Thủ tướng Đức Angela Merkel: Gánh nặng trên vai

06:15 28/12/2016
Trong bối cảnh châu Âu đối mặt với nhiều bất trắc và khủng hoảng cả bên trong lẫn bên ngoài biên giới, bà Angela Merkel được đa số người Đức và nhiều quốc gia xem là “biểu tượng của sự ổn định”.

Trong cuộc họp báo vừa qua tại Berlin, nữ thủ tướng Đức cho biết bà sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2017. Sau 11 năm cầm quyền, bà vô cùng tự tin khi nhận được sự tín nhiệm từ người dân với gần 60% mong muốn bà tiếp tục lãnh đạo. 

Trong khi đó tại Mỹ, một phần dư luận lo ngại rằng khi Tổng thống Donald Trump chính thức lên nắm quyền với các chính sách theo chủ nghĩa dân túy thì Mỹ sẽ dần “co cụm” lại trước các vấn đề toàn cầu, và trọng trách khi ấy – được miêu tả bằng cụm từ “lãnh đạo thế giới tự do” – sẽ được trao lại cho bà Merkel.

Lãnh đạo thế giới tự do

Đứng đầu Chính phủ Đức 11 năm nay, Angela Merkel là nữ chính khách đang giữ kỷ lục về thời gian nắm quyền tại phương Tây. Và tham vọng của “bà đầm thép” chưa dừng lại khi bà chính thức tuyên bố sẽ ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa. 

Theo kết quả các cuộc thăm dò gần đây, bà Angela Merkel hoàn toàn có cơ hội giành chiến thắng để tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư. Nếu điều này trở thành hiện thực, bà sẽ đi vào lịch sử nước Đức vì vượt qua kỷ lục của Thủ tướng nổi tiếng thời hậu chiến Konrad Adenauer (với 14 năm điều hành chính phủ) và đứng ngang hàng với người đỡ đầu cho bà trong sự nghiệp chính trị là Helmut Kohl (16 năm).

Nữ Thủ tướng Angela Merkel được đa số người dân Đức và nhiều quốc gia xem là "biểu tượng của sự ổn định".

Đa số người dân Đức hiện nay tin rằng Thủ tướng Merkel sẽ ra tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm tới khi mà uy tín của bà vẫn còn rất cao, thậm chí còn tăng thêm kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Angela Merkel được dân chúng xem là một nhà lãnh đạo vững chắc và giàu kinh nghiệm. Trong một thế giới nhiều bất trắc thì hình ảnh một nhà lãnh đạo vững vàng và mang lại thành quả kinh tế sẽ càng được người dân tín nhiệm. 

Theo một công bố đầu tháng 12/2016, trên 80% dân Đức hài lòng với tình hình kinh tế quốc gia. Ở vào thời điểm 10 năm về trước, Đức rơi xuống tận cùng đáy vực và tưởng như trở thành “con bệnh” của châu Âu. Tuy nhiên, bà Angela Merkel đã nỗ lực đưa nước Đức đi lên với nhiều thành công nhất định, và sẽ tiếp tục “hành trình” biến Đức thành “đầu tàu” thúc đẩy sự phát triển của cả châu Âu.

Trước làn sóng dân túy trên khắp thế giới đang ngày càng nở rộ mà minh chứng là việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), tờ báo New York Times đánh giá Thủ tướng Angela Merkel “là thành trì cuối cùng để bảo vệ các giá trị nhân đạo của phương Tây”. 

Có một nỗi lo ngại rằng sau chiến thắng của nhà tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, nước Mỹ có nguy cơ đi theo chủ nghĩa biệt lập và như vậy sẽ không còn can thiệp nhiều ra bên ngoài nữa. 

Vào lúc mà chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy ở những nước như Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi khối Liên minh châu Âu (EU) vẫn loay hoay tìm lối thoát ra khỏi khủng hoảng, mọi con mắt đang đổ dồn vào Thủ tướng Đức Angela Merkel - nhà lãnh đạo thế giới tự do. 

Cho tới nay và nhất là vào thời Chiến tranh Lạnh, cụm từ “lãnh đạo thế giới tự do” vẫn được dùng cho tổng thống Mỹ - cường quốc số một thế giới. Tuy nhiên giờ đây nhiều nhà phân tích cho rằng, bà Merkel đang dần chạm tới danh hiệu này.

Để từ biệt châu Âu trước khi hết nhiệm kỳ, Tổng thống Barack Obama đã không đến nước Anh (đồng minh truyền thống của Mỹ), mà chọn nước Đức nhằm ám chỉ rằng ông muốn Thủ tướng Merkel tiếp nối vai trò của ông. 

Nhìn thấy những tác động từ chiến thắng của Donald Trump đối với châu Âu, Thủ tướng Merkel chắc chắn nghĩ rằng nhiệm vụ của bà chưa chấm dứt và bà phải tiếp tục lãnh đạo châu Âu. 

Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định vai trò của Thủ tướng Đức sẽ ngày càng quan trọng vì bà phải tìm con đường hàn gắn Liên minh châu Âu, đồng thời “duy trì kết nối chặt chẽ cùng lập trường cứng rắn” với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, trong khi nghĩ cách “kiềm chế” Donald Trump.

Câu hỏi đặt ra là liệu đã đến lúc Đức nắm giữ vai trò lãnh đạo tại châu Âu hay chưa? Nhiều tờ báo nhận định có thể “chưa đến lúc”. Cho dù cuộc khủng hoảng Ukraine là cơ hội để bà Angela Merkel nắm lấy vai trò quyết định, nhưng nước Đức lại không có các phương tiện ngoại giao và quân sự để gây sức ép hàng đầu trong quan hệ quốc tế như khủng hoảng Syria cho thấy. Đức chưa thể nâng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP như đòi hỏi của các đối tác trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Do đó, cho dù ông Barack Obama có đưa ra một cảm giác muốn Thủ tướng Đức tiếp nhận vai trò bảo vệ thế giới tự do và dân chủ, chưa chắc bà Merkel thật sự sẵn sàng. Bà không muốn đơn độc mang ngọn đuốc bảo vệ nền dân chủ đang trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Thách thức và bản lĩnh

Thủ tướng Angela Merkel đã báo trước là chiến dịch vận động tranh cử vào năm 2017 sẽ được lèo lái với một “thái độ dân chủ”. Tuyên bố này rất quan trọng vì bà không để cho các chính trị gia cực đoan lôi kéo tranh luận chính trị vào võ đài mị dân. 

Kinh tế phất lên nhưng nước Đức không tránh được ảnh hưởng của “cơn ác mộng” cực hữu. Nhiều ý kiến cho rằng đây là thất bại của bà Merkel khi đảng AFD bài ngoại (thành lập năm 2012) nhận được 12% cử tri tín nhiệm – một tỉ lệ cao trong chính trường Đức. Phe cực hữu ngày càng “hung hãn và thô bạo”, tung ra các luận điểm cực đoan và kỳ thị chủng tộc.

Khủng hoảng di cư và chủ nghĩa dân túy đang thác thức bản lĩnh của "bà đầm thép".

Trong khi đó thì Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo của Đức bị chia rẽ vì chính sách đón tiếp người di dân ồ ạt. Bà Angela Merkel bị nhiều nhà chính trị châu Âu và chính đảng CDU chỉ trích phạm sai lầm trong chính sách nhân đạo tiếp đón di dân tị nạn, còn phe cực hữu tố bà mở cửa cho khủng bố trà trộn xâm nhập nước Đức.

Trên thực tế, nữ Thủ tướng Đức không tuyên bố mở cửa biên giới đón tất cả mọi di dân tị nạn, mà “không nên đóng cửa trước thảm cảnh nhân đạo và cần đối xử với người bất hạnh sao cho xứng đáng với tình người”. 

Angela Merkel thành công và rất kiên định vì trong nước, bà thực hiện một chính sách nhập cư rất năng nổ, ổn định đời sống của một triệu di dân, siết chặt luật di trú và bên ngoài biên giới châu Âu, bà thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác tiếp đón nạn nhân cuộc chiến Syria.

Sau khi thông báo quyết định ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2017, thủ tướng Đức nhấn mạnh một mình bà không thể bảo vệ an ninh cho cả châu Âu mà “phải có nhiều người hợp tác”. Biện pháp hiệu quả nhất để củng cố nền an ninh chung là nước Đức và thế giới cần phải rộng mở chứ không thể co cụm mạnh ai nấy lo thân. 

Lời tuyên bố khiêm tốn này của bà Angela Merkel được xem là thông điệp vừa để khuyến cáo ông Donald Trump, vừa đáp lại lời khen của báo chí Mỹ xem “bà đầm thép” từ nay là người thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới tự do. Với Merkel, sự hợp tác giữa Đức và Mỹ đặt trên tiêu chuẩn cơ bản không thay đổi đó là dân chủ, tự do và tôn trọng nhân phẩm con người.

Donald Trump đã gây lo ngại cho phương Tây khi ông tuyên bố sẽ hành động theo phương châm “nước Mỹ là trên hết”, kể cả trong quan hệ giữa Washington với các nước châu Âu. Nhiều người lo rằng những lời tuyên bố kiểu này có thể gây mếch lòng, làm đồng minh của Mỹ không còn đoàn kết như xưa. 

Trong bối cảnh này chỉ có nước Đức là bức tường thành vững chắc nhất, vì nước Anh phải lo chuyện “chia tay” EU (Brexit), trong khi Pháp và Italia - hai trụ cột khác của châu Âu - thì đang gặp nhiều khó khăn kinh tế. Thế giới giờ đây coi bà Merkel như “thuyền trưởng”, đứng vững chèo lái lý tưởng tự do dân chủ.

Chưa nói đến chuyện bảo vệ tự do dân chủ, trước mắt thủ tướng Đức sẽ phải đối đầu với xu hướng nước Mỹ thu mình lại, không còn muốn đóng vai trò trung tâm của thế giới. 

Bên cạnh đó, trên trường quốc tế, khuôn khổ hành động của nước Đức rất hạn hẹp vì nước này không nằm trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Berlin cho tới nay vẫn không muốn can thiệp quân sự ra bên ngoài. 

Nhiệm vụ của bà Merkel càng khó khăn vì ông Donald Trump đã tỏ ý muốn có một quan hệ hòa dịu hơn với Tổng thống Nga Putin. 

Thêm vào đó, sau chiến thắng của nhà tỷ phú New York, sẽ có thêm nhiều nước chỉ trích chính sách nhập cư hào phóng của bà, cũng như chủ trương thúc đẩy tự do mậu dịch toàn cầu và tích cực chống biến đổi khí hậu. Một gánh nặng quá lớn trên vai nữ thủ tướng Đức, dù bà là một người rất có bản lĩnh…

Hồng Hạnh

Nhân dịp Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 50 ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ trao tặng chính thức phim tài liệu "Victory Vietnam" (Chiến thắng của Việt Nam) cho Viện Phim Việt Nam.

Chiều tối 25/4, khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là tuyến đường Lê Duẩn (Quận 1), trở nên rộn ràng, náo nhiệt khi hàng ngàn người dân từ khắp nơi nô nức đổ về đây để đón xem buổi sơ duyệt chương trình diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Chiều 25/4, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cùng đại diện chỉ huy một số phòng chức năng Công an TP đã đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thăm hỏi và động viên Trung tá Nguyễn Tiến Minh, cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, bị thương khi đang làm nhiệm vụ.

Ngày 25/4, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, qua công tác nắm tình hình trên mạng và dư luận xã hội, Cục Cảnh sát hình sự đã phát hiện tình trạng một số doanh nhân, cán bộ công chức nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ gửi đến hình ảnh “nhạy cảm” kèm nội dung tin nhắn đe dọa, nếu không chuyển tiền theo yêu cầu của  đối tượng thì sẽ bị phát tán các hình ảnh này lên mạng xã hội nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Chiều 25/4, từ khoảng 15h, hàng ngàn người dân từ khắp các quận, huyện, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đã đổ về khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt là trục đường Lê Duẩn (Quận 1), để theo dõi buổi sơ duyệt chương trình diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Từ vai trò chiến sĩ giữ gìn an ninh Tổ quốc đến sứ mệnh trở thành sứ giả hòa bình trên trường quốc tế, lực lượng CAND tiếp tục khẳng định vị thế và trách nhiệm toàn cầu qua Lễ trao Quyết định của Chủ tịch nước cho 3 sĩ quan lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) ở Nam Sudan.

Dưới danh nghĩa tài trợ cột điện chiếu sáng đa năng, một doanh nghiệp có trụ sở tại TP Hải Phòng đã tự ý xây dựng nhiều cột điện cao hàng chục mét trong các khu dân cư, sau đó một đơn vị viễn thông đã lắp đặt các thiết bị phát sóng. Điều đáng nói, các vị trí này dù đã thông qua ngành chức năng nhưng không được chấp thuận vì nằm ngoài quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành khẳng định, thiên tai ngày càng phức tạp và khó lường, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất ở miền núi. “Cảnh báo sớm, hành động sớm”  là chìa khóa để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, cảnh báo hiện nay vẫn chưa đến được tận các bản làng, nơi người dân thiếu thông tin và hệ thống hỗ trợ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.