Đi tìm “chất gây nghiện” trong mỗi con người

08:33 15/01/2020
Samuel Beckett có nói một câu mà tôi cho là đầy tuyệt vọng nhưng cũng là toàn bộ sự thật: “Chúng ta sinh ra trên cõi đời này và không có liều thuốc nào cho điều đó”. Có nghĩa là, con người ta, ngay từ khi sinh ra, ló mặt vào trần gian này, đã là “hết thuốc chữa” rồi. Một câu nói đầy tuyệt vọng nhưng cũng đầy lý tính, với tinh thần cảnh tỉnh lớn lao...


Mỗi cá thể người, với đặc tính của loài linh trưởng cao cấp, tinh khôn nhưng Jared Diamond vẫn gọi với cái tên loài tinh tinh thứ ba, là cả một câu chuyện dài về tiến hóa, không chỉ về mặt sinh học mà cả về tâm linh.

Là một con người, dĩ nhiên tôi không thể không suy tư về con người cùng tất cả những khía cạnh đời sống có liên quan tới đồng loại của mình.

Tôi lại nhớ Ernest Hemingway có một truyện ngắn khá hay nói về những thứ nghiện ngập “hết thuốc chữa” của con người, mà ông gọi là “thuốc phiện”. Đó là truyện ngắn Con bạc, bà xơ và radio. Truyện có bối cảnh là một bệnh viện, với 3 nhân vật chính: một con bạc, một bà xơ và một ông già nghiện radio.

Vào một buổi tối nọ, người ta đưa vào bệnh viện một người đàn ông Mexico (cùng một người đàn ông Nga nhưng ông người Nga này bị nhẹ hơn) bị bắn lủng bụng, trong tình trạng nguy cấp, có khả năng chết. Cảnh sát tới thẩm tra. Và, do không nói được tiếng Mexico nên cảnh sát nhờ ông Frazer, tức ông già mê radio, cũng là một bệnh nhân, làm phiên dịch.

Ernest Hemingway.

Ông Frazer là người thích viết lách và ưa suy ngẫm về cuộc đời. Trong khi làm phiên dịch, ông hiểu rõ câu chuyện của người đàn ông nghiện cờ bạc kia, cũng như hiểu tấm lòng của bà xơ, một người nguyện cả đời dâng hiến cho Chúa, lúc nào cũng ao ước được trở thành một vị thánh. Và, một ngày nọ, trong váng vất bệnh tật tuổi già, chợt ông nhận ra một cách sáng rõ tất cả những loại thuốc phiện của con người. 

Tôn giáo là thuốc phiện của con người. Âm nhạc là thuốc phiện của con người. Kinh tế là thuốc phiện của con người. Tình dục là thuốc phiện của con người. Bia rượu là thuốc phiện của con người. Tham vọng là thuốc phiện của con người. Bánh mì là thuốc phiện của con người.

Ông Frazer liệt kê một lô lốc các loại thuốc phiện, những thứ mà con người ta nếu trót “dính chưởng” thì khó lòng từ bỏ được. Và, dĩ nhiên, cờ bạc cũng là thuốc phiện của con người. Radio cũng là một loại thuốc phiện, có thể là dạng nhẹ hơn.

Nhưng điều khiến tôi suy nghĩ hơn cả, đó là ông Frazer (hay chính là Hemingway) cho rằng: “Giáo dục cũng là thuốc phiện của con người”. Không giải thích vì sao giáo dục lại là thuốc phiện của con người nhưng ông Frazer lại cho rằng, ông không tin vào giáo dục mà chỉ tin vào tri thức. Vậy có sự khác nhau giữa giáo dục và tri thức hay sao? Nếu như không có giáo dục thì làm sao có tri thức? Có con đường nào dẫn tới tri thức mà không qua giáo dục?...

Quả là rất đau đầu. Nhưng tôi nghĩ, tri thức hay sự hiểu biết là đích đến của giáo dục. Một nền giáo dục với rất nhiều thành tích nhưng không mang lại sự hiểu biết thật sự cho con người thì đó là một nền giáo dục thất bại.

Lại lan man nghĩ về giáo dục. Cũng như lão già nghiện radio Frazer, sau những váng vất của đời thường cơm áo gạo tiền, có những lúc trong đầu tôi hiện lên những thứ thật sáng rõ. Nhưng, đó không phải là những thu hoạch minh triết mà chỉ là những câu hỏi ong ong trong đầu. Tôi đã từng hỏi rất nhiều người xung quanh rằng: “Tại sao con người ta có thể bỏ ra rất nhiều tiền, tỷ này tỷ nọ cho con học trường quốc tế, ngày đêm ròng rã chở con đi học thêm thầy này cô kia, hay cho con du học nước ngoài nhưng người ta không bao giờ bỏ tiền ra để mua một cuốn sách?”.

Thậm chí, nhiều người từ bỏ cuộc sống cá nhân của mình, bán hết cả gia sản, đi ra nước ngoài tìm mọi cách định cư, tìm kiếm một công việc nặng nhọc, để gồng gánh nuôi con ăn học, bằng giá nào cũng học để có tấm bằng xịn. Nhưng, người ta vẫn không bỏ tiền ra để mua sách. Các bạn trẻ thì hầu hết chỉ đọc những cuốn sách do nhà trường chỉ định. Chỉ đọc những thứ để phục vụ cho thi cử lấy bằng. Ở đây, tôi không dám nói đúng sai. Nhưng, tôi thấy rõ rằng, với nhiều người, ngay từ ban đầu họ đã đến giáo dục với mục đích không phải là tri thức mà chỉ là bằng cấp.  

Không mua sách. Nhà không có tủ sách. Đó là thực tế phổ biến ở xứ ta hiện nay. Nó khó hiểu hơn hết là ngay cả với giáo viên cũng không bao giờ mua và đọc sách. Hay nói chính xác hơn là việc đọc đã ngừng lại từ rất lâu rồi. Tôi gặp nhiều giáo viên dạy văn và nghe họ thú nhận rằng đã rất lâu rồi họ không đọc sách. Nhiều bạn bè của tôi, là cử nhân, tiến sĩ này nọ, nhưng việc đọc cũng đã ngưng lại sau khi họ nhận lãnh được các tấm bằng.

Việc đọc đã đóng băng, trong khi tri thức cứ như một dòng chảy không ngừng mà nếu không đọc, chúng ta làm sao update (cập nhật) cái mới cái hay? Cho nên, cuối cùng thì tôi cũng hiểu được phần nào, khi Hemingway cho rằng ông không tin vào giáo dục mà chỉ tin vào tri thức. Cũng như ông không tin vào bằng cấp mà tin vào sự minh triết của con người.

***

Hemingway viết truyện ngắn Con bạc, bà xơ và radio vào năm 1933. Những năm (1930) này, Hemingway thường đến Tây Ban Nha, viết rất nhiều truyện về đời sống của những đấu sĩ bò tót. Những câu chuyện phiêu lãng cùng không khí cao bồi Nam Mỹ tràn ngập trong các truyện ngắn của ông. Với những đấu sĩ bò tót thì rượu bia và tình dục là những thứ “thuốc phiện” không thể thiếu.

Nhưng năm 1933 là một năm đã xa lắc lơ mù mịt trong cõi người. Hôm nay, nếu có ai đó viết tiếp cho Hemingway thì phải liệt kê những thứ thuốc phiện mới.

Facebook hay mạng xã hội là thuốc phiện của con người. Smartphone là thuốc phiện của con người. Sửa sắc đẹp là thuốc phiện của con người. Thực phẩm chức năng là thuốc phiện của con người. Bóng đá là thuốc phiện của con người. Tôn giáo vẫn là thuốc phiện của con người nhưng bây giờ đức tin phải đi kèm hành động, tức sự cúng dường. Phải cúng thật nhiều tiền của cho nhà chùa thì mới được “độ”(?!) Giáo dục càng là thuốc phiện của con người, khi xã hội càng có nhiều người có bằng cấp cao, như bằng tiến sĩ, hàm giáo sư nhưng lại có quá ít những công trình sáng tạo. Sự sao chép, nếu như không muốn nói là đạo văn, trong những luận văn tiến sĩ là vô cùng nhiều ở xứ này. 

“Nhưng tại sao thuốc phiện nào cũng không tốt?”, đó là nỗi ưu tư của ông già nghiện radio trong truyện ngắn của Hemingway. Phải chăng, chất dopamine trong mỗi thứ “thuốc phiện” ấy chỉ là một thứ ảo giác đánh lừa con người ta. Cái “hormone hạnh phúc” đó chỉ là một phút giây ngắn ngủi. Ngày nay, chúng ta càng chứng kiến những tham vọng quyền lực (cũng được xem là thuốc phiện của con người) đã mau chóng sụp đổ. Có những người mà mới ngày hôm qua, quyền lực thuộc loại “dưới một người trên vạn người”, hôm nay đã vướng vòng lao lý, phải đối diện với án tử nhưng nặng nề hơn là tòa án lương tâm ngàn đời không gột sạch.

“Tại sao thuốc phiện nào cũng không tốt?”. Vậy có cái chất dopamine nào thực sự tốt cho con người ta không? Thú thật là tôi đã nghĩ rất nhiều về điều này. Cuối cùng, cái mà tôi muốn quay lại chính là giáo dục. Giáo dục, có lẽ chính là một thứ thuốc phiện tốt, nếu như mục đích của nó là mang lại sự hiểu biết, niềm hạnh phúc cho con người.

Qua giáo dục, con người ta trở nên đẹp đẽ hơn, có ích hơn. Và, giáo dục, không chỉ xảy ra ở trường học mà hiện diện ở tất cả mọi nơi, trên đường phố, dưới đồng ruộng, ngoài sân bóng... Giáo dục loại bỏ các thói tật xấu, rèn giũa các đức tính tốt, nâng niu những tâm hồn cao thượng...

Tôi không biết mình nghĩ thế có đúng không. Thú thật là tôi không dám cho mình là đúng. Bởi càng sống, tôi càng nhận ra một điều: mọi bi kịch của nhân gian này đều bắt nguồn từ chỗ tranh cãi đúng sai. Tôi đúng, anh sai. Và, người ta phải tìm mọi cách để chứng minh điều đó. Từ đó, những hiềm khích, xung đột, tội ác cũng bắt đầu.

Vậy rồi, quay trở lại chính mình, tôi có nghiện ngập một thứ gì không? Thuốc phiện của tôi là gì? Là rượu bia, gái gú, thuốc lá hay cờ bạc? Thú thật là tôi không nghiện những thứ đó. Tôi cũng không nghiện tôn giáo hay quyền lực, cũng chả nghiện tiền.

Viết chính là thuốc phiện của tôi. Một kẻ chỉ nghiện công việc viết lách thì chắc cũng chẳng làm hại gì cho ai, nhỉ?!

Trần Nhã Thụy

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã may mắn thoát chết và hiện đã vượt qua cơn nguy kịch sau khi bị một thành phần chính trị đối lập bắn 4 phát đạn vào vùng bụng hôm 15/5. Châu Âu bị một phen chấn động bởi vụ ám sát chính trị hiếm hoi xảy ra giữa những căng thẳng chính trị, ngoại giao xung quanh cuộc chiến tại Ukraine.

Nhiều công trình, dự án trên địa bàn Thủ đô đang được triển khai nên nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng tăng cao dẫn đến tình trạng xe vi phạm quá khổ, quá tải có thể tái diễn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Tối 18/5, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Hà Nội) đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở đến các đơn vị thi công, doanh nghiệp kinh doanh vận tải và đội ngũ lái xe bảo đảm TTATGT.

Một nhóm 9 du khách, thanh thiếu niên khi vui chơi, tắm biển tại bãi biển Đà Nẵng đã gặp sự cố đuối nước. Mặc dù lực lượng cứu hộ cứu nạn bãi biển tích cực ứng cứu, nhưng do sóng to, khu vực tắm có biển báo cấm tắm nguy hiểm nên trong số 8 du khách đưa vào bờ, có 2 du khách đã tử vong, 1 nạn nhân mất tích.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (nay là học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh) đã triển khai được 18 năm (từ 2006). Đó là quãng thời gian đủ dài để đánh giá về hiệu lực, hiệu quả trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文