Nhật ký rùng mình của một người trở về từ Vũ Hán

22:58 24/02/2020
Tôi nói với bố mẹ rằng tôi bị sốt nên ngày hôm đó bố tôi đã bắt taxi đưa tôi lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Trong lúc bố tôi đi làm các thủ tục cần thiết thì tôi ở phía ngoài chờ. Lúc gặp một y tá, tôi có nói với chị ấy tôi là người trở về từ vùng dịch Vũ Hán...


LTS: Những ngày vừa qua có lẽ là những ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời của chàng trai trẻ Vũ Ngọc Đình, bởi cậu là du học sinh trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi bùng phát dịch virus Corona. Ngay từ khi đặt chân vào ngôi nhà của mình ở Trực Thái (Nam Định) Đình đã phải cách ly với người thân. Mồng 2 tết, cậu phải nhập viện do sốt và phải giữ lại trong phòng cách ly 6 ngày để theo dõi.

Khi thông tin cá nhân của những người nghi nhiễm virus Corona rò rỉ trên mạng, cậu bị nhiều người lạ gọi điện lăng mạ, xúc phạm với lý do “không biết nghĩ cho người khác”. Dưới đây là những dòng nhật ký rùng mình mà cậu chia sẻ cho phóng viên ANTG GT - CT.

Ngày 17-1-2020

Khoảng 21h, tôi cùng một người bạn đi tàu cao tốc từ Trường Sư phạm Hồ Bắc ra bến tàu Hoàng Thạch. Từ Hoàng Thạch chúng tôi lại tiếp tục di chuyển đến bến tàu Vũ Hán để mua vé tàu nhanh về Nam Ninh. Lúc này ở các bến xe, bến tàu đều có các bác sĩ chốt ở đấy.

Tại các điểm soát vé, hành khách sẽ phải đo nhiệt độ cơ thể, nếu ai có biểu hiện sốt thì sẽ được đưa đi khám ngay lập tức. Ở bến tàu Vũ Hán, chúng tôi đã phải đứng xếp hàng chờ cả giờ đồng hồ để mua vé. Nhưng khi đến lượt chúng tôi thì nhân viên bán vé thông báo đã hết vé tàu nhanh về Nam Ninh. Sau đó tôi và bạn phải bắt taxi đến ga Vũ Sương để mua vé tàu chậm.

Những ngày u ám trong phòng cách ly của bệnh viện.

Khoảng 1h sáng chúng tôi lên chiếc tàu k1627 để về Nam Ninh. Những chiếc vé mà chúng tôi có được cũng là những chiếc vé cuối cùng của chuyến tàu hôm ấy. Tôi và bạn đùa bảo với nhau rằng: “Chúng ta đã quá may mắn vì được đi trên chuyến tàu vét”.

17 tiếng sau chúng tôi có mặt ở Nam Ninh. Lúc này vì đã muộn nên tôi và bạn lại phải thuê khách sạn để nghỉ. Ngày hôm sau chúng tôi bắt taxi đến cửa khẩu Móng Cái, sau đó từ cửa khẩu Móng Cái bắt xe khách về Nam Định. Thực sự, tôi biết về dịch từ khi còn ở trường nhưng không nghĩ nó lại nguy hiểm thế. Từ cửa khẩu Móng Cái chúng tôi đã bị kiểm tra rất kỹ.

Ngày 19-1-2020

Tôi có mặt ở nhà mình vào sáng ngày 19. Vì ý thức được sự lây lan đáng sợ của dịch bệnh nên sau khi chào hỏi mọi người trong gia đình tôi bắt đầu lên phòng riêng của mình và ở lỳ trong đó. Kể từ lúc đó tôi gần như cách ly với những người trong nhà. Đến bữa cơm, mọi người trong nhà tôi sẽ ăn cơm trước, khi nào xong xuôi tôi sẽ xuống ăn sau. Hoặc có những hôm thì tôi sẽ được bố hoặc mẹ mang cơm đến cửa phòng riêng nên sẽ ăn cùng giờ với mọi người.

Bố mẹ tôi vì nhớ con nên nhiều lần bảo: “Thôi cứ xuống ăn cơm và chơi với mọi người cho vui. Đi bao lâu mới về giờ lại ru rú trong phòng không gặp gỡ ai. Có phải ai về từ Vũ Hán cũng bị nhiễm virus Corona cả đâu”. Nhưng tôi không đành lòng. Thôi thì cẩn tắc vô áy náy, nhỡ xảy ra chuyện gì tôi sẽ phải ân hận cả đời.

Cứ thế, kể từ khi về nhà tôi quanh quẩn trong căn phòng của mình. Bạn cứ thử tưởng tượng mà xem, đi bao lâu mới được về nhà đoàn viên cùng người thân, nhất lại là trong những ngày tết. Thế mà tôi hầu như còn chưa nhìn rõ mặt ai trong gia đình mình. Đấy là một nỗi khổ tâm rất lớn. Biết bao cuộc gặp gỡ bạn bè đã hẹn hò từ trước đều phải hủy. Lịch trình du xuân cũng phải hoãn lại hết.

Đã thế, phải ở một mình trong căn phòng nhỏ, tôi chả biết làm gì cho nhanh qua 1 ngày. Hết lướt mạng lại đọc sách rồi chơi game. Một ngày quả là dài lê thê.

Ngày 25-1-2020 (tức mồng 1 tết)

Do ở trong phòng quá bí bách nên tối đó khi mọi người trong nhà đã đi nằm, tôi quyết định đi ra ngoài ngõ cho thoáng. Không hiểu có phải vì trúng gió hay không mà đêm hôm đó tôi bị sốt. Cả đêm tôi nằm suy nghĩ liệu mình có phải đã bị nhiễm virus Corona hay không.

Chàng trai 20 tuổi đã trải qua những ngày tháng kinh hoàng trong cuộc đời.

Ngày 26-1-2020

Tôi nói với bố mẹ rằng tôi bị sốt nên ngày hôm đó bố tôi đã bắt taxi đưa tôi lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Trong lúc bố tôi đi làm các thủ tục cần thiết thì tôi ở phía ngoài chờ. Lúc gặp một y tá, tôi có nói với chị ấy tôi là người trở về từ vùng dịch Vũ Hán.

Nghe xong, chị ấy lùi lại vài bước và chỉ tôi đến phòng chờ khám. Tại đây, sau khi bác sĩ nghe tôi trình bày đã quyết định cho tôi vào phòng cách ly để theo dõi. Trong phòng có khoảng chục người ở đó. Lúc này dù thân nhiệt của tôi chỉ vào khoảng gần 38 độ C nhưng vẫn phải theo dõi. Tôi nói với bố rằng tôi sẽ tự mình chăm sóc được bản thân nên bố cứ bắt taxi trở về Nam Định trước.

Những ngày trong phòng cách ly thật khủng khiếp. Hằng ngày tôi chỉ biết lên mạng để đọc các thông tin liên quan đến virus Corona. Mỗi ngày báo chí lại đăng tải số người nhiễm và tử vong tăng lên chóng mặt khiến tôi rất hoảng sợ. Tôi stress đến mức đã có những lúc quẳng điện thoại ra một góc. Tôi muốn hét lên cho không khí đỡ ngột ngạt và nặng nề. Tôi đã từng tưởng tượng đến việc nếu chẳng may mình dương tính với virus Corona thì mình sẽ thế nào? Sẽ phải làm những việc gì tiếp theo.

Cũng may, thời gian tôi ở trong phòng cách ly, người yêu tôi thường xuyên gọi điện động viên. Cô ấy nói rằng “rồi mọi thứ sẽ ổn. Em tin là anh sẽ sớm được trở về nhà thôi”. Vì tôi ở viện đúng vào những ngày tết nên thức ăn ở căng tin cũng rất sơ sài. Loanh quanh cũng chỉ vài món, lặp đi lặp lại, thực sự là rất ngán.

Tấm vé vét mà Đình và bạn mua được để trở về Việt Nam.

Ngày 29-1-2020

Đột nhiên buổi chiều hôm ấy tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của bạn bè, họ hàng hỏi thăm. Ai cũng hỏi tôi tình hình bệnh tật giờ thế nào? Phải cố gắng giữ bình tĩnh để theo dõi, rằng không được bi quan, vân vân và vân vân. Không những nhận được điện thoại của người thân mà tối hôm ấy tôi còn nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ người lạ. Họ nói tôi là không biết nghĩ cho người khác.

Đã biết Vũ Hán là ổ dịch mà còn cố tình trở về để mang theo bệnh tật cho đồng bào của mình. Họ gọi nhiều đến mức khiến tôi hoảng sợ và phải đặt điện thoại ở chế độ máy bay (tắt sóng - PV).

Cả đêm hôm đó tôi như rơi vào khủng hoảng. Tôi cứ tự hỏi sao những người lạ lại biết số điện thoại của tôi nhỉ? Sau này tôi mới biết là thông tin cá nhân như địa chỉ, tên tuổi, số điện thoại của những người nghi nhiễm virus Corona đã bị rò rỉ trên mạng. Cùng phòng với tôi có một chị bị khủng bố điện thoại còn nhiều hơn tôi. Đến mức chị ấy phải bật khóc và nói rằng: “Tôi có làm gì sai đâu mà sao lại bị đối xử thế này”.

Chị ấy kể với tôi rằng khi biết tin chị bị sốt, khu chung cư của chị ấy ở vội vã khử trùng. Họ lên danh sách những người đã tiếp xúc với chị để cách ly. Bố mẹ chị ấy đi tới đâu cũng bị những người xung quanh né ra một khoảng xa. Ngay cả khi sau này khi xuất viện với kết quả âm tính với virus Corona thì chị ấy vẫn phải nhận nhiều cuộc điện thoại lạ mắng chửi thậm tệ.

Ngày 31-1-2020

Hôm đó tôi được xuất viện. Sau 6 ngày cách ly theo dõi thì các bác sĩ chính thức kết luận tôi âm tính với virus Corona. Bố tôi từ Nam Định lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đón tôi. Khoảng 2 giờ, bố con tôi bắt taxi trở về nhà.

Về đến nhà tôi lại bắt đầu chiến dịch cách ly với mọi người. Lý do là bởi tôi không muốn ai đó có cảm giác sợ hãi khi tiếp xúc với tôi. Tuy nhiên, lúc này tôi đã có thể ngồi ăn uống cùng với bố mẹ bởi vì tết xong, anh chị em và các cháu đã đi hết rồi nên tôi không còn phải ngại nữa. Ăn xong tôi lại lên phòng mình đọc báo, làm một số việc mà mình thích cho hết ngày.

Tôi biết, dù bây giờ tôi đã cầm trong tay kết quả âm tính với virus Corona nhưng những người xung quanh vẫn có cảm giác không an toàn. Tôi cũng biết ngoài tôi ra thì còn rất nhiều anh chị em, bạn bè trở về từ Vũ Hán cũng đã phải trải qua những ngày tháng kinh hoàng như tôi.

Phong Anh (ghi theo lời kể của nhân vật)

Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc từ ngày 16-17/5 là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Putin nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 5 vào ngày 7/5 vừa qua, diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ song phương đang phát triển ổn định, gắn bó.

Thông tin từ UBND xã Hòa An, huyện Phú Hòa (Phú Yên) trưa 16/5 cho biết, sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, khoảng 10h15 cùng ngày, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể nạn nhân Lê Đức Cường (SN 1978, trú ở thôn Đồng Thành, xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đà Nẵng, ngoài 3 đối tượng tham gia ẩu đả làm chết người xảy ra tối 7/5 tại đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại Đồng Nai, đến nay có thêm 3 đối tượng khác liên quan đến vụ việc này đã đến Cơ quan Công an đầu thú về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".

Ngày 16/5, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 TP Hồ Chí Minh cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Hong Jungpyo (SN 1995, quốc tịch Hàn Quốc) về hành vi “Mua dâm người dưới 18 tuổi”; Đỗ Văn Tuấn (SN 1986) và Bùi Đức Thắng (SN 1972, cùng quê Vĩnh Phúc) về hành vi “Môi giới mại dâm”.

Sáng 16/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết, đang tiếp tục điều tra vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” do 3 đối tượng quê Thanh Hóa thực hiện; đồng thời đề nghị những ai từng vay tiền hoặc bị 3 đối tượng này cưỡng đoạt tài sản thì khẩn trương liên hệ với Công an huyện Duy Xuyên để giải quyết.

Liên quan sự cố tai nạn xảy ra tại công trình thi công xây dựng cầu Đà Rằng, thuộc dự án đường cao tốc Bắc – Nam bắc qua hạ lưu sông Ba, kết nối huyện Phú Hòa và Tây Hòa (Phú Yên) như Báo CAND đã thông tin, đến 8h30 sáng nay 16/5, các lực lượng cứu hộ vẫn còn đang nỗ lực tìm kiếm dấu tích 2 nạn nhân còn lại.

Qua 10 năm thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (từ năm 2013 đến 2023), công tác phòng, chống tội phạm mua bán người của Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, góp phần hạn chế tội phạm mua bán người ở Việt Nam. Và một trong những kết quả đạt được, chính là tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm này.

Bộ Y tế vừa ký quyết định cấp phép, gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho 40 loại vaccine, sinh phẩm, trong đó có các vaccine mới được đặc biệt chờ đợi là vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết, zona thần kinh và phòng 23 tuýp phế cầu thế hệ mới. 

Thời gian qua, lực lượng Công an các xã miền núi thuộc huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã thực hiện nhiều mô hình nhằm lan tỏa phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (ANTQ). Đặc biệt, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an xã đã tích cực học tiếng dân tộc Pa Cô để giao tiếp và thực hiện “4 cùng” với đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần giữ vững ANTT vùng biên giới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文