Khi “con bạch tuộc” IS vươn vòi đến Đông Nam Á

09:11 18/09/2016
Thời gian gần đây, Đông Nam Á đang dần trở thành mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tăng cường hoạt động tại khu vực này.

Cho đến nay, cuộc chiến chống khủng bố của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chủ yếu diễn ra ở khu vực Trung Đông. Thế nhưng, hoạt động khủng bố tiếp tục có nhiều biểu hiện khó lường và không giới hạn ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới. 

Thời gian gần đây, Đông Nam Á đang dần trở thành mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tăng cường hoạt động tại khu vực này. IS nhận trách nhiệm trong các vụ khủng bố tại một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia và Indonesia, đe dọa sẽ còn tổ chức nhiều vụ tấn công khác.

Đông Nam Á trở thành một điểm "nóng" chiêu mộ chiến binh của IS. Khoảng 15% trong số 1,57 tỷ tín đồ Hồi giáo của thế giới đang sống ở Đông Nam Á. Điều này đã dẫn đến lo ngại rằng những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ dễ dàng truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo chân chính đi vào con đường khủng bố. 

Thêm vào đó, sức mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội có thể giúp IS tăng nhanh dòng binh sĩ đến từ các quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á. Không dừng lại ở âm mưu tấn công, IS còn đang mưu tính thành lập một "Nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á".

Mở rộng lãnh địa

Trong hơn 11 tháng qua, liên quân Mỹ đã "xóa sổ" khoảng 45.000 tay súng IS khỏi cuộc chiến. Quân số còn lại của IS ước tính 15.000 - 30.000 tay súng, và tổ chức này đang ngày càng khó bổ sung thêm quân. 

Chiến binh IS ở tiền tuyến đã giảm cả về số lượng và chất lượng, đó là nguyên nhân khiến lực lượng này bị đánh bật khỏi các vùng lãnh thổ từng chiếm đóng tại Syria và Iraq. 

Trong bối cảnh ấy, Trung Đông giờ đây không còn là địa bàn lý tưởng với IS. Vì vậy, tổ chức này cần có một địa bàn mới để "đứng chân". Chúng phải có một vành đai thứ hai của cuộc xung đột - đó là những quốc gia láng giềng của chúng, hoặc vành đai thứ ba là Đông Nam Á.

Thực tế, IS đã nhắm đến việc "tạo nhánh" ở Đông Nam Á từ lâu, bắt đầu từ Malaysia và Philippines, sau đó lan sang Singapore và nhiều nước khác. Dường như các nhóm IS ở Đông Nam Á đang có kế hoạch gắn kết các cuộc tấn công trong khu vực. 

"Con bạch tuộc" IS càng ngày càng lộ rõ ý đồ mở rộng lãnh địa sang Đông Nam Á.

Đáng lo ngại nhất là Malaysia, Philippines và Indonesia - những nước có đa số người dân theo đạo Hồi. Trong bối cảnh ngày càng phải hứng chịu nhiều tổn thất đáng kể ở Syria, các thủ lĩnh của IS buộc phải tìm kiếm địa bàn hoạt động mới và chúng muốn tấn công khủng bố ở Đông Nam Á để quảng bá thương hiệu và thu hút các phần tử cực đoan tại đây.

Các nhà lãnh đạo và người dân Đông Nam Á có nhiều lý do để lo ngại trước hành động của IS bởi nguy cơ lan truyền ảnh hưởng của IS ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan hay Philippines là có thật khi đã có hàng nghìn phần tử cực đoan ở các quốc gia này tuyên thệ trung thành với IS thông qua mạng Internet. Đó là chưa kể nhiều tổ chức khủng bố và các nhóm cực đoan đang hoạt động mạnh trong khu vực như Abu Sayyaf ở Philippines. 

Bên cạnh đó, ước tính có 700 người Indonesia và 100 người Malaysia đang tham chiến trong hàng ngũ của IS tại Trung Đông. Trên thực tế, nhóm 6 đối tượng bị Indonesia bắt giữ thời gian qua cũng được cho là có liên hệ với Bahrun Naim, phần tử người Indonesia đang chiến đấu cho IS tại Syria và là kẻ chủ mưu loạt vụ tấn công ở thủ đô Jakarta hồi đầu năm 2016. 

IS tự xưng là một trong những phong trào tôn giáo cực đoan man rợ nhất trong lịch sử, với các chân rết đã lan xa và trên diện rộng. Điều đáng sợ là IS đang thúc giục những người cảm tình chúng ở khu vực Đông Nam Á cầm vũ khí trong khi vẫn hoạt động chủ yếu tại Syria và Iraq. 

Mới đây, một đoạn phim của IS đã hô hào các tín hữu cộng tác với các chiến binh của tổ chức này tại nhiều điểm nóng ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ở miền Nam Philippines, nơi nhóm này đang chiến đấu để thiết lập một vương quốc Hồi giáo. 

Được phát đi bằng các thứ tiếng Bahasa Malay, Tagalog và tiếng Anh, đoạn phim này còn nhắm đến những người ủng hộ IS ở Đông Bắc Malaysia, Aceh và Sulawesi ở Indonesia, Brunei và miền Nam Thái Lan.

IS tiếp tục cảnh báo Malaysia, Philippines và Singapore nằm trong số những mục tiêu tấn công tiếp theo. 

Theo các chuyên gia phân tích an ninh, khu vực Đông Nam Á có thể sẽ sớm chứng kiến các cuộc tấn công tàn sát như kiểu vụ tấn công khủng bố gần đây tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và Paris (Pháp), và thậm chí một thảm kịch kiểu như vụ 11/9 tại New York là hoàn toàn có thể xảy ra. Dù điều này thật kinh khủng, song khả năng xảy ra các vụ tấn công khủng bố quy mô lớn và đẫm máu tại khu vực Đông Nam Á do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng thực hiện chỉ còn là vấn đề thời gian và địa điểm.

Không thể "miễn dịch" với khủng bố

Sự lo lắng của các nước Đông Nam Á là đương nhiên  khi "con bạch tuộc" IS càng ngày càng lộ rõ ý đồ mở rộng lãnh địa. Số lượng chiến binh Indonesia và Malaysia của IS nhiều đến nỗi những phần tử này tự thành lập một lực lượng mang tên "Đơn vị chiến đấu quần đảo Malaysia".

Trong khi đó, nhiều nhóm thánh chiến ở Đông Nam Á đã tuyên thệ trung thành với IS. IS từng tuyên bố muốn thành lập một tỉnh thuộc "Nhà nước Hồi giáo" ở Đông Nam Á. Đây là ý tưởng hão huyền, nhưng tổ chức có thể lợi dụng một số vùng mà chính phủ các quốc gia không thể quản lý để thành lập căn cứ trước khi mở rộng hoạt động tuyển mộ và vạch kế hoạch tấn công ở nước sở tại. Viễn cảnh đó có thể dẫn tới hiểm họa nghiêm trọng đối với toàn bộ Đông Nam Á.

Những phiến quân đang lên kế hoạch thành lập "chi nhánh chính thức" của IS tại Đông Nam Á bằng cách ghép các nhóm khủng bố ở Malaysia, Indonesia và Philippines.

Chưa hết, những phiến quân Malaysia ẩn náu ở miền nam Philippines đang lên kế hoạch thành lập "chi nhánh chính thức" của IS tại Đông Nam Á bằng cách ghép các nhóm khủng bố ở Malaysia, Indonesia và Philippines - bao gồm nhóm Jemaah Islamiah và Abu Sayyaf. 

Các chiến binh muốn thành lập lực lượng khủng bố đa quốc gia do chúng không thể tồn tại nếu chỉ dựa vào sự ủng hộ từ những nước riêng lẻ. Nhiều người vẫn nghĩ IS đấu tranh cho quyền của tín đồ Hồi giáo, song sự trỗi dậy của chúng liên quan tới bất công xã hội, chênh lệch về thu nhập, sự áp bức chính trị và nhiều lý do khác.

IS đang dùng tôn giáo để biện minh cho động cơ của chúng. Một số thanh niên tôn thờ chủ nghĩa khủng bố do lạc lối về tư tưởng; họ đang ở giai đoạn tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống và vô tình gặp chủ nghĩa khủng bố. Họ để tư tưởng cực đoan ngấm sâu dần vào tâm trí, và khi xã hội phát hiện ra tình trạng ấy thì họ đã không thể trở lại trạng thái trước đây.

Nhận thức rõ mối đe dọa hiện hữu từ IS, các nước Đông Nam Á đang cùng nhau tìm cách đối phó nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, an ninh và sự phát triển chung của khu vực. Giờ đây, khủng bố đã trở thành mối đe dọa thế giới và không có quốc gia nào là miễn dịch với các mối đe dọa của khủng bố. 

Tình trạng bất ổn chính trị, ý thức hệ cực đoan, hoạt động sử dụng mạng xã hội và sự gia tăng các nguồn tài chính phi pháp là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các vụ tấn công khủng bố trên toàn cầu. Bên cạnh đó, việc các tay súng IS "hồi hương" là một yếu tố góp phần dẫn tới hiện tượng "những con sói đơn độc" - một thách thức mới cần phải lường trước trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong bối cảnh IS đã vươn "vòi bạch tuộc" tới tận Đông Nam Á, tại các hội nghị diễn ra ở Bali (Indonesia) vừa qua, các quốc gia tham dự đã nhất trí về biện pháp nhằm triệt tận gốc bạo lực, gồm phát hiện sớm và ngăn chặn các nguồn tài chính nuôi dưỡng khủng bố. 

Các nước cũng đạt được sự đồng thuận trong đánh giá rủi ro khủng bố trong khu vực, đồng thời tập trung thảo luận các biện pháp ngăn chặn nguồn tài trợ cho khủng bố và các trang mạng độc hại truyền bá tư tưởng cực đoan, tuyển mộ, kết nối và lập kế hoạch khủng bố. 

Bên cạnh đó, các nước Đông Nam Á cần nỗ lực phối hợp để loại bỏ cả nền tảng và tư tưởng của IS lẫn những hoạt động cùng ý thức hệ liên kết với tổ chức khủng bố này.

Việc Đông Nam Á đang trở thành mục tiêu để IS phát triển các cơ sở mới sẽ đặt ra những thách thức vô cùng to lớn đối với các nước trong khu vực và vấn đề cấp thiết là các nước Đông Nam Á cần đẩy mạnh hợp tác chia sẻ tình báo theo một lộ trình bền vững để đối phó mối đe dọa này. 

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của IS có thể sẽ chưa "gây đại họa" cho Đông Nam Á nhưng sự chuẩn bị hành động là cần thiết để ngăn chặn hậu họa trong tương lai. Cảnh giác không bao giờ thừa…

Minh Thy

Ngày 27/4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức, hoạt động “Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 đối tượng. Kết quả điều tra xác định, các đối tượng đã trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 công ty ma nhằm mở tài khoản công ty phục vụ hoạt động phạm tội, với tổng giao dịch hàng chục ngàn tỷ đồng…

Sau thời gian theo dõi, ngày 12/4/2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang nhóm đối tượng do Tăng Khải Văn (sinh năm 1988, trú tại quận 10) cầm đầu đang tổ chức đánh bạc qua mạng, dưới hình thức cá độ bóng đá.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) chiều nay (27/4) cho biết, trong hành trình truy bắt 3 đối tượng người nước ngoài gây án cướp tài sản có tổng trị giá gần 700 triệu đồng, các trinh sát hình sự phát hiện còn có 1 đối tượng đồng phạm khác cũng là người nước ngoài, nên đang khẩn trương truy lùng.

Quá trình kiểm tra, đối tượng khai nhận đang cất giấu trong người 1 khẩu súng ngắn, trong súng có chứa 4 viên đạn  với mục đích mua về để sử dụng phòng thân và hiện đang cất giấu ma tuý đá, heroin, hồng phiến tại chỗ ở của hai vợ chồng.   

Chiều 27/4, Trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng Công an huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam theo đường mòn, lối mở trái phép trên tuyến biên giới huyện Hướng Hóa, nên xây dựng phương án đấu tranh, bắt giữ.  

Sau nhiều tháng trì hoãn, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự trị giá gần 61 tỉ USD cho Ukraine. Ngay sau đó, Vương quốc Anh và nhiều nước châu Âu đồng loạt lên tiếng “hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine” nhằm giúp nước này phòng thủ trước Nga. Giới chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu 61 tỉ USD có đủ cho Ukraine không?

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với nguồn tin từ người dân cung cấp, lực lượng Công an đã khẩn trương truy bắt nhanh gọn 3 người nước ngoài đã đột nhập cửa hàng kinh doanh điện thoại ở phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) để cướp tài sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文