Tây Du Ký

14:32 09/09/2013
Dẫu mới sang Pháp năm ngoái, năm nay, tôi vẫn tìm cách đi lần nữa, nhờ cơ hội có được visa multiple. Mục đích của tôi không vì công việc, cũng không nhằm những sự kiện, không vì năm 2013-2014 là năm Việt Nam tại Pháp và Pháp tại Việt Nam, không vì kỷ niệm 1000 năm Marseille – thủ phủ của văn hóa châu Âu v.v...  mà vì một sức hút đặc biệt của xứ sở ấy, dẫu có thể còn bao nhiêu chân trời mời gọi những chuyến đi tua trên thế giới này.

Tự kiếm lời giải đáp, tôi phát hiện ra trong mình có một thứ nostalgie (hoài niệm) dẫu xứ sở ấy tôi chỉ được thấy như những đoạn phim ngắt quãng, khi đã qua tuổi tráng niên. Thế thì vì sao nó lại có thể cắm rễ sâu trong tâm tưởng của mình như vậy? Ấy là bởi nó đã được tạo dựng nên bằng… tiểu thuyết, thơ, nhạc điệu, cả những ca khúc thời tôi chưa biết đọc biết viết. Dẫu thế giới hiện đại có đổi thay vùn vụt, mỗi lần sang tới đó, tôi vẫn thấy những nét giống như những ngày xa xưa, thậm chí như trong dân ca Pháp, đan xen với cái mới.

Lần này tôi ở một đại lộ thuộc quận 13, sát sàn sạt một nơi được gọi là khu phố tàu có tiếng bẩn, nhưng nay đã sạch sẽ hơn. Ngôi nhà cổ tôi ở chỉ có một tầng lọt thỏm giữa đại lộ ở đầu đường là Shopping Centre Italie 2 (tên nửa Anh nửa Pháp) gồm những siêu thị nổi tiếng nhất của Pháp kết hợp với Restaurant loại xịn. Tiếp viên đủ màu da. Ngẫu nhiên người thanh niên Pháp phục vụ bàn ăn của chúng tôi dẫu phải chạy bàn tíu tít, vẫn cố nói vài câu tiếng Việt,  vì anh từng tới Đà Lạt mở quán ăn trong 7 năm.

Bên cạnh cánh đồng hoa và những đụn rơm khô.

Tác phong kinh điển: biểu diễn nghệ thuật rót rượu từ trên cao xuống cốc, khăn trắng vắt cánh tay, tay kia khoát rộng mời “Bon appétit”… trong khi vẫn dè chừng cái vẫy tay của viên quản lý đang đảo mắt theo dõi các bàn. Năm ngoái tôi được mời tới một quán nổi tiếng vì xưa có “Hemingway đã tới ngồi uống rượu”, như lời ghi ở cái bảng đặt ngay giữa vị trí bước vào quán (có thể lắm, làm sao biết hết được các quán của cái vị nát rượu ấy?). Một bác hầu bàn da đen trót làm rơi một giọt nước xốt lên cánh tay tôi, tôi vội che ngay bằng tấm khăn ăn. Bác cảm ơn rối rít rồi liếc mắt về phía viên quản lý. May mà không bị phát hiện…

Nghệ thuật ẩm thực vốn là sức hấp dẫn đặc biệt của Pháp, không chỉ do món ăn mà cả phong cách phục vụ. Năm nay tôi tới Pháp vào đầu tháng 6. Nơi đây bốn mùa phân biệt rõ rệt: mùa xuân là mùa của hoa trái và nắng vàng rực rỡ. Mùa xuân đặc biệt là mùa của sơ-ri, đã từng được làm bất tử trong ca khúc Mùa anh đào từ thời Công xã Paris 1871:

(…) Nhưng mùa anh đào trôi qua ngắn ngủi
Từng lứa đôi mơ mộng sánh vai
Hái những chuỗi dây lủng lẳng bông tai,
Hạt máu rơi dưới tán lá cây
Nhưng mùa anh đào quá ư ngắn ngủi,
Bông tai bằng san hô, ta hái giữa giấc mơ.
(…)

Còn tôi, tôi đã ăn chưa kịp hết mùa sơ-ri của Pháp – vì bây giờ còn có sơ-ri nhập từ các nước khác – thì đã phải tức tốc ra về. Ngay những ngày đầu tiên tới Pháp, một anh chàng Việt kiều tỏ ra sành điệu cập nhật với mốt hiện nay của Việt Nam, đã dùng từ “phượt” để rủ tôi đi tàu, rồi đi xe hơi ven những cánh đồng, bên những bụi cây đầy hoa, ngắm những ngôi nhà quả sơ-ri rơi vãi dưới gốc cây, chim chóc ăn không hết.

Tháng 6, ở nước Pháp, đến 9 giờ tối trời hãy còn sáng, nắng đẹp đến nỗi không thể không đi ra ngoài, và ngày dài làm cho cuộc đời dường như dài thêm, ta có cảm giác như được sống nhiều hơn. Đang mùa các tiệm, các công ty may mặc, các mác nổi tiếng solde (ta gọi là “bán xeo” (giảm giá)). Nước Pháp cũng là nước của truyền thống sành điệu về sự thanh lịch “dernier cri” (lăng xê mốt mới nhất) – từ đồ lót, bộ đồ thông dụng, đến loại dạ phục, lễ hội. Tôi không mua nhưng mượn cớ ấy để đi ra những con đường nắng. Công viên, lâu đài, triển lãm, nhà nghệ sĩ và  quảng trường nổi tiếng, du lịch trên sông Seine.

Đi mấy lần rồi, tôi cần gì phải tới những nơi tốn kém ấy nữa? “Phượt” theo kiểu người nghèo không có trợ cấp ở Pháp vẫn thú vị. Ấy là còn may vì lần này sang Pháp, tôi cũng có bạn bè hoặc học trò cũ làm Mạnh Thường Quân, chí ít cũng là giúp những việc vặt đối với một người như tôi, rất khó thích nghi với lối sinh hoạt mà ở chỗ nào cũng là bấm nút, điện tử… Nữ họa sĩ Dominique đã nhờ một anh bạn người Togo tới giúp tôi khi xảy ra những “sự cố” hằng ngày: làm trật khớp cánh cửa phòng, không mở được khóa va li của chính mình, không tự mình đi vào những mê cung hiện đại như metro, ga tàu cao tốc nội địa, ga máy bay.

Hoa, nắng xuân và cặp tân nhân Việt - Pháp.

Nhưng bài học tinh thần để lại cho tôi từ Etienne Adzima, người làm nghề “chạy việc” ấy thật thấm thía. Anh nói với tôi: “Tôi có người em thứ hai tự nhiên bỏ đi biệt tăm đã 20 năm nay. Từ ngày ấy, tôi đi khắp nơi, kiếm sống bằng đủ mọi nghề mà không tìm thấy nó. Rồi tôi dừng lại ở đây. Tôi yêu nước Pháp, vì ở đây tôi sống bên cạnh đủ người tứ xứ: Tàu, Việt Nam, da đen, Ả Rập, châu  Âu, châu Mỹ… Ở xứ nào cũng có người tốt.”.

Có lẽ hạnh phúc nhất trên đời này chính là được gặp những người tốt, và được hưởng thụ một thế giới đa dạng. Tôi chỉ tiếc là từ tuổi thiếu niên đến tuổi thanh niên, tôi đã phải trải qua một thời kì không được học ngoại ngữ - kể cả tiếng Pháp để nay có thể hiểu thêm bao nhiêu người khác xứ sở… Anh bạn Togo cũng chỉ có tiếng Pháp, nhưng cuộc sống ở Paris đã khiến anh giao cảm không cần tới ngôn ngữ, và ở anh, tôi đã tìm thấy  một minh triết.

Tháng 6 năm nay, khi tôi đến Paris, anh đang trở về quê nhà làm tang lễ cho em trai thứ ba. Thế là anh chỉ còn một mình vì người em mất tích có thể cũng đã chết. Khi ra đi (hoặc trở về), anh khóc rống, theo lối rất bộc trực của người châu Phi. Tang lễ xong, một hôm bỗng nhiên anh xuất hiện ở phòng tôi với chiếc áo dân tộc sặc sỡ, mặt mũi rạng rỡ, kể lại cho những người bạn đang ngồi ở đó rằng đám tang đã tiến hành với những nghi thức kéo dài và trang trọng ra sao. Anh phát cho mỗi người một tấm “phân ưu” có in ở bìa 1 và bìa 4 ảnh màu hai chân dung của người em, với một bông hoa hồng sặc sỡ kèm theo trích dẫn Lá thư của Thánh Paul gửi người La Mã ( 8,8-17):

Hỡi các người anh em, dưới áp lực của xác thịt,
Ta không thể nào khiến Chúa hài lòng
Còn riêng anh, anh không phải chịu áp lực của xác thịt,
Nhưng lại đang mang áp lực của tinh thần

Tôi bị bất ngờ trước lối phân ưu, anh rót ra bát cho mỗi người một ít rượu mạnh ngâm cây cỏ lạ đắng nghét để uống mừng em trai không còn phải chịu “áp lực của xác thịt”, không chết mà chỉ bước sang thế giới của tinh thần. Sau đó, tay để trên tim, anh cúi chào mọi người rồi đeo chiếc thùng lủng lẳng đầy rượu đi tới chung cư nơi anh  sống bên những bạn bè đủ mọi xứ sở, để làm việc phân ưu với họ.

Song tối đến anh lại trở về ngủ ở phòng hầm dưới phòng tôi ở (theo đề nghị của Dominique). Vì tôi rất sợ căn hầm dẫu bật đèn sáng trưng – nơi nữ họa sĩ thỉnh thoảng tới làm việc. Ngủ dậy rất muộn, mỗi sáng Etienne lại đội mũ cát két, ăn mặc bảnh chọe đi làm. Anh kể rằng đêm nào anh cũng làm việc đến 12 giờ, và lúc về đây, đặt mình xuống giường, đó là lúc anh được gặp em trai, trong khoảng 2 tiếng, rồi mới ngủ thiếp đi.

Anh nói nhờ thiền định, anh có thể gặp em trai bất kì lúc nào, dù ngồi hay nằm. Anh trở nên nói nhiều, đặc biệt về sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Đó là điểm khác với Etienne, anh chàng Togo mà tôi đã gặp những năm trước. Ít nhất, thì niềm tin cũng mang lại một chỗ dựa tinh thần trong những phút giây khổ nạn của con người. Anh hỗn hợp đủ thứ đạo trong mình, dù chỉ là trực giác.

Bất ngờ, tôi lại cũng dự một tang lễ  trong chuỗi ngày ngắn ngủi ở Pháp. Một giáo sư Pháp giỏi về thơ thiền Việt Nam viết bằng chữ Nôm – có lẽ ngang ngửa với một số chuyên gia Việt Nam – đã qua đời. Ông lại cũng giống anh chàng Togo ở điểm: vừa theo Gia tô giáo, vừa theo đạo Phật – tất nhiên với một ý thức sâu xa. Đám tang khá đông người đến và rất nhiều vòng hoa, chứng tỏ vị giáo sư sống khép kín, ẩn dật ấy được nhiều người mến mộ.

Lễ tang được cử hành trong nhà thờ, dưới ánh sáng của những cây nến và cả ánh điện thay đổi, chập chờn, tùy theo nghi thức hành lễ: hát đồng ca, solo, lời phân ưu của gia đình, bạn bè, lời rao giảng của vị linh mục, kết thúc là diễu hành quanh quan tài và vẩy nước thánh từ giã. Tiếp đó, tang lễ lại tiến hành ở nghĩa trang theo nghi thức đạo Phật. Hai vị sư áo vàng béo nhưng thấp hơn các linh mục của nhà thờ lại điều khiển các nghi thức: đọc kinh, gõ mõ, hạ huyệt và rắc hoa lên mộ…

Trong khoảng cách không đầy một tháng, hình ảnh vị giáo sư xuất hiện trên vài tờ báo Việt Nam ghi lại hai giây phút trọng đại của đời ông: phần thưởng của bà Nguyễn Thị Bình trao tặng vì cống hiến cho Việt Nam học, và ảnh đám tang, bia mộ… Nhờ tang lễ này, tôi gặp được sau hơn 30 năm, một nhà sử học Pháp chuyên nghiên cứu về thời kì hiện đại ở Việt Nam… Ngày ấy, mắt ông xanh màu lục, bộ âu phục cùng màu lục, ông đẹp như tài tử điện ảnh…

Giờ đây, tôi vẫn thấy ông rất đẹp tuy ánh mắt màu lục ấy đã phai nhạt. Tôi mừng vì ông vẫn nhận ra tôi trong đám đông, vẫn ga lăng, khoác tay tôi, hướng dẫn tôi làm những nghi thức ở cả nhà Chúa lẫn nhà Phật… Cuộc sống vẫn tiếp tục sau cái chết. Theo một cách hiểu nào đó, nó gợi lại minh triết của anh chàng Togo… Đám tang là cơ hội ngẫu nhiên cho người còn sống gặp lại nhau, trong đó có những người tưởng như chỉ có thể gặp lại trong tưởng tượng.

Tôi đột ngột rời nước Pháp do một sự cố liên quan đến tử biệt sinh ly… Về tới nhà, sau khi đã định thần lại, tôi nghĩ những mảnh minh triết hồn nhiên của anh chàng Togo, ít nhiều cũng đã giúp cho “tôi ơi, đừng tuyệt vọng”. Còn hoa lá, nắng vàng trong như lọc, mùa xuân rực rỡ chỉ còn là những hình ảnh phù du, thuộc về cõi mộng du. Ở sảnh hải quan sân bay, anh chàng Togo khổng lồ phải gập đôi người xuống để hôn cái hôn từ biệt và nhắc lại: “Hãy dũng cảm”.

Đặng Anh Đào

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文