Hoàng thân Triều Nguyễn đi tàu không số

23:36 31/07/2016
Con đường vận chuyển chiến lược bí mật trên biển chi viện chiến trường miền Nam 15 năm liền là một chiến công vĩ đại của cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh.


Tháng 2-1965 có 5 tàu không số đang hành trình trên biển Đông, nhưng chỉ có 3 tàu đưa được hàng vào Bạc Liêu an toàn, còn tàu sắt 176 và tàu gỗ 401 đi đến ngoài khơi Trà Vinh và Bạc Liêu, bị địch phát hiện, nghi ngờ, cho tàu chiến và máy bay bám rất sát, nên Sở chỉ huy lệnh cho quay trở lại miền Bắc.

Trên chiếc tàu sắt 176 do thuyền trưởng Phan Văn Dũng, chính trị viên Đỗ Văn Sạn chỉ huy ấy có một vị Hoàng thân Triều Nguyễn tên là Vĩnh Mẫn (Nguyễn Phước Vĩnh Mẫn). Cả đi và về mất hai tháng lênh đênh trên biển quốc tế, Hoàng thân say sóng nôn ra mật xanh mật vàng. Say, ngất rồi lại tỉnh, lại nói cười tán chuyện gẫu với anh em thủy thủ. 

Anh Vĩnh Mẫn có khoa nói, từng giảng dạy ở Trường Lục quân, từng bồi dưỡng cho 40 nghìn cán bộ miền Nam, nên nghe ông nói anh em rất thích thú. Năm đó Hoàng thân 34 tuổi...

Hoàng thân Triều Nguyễn mà đi tàu không số là chuyện lạ. Vâng, rất lạ, rất hy hữu. Sau 1954, những người Hoàng tộc Nguyễn tập kết ra Bắc vì sợ bị truy lý lịch “nhà Nguyễn bán nước” nên ai cũng bỏ hết những Nguyễn Phúc/ Phước, bỏ hết Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh.

Thời đó ở miền Bắc, lý lịch quan trọng lắm. Nhưng Vĩnh Mẫn không sửa họ. Những người làm công tác tổ chức quân đội, ai cũng biết anh là “Hoàng tộc Nguyễn” chính hiệu, rứa mà anh vẫn được đi tàu không số. Mà tàu không số là nơi bí mật tuyệt đối, chiến sĩ đi tàu phải chọn lý lịch rất gắt gao.

Sau khi trở ra Bắc, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị tin tưởng bổ nhiệm Vĩnh Mẫn vào chức vụ rất quan trọng là Trưởng ban Tuyên huấn ở một đơn vị tối mật và tối quan trọng:  Trưởng Ban tuyên huấn Đoàn 125 - tức Đoàn tàu không số. 

Tàu không số (ảnh chụp từ máy bay Mỹ).

Khi đã nghỉ hưu gần ba chục năm, trải bao biến động thời cuộc, Vĩnh Mẫn vẫn không quên đồng đội ở Đoàn tàu không số. Anh là người bôn ba kết nối để có được tổ chức Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển... Năm 2000, khi đã  ở tuổi “xưa nay hiếm”, anh vẫn lặn lội tàu xe vào miền Tây Nam Bộ để bàn bạc thống nhất giữa các nhóm “tàu không số” ở Đồng bằng Sông Cửu Long để bàn về cách thức tổ chức Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển...

Năm 2006, lại lúc cúc khăn gói ra Hà Nội, Hải Phòng gặp gỡ anh em thuyền trưởng và thủy thủ gạo cội. Mãi đến năm 2008, mới thành lập được Hội truyền thống... Vĩnh Mẫn tâm sự: “Phải lập ra Hội để gắn kết anh em cựu chiến binh tàu không số cả nước, đưa anh em ra công khai, chứ từ năm 1975 đến giờ, chẳng mấy ai tỏ tường trong cuộc chiến tranh chống Mỹ có một đoàn tàu không số gan góc anh hùng đến vậy”.

Nhiều nhà văn, nhà báo trong cả nước thân thiết với Vĩnh Mẫn. Nhờ anh cung cấp tư liệu mà nhà văn Đình Kính có sách Huyền thoại tàu không số, Ngô Minh có sách Cổ tích tàu không số, rồi VTV có phim về Đường Hồ Chí Minh trên biển... Nghĩa là Hoàng thân Vĩnh Mẫn là người dẫn chuyện để Đường Hồ Chí Minh trên biển, đoàn tàu không số ra công khai trước công luận thế giới năm 2011. Vĩnh Mẫn thuộc từng chuyến tàu, thuộc tính nết và hoàn cảnh gia đình từng thủy thủ.

Hỏi đến ai, anh cũng có thể nói về người ấy cả giờ đồng hồ. Anh biết thuyền trưởng Phan Vinh chơi với anh em rất đẹp nhưng trong công việc thì nguyên tắc và cũng rất hài hước, hóm hỉnh đầy “chất lính”.

Anh kể, trong một bức thư gửi cho người bạn thân của mình, ở mục “người gửi”, Phan Vinh đề “Người đứng đắn”. Phần người nhận, Phan Vinh đề  “Gửi lão...”  rất dí dỏm. Biết máy trưởng Huỳnh Năm Sao là một người gan lì, ngang tính; biết Hồ Đắc Thạnh điềm đạm mà quyết đoán...

Vĩnh Mẫn kể về tiêu chuẩn ăn của chiến sĩ tàu không số rất vui. Có lần Cục Hậu cần cử người đi theo tàu ra biển để xác định mức ăn cho thủy thủ tàu không số. Khi tàu ra khơi, ai cũng say sóng nghiêng ngả, chẳng ăn uống được gì, chỉ nhai rau muống sống để chống say. Nên khi về, hậu cần quyết định cho các chiến sĩ tàu không số ăn thoải mái, trên mức tiểu táo, “ăn như phi công”.

Có chuyến, thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy tàu chở vũ khí vào Bà Rịa. Biển động, sóng cấp 7. Tàu lắc đến nỗi, anh em nấu ăn phải cho màn vào nồi cháo để cháo đỡ sánh ra ngoài. Nấu 5 tiếng đồng hồ mới  chín được nồi cháo. Có lần anh em phải hai người đứng giữ quai chảo mấy tiếng để nấu cơm, vì sóng lắc, không giữ thì lửa không ở đít chảo, không giữ chảo cơm văng ra biển!

Hoàng thân Vĩnh Mẫn thuộc lịch sử Đoàn tàu không số đến nỗi, lúc đã 81 tuổi (tháng 4-2011), có nhà báo Đức nổi tiếng Hellmut Kapfenberger muốn viết về Đoàn tàu không số thời chống Mỹ, gửi yêu cầu đến muốn phỏng vấn lãnh đạo Lữ đoàn 125. Anh em Lữ đoàn đã gửi bảy câu hỏi của nhà báo Đức vào Huế cho anh. Anh điện thoại ra bảo anh em: “Mình không viết, mình sẽ nói kỹ về từng vấn đề qua điện thoại, bố trí máy ghi âm rồi ghi ra làm tư liệu mà trả lời cho họ...”.

Ông Vĩnh Mẫn (ảnh chụp năm 2010).

Thế là ông nói cả buổi sáng về Đoàn tàu không số đã bắt đầu như thế nào; vận tải trên biển có nguy hiểm hơn vận tải  trên núi không; làm thế nào để tàu chiến Mỹ không phát hiện ra những con tàu... Anh nói to và thời gian dài đến nỗi bà vợ người Hà Nội Nguyễn Thị Quế lo quá phải cầm lọ thuốc huyết áp ra đứng bên để “canh chừng sức khỏe”. 

Sở dĩ tôi gọi  anh  là Hoàng thân  là  bởi lý lịch gốc của anh vẫn ghi rõ tên là Phan Thắng (tức Vĩnh Mẫn), sinh năm 1931, là chắt nội của vua Hiệp Hòa, vị vua thứ 6 của Triều Nguyễn.  Bố anh là Hoàng thân Bửu Trác, một vị đại thần, Thống chế nhất phẩm triều đình, là con của Hoàng tử trưởng Ưng Bác, được coi là người kế vị ngôi vua, lại là một người kháng Pháp.

Ông Bửu Trác đã đòi phế truất Bảo Đại khi vua Khải Định vừa trút hơi thở cuối cùng. Vì thế ông bị bắt, bị tước hết chức tước, tôn tịch, bị đày lên nhà tù Lao Bảo. Sau đó ông được ân xá. Triều đình Huế mời ông ra tham chính, nhưng ông từ chối vì không thể công tác với một Triều đình bị thực dân Pháp “quản thúc”…

Các con cụ Bửu Trác như Vĩnh Tập, Công tằng Tôn nữ Băng Tâm, Vĩnh Mẫn đều theo Việt Minh rất sớm. Chị Băng Tâm hoạt động trong đường dây của Thành ủy Huế, trên đường công tác lên chiến khu bị địch bắn, hy sinh năm 1951.

Vĩnh Tập ở Trung đội 9, đơn vị đặc biệt của Tiểu đoàn Tiếp phòng quân Thuận Hóa. Đêm 2-1-1946, Trung đội trưởng Nguyễn Mạnh Giao và Chính trị viên Vĩnh Tập đã dẫn phân đội  9 gồm 17 chiến sĩ tấn công quân Pháp cố thủ trong nhà hàng Chaffanjon (số 5 đường Hà Nội, Huế bây giờ).

Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra vô cùng ác liệt. Trung đội cảm tử quân Vệ Quốc Đoàn đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Và các anh đã tự nổ mìn đánh sập ngôi lầu trước khi rút. Nhưng đã bị giặc Pháp phun xăng thiêu cháy.

Năm 1992, khi đào móng xây nhà trên đường Hà Nội, người ta đã tìm thấy 17 bộ hài cốt cùng các kỷ vật Trung đội cảm tử quân 9, trong đó có khẩu súng lục ru-lô và con dao găm của anh Vĩnh Tập thường mang khi chiến đấu….

Phùng Quán và Vĩnh Mẫn thân nhau lắm, Hai người trong đội thiếu niên liên lạc trinh sát. Sau khi quân ta đánh trận Hồ Thành (Trường Nguyễn Huệ, đường Đinh Tiên Hoàng, Huế bây giờ), quân Pháp phản công dữ dội. 

Một số trinh sát thiếu niên bị Pháp bắt, trong đó có Phùng Quán. Do các trinh sát còn nhỏ tuổi, nên địch không giam tù mà quản thúc bốn tháng ròng, bằng cách cho đi lau nhà, quét nhà, quét đường, đưa cơm cho tù nhân. 

Nhờ đó anh em liên lạc được với cơ sở bên ngoài và chị em tiểu thương ở chợ Đông Ba. Bà con cho nhiều bánh trái, gạo, cơm, áo quần. Nhờ thế những người tù trinh sát thiếu niên ấy đã gửi nhiều lương thực, quần áo tiếp tế cho chiến khu. Phùng Quán thương bạn ở chiến khu Hòa Mỹ nên đã chọn một chiếc áo sơmi cũ, tay măng-sét, vải thô, màu vàng gửi riêng cho Vĩnh Mẫn.

Ở chiến khu Hòa Mỹ những năm đó đời sống bộ đội cơ cực lắm. Khi nhận được tấm áo cũ Phùng Quán từ nội thành Huế gửi lên, Vĩnh Mẫn xúc động lắm. Khi kể với tôi về chiếc áo màu vàng ấy, anh bảo: “Đến giờ mình còn cảm nhận được mùi vải thơm của nó!”.

Năm 1984, gặp lại nhau ở Hà Nội, Phùng Quán đã viết tặng Vĩnh Mẫn bài thơ Tấm áo cũ. Anh cất giữ bài thơ như một báu vật đời mình: Tấm áo cũ tôi chia cho anh/ Ba mươi năm trước từ ngày nhỏ dại ở chiến khu/…/ Tôi chia cho anh/ Anh vẫn không quên…

Năm 1948, Vĩnh Mẫn mang tên là Phan Thắng và được kết nạp vào Đảng. Năm 1951, Phan Thắng được phân công Nam tiến cùng với 139 cán bộ Liên khu 4. Hồi đó chưa có đường Trường Sơn, giao liên gì cả. Tất cả phải đi bộ mò mẫm đường rừng, xin cơm gạo nhân dân mà ăn. Đào củ chụp mà sống. Tám tháng trời mới vào đến miền Đông Nam Bộ.

Vào tới nơi, anh làm chính trị viên trưởng Đại đội. Đại đội Việt Minh vùng Mỏ Vẹt, Svay Riêng, Tây Ninh, sau đó về Sa Đéc, Tây Nam Bộ. Đại đội của Phan Thắng còn phục kích đánh cả đại đội kỵ binh Pháp với 78 con ngựa trên đất Campuchia. Chính trị viên Phan Thắng thường nói vui với anh em, mình từng ăn bồ hốc của Miên, mắm ba khía Nam Bộ, rồi xuýt xoa khen ngon, từng đóng đảng phí bằng măng le... nên được dân tin yêu lắm.

Năm 1954, anh tập kết ra Bắc. Năm 1965, anh được Tổng cục Chính trị phân công làm Trưởng ban Tuyên huấn D125 như trên đã kể. Năm 1973, anh là Chính ủy Hải Quân của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, đóng ở Cửa Việt...

Vĩnh Mẫn phân tích về hiệu quả đường Hồ Chí Minh trên biển rất thấu đáo. Anh bảo, trong quân sự, người ta tính hiệu quả của một trận đánh bằng hai yếu tố: Thứ nhất, thực hiện được mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Thứ hai là số thiệt hại về con người và phương tiện ít nhất. Xét trên hai góc độ đó, Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường hiệu quả nhất!

Ngô Minh

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文