Nhát búa đầu tiên giáng vào bức tường Berlin

07:57 14/11/2019
Tròn 30 năm, bức tường Berlin - biểu tượng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã sập xuống. Đó là một kết cục tất yếu, sau cả những vận động địa chính trị quốc tế lẫn khát vọng thống nhất bị dồn nén của dân tộc Đức.

Song, cũng có thể, sự kiện đó đã không diễn ra theo cách bất ngờ, dữ dội và đầy thảng thốt đến vậy. Bởi vì, như hé lộ của chính người trong cuộc: Cựu Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức (SED), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHDC Đức - Egon Krenz, trong đêm ngày 9 rạng sáng 10-11-1989 đó, rõ ràng có sự hiện hữu của định mệnh.

Mảnh giấy vô tình

Mọi thứ ập đến như một cơn lốc, điều thể hiện ngay ở những dòng hồi tưởng đầy trăn trở của Egon Krenz, trong cuốn hồi ký Mùa thu Đức 1989 (Herbst 89).

Ba ngày trước đó, Dự thảo Luật đi lại mới (Reisegesetz) đã được đưa ra, nhưng phải nhận lại những làn sóng phản đối gay gắt. Tình thế đòi hỏi những thay đổi bắt buộc, đặc biệt là về quy chế "Xuất ngoại để thăm viếng thân nhân" đã được Bộ Chính trị SED thông qua và chuyển tới Hội đồng Bộ trưởng. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp vẫn phản biện bằng những ý kiến trái chiều, và những quy định mới này vẫn đang chờ đợi được định đoạt.

Có điều, một phiên bản của dự thảo lại được Egon Krenz trao cho Ủy viên Bộ Chính trị Guenter Schabowski - người vì một vài lý do cá nhân đã vắng mặt trong các cuộc họp quan trọng trước đó. Có nghĩa là, Schabowski không nắm được đầy đủ diễn biến của tình hình. Thế nhưng, ông vẫn được giao nhiệm vụ chủ trì một cuộc họp báo, nhằm công bố kết quả lần họp gần nhất của Ban Chấp hành Trung ương đảng SED.

Và hỗn loạn chính thức bắt đầu từ đó.

Bức tường Berlin trong giông bão mùa thu 1989.

Cuối cuộc họp báo, Schabowski thấy một mảnh giấy kẹp trong phiên bản dự thảo đệ trình Hội đồng Bộ trưởng. Ông nghĩ rằng đó là một thông điệp cần lưu ý, và cứ thế đọc to: "Có thể làm đơn xin du lịch cá nhân ra nước ngoài mà không cần có điều kiện như lý do xuất ngoại hay quan hệ họ hàng. Giấy phép sẽ được cấp trong thời hạn ngắn. Các ban phòng có thẩm quyền về hộ chiếu và khai báo cư trú của các cơ quan Công an nhân dân cấp huyện trong nước CHDC Đức có thể nhanh chóng cấp giấy thông hành ra nước ngoài thường xuyên theo như chỉ thị. Có thể liên tục ra nước ngoài tại tất cả các cửa khẩu biên giới giữa nước CHDC Đức và Cộng hòa Liên bang Đức".

Không để lỡ một giây, Peter Brinkmann, phóng viên thường trú của tờ Die Bild (của Tây Đức) tại Đông Đức, hỏi: "Khi nào, thưa ngài? Ngay lập tức ư?". Lục lọi sơ qua đống giấy tờ, Schabowski trả lời: "Theo tôi biết thì đúng vậy". Thông điệp mang tính gợi ý trong nội bộ chính quyền CHDC Đức đó xem như đã chính thức được xác nhận. Bởi, cuộc họp báo đang được truyền hình trực tiếp. Và ở ngoài kia, như chỉ còn chờ tia sét ấy, giông bão bắt đầu.

Mọi lực lượng biên phòng, hải quan, an ninh… đều chưa nhận được chỉ đạo gì cụ thể, nhưng đối diện với họ bỗng chốc có đến hàng nghìn người kéo tới, đòi tạo điều kiện nhanh nhất để sang Tây Berlin, theo diện "thăm thân nhân". Đến rạng sáng 10-11, dưới thứ sức ép kinh khủng ấy, đã có những cánh cổng không thể đóng được nữa. Không thể, theo mọi cách hiểu. 

Chính Egon Krenz và các lãnh đạo cấp cao của CHDC Đức cũng đã phải xuống hiện trường, và họ cũng nhận ra rằng không thể làm gì khác. Tất cả đều bị đặt vào một "sự đã rồi". Đến ngày 22-12-1989, mọi cánh cổng đều bật mở. Song, có lẽ, điều đó cũng chẳng còn cần thiết nữa. Từ đêm 9-11, rất nhiều đoạn tường đã bị những người quá khích đập sập rồi.

Egon Krenz và cuốn hồi ký cuộc đời.

Trong cơn gió đổi thay

Song, thực ra, câu chuyện về mảnh giấy trong cặp hồ sơ của Schbowski cũng chỉ là một kiểu "giọt nước tràn ly". Đó là biến cố trực tiếp trên hiện tượng bề mặt dẫn đến việc Bức tường Berlin bị phá hủy (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), nhưng sẽ không ai xem đó là nguyên nhân sâu xa và cốt lõi tạo nên cơn đại hồng thủy đó.

Trong cuốn hồi ký Mùa thu Đức 1989, Egon Krenz không hề né tránh trách nhiệm. Ông - người trở thành Tổng bí thư, lãnh đạo cao nhất của CHDC Đức khi mới 52 tuổi, thay thế Eric Hoenecker - đã không giấu giếm sự giằng xé trong tư tưởng của mình: "Tôi biết tình cảnh của CHDC Đức, nhưng đơn giản là tôi không tìm ra câu trả lời cho nhiều câu hỏi. Đặt câu hỏi rõ ràng là cần thiết, nhưng trả lời được những câu hỏi ấy còn cần thiết hơn". Và trong thực tế, Egon Krenz cũng đã vật lộn để cố gắng đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chung của Chủ nghĩa xã hội.

Những suy nghĩ của ông xuất phát từ lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng (và do đó, có lẽ lại không tương thích với thời cuộc cũng như với tâm lý chung của cả một dân tộc bị chia cắt). 

"Thực tế chính trị" - cụm từ mà ông nhấn mạnh nhiều lần trong cuốn sách của mình - là bất di bất dịch: Là việc nước CHDC Đức đã hiện diện từ những vận động bất khả kháng sau Đệ nhị Thế chiến, trên bản đồ thế giới; là "cho dù có mâu thuẫn và xung đột thì tình đoàn kết giữa các nước XHCN trước sau vẫn là cơ sở quan trọng nhất để tồn tại trước phương Tây. Nếu tình đoàn kết ấy mất đi, CHDC Đức sẽ bị đe dọa” là quan hệ nền tảng giữa các nước khối XHCN, khi đối mặt thế giới tư bản chủ nghĩa.

Nhưng ông không phủ nhận rằng, như một bản báo cáo xã hội học thời điểm đó, "Sức thuyết phục của giá trị, lý tưởng và mục tiêu của CNXH đang bị thử lửa. Tâm lý hoang mang và chán nản lan tràn". Ông dẫn lời nhận xét của một quan chức ngoại giao Liên Xô (giấu tên): ""Perestroika (kế hoạch Cải tổ của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev) đã hủy hoại lòng tin xưa cũ vào các giá trị của CNXH mà không gây dựng được lòng tin mới". 

Ông nhận rõ những mâu thuẫn sâu sắc giữa Gorbachev với Hoenecker. Ông đã đến Trung Quốc, sau sự kiện Thiên An Môn, và đánh giá rằng: "Nếu Trung Quốc có nội chiến, đó sẽ là thảm họa cho thế giới". Nhưng đến lượt mình, vào đêm 9-11-1989, Egon Krenz không hề ra lệnh vãn hồi trật tự bằng mọi giá.

"Nâng các rào chắn lên, hay sử dụng vũ lực?" vào khoảnh khắc ấy là một lựa chọn tuyệt đối khó khăn cho bất cứ ai. Và Krenz đã chọn vế đầu, với niềm tin rằng: "CNXH hôm nay phải tìm được khuôn mặt thật, khuôn mặt dân chủ của mình, nếu không muốn chịu một thất bại lịch sử. 

CNXH không được phép thất bại, vì nhân loại bị đe dọa trong khi tìm phương thức chung sống cần nhiều lựa chọn bên cạnh xã hội tiêu dùng của phương Tây, mà sự phồn vinh của nó do phần còn lại của thế giới gánh chịu" - điều mà đến giờ dường như lại đang được chính các xã hội phương Tây xác nhận, bằng các cuộc biểu tình. Eric Hoenecker gọi ông là "kẻ đầu hàng", trong khi truyền thông phương Tây vẫn bôi vẽ Krenz thành một dạng độc tài sắt máu.

Một lựa chọn bi kịch, một số phận bi kịch, trong những cơn biến động đầy bi kịch chung của cả một hệ thống lâm vào quỹ đạo suy thoái. Ở giao điểm của quá nhiều xung đột, Krenz không thể làm gì hơn được nữa. Đau đớn gấp bội, năm 1990, ông bị khai trừ khỏi SED. 

Song, trong cuốn hồi ký, ông vẫn xác nhận: "Chừng nào còn sống, tôi còn phải chịu đựng câu hỏi: Vì sao rốt cuộc CHDC Đức thất bại, và trong sự kiện đó tôi chịu trách nhiệm nào? Tôi không hỏi mình như vậy vì ngày xưa tôi sống tốt hơn. Tôi hỏi mình câu ấy vì tôi đã phấn đấu vì CNXH. Không ai có thể chờ đợi tôi ly khai với CNXH. 

Tôi đồng ý, phải phê bình các thiếu sót và khiếm khuyết của chúng ta - vâng, đó là lời tự phê bình đau đớn! - Và tôi cảm thấy đó là nghĩa vụ của mình. Nhưng tôi sẽ không lăng mạ ai hay việc gì. CHDC Đức là Tổ quốc của tôi!".

Chắc chắn, Krenz hay Schbowski đều không phải là người giáng nhát búa đầu tiên vào bức tường Berlin… 

* Cấu trúc của Bức tường Berlin bao gồm: 41,91 km tường có chiều cao 3,6m; 58,95km tường có chiều cao 3,4m; 68,42km hàng rào bằng kim loại, có chiều cao 2,9m đóng vai trò "vật cản"; 113,85km hàng rào có hệ thống báo động; 161km đường đi có hệ thống chiếu sáng; 86 tháp canh; 31 cơ sở chỉ huy.

* Tại Bức tường Berlin, đến thời gian cuối, có 25 điểm xuất nhập cảnh; trong đó có 13 cửa khẩu cho ô tô; 4 cho tàu hỏa và 8 cửa khẩu đường sông. Phục vụ tại tuyến biên giới giáp Tây Berlin này, CHDC Đức bố trí 11.500 quân nhân và 500 nhân viên dân sự, được trang bị cả thiết giáp, súng cối, súng chống tăng, súng phóng hỏa và xe cơ giới.

Phi Hồ

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文