Những giây phút cuối cùng của Mohamed Buazizi

09:09 30/12/2020
10 năm đã trôi qua, kể từ ngày 17-12-2010 ấy. Thế giới đồng loạt ngoái nhìn về quá khứ, và hầu như tất cả đều lắc đầu khi nhìn rõ một thực tế: Mùa xuân A-rập (Arab Springs) diễn ra chỉ càng đẩy cả một dải Trung Đông - Bắc Phi chìm sâu hơn vào trong mờ mịt hỗn loạn.

Có điều, nếu vào thời điểm đó mọi thứ đều ổn, thì tại sao người thanh niên Tunisia mang tên Mohamed Buazizi lại châm lửa đốt cháy chính sinh mạng của mình?

"Người nghèo không được quyền sống"

Có lẽ chính Mohamed Buazizi, chàng trai bán rau 26 tuổi ấy, cũng không nghĩ rằng mình sẽ được xem như một vị "thánh tử đạo" đầu tiên, để trở thành ngòi nổ cho những diễn biến long trời lở đất, những cơn cuồng phong bão táp quét qua khu vực Bắc Phi - Trung Đông (và sau đó tạo nên những hệ lụy trầm trọng mà đến tận bây giờ vẫn chưa thể khắc phục hết).

Song, thực ra, anh có muốn điều đó không? Có lẽ có, nhưng cũng có thể là không.

Theo những lời kể của người thân trong gia đình Buazizi (mà trang The Africareport vừa đăng tải), chỉ đơn giản là Mohamed Buazizi muốn được lắng nghe những lời khẩn cầu của mình. Xe hàng rau của anh, vi phạm luật lệ giao thông và trật tự đô thị, đã bị tịch thu và dĩ nhiên là anh bị phạt. Mohamed Buazizi đã đến mọi cơ quan công quyền vật nài, nhưng ở đâu người ta cũng không tiếp anh. Hoặc "trân trọng" hơn, xua đuổi anh.

Giọt nước làm tràn ly có lẽ là việc một người phụ nữ thượng lưu - Fedia Hamdi -  đã tát anh ngay giữa đường phố đông người. "Điều đó là không thể chấp nhận" - mẹ anh kể với giới báo chí quốc tế, những người đã ngay lập tức tràn ngập Tunisia khi sự kiện xảy ra, để theo dõi những diễn biến của cuộc Cách mạng Hoa nhài vừa bùng nổ.

Tượng đài xe chở hoa quả của Buazizi.

Phát điên vì giận dữ và tủi nhục, Mohamed Buazizi cố gắng tìm mọi cách để gây được sự chú ý. Anh đi mua một can xăng, xách nó theo đến cửa tòa thị chính, gào thét cơn cuồng nộ của mình, tưới mình ướt đẫm trong thứ dung dịch chết chóc đó, đồng thời tuyên bố rằng anh sẽ tự thiêu.

"Cậu ấy vẫn hy vọng rằng có ai đó từ cửa cơ quan công quyền sẽ bước ra, và trả lại cho cậu ấy xe hàng đã bị tịch thu" - Hatem, một người vô gia cư đứng gần đó và chứng kiến tất cả, kể lại. Có điều, không ai bước ra hết. Bi kịch đến như nó phải đến. Mohamed Buazizi bật lửa, và tự biến mình thành một ngọn đuốc.

"Trước đó không lâu, Buazizi còn cười với những người bạn - những người cố gắng khuyên can cậu ấy đừng làm điều không thể cứu vãn" -  Mongia, một trong những người đầu tiên nhào tới cố gắng dập lửa trên người Buazizi, hồi tưởng. Đứng xa hơn một chút, luật sư Salhi Dalher cố gắng chụp những tấm ảnh, và gửi nó cho các hãng thông tấn quốc tế. Với ông, "Mohamed Buazizi đã mở những cái miệng bị khóa cho nhân dân".

Buazizi được đưa tới bệnh viện. Anh không thể qua khỏi, và ra đi ngày 4-1-2011. Một câu nói của anh trong cơn điên giận trở thành một trong những khẩu hiệu của Cách mạng Hoa nhài: "Ở đây, người nghèo không được quyền sống". Còn chính anh thì trở thành một biểu tượng phản kháng.

Mohamed Buazizi trong ngày định mệnh.

Gió xuân thổi ngược

Mười năm sau, Tunisia dường như vẫn không có gì thay đổi so với ngày Mohamed Buazizi tự thiêu. Tuy nhiên, cách nhìn nhận về hành động của Buazizi thì ít nhiều cũng đã có những thay đổi. Cái huyền thoại về một biểu tượng đấu tranh đòi tự do, phẩm giá và công bằng dường như đã nhòa nhạt bớt, đã phủ một lớp bụi mờ.

Không ai phủ nhận rằng chàng trai ấy đã quá tuyệt vọng. Xe hàng là thứ tài sản đáng giá duy nhất của anh, mà hơn thế, còn là phương tiện để anh nuôi sống cả gia đình. Mohamed Buazizi còn phải chu cấp cho cả sáu người em sau mình, kể từ khi người anh cả bỏ nhà ra đi. Mẹ anh, một nông dân và cha dượng của anh, một người thợ, đều làm lụng cật lực nhưng vẫn vô cùng khốn khó. Mohamed Buazizi và cả gia đình mình đều là những hình ảnh khá quen thuộc, đại diện cho hàng nghìn gia đình nghèo vô danh, bán sức lao động đổi lấy vài đồng bạc lẻ mỗi ngày.

Lẽ tự nhiên, khi bị tước đoạt phương tiện mưu sinh duy nhất, bất cứ ai cũng khó có thể giữ được bình tĩnh, để hành xử với đầy đủ sự cân nhắc kỹ lưỡng các hậu quả. Ở tuổi 26, cho dù đã bôn ba lăn lộn từ bé, cũng khó có thể đòi hỏi Mohamed chín chắn hơn được nữa. Vấn đề là, anh có dự định trở thành một thứ ngọn cờ quật khởi, hay chỉ đơn giản là muốn thu hút sự chú ý, để có cơ hội nhận lại những gì đã bị tước đoạt?

Những cách nhìn khác nhau hoàn toàn có thể trở nên đối lập nhau, bởi chúng được đưa ra với những cách tiếp cận và dụng ý khác nhau. Thí dụ điển hình là các chi tiết ở đoạn trên, khi giữa Mongia và luật sư Salhi Dalher hiện hữu một sự khác biệt rõ rệt về tư tưởng. Mongia, người cùng cảnh, chẳng nghĩ gì nhiều. Dalher, thuộc tầng lớp trên, lập tức có những hành động và suy tưởng theo cách "nâng cao quan điểm".

Nếu The Africa Report cho biết những chi tiết ấy, cộng thêm cả việc hé lộ rằng Buazizi bị cáo buộc đã chạm vào ngực Fedia Hamdi nên mới phải nhận một cái tát, thì Al Jazeera lại tưởng nhớ ngày Buazizi tự thiêu để kích hoạt Cách mạng Hoa Nhài bằng một bài phỏng vấn Ali Buazizi - anh họ của Mohamed Buazizi, để ông ta nhấn mạnh rằng: "17-12-2010 sẽ vẫn chỉ là một ngày bình thường, nếu không có các phóng viên địa phương cũng như khá nhiều người có mặt ở quảng trường lúc đó. Sự thật là họ đã quyết định rằng sẽ không tiếp tục sợ hãi chính quyền nữa, để thay đổi tất cả".

Mohamed Buazizi trở thành một biểu tượng đấu tranh.

Ông cũng cho biết thêm rằng em họ mình "là một chàng trai vui tính và hay cười, nhưng những ngày cuối đời nó đánh mất sự tươi vui, dưới những sức ép nặng nề từ cuộc sống khó khăn hơn mỗi ngày". Ông mô tả cuộc sống của Mohamed là một vòng quay bất tận những ngày thức khuya dậy sớm, đắp đổi từng giọt mồ hôi lấy miếng ăn cho cả gia đình.

Vào thời điểm đó, Ali là thành viên tích cực của đảng Dân chủ Phát triển (Progressive Democratic Party), lực lượng đối lập với Tổng thống Tunisia lúc đó - Zine El Abidine Ben Ali, người bị xem là một nhà độc tài. Có lẽ không thể khác được, mọi suy nghĩ cũng như phát biểu của Ali mười năm qua đều thấp thoáng được đan cài những màu sắc chính trị.

10 ngày sau khi Mohamed Buazizi qua đời, ngày 14-1-2011, Tổng thống Ben Ali từ chức, chấm dứt 23 năm cầm quyền. Song, cũng phải mất tới bốn năm sau, đến tận năm 2015, sau vô vàn những tranh chấp quyền lực giữa các phe phái chính trị đầy tham vọng lấp đầy các khoảng trống, Tunisia mới có được một chính phủ dân cử đúng nghĩa.

Và đến tận bây giờ, theo The Africa Report, cho dù thành phố Sidi Bouzid nghèo nàn nơi Mohamed Buazizi sống đã thay da đổi thịt với đường sá và điện sáng, thì vẫn còn tồn tại rất nhiều những vấn đề từng hành hạ cuộc đời của không ít thanh niên, tương tự như người bán rau 26 tuổi ấy: Nạn thất nghiệp, hay nạn tham nhũng.

Gia đình của Buazizi đã chuyển đến Canada. Họ hầu như không còn nhắc đến anh nữa. Còn trên bức tường của Bưu điện thành phố, tấm chân dung khổng lồ của anh - một thời từng là tâm điểm chú ý - giờ đã phủ đầy bụi bặm, và mỗi ngày một ố vàng. Mộ anh, cũng không còn mấy ai đến viếng nữa.

Không ai ở Sidi Bouzid còn xem Mohamed Buazizi là một hình mẫu để noi theo. Sau những trận gió xuân, dù rất nhiều thứ đã được xới tung lên, vẫn còn đó những cái bụng rỗng ở Tunisia. 

* Mohamed Buazizi sinh ngày 29-3-1984. Khi bán rau, tổng thu nhập mỗi tháng của anh đạt khoảng 140 USD. Anh từng được xem là một trong những người anh hùng thay đổi lịch sử thế giới Arab Hồi giáo.

* Cách mạng Hoa Nhài là tập hợp một làn sóng biểu tình dữ dội, bộc phát sau khi Mohamed Buazizi tự thiêu. Ước tính đã có tới khoảng 219 người tử vong và thậm chí thiệt mạng trong các cuộc biểu tình này, khi đụng độ với các lực lượng chính phủ tổng thống Ben Ali.

Đông Quân

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ để điều tra, làm rõ nguyên nhân một nam công nhân tử vong trong lúc làm việc tại xưởng sản xuất…

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文