Vì sao phải học tiếng Việt?

19:14 15/10/2016
Ngoài tiếng Việt mà chúng ta dùng hằng ngày, tức tiếng mẹ đẻ, còn có những thứ tiếng Việt khác mà đối với chúng ta về bản chất là ngoại ngữ. Môn Tiếng Việt dạy những thứ tiếng Việt khác đó.

Trong hai bài báo, Học văn để làm gì?Văn liệu sách giáo khoa "văn học" và cách học môn văn, tôi đã viết rằng sự ra mắt của bộ sách giáo khoa do nhóm Cánh Buồm khởi thảo, trong đó có cuốn Sách học tiếng Việt, xứng đáng được coi là một sự kiện trong ngành giáo dục Việt Nam. 

Công trình là kết quả đáng khâm phục của một tập thể nhỏ bé nhưng dũng cảm và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của đất nước. Tuy nhiên, cũng giống như bộ Sách học Văn, bộ Sách học Tiếng Việt của nhóm Cánh Buồm chưa hoàn toàn đáp ứng được sự háo hức hy vọng của tôi. Cũng giống như với bộ Sách học Văn, theo tôi, các tác giả đã nhầm lẫn về mục đích của môn học.

Nhóm Cánh Buồm đã đồng nhất môn Tiếng Việt với môn Ngôn ngữ học. Nói đúng hơn, họ dùng tiếng Việt làm ví dụ để dạy môn Ngôn ngữ học. Họ giải thích: "Trong bộ sách do nhóm Cánh Buồm khởi thảo có môn Ngôn ngữ học được dạy từ lớp một song vì những lý do tâm lý - xã hội, môn học này vẫn tạm gọi tên là môn Tiếng Việt". 

Theo họ, "Mục đích của môn Tiếng Việt là: Tạo ra trong nhận thức học sinh một ứng xử ngôn ngữ học đối với công cụ ngôn ngữ của con người; Tạo ra trong hành trang ngôn ngữ của các em một năng lực sử dụng đúng và thành thạo tiếng Việt; Tạo ra trong tác phong các em một thói quen nghiên cứu khoa học đối với ngôn ngữ tiếng Việt".

Với quan niệm như thế, ngay ở lớp một, các tác giả đã "tổ chức cho trẻ em học ngữ âm tiếng Việt" để giúp học sinh không chỉ đọc, viết thành thạo tiếng Việt mà "hơn thế nữa, còn phải biết vì sao mình đọc và viết đúng cũng như vì sao mình sai hoặc chưa đúng để tự mình sửa lại". 

Các tác giả chủ trương rằng "ở lớp một, học sinh tập trung vào mặt ngữ âm của tiếng, không sa đà vào mặt nghĩa của từ". Lên lớp hai, các em có "nhiệm vụ học tập mới: am tường và sử dụng thành thạo từ ngữ tiếng Việt". Nội dung giảng dạy ở lớp hai, chẳng hạn, được chia thành 5 bài (trừ bài mở đầu để ôn tập kiến thức đã học ở lớp một), đó là "Tín hiệu ngôn ngữ", "Từ thuần Việt", "Từ phái sinh", "Từ Hán-Việt" và "Từ mượn phương Tây".

Những chủ đề nói trên đều thú vị và có ích, nhưng các bài học đều tập trung dạy kiến thức về ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng chứ không phải là dạy tiếng Việt. Đó chính là sai lầm của các tác giả mà chúng tôi đã nói ở trên - nhầm lẫn môn Tiếng Việt với môn Ngôn ngữ học.

Minh họa: Lê Phương.

Thật ra Ngôn ngữ học là một ngành khoa học mà chỉ những ai quyết định trở thành người nghiên cứu chuyên sâu mới cần phải học. Dĩ nhiên môn Tiếng Việt có thể gọi là Việt ngữ học. Nhưng trừ phi chúng ta chỉ giới thiệu khái quát như một cách "nhập môn", đối với học sinh bậc tiểu học, đó cũng đã là một chuyên ngành quá chuyên sâu. Môn Tiếng Việt, theo tôi, là một môn học khác, phục vụ cho những mục đích khác.

Tại sao phải học môn Tiếng Việt?

Để làm rõ điều này chúng ta cần phải chú ý rằng trừ phi đối với những ai đi sâu vào chuyên ngành này, ngôn ngữ học chỉ cần thiết cho việc học ngoại ngữ. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy rằng người bản ngữ, kể cả những người mù chữ, rất hiếm khi nói sai tiếng mẹ đẻ. 

Thậm chí có thể nói rằng, chỉ có những người có học, do sức ép của những kiến thức sách vở, mới nói sai tiếng mẹ đẻ. Ví dụ, người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ khi nói không bao giờ phân biệt "gi" trong "Gia Lâm" với "r" trong "cái rổ" và "d" trong "da dẻ". 

Thế nhưng một số giáo viên đã bắt học sinh phải phát âm "Gia Lâm" như "Dja Lâm", phải rung lưỡi khi nói "cái rổ". Tương tự như vậy, việc người Việt một số địa phương không phân biệt "l" với "n" cũng không phải là nói sai, hay nói ngọng. 

Họ chỉ nói sai so với thứ tiếng Việt của một vùng khác, chẳng hạn tiếng Việt ở Hà Nội, mà vì những lý do - chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa - khác nhau được coi là tiếng Việt "chuẩn" mà thôi. (Xin lưu ý rằng người Hàn Quốc cũng thường không phân biệt "r" với "l", và người dân nhiều vùng ở miền Nam Trung Quốc cũng không phân biệt "l" với "n").

Ngôn ngữ học phương Tây - cũng có nghĩa là ngôn ngữ học nói chung - ra đời vì nhu cầu nghiên cứu, học và dạy ngoại ngữ. Nói đúng hơn, ngôn ngữ học ra đời vì nhu cầu nghiên cứu, học và dạy ngoại ngữ đã được cố định trong các văn bản thiêng liêng.

Voloshinov, trong cuốn sách kinh điển Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, đã viết rất hay về vấn đề này: "Sinh ra trong quá trình nghiên cứu nhằm làm chủ thứ ngoại ngữ đã chết, tư duy ngôn ngữ học còn phục vụ một mục đích khác, không phải là nghiên cứu mà là giảng dạy: không phải là giải mã ngôn ngữ, mà là dạy thứ ngôn ngữ đã được giải mã. 

Di tích trong các văn bản sau khi giải mã được chuyển đổi thành tài liệu giáo khoa, những hình mẫu cổ điển của ngôn ngữ. Nhiệm vụ cơ bản thứ hai này của ngôn ngữ học - nhiệm vụ tạo ra một bộ máy cần thiết để dạy thứ ngôn ngữ đã được giải mã, có thể nói như vậy, mã hóa nó hướng theo các mục tiêu của việc giảng dạy - để lại dấu ấn sâu sắc của nó lên tư duy ngôn ngữ học. 

Ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng - đó là ba bộ phận của hệ thống ngôn ngữ, ba trung tâm có tổ chức của các phạm trù ngôn ngữ học - đã hình thành trong dòng kênh của hai nhiệm vụ của ngôn ngữ học - heuristic (khám phá, luận giải) và sư phạm".

Phải học môn Tiếng Việt vì:

Ngoài tiếng Việt mà chúng ta dùng hằng ngày, tức tiếng mẹ đẻ, còn có những thứ tiếng Việt khác mà đối với chúng ta về bản chất là ngoại ngữ. Môn Tiếng Việt dạy những thứ tiếng Việt khác đó.

Trước hết, đó là học tiếng Việt chuẩn hóa. Mặc dù tiếng nói ở mọi vùng đều đúng, nhưng vì các lý do văn hóa - xã hội khác nhau, ở mỗi quốc gia người ta thường chọn (đôi khi thông qua một chính sách ngôn ngữ mang tính cưỡng bức) một phương ngữ cụ thể như là thứ tiếng "chuẩn". 

Thứ tiếng "chuẩn" ấy thường là phương ngữ của thủ đô - do vai trò quan trọng của nó - tuy rằng điều đó không phải bao giờ cũng đúng. Một ví dụ là tiếng Anh. Trước kia, tiếng Anh "chuẩn" là tiếng Anh London. Về sau, tiếng Anh ở New York cũng được coi là tiếng Anh "chuẩn". 

Hiện nay, người ta cho rằng tiếng Anh Australia hay tiếng Anh Singapore... cũng "chuẩn". Vì lý do đó, "English" ngày xưa là danh từ không đếm được, bây giờ trở thành danh từ đếm được: có nhiều thứ tiếng Anh (Englishes) khác nhau.

Tương tự như vậy, thứ tiếng Việt mà học sinh nói ở nhà là thứ phương ngữ nơi các em sống. Đó là tiếng mẹ đẻ đích thực. Nhưng khi đến trường, các em phải học tiếng Việt "chuẩn hóa" - thật ra là một phương ngữ khác, không hoàn toàn giống thứ tiếng Việt "mẹ đẻ" của các em. 

Việc nắm được ngôn ngữ chuẩn hóa giúp các em thuận lợi trong giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu. Riêng đối với các em học sinh thuộc các dân tộc ít người, môn Tiếng Việt thực sự là một môn ngoại ngữ. 

Thứ hai, đó là học tiếng Việt viết. Tiếng Việt viết có những quy tắc riêng của nó. Nói rộng ra, ngôn ngữ viết có những quy tắc riêng so với ngôn ngữ nói. Vật liệu chuyên chở ngôn ngữ viết không phải là âm, mà là chữ, mặc dù những hệ thống chữ viết biểu âm (như chữ Pháp, chữ Nga, chữ Hàn Quốc, hay chữ Quốc ngữ của chúng ta) xuất phát từ việc ghi âm. 

Sự tương ứng giữa cách viết và cách đọc (hay cách nói) không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Xin lấy lại ví dụ ở trên. Mặc dù người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ khi nói không bao giờ phân biệt "gi" (trong "Gia Lâm") với "r" (trong "cái rổ") và "d" (trong "da dẻ"), khi viết họ buộc phải phân biệt -  theo quy tắc "chính tả". Với các hệ thống chữ viết biểu ý (như chữ Hán) sự khác biệt của ngôn ngữ viết so với ngôn ngữ nói càng rõ hơn. 

Về mặt cú pháp, do được thể hiện bằng chữ, một phương tiện ổn định hơn nhiều so với âm thanh, có thể được tiếp nhận "thầm" và tiếp nhận nhiều lần bằng mắt, ngôn ngữ viết cũng có xu hướng phức tạp hơn. Tính phức tạp của các văn bản viết còn được hỗ trợ bởi các dấu câu rất khó, hoặc không thể, biểu đạt trong ngôn ngữ nói.

Thứ ba, đó là học tiếng Việt chuyên ngành. Ngôn ngữ trong mỗi lĩnh vực đều có đặc điểm riêng, với các thuật ngữ riêng và lối biểu đạt ít nhiều chuyên biệt. Chẳng cần phải là nhà ngôn ngữ học, chúng ta cũng có thể thấy rằng nghe hay đọc một văn bản chuyên ngành không phải lúc nào cũng là một việc dễ dàng. 

Việc giảng dạy ngôn ngữ chuyên ngành, cũng tương tự như việc dạy ngôn ngữ chuẩn hóa, về bản chất là dạy một ngoại ngữ, có mục đích là giúp các em nắm được công cụ ngôn ngữ để học tập và làm việc trong một lĩnh vực nhất định. 

Nói bằng các thuật ngữ chuyên môn, đó là dạy "Tiếng Việt học thuật" và "Tiếng Việt chuyên ngành". Những điều này nghe có vẻ lạ tai, nhưng đó là một yêu cầu thực tế: việc dạy tiếng Việt chuyên ngành chẳng khác gì việc dạy tiếng Anh chuyên ngành, tiếng Anh cho các mục đích đặc thù (English for Special Purposes), những môn học không hề xa lạ trong nhà trường.

Tóm lại, môn Tiếng Việt không thể đồng nhất với môn Ngôn ngữ học. Nhiệm vụ quan trọng nhất của nó không phải là giúp học sinh có kiến thức về ngôn ngữ nói chung, cũng không đơn thuần là giúp các em có kiến thức về tiếng Việt. 

Nhiệm vụ quan trọng nhất của môn Tiếng Việt là giúp các em nắm vững công cụ ngôn ngữ được tiếng Việt chuẩn hóa cùng các biến thể chuyên ngành của nó, một điều vô cùng quan trọng để học tập, nghiên cứu, làm việc và giao tiếp xã hội. Ngoài ra, giảng dạy tiếng Việt chuẩn hóa còn giúp củng cố cộng đồng ngôn ngữ dân tộc. Với nhiệm vụ này, cùng với môn Học văn, môn Tiếng Việt góp phần quan trọng vào việc đào tạo con người dân tộc.

Ngô Tự Lập

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương có bài viết "Quân đội nhân dân Việt Nam - Niềm tự hào dân tộc". Báo CAND trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết quan trọng này của đồng chí Tổng Bí thư.

Thời tiết tại hầu khắp các tỉnh thành miền Bắc vào buổi sáng được dự báo có sương mù, trời rét với nền nhiệt ở mức 10-13 độ trước khi tăng lên mức 20-23 độ C khi đón nắng hanh vào trưa chiều.

Sự phối hợp hiệu quả giữa hai nước trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Những thành tựu này không chỉ khẳng định sự gắn kết sâu sắc giữa hai Bộ Công an mà còn góp phần làm bền chặt hơn nữa tình hữu nghị đặc biệt giữa hai quốc gia Việt Nam - Lào.

Ngày 19/12, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, thực hiện đợt cao điểm ra quân tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngay trong ngày đầu tiên của đợt ra quân, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Phú Thọ đã bắt giữ đối tượng vận chuyển ma tuý với số lượng lớn, ngụy trang trong các túi chè.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, ngày 21-22/12 dự kiến sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường mạnh, thời tiết miền Bắc chuyển nhiều mây, tuy nhiên nền nhiệt ban ngày vẫn trên ngưỡng 20 độ C, đêm giảm sâu, dao động quanh 10 độ C.

Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị "Công bố kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND năm 2024 và sơ kết 1 năm thực hiện phong trào thi đua cải cách hành chính trong lực lượng CAND 2024; sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09 ngày 29/3/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ANTT đến năm 2026, định hướng đến năm 2030", chiều 19/12.

Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội diễn ra ngày 19/12, các đại biểu chất vấn lãnh đạo các sở, ngành và địa phương của TP Hà Nội liên quan đến những vi phạm kéo dài trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn Hà Nội.

Ngày 26/12, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Chiều 19/12, tại trụ sở Đội chữa cháy và CNCH khu vực số 2, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội, chúng tôi gặp Trung tá Nguyễn Minh Đức, Phó đội trưởng Đội chữa cháy và CNCH khu vực số 2, người trực tiếp cùng tổ công tác tiếp cận các nạn nhân, đưa người bị thương xuống đất an toàn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc sắp xếp, tinh gọn Tổng cục Thuế đang được trình theo mô hình 3 cấp: Thuế Nhà nước, Thuế khu vực và dưới nữa là cấp quận, huyện.

Phản ứng tiêu cực với thông tin giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giá vàng thế giới lao dốc kéo giá vàng trong nước cũng “đổ đèo”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文