Một ấn phẩm - Một tấm lòng của mùa xuân

14:30 14/02/2008
"Ngẫu hứng thơ - nhạc - họa" - Một tuyển tập nặng trĩu trên tay ta cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một tuyển tập thấm đẫm mồ hôi và rất nhiều nước mắt. Một tuyển tập của những vật vã, khổ đau và ứa máu trong trận chiến đấu vì cái Đẹp...

Tôi thật sự xúc động khi được viết lời tựa Tuyển tập "Ngẫu hứng thơ - nhạc - họa" của Thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước chuẩn bị xuất bản.

Tự hỏi thơ ca, âm nhạc rồi hội họa đã đến với anh từ bao giờ? Tôi đồ rằng mọi thứ đến với anh rất sớm. Không phải anh cố tình hay mất công tìm đến với nó, mà chính là nghệ thuật đã chủ động tìm đến với anh hết sức tự nhiên, tự nguyện để giúp anh tự khám phá chính mình:

Tôi là một con người
Tôi lúc khôn lúc dại
Tôi lúc tỉnh lúc say
Duy có một tấm lòng
Tôi cho đời tất cả.

Một tuyển tập nặng trĩu trên tay ta cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một tuyển tập thấm đẫm mồ hôi và rất nhiều nước mắt. Một tuyển tập của những vật vã, khổ đau và ứa máu trong trận chiến đấu vì cái Đẹp. Tôi cần phải nói kỹ như vậy, vì rất sợ sẽ bị ai đó hiểu lầm bởi tấm chân dung và nụ cười tươi tắn của người nghệ sĩ in ở trang đầu cuốn sách này.

Hữu Ước muốn cất đi, muốn giấu đi tất cả những điều cơ cực và nhọc nhằn riêng tư ấy. Anh chỉ có tâm nguyện muốn dâng tặng mọi người một ấn phẩm của niềm vui, một ấn phẩm của sáng tạo, một ấn phẩm của mùa xuân, một ấn phẩm màu hoa đào.

Nhưng ác nghiệt thay! Thơ ca lại là quê hương duy nhất của tâm hồn, lại là nơi người thi sĩ hiện hình ra rõ nhất, dù chỉ thoảng qua trong một "Tiếng đêm" tưởng như rất thơm nồng, tưởng như rất dịu êm:

Đêm đọng lại
Tiếng thở dài
Âm thầm bên đường vắng
Của những mảnh đời đơn côi
Không nhà không tổ ấm.

Thơ thế sự của Hữu Ước không hề dịu êm, dù anh rất muốn dịu êm. Nhiều lúc anh muốn vui, nhưng lại không thể nào vui được! Bài thơ "Tiếng đêm" khép lại trong những câu chữ không thể chân thành hơn được nữa, khiến chúng ta không khỏi rưng rưng nước mắt:

Rồi đêm lại chìm trong vắng lặng
Hay chăng chỉ có mình tôi
Bên chai rượu cạn
Và bài thơ dở dang
Ngoài trời sương đang rắc phấn

"Tôi mong hoa quỳnh nở
Để tiếng đêm không buồn"

Tôi nghe lòng mình đắng đót trước những câu thơ giản dị ấy. Bởi vẻ đẹp tinh khiết của trái tim nhân hậu, bởi tình yêu đắm đuối nhà thơ dành cho cuộc đời. Và tôi thấy hổ thẹn cho những ai cứ loanh quanh với những buồn thương vơ vẩn nhỏ bé lệ thuộc vào một ai đó trong một không gian bé nhỏ vẩn vơ.

Những buồn thương ấy có thể khiến tôi và bao người như tôi, hằng mong cả thế giới, cả đất trời, cả cỏ cây và những người hạnh phúc hớn hở kia phải xem lại theo lòng mình, theo cái cách "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"…

Nhưng người thơ Hữu Ước không nghĩ thế!

Trái tim yêu thương ông dành cho cuộc đời đã gọi lên câu thơ thao thiết của "Tiếng đêm", sau hết thảy những trở trăn đau đáu, bên một chai rượu cạn và bài thơ dở dang. Câu thơ thao thiết về một đóa quỳnh lặng lẽ. Với khao khát những cánh mỏng đang ngủ kia hãy tỏa hương. Để tiếng đêm không buồn! Để cái Đẹp cứu chuộc không gian trăn trở này, cứu chuộc thế giới âu lo này.

Nỗi đau ơi xin hãy lặng trong ly rượu, những trống trải xin ở lại trên bài thơ dang dở, nỗi buồn nhà thơ xin giữ lại với mình thôi. Đừng để nỗi buồn làm đêm xao động, hãy cứ để cuộc đời tươi đẹp thế! Bởi nhà thơ xin gánh trọn nỗi buồn cho cuộc sống nở hoa.

Nếu không phải là một cây bút có hồn có cốt thực sự, thì làm sao anh lại có thể viết ra được những câu thơ lạ lùng đến thế này trong ngày sinh của mình:

Tôi đừng bao giờ là những vì sao
Tôi càng không muốn tôi là hoa thơm cỏ lạ
Cũng không là bầu sữa thơm hay dòng nước mát
Tôi chỉ muốn tôi chẳng là gì cả
Dù chỉ là hạt cát giữa vạn ngàn hạt cát
Đừng là gì… đừng là gì
Thế có phải không?

Với thơ ca, mỗi câu hỏi đều ngầm chứa ở trong đó một câu trả lời! Nhưng với câu hỏi trên, tôi không trả lời được, bạn đọc không trả lời được và tác giả cũng không trả lời được. Những “tự vấn” này, thêm một lần nữa làm cho tôi tin anh là thi sĩ đích thực.

Bên cạnh mảng thơ ca thế sự, khá thành công trong cách cấu tứ vững chắc đến quyết liệt cùng với ngôn ngữ hàm súc mà gợi mở như các bài: "Cho và nhận", "Ngày xuân nghe tiếng chuông chùa", "Vịnh cây mai", "Khóc cười và lặng im", "Đêm không ngủ", "Chiếc ghế", "Niềm tin"… trong Tuyển tập này, Hữu Ước còn bất ngờ cho trình làng một loạt các bài thơ tình không biết anh làm từ bao giờ, làm ở đâu và làm cho ai, vì ai?

Đó là những câu thơ thổn thức và run rẩy. Rõ ràng là thơ đã được in lên sách hẳn hoi, mà ta vẫn có cảm giác là đang đọc trộm hay đọc lén những dòng nhật ký, những dòng "Chợt nghĩ" của một trái tim:

Anh như con vẹt đơn côi
Đêm đêm ôm cây gỗ ngủ
Anh chỉ muốn đêm dài có ma đến bắt
Ma là em, là em
Chứ không phải là ai.
Nhưng anh sợ nhất tâm hồn em khô lạnh
Tính toán thiệt hơn giữa xác và hồn.

Một trái tim "Trong lồng ngực yếu gầy", một trái tim "Đã bao lần ứa máu", một trái tim "Với bao lần yêu là bao lần dại" - Một trái tim tràn đầy kiêu hãnh cả trong những lúc khốn cùng nhất và "Vô đề" nhất của tình yêu:

Anh đã sống trong tình yêu vật vã
Của con thuyền trên sóng chết lặng im.

Quả là tôi đã quá sửng sốt bởi hai câu thơ này! Gói gọn trong đó là Sống và Chết, là Vật vã và Lặng im. Con sóng có thể lặng im, nhưng thơ tình của Hữu Ước chắc chắn là không chịu lặng im:

Ai bảo tình là bể khổ
Tôi bảo tình là sợi dây
Buộc mỗi ngày mỗi chặt
Buộc mỗi ngày mỗi đau
Xoắn cuộc đời ta lại
Để làm nên con người...

Khi nhà thơ Phạm Tiến Duật ra đi trong nỗi xót xa và thương tiếc của bao người, có lẽ những câu thơ buồn nhất, hay nhất và thấm thía nhất để tiễn biệt "Nhà thơ của Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" là thuộc về Hữu Ước:

Và cho tới hôm nào trên giường bệnh
Tôi thấy anh vẫn muốn nắm cầm đôi bàn tay của một người con gái
Hạnh phúc lóe lên như thuở nào với "vầng trăng quầng lửa"
Như ngọn "lửa đèn thắp sáng đêm đêm"
Nhưng giữa thời bình, tôi thấy anh lạc lõng
Của một thi sĩ dại khờ giữa thế giới người khôn.

Hóa ra Hữu Ước hiểu rất rõ và biết rất rõ sức mạnh của thơ ca. Đã có lần anh thốt lên: "Thơ ca là rượu, là thiêng liêng!". Qua 36 bài thơ ở trong tuyển tập này, bạn đọc dễ dàng nhận thấy là anh đang đi tìm cho nàng thơ của riêng mình sức mạnh đó. Tôi cầu chúc và tin tưởng là anh sẽ tìm được.--PageBreak--

Bây giờ trước mặt tôi là 9 ca khúc của Thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước. Tôi có may mắn là được nghe tất cả những bài hát này, trong những hoàn cảnh khác nhau và những giọng hát khác nhau, kể cả giọng hát của chính tác giả. Có ai đó đã từng nói, âm nhạc chỉ thực sự lên tiếng khi người nhạc sỹ đã buông tay ra khỏi cây đàn.

Giờ đây, khi đang ngồi viết những dòng này, bên tai tôi vẫn còn nghe văng vẳng những giai điệu của anh đang vọng về. Đó là giai điệu chậm rãi, nghe như một lời tâm sự của "Mẹ tôi". Đó là giai điệu hào sảng và phóng khoáng vang lên tưng bừng trên "Vỉa hè Hà Nội".

Đó là giai điệu mênh mang, cồn cào như sóng vỗ bay lên cùng với muôn vàn "Tiếng đêm". Đó là giai điệu thiết tha pha lẫn nuối tiếc, nghẹn ngào được gửi gắm theo "Lời hò hẹn cuối cùng". Đó là giai điệu vu vơ như nỗi buồn, lãng đãng như giọt mưa thu rơi xuống giữa vòng đời của những đoạn trường "Phiêu diêu".

Đó là giai điệu dạt dào của chờ mong khi mà "Em vẫn đợi" qua bao mùa mưa nắng, đợi qua biển gầm gào và đất lặng câm dù chẳng ai trả lời. Đó là giai điệu rộn ràng, trinh khôi trong tiếng gọi trìu mến "Bé ơi!" của người nhạc sỹ: "Bé cứ hồn nhiên đi! Bé bé là bé ơi! - Bé là hoa của đất. Bé là hoa của trời - Bé ơi là bé...".

Và đặc biệt, giai điệu vút lên qua giọng hát như xé ruột của ca sỹ Thái Bảo trong bài "Lời ru cỏ non" khiến bao người nghe phải thầm lau nước mắt: "Con của mẹ nằm đây, con của mẹ nằm đây, đồng đội con nằm đây - Hiu hiu gió thổi trưa hè mãi không đỏ nổi đầu que hương buồn... Gánh buồn thương nặng một vai, thương con lòng mẹ cơn mưa lại về - Nhớ con lòng mẹ cơn mưa lại về - Cơn mưa lại về...".

Âm hưởng chủ đạo trong các ca khúc của Hữu Ước bao giờ cũng là một dư vị sâu lắng, rất sâu lắng. Người nhạc sỹ này chỉ cất lên tiếng hát khi thấy cần phải hát, rất tự nhiên và không một chút gò bó. Cũng bởi thế, người nghe rất dễ xúc động cùng với anh và rất dễ hát lên cùng với anh.

Đó là tiếng lòng của một con người đã hòa lẫn vào được tiếng nói của muôn người: "Tuổi thơ mẹ ở đâu, tuổi trẻ mẹ ở đâu? - Con nào có biết, chỉ biết rằng mẹ thường khóc trong đêm... Mẹ ơi nơi nào mưa, nơi nào nắng - Nắng mưa là chuyện của trời, thương con mẹ chấp cả trời bão giông...".

Phần ca từ của Hữu Ước bao giờ cũng đẹp, không phải là vẻ đẹp của kim cương hay đá quý - mà là vẻ đẹp được chắt ra từ nước mắt, vẻ đẹp của sự Cần lao. Khi các nhà thơ nhờ anh phổ nhạc để chuyển thành ca khúc, mọi người đều tỏ ra mãn nguyện khi được anh nâng lên và hòa đồng hòa nhịp tiếng thơ của họ cùng với tiếng đàn của anh.

Khi nghe nhạc Trịnh Công Sơn, tôi hình dung ra một con ngựa đang tung bốn vó cô độc chạy về với bến sông xưa. Còn khi nghe nhạc của Hữu Ước, tôi nhìn thấy hình ảnh một con thuyền đang phăng phăng lao đi giữa mặt biển đầy những tiếng thở than, đầy những bão tố của ngày hôm nay.

Nếu anh Trịnh Công Sơn còn sống, nếu anh Phạm Tiến Duật còn sống, chắc chắn là bốn chúng ta đã đang ngồi bên nhau... Nhưng cuộc đời chả bao giờ được trọn vẹn! Nói điều này một cách thẳng thắn, không hiểu có làm cho Thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước buồn không? Cây đàn của anh, đã và đang vượt lên Nàng Thơ của anh rồi đấy!

Hữu Ước lại còn vẽ nữa - tên gọi các bức tranh của anh, nghe như tên gọi của các bài thơ: "Thân cò", "Vòng đời", "Cây đời", "Thân già", "Sự tĩnh lặng của núi", "Lạc đàn", "Phân cực", "Vũ điệu người và quỷ", "Hoa dại", "Hoa khôn", "Đất cháy", "Bụi mặt trời", "Sự mất ngủ của lửa", "Thuyền và biển", "Đơn côi", "Sữa mẹ"…

Và nếu được anh tặng, tôi sẽ chọn ngay ba bức tranh mà không cần suy nghĩ - đó là ba bức: "Thân cò", "Thân già" và "Lạc đàn". Ở ba bức tranh này, họa sĩ Hữu Ước không vẽ mà "làm thơ" bằng đường nét và màu sắc. Tôi đã xem tranh của anh bằng mắt, sau đó thì nhắm mắt lại để xem bằng trái tim. Và cảm nhận được một điều: Tranh của anh, còn buồn hơn cả thơ của anh.

Đó là một nỗi buồn có thể hiển hiện ngay trước mặt, một nỗi buồn có hình có khối, một nỗi buồn có thể sờ mó được… nhưng lại không thể cất giấu vào đâu được! Thật trớ trêu, Hữu Ước định dùng những khung tranh làm nơi ẩn nấp cuối cùng của một con tằm sau khi đã rút hết ruột, nhả hết tơ - nhưng cũng chính tại nơi đây, lại là nơi anh không thể ẩn nấp.

Tất cả hồn nhiên phơi bày ra bằng hết: Tại sao con cò xác xơ kia lại có đến bốn, năm chân? Hay là nỗi bần hàn, đói khổ của người dân mà chúng ta vẫn chưa xóa đi hết được? Biết bao mảnh đời cơ nhỡ, đang cần rất nhiều bàn tay nhân ái đưa ra để nâng đỡ! Lại nữa, không ai chống chọi lại được với thời gian, tất cả chúng ta rồi sẽ đều già và rồi sẽ đều chết!

Đó là quy luật tất yếu của tự nhiên. Nhưng tại sao hòa sắc của bức tranh "Thân già" lại êm ả đến thế, bao dung đến thế? Ba cánh chim kia bay về đâu? Ba cánh chim mà sao vẫn "Lạc đàn"? May mắn là người xem vẫn còn nhìn thấy một doi cát buông ngang như một tiếng thở dài! Có những điều rất thực, quá thực lại phải nhờ tới bút pháp siêu thực mới diễn tả hết ra được, tái tạo hết ra được.

Tôi không phải là một họa sĩ, cũng không phải là một nhà phê bình tranh chuyên nghiệp. Nhưng với tư cách cá nhân, tôi có quyền đưa ra điều tiên đoán của mình: "Rồi đây, tranh của Hữu Ước sẽ lại vượt lên nhạc và cả thơ của Hữu Ước!".

Người ta chỉ có thể vẽ, khi trong lòng và trong tim đã có một cái gì đấy! Hữu Ước còn có rất nhiều những "cái gì đấy" chưa vẽ ra được, có phải không anh? Có thể một số người chưa đồng ý với nhận định trên của tôi. Nhưng điều quan trọng và thú vị là, dù đồng ý hay không đồng ý, thì Thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước vẫn cứ tiếp tục làm thơ, vẫn cứ tiếp tục viết nhạc và vẫn cứ tiếp tục vẽ tranh. Điều này thì không ai ngăn cản được anh!

Bạn đang cầm trên tay Tuyển tập "Ngẫu hứng thơ - nhạc - họa" của Thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước, tôi tin rằng bạn sẽ yêu quý và trân trọng như tôi, trước một ấn phẩm, trước một tấm lòng của Mùa xuân. Một Mùa xuân dâng đầy sức sống và sự sáng tạo.

Để kết thúc bài viết đã hơi dài của mình, tôi rất muốn được cùng hát lên với anh, với các thân hữu và với các bạn bè ca khúc mới nhất của anh - ca khúc có tên gọi "Chúng tôi là nghệ sĩ":

Chúng tôi người nghệ sĩ giữa sân khấu cuộc đời
Vinh quang và cay đắng cứ đè nặng hai vai
Ai bảo dại là dại, ai bảo khôn là khôn
Nhưng nào có xá gì, khôn và dại như nhau
Vì chúng tôi là nghệ sĩ
Nghệ sĩ của nhân dân…

Tháng 1 năm 2008

Hoàng Nhuận Cầm

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文