Gian nan hành trình trở thành "nhà tâm lý"

11:37 13/12/2020
Mới đây Thủ tướng Chính phủ ký Quyết Định số 34/2020/QĐ -TTg Ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, trong đó xác định chức danh Nhà tâm lý học (mã nghề 2634) với mô tả cụ thể về một số chức năng nhiệm vụ chủ yếu.

Giả sử bạn và vợ vừa chuyển đến một thành phố mới. Sau một tháng, vợ bạn nói với bạn cô ấy cảm thấy hối hận và chán chường vì đã quyết định chuyển đến nơi đây. Hiện tại cô ấy đang chìm trong những lo lắng và suy nghĩ tiêu cực về tương lai mà không thể thoát ra khỏi nó. Điều này ảnh hưởng đến bạn và công việc của bạn, ảnh hưởng đến mối quan hệ của cả hai người. Bạn cần sự giúp đỡ nhưng không thân thiết với ai ở thành phố này.

Nếu câu chuyện xảy ra cách đây 10 đến 15 năm trước, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm một người thật sự tin tưởng để chia sẻ và yêu cầu giúp đỡ. Còn bây giờ, bạn chỉ cần lên mạng tìm thông tin về một nhà tâm lý học lâm sàng, một nhà tham vấn tâm lý, một chuyên gia trị liệu hôn nhân gia đình... là xong. Vấn đề là bạn sẽ hoang mang không biết lựa chọn ai vì không biết thêm bất cứ điều gì ngoài cái danh "nhà tâm lý" hay "chuyên gia tâm lý" tự xưng của những người này. Sự thực là từ trước tới nay, đó hoàn toàn là những danh hiệu tự xưng, bởi Việt Nam chưa công nhận mã nghề nhà tâm lý.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi mới đây Thủ tướng Chính phủ ký Quyết Định số 34/2020/QĐ -TTg Ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, trong đó xác định chức danh Nhà tâm lý học (mã nghề 2634) với mô tả cụ thể về một số chức năng nhiệm vụ chủ yếu. Mã nghề này còn được phân loại thành các mã nghề nhỏ hơn như Nhà tâm lý học lâm sàng, Nhà trị liệu tâm lý, Nhà tâm lý học đường... Điều đáng nói là nghề Nhà trị liệu tâm lý đã được phân biệt rõ với nghề Bác sỹ tâm thần (mã nghề 22128).

Ảnh: L.G.

Vui vì đã có "nhà" nhưng để bảo vệ danh xưng "nhà tâm lý" và trở thành những "nhà tâm lý" chính hiệu, có uy tín, thực sự góp ích cho cộng đồng, người trong nghề bắt buộc phải trải qua một hành trình gian nan. Tối giản hoá hành trình này, hay bằng một cách nào đó phù phép để hành trình này trở nên dễ dãi nhằm hợp thức hoá danh xưng đều sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Để bạn bạn đọc dễ hình dung, xin được giới thiệu các bước đào tạo một nhà tâm lý học ở những nước phát triển và những nước xung quanh chúng ta.

Về đào tạo, các chương trình đào tạo nhà tâm lý của các quốc gia như Mỹ quy định phải có các môn học để hình thành 6 nhóm năng lực mà một nhà tâm lý học lâm sàng cần phải đạt gồm: (a) đánh giá; (b) can thiệp; (c) tư vấn; (d) nghiên cứu; (e) Giám sát/ giảng dạy và (f) Điều hành/quản lý chuyên môn phù hợp với bối cảnh văn hóa của từng quốc gia. Tuy nhiên để có thể hành nghề, bằng cấp thấp nhất cần có là trình độ thạc sỹ, và cá nhân phải trải qua ít nhất 1900 giờ (tương đương với 2 năm thực hành dưới sự giám sát) và vượt qua một bài kiểm tra đánh giá năng lực để có giấy phép.

Ở Anh, để có thể hành nghề can thiệp trị liệu tâm lý, các ứng viên cần phải có bằng cấp trình độ tiến sỹ hoặc kỹ năng kinh nghiệm tương đương có thể thay thế được bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo tiến sỹ, có đủ tư cách để được công nhận trở thành thành viên của Hiệp hội Tâm lý Anh, các bằng chứng đã tham gia các khóa học phát triển nghề một cách liên tục, có minh chứng đã thực hành các nguyên tắc đạo đức của Hiệp hội, thể hiện có năng lực cao về lý luận và thực hành trong ít nhất hai liệu pháp tâm lý chuyên biệt và những kiến thức về văn hóa của các nhóm người trong cộng đồng.

Các ứng viên cũng sẽ phải vượt qua những bài kiểm tra kỹ năng thiết yếu bao gồm i) Kỹ năng phân tích & phán đoán; (ii) Kỹ năng giao tiếp; (iii) Khả năng thể chất; (iv) Khả năng sử dụng các phương pháp can thiệp và đánh giá tâm lý phức tạp, thường xuyên đòi hỏi sự tập trung cao độ; (v) Khả năng truyền đạt thông tin hiệu quả, chuyên môn cao về mặt lâm sàng cho thân chủ, gia đình, người chăm sóc của họ và các đồng nghiệp chuyên nghiệp; (vi) Kỹ năng phân tích và phán đoán cao với khả năng hiểu được các sự kiện hoặc tình huống phức tạp cần phân tích, diễn giải, so sánh; (vii) Khả năng cao để hình thành và duy trì các mối quan hệ cộng tác chuyên nghiệp với đồng nghiệp ở tất cả các cấp; (viii) Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động (ví dụ: hoạt động nhóm) & kỹ năng quản lý khối lượng công việc của bản thân; (ix) Khả năng làm việc trong môi trường phức tạp và thích nghi với sự thay đổi; (x) thể hiện khả năng làm việc dưới áp lực; (xi) Kỹ năng tư vấn cho các nhóm chuyên viên tâm lý và cả nhóm không chuyên.

Ảnh: L.G.

Đối với Úc, ứng viên cần đáp ứng các tiêu chuẩn về đào tạo gồm việc tốt nghiệp chương trình học 4 năm (gồm 3 năm cử nhân và 1 năm sau đại học), theo sau đó là 5 sự lựa chọn bao gồm kỳ thực tập (i) 2 năm có giám sát hoặc 1 năm thạc sĩ & (ii) 1 năm thực tập có giám sát), hoặc (iii) bằng thạc sĩ/ (iv) bằng thạc sĩ kết hợp với chương trình đào tạo tiến sĩ hoặc (v) chương trình tiến sĩ. Tiếp đó, thực hành kết hợp giám sát trong 1 tới 2 năm (tuỳ thuộc vào quá trình học trước đó) là một yêu cầu cuối cùng trước khi được công nhận là một nhà tâm lý.

Còn với quốc gia gần chúng ta như Singapore, để trở thành một nhà tâm lý trị liệu có đăng ký tại Singapore (Singapore Register of Psychologist - SRP), Hiệp hội Tâm lý Trị liệu và Tham vấn Singapore đưa ra những yêu cầu cần phải đạt được gồm (i) Bằng Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ về tâm lý học lâm sàng các chương trình đào tạo đã được kiểm định tại các quốc gia như Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh hoặc Hoa Kỳ hoặc (ii) trở thành một thành viên chính thức của SPS (Singapore Psychological Society) và để trở thành một thành viên chính thức, cần phải có (i) Bằng cử nhân / Thạc sĩ tâm lý học hoặc tương đương, được xã hội công nhận và 2 năm kinh nghiệm làm việc có liên quan; (ii) Bằng cử nhân tâm lý học hoặc tương đương được công nhận cùng với trình độ chuyên môn cao hơn về tâm lý học có thể là Thạc sĩ, Tiến sĩ hoặc tương đương; (iii) Bằng Thạc sĩ / Tiến sĩ trong lĩnh vực chuyên ngành tâm lý học từ một tổ chức giáo dục uy tín đã được kiểm định. Trong đó yêu cầu đào tạo thực hành có giám sát không ít hơn 400 giờ trong nhiều môi trường khác nhau. Hoặc là nhà tâm lý học được cấp phép từ các quốc gia như Úc, Canada, New Zealand, Hoa Kỳ, Anh quốc và Bắc Ireland.

Bên cạnh các yêu cầu về đào tạo, năng lực lý luận và thực hành, tất cả các nước đều đề cập đến các nguyên tắc đạo đức mỗi ngành nghề có thể tập trung phát triển các nguyên tắc đạo đức theo định hướng khác nhau, nhưng các quốc gia và những ngành nghề liên quan đến chăm sóc sức khỏe con người đều chia sẻ những giá trị chung cơ bản. Các giá trị đó được thể hiện trong các nguyên tắc như.

- Thiện tâm và không gây hại. Nhà tâm lý đấu tranh để đem lại quyền lợi và cẩn trọng để không làm điều gì tổn hại cho thân chủ của họ.

- Tin cậy và trách nhiệm. Nhà tâm lý thiết lập mối quan hệ trung thực và tin cậy với thân chủ, luôn nhắc nhở mình ý thức về trách nhiệm khoa học và nghề nghiệp với xã hội, với một cộng đồng cụ thể và với người mình đang làm việc cùng.

- Chính trực. Nhà tâm lý luôn tìm cách để tăng cường sự chính xác, trung thực và tin cậy trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy và thực thành tâm lý học.

- Công bằng. Nhà tâm lý phải luôn đảm bảo sự công bằng cho tất cả mọi người trong việc tiếp cận với các lợi ích của công việc tâm lý và phải được hưởng chất lượng phục vụ, quy trình, thủ tục như nhau từ nhà tâm lý.

- Tôn trọng con người và phẩm giá của họ. Nhà tâm lý tôn trọng các giá trị của mỗi thân chủ cũng như quyền riêng tư, đảm bảo tính bảo mật và quyền tự quyết của thân chủ.

Để dân tâm lý có được "ngôi nhà" bền vững, cần có sự tham gia của các cơ sở giáo dục tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo có chất lượng dựa trên các tiêu chuẩn năng lực kiến thức tương ứng với khu vực và quốc tế. Cần có sự tham gia của các Hiệp hội Tâm lý học trong việc tạo dựng và giám sát việc thực hành nghề theo các nguyên tắc đạo đức dựa trên những nguyên tắc và giá trị phổ quát của các nhà tâm lý đã được đề cập. Trong tương lai, cũng cần có sự tham gia của các Hiệp hội Tâm lý trong việc kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, cung cấp các khóa bồi dưỡng cập nhật kiến thức và là cơ quan đầu mối để cấp chứng chỉ hành nghề.

Có thể nói, vấn đề tâm lý là một trong những vấn đề nổi cộm của xã hội hiện đại với hàng loạt những cuộc khủng hoảng tinh thần đã và đang diễn ra, ở cả cấp độ cá nhân lẫn cấp độ tập thể. Do vậy, nhu cầu cần đến những nhà tâm lý là có thật. Nhưng không thể vì nhu cầu này mà những ai đó, bằng một cách nào đó lại tìm cách tự phù phép mình để trở thành "nhà tâm lý" một cách dễ dàng. 
Trần Thành Nam

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文