thu năm 1950, trong khi bộ đội, dân công đang dồn dập hành quân lên Cao Bằng mở chiến dịch Lê Hồng Phong giải phóng vùng biên giới Việt Trung thì ngày 5-9-1950 ở thị xã Thái Nguyên - thủ đô kháng chiến, Tòa án binh Tối cao đã mở phiên tòa đặc biệt, xét xử vụ án đặc biệt. Có 3 bị cáo hầu tòa là nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và 2 đồng phạm can tội “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”.

Vụ án được phát hiện từ bức thư của nhà thơ Đoàn Phú Tứ, đại biểu Quốc hội Khóa 1 gửi lên Hồ Chủ tịch. Nội dung bức thư như sau: “Gần đây, Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu đã gây nhiều dư luận bất bình trong anh em quân đội, Châu đã dùng quyền lực “ban phát” ăn mặc, Châu đã giở trò ăn cắp (công quỹ), cứ mỗi cái màn cấp cho bộ đội, Châu ăn bớt 2 tấc vải sô, nên cứ ngồi lên là đầu chạm đình màn. 

Còn áo trấn thủ, Châu ăn cắp bông lót rồi độn bao tải vào, nhiều người biết đấy nhưng không dám ho he. Cháu (nhà thơ Đoàn Phú Tứ) và đoàn nhà văn đi thăm bộ đội vừa đi chiến đấu trở về, cháu đã khóc nấc lên khi thấy thương binh thiếu thuốc men, bông băng, hầu hết chiến sỹ đều rách rưới, võ vàng vì đói rét, chỉ còn mắt với răng mà mùa đông rét buốt ở chiến khu lạnh lắm, lạnh tới mức nước đóng băng. Cháu được Trần Dụ Châu mời dự tiệc cưới của cán bộ dưới quyền tổ chức ngay ở chiến khu. 

Trên những dãy bàn dài tít tắp xếp kín chim quay, gà tần, vây bóng, giò chả, nấm hương, thịt bò thui, rượu Tây, cốc thủy tinh sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng, hoa Ngọc Hà dưới Hà Nội cũng kịp đưa lên, ban nhạc “Cảnh Thân” được mời từ Khu 3 lên tấu nhạc réo rắt, Trần Dụ Châu mặc quân phục đại tá cưỡi ngựa hồng, súng lục “côn bát” đến dự...”. 

Bức thư kể, Trần Dụ Châu ngạo mạn, mời nhà thơ (tức Đoàn Phú Tứ) đọc thơ mừng hôn lễ. Với lòng tự trọng của mình (đương kim đại biểu Quốc hội) nhà thơ đã thẳng thắn, dũng cảm xuất khẩu thành thơ:

Bữa tiệc cưới của chúng ta sắp chén đẫy hôm nay
Được dọn bằng xương máu của các chiến sỹ.

Vừa dứt lời, Trần Dụ Châu quát to “nói láo” và một vệ sĩ của Châu tức tối tát vào mặt nhà thơ. Nhà thơ Đoàn Phú Tứ bỏ ra ngoài và tối hôm đó đã viết thư tố cáo lên Bác Hồ.

Hồ Chủ tịch đã trao bức thư của nhà thơ cho Thiếu tướng Trần Tử Bình đang là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Quân đội. Người nói: “Đây là bức thư của một nhà thơ gửi cho Bác, Bác đã đọc kỹ lá thư và rất đau lòng”, rồi Bác giao cho Thiếu tướng chỉ đạo điều tra làm rõ vụ việc để xử lý. 

Công tác thanh tra vụ tiêu cực ở Cục Quân nhu được tiến hành khẩn trương, thu thập đủ tài liệu chứng cứ từ Khu 4 trở ra, Khu 3 gửi lên. Trần Dụ Châu hiện nguyên hình là một tên gian hùng, trác táng, phản bội lại lòng tin của Đảng, của Bác, quân đội và nhân dân.

Trước sự thật đau lòng này, Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”. Trần Dụ Châu đã bị Tòa án binh Tối cao phạt án tử hình. Tử tù Trần Dụ Châu gửi đơn lên Hồ Chủ tịch xin tha tội chết. 

Ngày làm việc với đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cung cấp, xét lá đơn của tử tù, Bác chỉ cho đồng chí Ninh thấy một cây xoan đang héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây xoan sắp chết?

- Dạ, thưa Bác vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa...

- Thế theo chú muốn cứu cây ta phải làm gì?

- Dạ, thưa Bác phải bắt, giết hết những con sâu đó đi.

Bác gật đầu, nói: “Chú nói đúng, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”. Hồ Chủ tịch đã bác đơn xin tha tội chết của Trần Dụ Châu. 

Con tàu Green Sea “đắp chiếu” tại biển Quảng Ninh trong vụ án Vinashinlines.

Báo Cứu quốc ngày 27-5-1950 đã đăng bài xã luận viết về vụ này một cách công khai để nhân dân biết, vụ án đã cho Chính phủ, Đoàn thể (Đảng) nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng, giáo dục và kiểm soát cán bộ để phục vụ tốt cho kháng chiến, kiến quốc mặc dù có người e ngại, vì nếu công khai vụ án này sẽ làm cho dân chúng chê trách, kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền, lợi ít, hại nhiều...

Vụ án đã xảy ra cách nay gần 7 thập kỷ nhưng vẫn giữ nguyên bài học thời sự. Ngày đó, trong bối cảnh kháng chiến, khi mà Đảng, Bác Hồ và toàn quân, toàn dân phải chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai để dồn sức cho kháng chiến, bộ đội đói rét “chỉ còn mắt với răng” mà ngay tại chiến khu, Trần Dụ Châu đã tham ô, bòn rút của công, ăn chơi sa đọa, tổ chức tiệc cưới xa hoa “được dọn bằng xương máu của các chiến sỹ”. 

Bản án của tòa án binh và quyết định bác đơn xin ân xá của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự nghiêm khắc của luật pháp nhằm trừng trị kẻ bất lương, sống sa đọa trên mồ hôi, xương máu của quân dân, đồng thời là bài học răn đe, thức tỉnh những kẻ đang nuôi ý định tương tự. 

Rất đau xót khi phải xử lý một cán bộ, sĩ quan nhưng như Bác nói “nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”. 

Sau này, trong tài liệu có những dòng chữ Bác Hồ (biên bản họp Hội đồng Chính phủ tháng 11-1950) nói về vụ Trần Dụ Châu rằng: “Chúng ta sinh ra trong một xã hội phong kiến và thực dân, một xã hội ham danh ham lợi. Danh lợi dễ làm hư người. Danh lợi là tập quán. Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách, biện pháp cải tạo cán bộ đấy là khuyết điểm”.

Vụ án Trần Dụ Châu cũng cho thấy rằng, thói hư tật xấu của con người nếu không được rèn giũa, không được giáo dục, chỉnh đốn thì có thể nảy sinh, phát triển bất cứ lúc nào. 

Trong điều kiện chiến tranh gian khổ mà còn nảy sinh những kẻ sâu mọt, trác táng như vậy thì trong điều kiện đời sống vật chất, tinh thần đổi khác, con người có điều kiện sống hưởng thụ như ngày nay lại càng là môi trường để sinh sôi. Ở đây cần đặt hai vế: đức trị và pháp trị. 

Cuộc sống đời thường, con người với con người đều có các ràng buộc bởi tình nghĩa, đặc biệt với đồng đội, chiến sĩ, điều ấy càng mật thiết. Nếu như bị cái tình chi phối, lấn át, chưa kể những tác động tiêu cực để khiến người cầm cân nảy mực phải chùn tay tha tội cho những kẻ sâu mọt thì kết cục là tha được một người, cứu được một người nhưng họa muôn người. 

Đó là làm méo mó kỷ cương phép nước, làm biến dạng chính cán cân công lý mà những người có trách nhiệm đang nắm giữ và lớn nhất, đó là làm giảm, làm mất niềm tin trong nhân dân, những kẻ sâu mọt càng có cơ hội bùng phát, bất chấp pháp luật. 

Một người được bao che, được nâng đỡ, được thoát tội mà muôn người chịu hậu quả, cái nào có lợi hơn? Rõ ràng, danh lợi làm hư người nhưng danh lợi ấy lại có nguồn gốc sâu xa từ con người của nghìn năm phong kiến để lại. 

“Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách biện pháp cải tạo cán bộ đấy là khuyết điểm” - dòng chữ ấy của Bác trên bút lục hồ sơ vụ án Trần Dụ Châu năm xưa càng khiến chúng ta ngày nay cần phải nghiêm túc, trách nhiệm tìm lời giải.

Dương Chí Dũng đã bị tòa sơ thẩm, phúc thẩm kết án tử hình. Gần đây nhất, Giang Kim Đạt, kẻ đã cùng đồng bọn lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của Vinashinlines hơn 260 tỷ đồng, trong đó riêng Giang Kim Đạt 255 tỷ đồng đã lĩnh án tử hình về tội tham ô tài sản. 

Ở mức độ khác, những vụ án, vụ việc nổi cộm dư luận như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Vũ Minh Hoàng và mới đây là vụ Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (Tổng Bí thư đang chỉ đạo kiểm tra, làm rõ) đã và đang được thực hiện theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Không ai thích thú khi phải xử lý cán bộ, đồng chí của mình nhưng rõ ràng, thông điệp “kỷ luật một vài người để cứu muôn người” theo tinh thần của Tổng Bí thư đã củng cố niềm tin rất lớn trong quần chúng nhân dân.

An Nhi

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn (SN 1985, thường trú khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu, đoạn thuộc địa bàn Đồng Nai, ngày 2/5, Thành ủy TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm việc cấp ủy, chính quyền phường Phước Tân. Đây là địa phương có nhiều vướng mắc và được đánh giá phức tạp nhất trong số các xã, phường, thị trấn có dự án trọng điểm quốc gia là tuyến cao tốc đi qua...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文