Những nhân vật quyền lực nhất thế giới: Năm mới, thách thức… cũ

16:36 13/02/2015
Năm 2015 được coi là thời điểm khó khăn trước tàn dư từ khủng hoảng kinh tế, mâu thuẫn địa chính trị và sự leo thang mạnh mẽ của chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới. Điều này tạo nên không ít những thách thức ngoại giao, cũng như ảnh hướng lớn tới vai trò lãnh đạo của năm chính khách từng được bình chọn là quyền lực nhất thế giới năm 2014.

Đứng trước bối cảnh như vậy, họ sẽ lựa chọn hướng đi như thế nào, cẩn trọng hay mạo hiểm, trên con đường tìm kiếm lại ổn định - hòa bình cho khu vực và nhân loại?

Người hòa giải

Đối với thế giới, khi có những vấn đề liên quan tới châu Âu và cần đối thoại thì bà Angela Merkel luôn là chính trị gia được nhắc tới với tiếng nói có trọng lượng. Lý do khiến cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều cần bà Merkel trong nhiều vấn đề ngoại giao ở thời điểm Moscow và Washington có quan hệ không nồng ấm bởi họ đều coi bà Merkel như một người trung gian.

Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Đức sẽ gặp nhiều tình huống khó xử vì “cơn đau đầu” Ukraine. Nếu Washington cho rằng Berlin không cùng chí hướng trong vấn đề Ukraine hoặc trở nên gần gũi hơn với Moskva thì hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, khi bà Merkel ủng hộ việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) thì nhiều khó khăn về kinh tế sẽ nổi lên và với việc Đức gánh trọng trách hàng đầu trong EU thì nhiều cử tri Đức sẽ không hài lòng. Điều này dẫn tới khả năng Đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc (CDU) có thể truất quyền chủ tịch của bà Merkel.

Thủ tướng Angela Merkel.

Trên cương vị Thủ tướng, bà Merkel luôn có những bước đi cẩn trọng. Nhưng hai thành viên EU là Tây Ban Nha và Hy Lạp đang muốn “rút chân” khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và hành động này có thể gây phản ứng dây chuyền với nhiều nước khác. Khu vực này luôn mang lại nhiều lợi thế cho Đức với việc xuất khẩu hàng hóa được đảm bảo về giá do không có nhiều biến động trong tỉ giá hối đoái. Việc Eurozone đổ vỡ cũng đồng nghĩa với khủng hoảng cho bà Merkel và Đức.

Trong khi đó, sự hoành hành của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq, Syria và thông tin có khoảng 500 chiến binh hồi giáo là người mang quốc tịch Đức một lần nữa khiến bà Merkel chịu nhiều chỉ trích về chính sách nhập cư. Rõ ràng, những giải pháp ngắn hạn mà bà Merkel đang áp dụng thường không mang tính bền vững cao. Do vậy, 2015 sẽ là năm quan trọng để Angela Merkel chứng minh liệu bà có vượt qua được nhiều bài kiểm tra để giữ vững danh hiệu “nữ hoàng châu Âu”, hay sẽ mất ngai vị.

Người truyền giáo

Chuyến thăm châu Á lần thứ hai gần đây của Giáo hoàng Francis trong vòng chưa đầy nửa năm không chỉ phản ánh mối lưu tâm cá nhân ông với khu vực này mà cả tầm quan trọng chiến lược của châu Á đối với Tòa thánh Vatican trong năm 2015. Giới phân tích cho rằng, Giáo hoàng Francis đang muốn có cuộc cách mạng thực sự trong Công giáo nhằm ngăn chặn được sự suy giảm ảnh hưởng và vị thế của Giáo hội Công giáo trên thế giới sau rất nhiều vụ tai tiếng và bê bối.

Giáo hoàng Francis 

Không chỉ thể hiện sự quan tâm đến người nghèo, đến những tín đồ Công giáo gặp nhiều khó khăn và mong muốn hàn gắn giữa các tôn giáo, Giáo hoàng muốn mở rộng tầm ảnh hưởng và có thể mở rộng khu vực truyền giáo ở châu Á trong năm 2015.

Sau gần hai năm được sắc phong, Giáo hoàng Francis đã nhiều lần tuyên bố những ý tưởng cải cách, trong đó có phi tập trung hóa quyền lực ở tòa thánh và châu Âu, toàn cầu hóa giáo hội, gây dựng và phát huy vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc giải quyết những vấn đề cấp thiết và quan trọng nhất đối với số đông con người trên trái đất.

Bên cạnh đó, Giáo hoàng Francis sẽ có những động thái nhất định nhằm tái xây dựng mối quan hệ ngoại giao hòa dịu hơn giữa Vatican và Bắc Kinh. Trước đây, Vatican không có quan hệ chính thức với Bắc Kinh, trong khi đó Trung Quốc không thừa nhận sự lãnh đạo của Vatican và việc điều hành Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, trong chuyến công du châu Á vừa qua, máy bay chở Giáo hoàng được phép bay ngang qua không phận Trung Quốc.

Thậm chí, Giáo hoàng Francis đã gửi một bức điện cho Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập tới nỗ lực nối lại quan hệ song phương, và cho biết sẽ xúc tiến cuộc gặp với Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, trong thời gian sắp tới.

Người thể hiện

Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng thể hiện rõ xu hướng chuyển từ “giấu mình chờ thời” sang “tích cực thể hiện”, tạo nên một nền ngoại giao mang đậm màu sắc Trung Quốc. 

Năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn tiếp tục coi trọng xử lý quan hệ với các nước lớn, song có sự phân định rạch ròi hơn đối với từng đối tượng cụ thể. Trung Quốc chủ trương siết chặt quan hệ với Nga, đưa quan hệ song phương lên mức “thân thiết nhất từ trước tới nay”. Bắc Kinh cũng coi trọng Washington, đề xuất cùng Tổng thống Obama triển khai mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới” trên thực tế. Ngoài ra, Chủ tịch Tập rất quan tâm tới những diễn biến tại Triều Tiên, trước những động thái hướng tới Nga và Hàn Quốc...

Chủ tịch Tập Cận Bình

Đối với những tranh chấp lãnh thổ, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tuyên bố sẽ “tiếp tục kiên định đi trên con đường phát triển hoà bình”. Tuy nhiên, cách hành xử phi lý của Trung Quốc trong đòi hỏi chủ quyền khiến quan hệ giữa Bắc Kinh với hàng loạt nước láng giềng chủ chốt trở nên xấu đi.

Chủ tịch nước Tập Cận Bình phải đau đầu trước việc Philippines đâm đơn kiện Trung Quốc, hay những hành động nhằm phản ứng lại các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông từ phía Việt Nam, cùng động thái cứng rắn của Chính phủ Nhật Bản. Từ đây, dư luận thế giới 2015 sẽ trông chờ xem liệu Trung Quốc có tích cực đóng góp cho hoà bình và phát triển trên thế giới đúng như những gì ông tuyên bố hay không!

Người cương quyết

Với Tổng thống Barack Obama, nước Mỹ 2015 đã sẵn sàng “bước sang một trang mới” dù kinh tế còn khó khăn, khủng bố và chiến tranh diễn ra liên miên. Tổng thống Obama kêu gọi các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa hãy cùng Nhà Trắng tìm kiếm sự đồng thuận trong việc thay đổi bộ luật thuế và an ninh mạng, nỗ lực tinh giản chính phủ, cắt giảm ngân sách và cải cách chế độ nhập cư nhằm thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Tổng thống Barack Obama.

Ông tuyên bố 2015 sẽ ủng hộ các hiệp định thương mại tự do với nước ngoài nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, hối thúc các công ty công nghệ tư nhân chia sẻ thông tin nhiều hơn với chính phủ nhưng vẫn bảo đảm được quyền riêng tư của công dân.

Về đối ngoại, ông chủ Nhà Trắng cam kết sẽ tiếp tục truy diệt các phần tử khủng bố cực đoan để bảo đảm an toàn cho nước Mỹ và các đồng minh. Tổng thống hối thúc Quốc hội ủng hộ cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, phản đối và dọa sẽ dùng quyền phủ quyết nếu Quốc hội áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế trong lúc đang tiến hành đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Quan điểm của ông Obama cho rằng Mỹ và cộng đồng thế giới đang đứng trước cơ hội chưa từng có để có thể ngăn chặn một nước Iran có vũ khí hạt nhân.

Về việc tái lập quan hệ với Cuba, Tổng thống Mỹ một lần nữa khẳng định chính sách bao vây cấm vận nửa thế kỷ qua đã lỗi thời, đề nghị Quốc hội trong năm 2015 này bỏ phiếu chấm dứt các biện pháp bao vây phong tỏa để bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Tổng thống Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Quốc hội kết thúc lệnh cấm vận Cuba.

Người cứu nước

Năm 2015 sẽ trải đầy thách thức với Tổng thống Vladimir Putin khi ông phải tiếp tục tìm lối ra cho nền kinh tế Nga bên bờ khủng hoảng. Tình trạng nghiêm trọng hiện nay là “một vết chàm” đối với uy tín trong nước của Tổng thống Putin do sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu thế giới giảm mạnh.

Tổng thống Vladimir Putin.

Điều này khiến ông chủ Điện Kremli e ngại nhất bởi uy tín trong nước của ông được xây dựng trên nền tảng cam kết với người dân Nga về sự trở lại của một quốc gia hùng cường và chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao.

Phải đối mặt với thế trận đầy khó khăn này, người đứng đầu Điện Kremli sẽ lựa chọn giải pháp nào: Tìm cách “đóng băng” cuộc xung đột ở Ukraine, hay tích cực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao với phương Tây?

Hiện nay, Moscow dường như đang có xu hướng đi theo giải pháp đầu tiên. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng Nga nên ưu tiên cải thiện phần nào quan hệ với phương Tây để giảm sức ép từ các lệnh cấm vận, ít nhất là trong lĩnh vực tài chính và năng lượng, từ đó thoát khỏi thế cô lập trên trường quốc tế. Khi tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi và tình trạng bất ổn chính trị trong nước gia tăng, việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt có thể làm thay đổi những tính toán chính trị của Điện Kremli.

Liệu khi phải đối mặt với sự “ngoan cố” của các đối tác châu Âu và Mỹ, Tổng thống Putin sẽ theo đuổi một giải pháp quân sự? Nguy cơ này rất dễ xảy ra, chỉ có điều liệu quyết định đó có được đưa ra vào năm 2015 hay không mà thôi…

Trần Anh Quân

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文