Ngày Tết ở các cung đình xưa

11:24 18/01/2017
Thưởng Tết là một trong những phong tục cổ xưa nhất của người Việt, từng được đề cập đến trong những nguồn sử liệu ra đời cách nay 7-8 trăm năm.

Từ đó đến nay, phong tục ăn Tết, thưởng Xuân thay đổi dần theo từng triều đại, cho phù hợp với từng bước đi của lịch sử, song cốt cách vui Tết của cha ông chúng ta vẫn còn giữ nguyên những nét truyền thống của một xã hội Đông phương, uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn của tổ tiên và những người đi trước.

Một trong những sử liệu lâu đời nhất của Việt Nam đề cập đến ngày Tết cung đình là bộ An Nam chí lược do Lê Tắc soạn vào khoảng nửa đầu thế kỷ 14. 

Trẻ em trong ngày tết xưa - Ảnh Dieulefils.

Trong quyển 1, chương “Phong tục”, Lê Tắc đã miêu tả những ngày Tết đời nhà Trần khá chi tiết và thú vị: “…Thường năm, trước lễ Tết hai ngày, vua đi xe ngự dụng, các quan tùy tùng đều mặc triều phục hầu đạo tiền, tế điện Đế Thích. Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan củng, các bề tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối. Tối lại qua cung Động Nhân, bái yết Tiên vương. 

Đêm ấy, đoàn thầy tu vào nội làm lễ “Khu Na” (đuổi tà ma quỷ mị). Dân gian thì mở cửa đốt pháo tre, cỗ bàn trà rượu cúng tổ. Con trai, con gái nhà nghèo, không có người mai dong để làm hôn lễ thì tự mình phối hợp với nhau. Ngày Nguyên đán, vào khoảng canh năm, vua ngồi trên điện Vĩnh Thọ, các tôn tử (con cháu nhà vua), các quan cận thần làm lễ hạ trước, rồi vào cung Trường Xuân, vọng bái các lăng tổ. 

Buổi sáng sớm, vua ngồi trên điện Thiên An, các phi tần sắp lớp ngồi, các quan trong nội đứng lộn xộn trước điện, đánh thổi các bài ca nhạc trước đại đình. Con cháu nhà vua và bề tôi sắp hàng bái hạ, ba lần rót rượu dâng lên. Xong các tôn tử lên điện chầu và dự yến. Các quan nội thần ngồi tiểu điện phía tây, các quan ngoại thần ngồi hai bên tả, hữu vu, ăn tiệc, đến trưa lần lượt đi ra… 

Ngày mồng hai Tết, các quan đều làm lễ riêng ở nhà. Ngày mồng ba Tết, vua ngồi trên gác Đại Hưng, xem các tôn tử và các quan nội cung đánh quả bóng (quả cầu thêu), hễ bắt được mà không rơi xuống đất là thắng… Mồng năm Tết, lễ khai hạ, ăn yến xong thì để quan và dân lễ các chùa miếu, và du ngoạn các vườn hoa. Đêm nguyên tiêu (rằm tháng giêng), trồng những cây đèn ở giữa sân rộng, gọi là đèn Quảng Chiếu”, thắp đến mấy vạn ngọn, sáng rực cả trên trời dưới đất, thầy tu đi quanh tụng kinh Phật, các quan liêu lễ bái, gọi là “chầu đèn” (triều đăng)”.

Vua Đồng Khánh (1864-1889), ảnh chụp vào năm 1886 trên Tạp chí L'echo du Nord.

Thời Lê Trịnh, người thực sự nắm mọi quyền hành trong nước không phải là vua Lê, mà là chúa Trịnh và Thế tử, con trai trưởng của chúa, người sẽ kế nghiệp chúa và thường giữ chức Tiết chế, đứng đầu hàng quan lại trong triều. Tuy nhiên, về mặt nghi thức, trong các ngày lễ Tết, vua Lê vẫn được coi là người chủ trì các nghi thức quan trọng trong triều, có điều là các ngày lễ Tết diễn ra nhiều nghi thức hơn trước. 

Sáng ngày mùng một Tết, theo lệnh chúa Trịnh, quan Tiết chế (Tiết chế phủ) hướng dẫn các quan văn võ mặc phẩm phục vào chầu mừng nhà vua. Vua Lê ngự giữa điện Kính Thiên, Tiết chế phủ đứng ở phía đông sân rồng, các quan văn võ đứng hai bên sân rồng. 

Phần chủ yếu trong nghi lễ là phần các quan quỳ xuống nghe viên quan Đại trí từ đọc tờ biểu của Tiết chế phủ, đại ý: “Khâm sai tiết chế thủy bộ chư doanh tên là… cùng công hầu bá và các quan văn võ, vâng chỉ của chúa, kính cẩn vâng lời: nay gặp tiết chính nguyên đán, chúng tôi kính nghĩ rằng Hoàng đế Bệ hạ kính chịu mệnh Trời, sáng cầm nghiệp lớn, gặp ngày chính đán, thêm hưởng phúc lành, chúng tôi khôn xiết vui mừng chúc tụng, kính chúc nhà vua sống lâu muôn năm”. 

Sau đó, quan truyền chế tuyên đọc tờ chế của vua với nội dung ngắn gọn: “Hoàng thượng chế rằng: Phúc thịnh vượng hanh thông, với các ngươi cùng hưởng” (Hoàng thượng chế viết: Thái hanh chi khánh, dữ khanh đẳng đồng chi).

Sau nghi lễ chúc mừng năm mới tại cung điện vua Lê, Tiết chế phủ lại dẫn các quan đến phủ Chúa để chúc mừng chúa Trịnh. Sáng mùng một Tết, chúa Trịnh đến hành lễ ở Thái miếu và Cung miếu rồi quay về phủ, ngồi trên sập rồng (long tọa) để bách quan lạy mừng. 

Tướng Prudhomme  (1833 - 1921).

Xong nghi thức, chúa ban tiền thưởng Xuân cho các quan từ nhất phẩm triều đình trở xuống và cho mọi người được dự yến. Tiệc yến xong, các quan làm lễ tạ ơn, chúa lui vào cung, Tiết chế phủ về phủ. Các quan lại sang phủ Tiết chế chúc mừng Thế tử. Đến đó thì nghi thức rườm rà ngày chính đán (mùng một Tết) mới kết thúc.

Giáo sĩ Pháp Alexandre de Rhodes từng sống ở Đàng Ngoài những năm 1627-1630, dưới thời vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng, từng chứng kiến lễ Tết tại thành Thăng Long (thời đó gọi là Kẻ Chợ), có kể lại trong tác phẩm Histoire du Royaume de Tunquin (Lịch sử Vương quốc xứ Đàng Ngoài). 

Đọc Rhodes, chúng ta biết rằng ngoài những nghi thức trong ngày lễ chính đán, ngày mùng ba Tết, bách quan tề tựu tại cung điện để tháp tùng vua Lê và chúa Trịnh đi hành lễ ở một địa điểm ngoại thành. Vua ngồi trên ngai vàng do binh lính khiêng trên vai, còn chúa thì ngồi trên xe thếp vàng, theo sau là các tiến sĩ, cử nhân tại địa phương. 

Khi đám rước dừng lại trên một cánh đồng ở ngoại thành, nơi nhiều người dân đã có mặt từ sớm để chờ giờ hành lễ, nhà vua bước xuống ngai, làm lễ tế Trời Đất, rồi đi xuống ruộng, tay cầm cày, mở một luống cày trên cánh đồng nhằm khuyến khích dân chúng siêng năng cày cấy để mùa màng tươi tốt, lúa gạo đầy sân.

Dưới triều Nguyễn, ngày Tết thời vua Gia Long được một chứng nhân đương thời là Michel Đức Chaigneau (con trai Jean Baptiste Chaigneau, người từng làm quan qua hai triều Gia Long, Minh Mạng với tên Việt là Nguyễn Văn Thắng) miêu tả trong tác phẩm Souvenirs de Hue (Những hồi ức về Huế) xuất bản năm 1867 tại Pháp. 

Theo Đức, hàng năm, vua Gia Long có lệ tặng quà cho các quan đại thần. Quà thường gồm quần áo hay vải vóc dệt ở Trung Quốc, đựng trong hộp màu vàng, được quân lính dùng lọng che và mang đến tận nhà người nhận quà. 

Trong mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà vua và các giáo sĩ (không như dưới triều vua Minh Mạng), nhân dịp lễ tết hàng năm, một giám mục Pháp tên de Véren thường ngồi kiệu đến cung điện, biếu nhà vua hai chai nước thơm Eau de Cologne, và nhà vua tỏ ra ưa thích món quà này lắm. 

Sáng mồng một Tết, bá quan mặc phẩm phục đại triều, tập hợp ở cung điện, quan nhất phẩm đứng ở hàng đầu, quan nhị phẩm hàng thứ hai, theo thứ tự như thế cho đến người có phẩm cấp thấp nhất (thông thường là quan tứ, ngũ phẩm trở lên). Các quan quỳ xuống, chúc tụng nhà vua muôn tuổi (vạn tuế) rồi sau đó ai về nhà nấy.

Thời vua Minh Mạng, vào ngày mùng một Tết hàng năm, nhà vua đội mũ chín rồng, mặc áo vàng, thắt đai ngọc, hành lễ tế tại nhà Thái miếu, tức nhà thờ Tổ tiên các vua triều Nguyễn dựng trong kinh thành Huế. 

Michel Đức Chaigneau, người từng chứng kiến và miêu tả lễ Tết triều Gia Long (ảnh chụp năm 1873).

Những ngày đầu năm mới, định lễ Tế Giao vào một ngày tốt thuộc tháng trọng xuân (tháng hai âm lịch). Đàn Nam Giao được xây dựng vào năm Gia Long thứ năm (1806) để hợp tế Trời Đất, thờ Trời trên cái gò hình tròn, thờ Đất trên cái đàn hình vuông, ngoài ra còn thờ các vị thần mây, mưa, gió, sấm…

Sang thời Pháp thuộc, lễ Tết năm Bính Tuất triều Đồng Khánh diễn ra vào ngày 4-2-1886 khác hẳn mọi năm. Sau cái chết của vua Tự Đức, việc triều chính rối tung, các hoàng thân thay nhau lên ngôi, không vị nào ngồi trên ngai vàng được quá một năm. 

Khi hoàng thân Ưng Đường tức ông hoàng Chánh Mông được người Pháp dựng lên với niên hiệu Đồng Khánh thay cho em ông là vua Hàm Nghi đã xuất bôn khỏi kinh thành Huế sau sự biến “thất thủ kinh thành” đêm ngày 4 rạng ngày mùng 5 tháng 7-1885, có tin đồn là nhà vua bị thực dân giam cầm trong cung. 

Thực dân Pháp bị ám ảnh bởi tin đồn đó, song trong lúc chưa biết cách giải quyết như thế nào thì những ngày Tết đến gần đã giúp cho tướng Prudhomme, viên sĩ quan cao cấp nhất của Pháp tại Huế, nghĩ ra một lối thoát. Đó là nhân ngày Tết Nguyên đán, vua Đồng Khánh sẽ thực hiện một cuộc vi hành trên đường phố Huế để dân chúng tận mắt thấy rằng ông vẫn còn tự do và sống thoải mái như một bậc thiên tử.

Vì thế, không như những ngày tết khác, sáng ngày mồng một Tết năm đó, vua Đồng Khánh dành thời gian tiếp tướng Prudhomme, các sĩ quan và viên chức Pháp thuộc tòa Khâm sứ Huế. Buổi lễ diễn ra long trọng với diễn văn của Prudhomme, đáp từ của vua Đồng Khánh và công bố việc trao huân chương cho một số sĩ quan cao cấp Pháp.

Hai giờ rưỡi chiều ngày mồng một tết, tướng Prudhomme cùng bộ chỉ huy quân sự của ông ta và các viên chức hành chính của Pháp hộ tống vua Đồng Khánh thực hiện cuộc vi hành trên các đường phố Huế. Nhà vua ngồi trên một chiếc kiệu sơn son thếp vàng không che phủ để cho mọi người dân nhìn thấy long nhan. 

Đội thị vệ trong cung và các toán lính Pháp dẫn đầu và đoạn hậu xa giá của nhà vua, theo sau là đội tượng binh, các hoàng thân trong triều, các quan thượng thư và nhiều quan lại khác. Khi đoàn xa giá đi qua kinh thành và khu Đông Ba, đàn sáo nổi lên inh ỏi. Tất cả các ngôi chùa ở Huế đều treo đèn và cờ quạt. Ở mỗi hộ gia đình, bàn thờ gia tiên được trang trí hoa và đèn nến, giấy vàng bạc sáng rực cạnh những chiếc lư hương đồng. 

Trên con đường nhà vua đi qua, dân chúng quỳ, cúi rạp người xuống đất, rồi đứng lên, bày tỏ niềm vui bằng cách reo hò trong tiếng nổ vang của pháo. Khi xa giá đến trước bộ chỉ huy quân sự của Pháp, vua Đồng Khánh bước xuống kiệu, cùng với các đoàn tùy tùng cả hai phía Việt và Pháp dùng một bữa ăn nhẹ mà tướng Prudhomme đã chuẩn bị để mừng ông. 

Tiếng kèn đồng vang lên chào mừng sự hiện diện của nhà vua cùng các quan lại Việt. Sau bữa ăn, đoàn xa giá xếp lại đội ngũ, các binh sĩ bắn một loạt súng dài. Vua Đồng Khánh lên kiệu quay về cung, cũng theo một cung cách như lúc ra đi.

Chiều tối hôm đó, nhà vua cho tổ chức một bữa tiệc lớn để chiêu đãi tướng Prudhomme, quyền Tổng trú sứ Hector cùng các sĩ quan, viên chức Pháp. Bữa ăn được phục vụ theo kiểu Tây trong âm thanh của dàn nhạc cung đình.

Đó là một trong những cái tết cung đình đáng nhớ vào năm Bính Tuất 1886, thời Pháp thuộc.

Lê Nguyễn

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文