Hòa giải văn chương Việt qua suy tư của một nhà văn

04:26 15/05/2016
Bản lĩnh văn hóa là cuốn sách gồm các bài báo và tiểu luận của nhà văn Tô Nhuận Vỹ do NXB Tri thức ấn hành năm 2014. Tôi đọc một mạch với sự xúc động và hứng khởi. 

Xúc động vì cái TÂM sáng và thẳng thắn, bộc trực của tác giả, nên nhìn vấn đề gì cũng đúng đắn, sáng rõ. Hứng khởi vì những điều mà nhà văn đưa ra bàn luận là những vấn đề đang bức xúc của thế sự Việt, văn chương Việt. 

Đó là việc đánh giá các tác giả đổi mới, các tác giả đã từng làm việc với chế độ phong kiến hay với Pháp xưa, việc đổi mới và hội nhập của văn học Việt Nam, đặc biệt là việc hòa giải dân tộc trong sáng tác và hoạt động của các nhà văn Việt trong và ngoài nước, tức là hòa giải văn chương Việt… Anh bàn một cách rạch ròi, khí khái, có lý có tình, dù là những vấn đề “gay cấn”,”nhạy cảm”. 

Từ nhiều năm nay ở Huế, có nhiều đêm tôi đã lên nhà nằm nghe Tô Nhuận Vỹ đọc bản thảo tiểu thuyết mới, nghe anh kể về những ý định tương lai của mình, tôi đã nhận ra sự mới mẻ trong quan niệm và tư duy của anh. Anh mới đến mức đã tìm cách để đưa đoàn ca Huế sang Mỹ biểu diễn trong thời nước ta bị Mỹ cấm vận gắt gao. 

Anh là người đầu tiên “nối mạng thân thiện” với William Joiner Center - Đại học Massachusetts, từ đó “kết nối” Hội Nhà văn Việt Nam với trung tâm này trong quá trình hội nhập văn học Việt Nam vào Mỹ. Rồi anh đứng ra tỉ tê vận động để tỉnh Thừa Thiên Huế chấp nhận và dành những căn nhà sang trọng nhất để nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng từ Pháp về với Huế. 

Mới hơn là trong tư duy Tô Nhuận Vỹ khi anh là Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương. Anh đã làm cho tạp chí “tỉnh lẻ” này trở thành một tạp chí tầm cỡ quốc gia. Và tinh thần ấy, Tạp chí Sông Hương vẫn giữ vững đến bây giờ. 

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ.

Sách Bản lĩnh văn hóa đã dành phần lớn trang (154 trang) để bàn về “Nhà văn Việt Nam: Đổi mới và hội nhập”. Trong đổi mới và hội nhập ấy có việc nhà văn Việt trong nước và hải ngoại xích lại gần nhau hơn trong tư duy sáng tạo.

Tô Nhuận Vỹ luôn day dứt: ...“Làm sao để các nhà văn trong nước và các nhà văn gốc Việt ở nước ngoài có thể ngồi lại với nhau, để nói, để viết, để hoạt động, để bàn thảo tìm ra hướng đồng thuận, để hợp lực, hợp tâm vì mục tiêu vì sự hưng thịnh đất nước, hưng thịnh nền văn hóa Việt Nam?”. 

Trọng tâm cuốn sách là chuyên luận Nhà văn Việt Nam: Đổi mới và hội nhập là đề tài tham gia chương trình nghiên cứu của William Joiner Center - Đại học Massachusetts, Hoa Kỳ (2005-2007). Đọc chuyên luận này, có những ý kiến khác nhau từ hai phía. Nhưng theo tôi, đây là nghiên cứu sâu sắc, có tấm nhìn xa và... hay!

Mở đầu chuyên luận, nhà văn nhận định: "Văn học Việt Nam có vị trí cao trong xã hội và trong lòng người đọc ở vào thời gian chiến tranh. Nhưng nó đang đứng trước thách thức lớn buộc phải đổi mới mạnh mẽ, nếu không muốn tụt hậu”. Ai quan tâm tình hình văn học nước nhà trong gần 40 năm qua đều nhất trí với nhận định này. 

Theo Tô Nhuận Vỹ, văn học Việt Nam hiện nay có 2 nhiệm vụ lớn: “Tự do sáng tác và dân chủ hóa trong hoạt động văn học; góp phần vào hòa hợp, hòa giải dân tộc”. Những năm sau chiến tranh, do sự cấm vận, do sai lầm trong chỉ đạo kinh tế (cải tạo công thương nghiệp miền Nam, đổi tiền…), đất nước đứng bên bờ vực thẳm, không đổi mới sẽ chết. 

Trước tình hình đó, Đảng đã ra nghị quyết về đổi mới kinh tế như Khoán 10 trong nông nghiệp, phát triển kinh tế nhiều thành phần, hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO, ký kết Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ... 

Theo Tô Nhuận Vỹ, “Trong những năm xã hội đau đớn, vất vả để thoát hiểm này, đã có một “Giai đoạn oanh liệt của văn học Việt Nam””. Nhiều vấn đề về văn học và quản lý văn học nảy sinh. Xuất hiện nhiều tác phẩm gây chấn động dư luận.

Bản lĩnh văn hóa đã lên tiếng báo động: “Văn học trước nguy cơ tụt hậu”. Đây là phần chuyên đề tác giả viết rất hay, chính luận xen hồi ức, đối thoại, làm cho câu chuyện sinh động và thuyết phục. Thậm chí không nhìn thẳng vào sự thật này thì sự tụt hậu sẽ còn tụt dài và tụt xa nữa. 

Về chất lượng tác phẩm, trước Đại hội Nhà văn lần thứ 9 vừa qua, Nguyễn Duy nói: “Chúng ta đang có một thực tế văn chương rất mâu thuẫn. Những cái cũ kỹ giáo điều thì vẫn cũ kỹ giáo điều như cũ, người đọc chán rồi, không muốn tiếp nhận nữa. Mặt khác, lại xuất hiện những cái xa lạ, những cái u ơ, ú ớ, ù ờ thần kinh, người đọc không thể tiếp nhận nổi. Cả hai thái cực ấy làm người đọc vừa chán ngán, vừa lo ngại. Người ta ít quan tâm đến văn học đến mức tôi có cảm giác người ta chả cần nhà văn nữa”. 

Trước Đại hội Nhà văn 9, nhà thơ Hữu Thỉnh đã nói nhà văn đang “thiếu khát vọng sáng tạo để vượt qua các trở lực khách quan và trở lực trong chính mình”. “Thiếu khát vọng sáng tạo do đâu? Đó là dân chủ dành cho sáng tạo văn học đã thay đổi quá chậm“. Do đó “nhà văn vốn đã cô đơn, ngày nay càng cảm thấy cô đơn hơn trước dòng thác của các cuộc tìm kiếm lợi ích”. 

Bìa cuốn “Bản lĩnh văn hóa”.

Mấy chục năm nay có rất nhiều nhà văn, nhà văn hóa người Việt nổi tiếng ở hải ngoại vẫn viết truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, tiểu luận văn hóa... bằng tiếng Việt và chuyển về in ở các nhà xuất bản “nhà nước” ở trong nước như Nguyễn Mộng Giác, Khế Iêm, Đinh Cường (họa sĩ viết văn), Thu Tứ (Mỹ), Nguyễn Đức Tùng, Nam Dao (Canada), Cao Huy Thuần, Thuận (Pháp), Thái Kim Lan (Đức), Thường Quán (Úc)... 

Họ là những nhà văn yêu nước, hướng về cội nguồn. Nhưng cũng không ít nhà văn vẫn giữ thái độ chống Cộng, quay lưng lại. Vậy hòa hợp, hòa giải như thế nào? 

Sách Bản lĩnh văn hóa của Tô Nhuận Vỹ cho rằng: Các nhà văn trong và ngoài nước phải ngồi lại với nhau! Tô Nhuận Vỹ có lý khi nói thẳng quan điểm: “Đối với nhà văn Việt Nam, trước hết và quan trọng nhất trong việc mở rộng quan hệ quốc tế là giao lưu với các nhà văn, các nhà văn hóa, các nghệ sĩ người Việt đang sinh sống và hành nghề ở các nước trên thế giới. 

Mặt khác, làm được việc này thì, đội ngũ nhà văn Việt Nam sẽ đóng vai trò đi đầu, là chiếc cầu nối cho việc hòa giải, hòa hợp dân tộc, đặc biệt giữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài với đồng bào trong nước, do hoàn cảnh lịch sử, đã để lại một hố sâu ngăn cách, dị biệt chua xót sau chiến tranh. 

Cho nên phải nhận ra những cản trở để vượt qua khó khăn. Trắc trở đầu tiên là dòng văn học “trái chiều”. Rồi những chuyện kể cay đắng, đau xót, thê thảm, uất ức của những ngày ở trại cải tạo, cảnh phải vượt biên, chuyện con cái gặp trở ngại trong học tập vì lý lịch cha mẹ... 

Mà rất hiếm, quá hiếm hoi, những hiểu và biết về các địa ngục trần gian, những “chuồng cọp” đày đọa những người cách mạng và yêu nước ở sở thú Sài Gòn, Chín Hầm, Côn Đảo, Phú Quốc, về sự tan nát thê lương của hàng ngàn làng quê, thành phố, về những nỗi đau khủng khiếp của hàng triệu bà mẹ mất con, mất chồng “của phía bên kia” trong chiến tran...”.

Lại còn một thực tế thế này nữa: “Trừ đi số chống Cộng cực đoan khó nói chuyện, không hiếm trí thức Việt kiều cứ hễ nói đến chuyện trong nước, nói đến người cộng sản Việt Nam thì đều cho là ngu dốt, bảo thủ và tay sai ngoại bang!”.

Để “ngồi lại với nhau”, các nhà văn Việt trong nước cũng như hải ngoại, phải có suy nghĩ như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Ba mươi năm qua, có những bà mẹ ngày ngày thắp hương cho những người con của mình, người là chiến sĩ giải phóng đã hy sinh, người là lính của chế độ Sài Gòn đã tử trận. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cần thấu hiểu tâm tình của người mẹ Việt Nam, cùng thắp nén nhang cầu cho linh hồn của những người con của mẹ được siêu thoát...”.

Kết thúc chuyên luận, nhà văn Tô Nhuận Vỹ dẫn lời của giáo sư Cao Huy Thuần, một nhà văn Việt ở Pháp: “...Văn nghệ sĩ hãy làm đi, đừng chờ đợi ai khác. Tự mình mở ra không gian cho mình. Nếu đến bây giờ mà văn nghệ sĩ không cùng nhau để làm cái chuyện thông cảm nhau, “đọc nhau”, như anh đề nghị, thì chúng ta còn làm cái gì được nữa? Chuyện đó, Nhà nước coi bộ cũng muốn, cũng thấy cần thiết. Nhà nước đã muốn, anh sáng tạo ra bước đi, đó chẳng phải là chức năng của anh sao? Anh chờ ai?”.

Ngô Minh

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Đã gần 10 ngày trôi qua nhưng đến nay, người dân thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) chưa hết bàng hoàng trước cái chết của bà Sử Thu Nga (SN 1954), mà hung thủ là hai thiếu niên 13 tuổi ngụ cùng địa phương với nạn nhân.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an bắt quả tang Đặng Thị Ngọc Hiền (SN 1983) có hành vi mua bán số đề cùng với 8 người khác đang đánh bài ăn thua bằng tiền tại nhà lồng chợ ở xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文