Từ việc ngành giáo dục chuyển đổi mục đích sử dụng 16 triệu USD:

Chìa khóa nằm ở sự minh bạch!

16:51 23/12/2019
Là một giáo viên đã có nhiều năm đứng lớp, những tuần gần đây tôi rất quan tâm đến câu chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng 16 triệu USD vốn vay ODA, từ chỗ "biên soạn một bộ sách giáo khoa" sang chỗ "biên soạn tài liệu hướng dẫn, đổi mới phương pháp dạy học, bồi dưỡng giáo viên"...

Kính gửi Báo ANTG Giữa tháng - Cuối tháng!

Là một giáo viên đã có nhiều năm đứng lớp, những tuần gần đây tôi rất quan tâm đến câu chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng 16 triệu USD vốn vay ODA, từ chỗ "biên soạn một bộ sách giáo khoa" sang chỗ "biên soạn tài liệu hướng dẫn, đổi mới phương pháp dạy học, bồi dưỡng giáo viên".

Mà tôi tin rằng không riêng gì cá nhân tôi, rất nhiều giáo viên khác trên phạm vi toàn quốc, rất nhiều những người quan tâm đến ngành giáo dục nữa, tất cả đều rất lưu tâm đến câu chuyện này. Bởi vì nếu ngành giáo dục không có những lý giải thoả đáng quanh câu chuyện này thì nó có thể khiến chính những giáo viên như chúng tôi hiểu lầm, từ đó dẫn đến những suy diễn không hay.

Vậy thì rốt cuộc, có những khía cạnh nào cần phải được giải thích?

Theo tôi, trước hết đó là câu chuyện tầm nhìn. Tất cả chúng ta đều biết, dự án biên soạn một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện được phê duyệt vào năm 2015, có hiệu lực vào năm 2016, và kết thúc vào năm 2020. Nhưng cuối cùng thì dự án này phá sản với 2 lý do mà ngành giáo dục đưa ra: 1/ không đủ ứng viên tham gia làm chủ biên, tác giả, biên tập sách. 2/ Các nhà xuất bản khác đã dần hình thành được các bộ sách lớp 1 và các lớp sau.

Khách quan mà nói, cả hai lý do này đều thuyết phục. Nhưng  sự thuyết phục đó cũng khó có thể che đi những dấu hỏi về tầm nhìn, hay nói cụ thể là tính dự báo của những người có trách nhiệm trong vấn đề này.

Ở thời điểm trước năm 2015, tức là trước khi dự án được phê duyệt, chẳng nhẽ những người trong cuộc không dự báo được hai điều này sao? Ở đây, tôi hiểu là "công tác dự báo" cũng vô cùng lắm, và những sai số trong công tác dự báo ở bất cứ lĩnh vực nào cũng là điều rất khó tránh. Nhưng nếu chúng ta làm tốt công tác dự báo và đánh giá tác động thì có thể đã hạn chế sai số đến mức tối thiểu, từ đó có cơ hội loại bỏ ngay từ đầu những dự án thiếu tính khả thi.

Giờ bàn đến khía cạnh thứ hai, đó là khi chúng ta đã không sử dụng 16 triệu USD vào việc biên soạn sách giáo khoa thì có nên sử dụng nó vào những công việc khác hay không?

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông có nói rằng: "Để đổi mới chương trình phổ thông, ngoài kinh phí dành cho biên soạn SGK còn có một loạt công việc khác liên quan như biên soạn tài liệu, tập huấn gần 1 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, hỗ trợ vùng khó khăn.

Trong thiết kế dự án đã có kinh phí nhưng không đủ. Do vậy Bộ GD&ĐT cần đàm phán để tăng cường thêm kinh phí sử dụng, nhất là hỗ trợ cho các vùng khó khăn". Là một người trong cuộc, tôi rất chia sẻ với những kiến giải này, nhưng thưa quý báo, những chia sẻ đó cũng không thể ngăn tôi đưa ra một số thắc mắc, và xin nhấn mạnh đấy chỉ là thắc mắc, chứ không mang tính chất quy kết.

Giả dụ như 16 triệu USD đã được sử dụng hết cho việc biên soạn SGK như mục đích ban đầu thì hàng loạt các phần việc khác trong quá trình đổi mới chương trình phổ thông như biên soạn tài liệu, hỗ trợ vùng khó khăn, tập huấn 1 triệu giáo viên rồi sẽ được thực hiện như thế nào đây?

Chẳng nhẽ chúng ta đã thiết kế một chương trình mà ngay từ đầu đã biết chắc rằng có rất nhiều việc quan trọng trong chương trình đó không thể thực hiện một cách chu đáo, hiệu quả vì… thiếu kinh phí hay sao? Nếu ngay từ đầu chúng ta đã thiết kế như thế, chấp nhận như thế thì bản thiết kế ấy là có vấn đề.

Theo tôi, một bản thiết kế thông minh là một bản thiết kế mà ở đó mỗi phần việc liên quan đều phải được chia sẻ nguồn lực một cách hiệu quả, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Còn nếu phải ngồi chờ đợi đến khi phần việc A đổ bể, rồi nhanh chóng chuyển đổi nguồn tài chính vốn dành cho phần việc A sang phần việc B thì có nghĩa chúng ta đã vận hành một cách bị động.

Còn một thắc mắc cụ thể hơn liên quan đến việc "tập huấn gần 1 triệu giáo viên". Là một giáo viên, tôi xin được phép nghi ngờ về con số này. Bởi xưa nay thường chỉ diễn ra việc tập huấn cho các giáo viên nòng cốt, mang tính đại diện cho mỗi địa phương, sau đó những giáo viên này lại về tập huấn đại trà cho các giáo viên còn lại của địa phương mình. Cách tập huấn đó vừa đảm bảo hiệu quả vừa tiết kiệm được chi phí, và chúng ta luôn thực hiện theo cách đó, chứ không bao giờ tập huấn trực tiếp, cùng lúc cho gần 1 triệu giáo viên.

Thưa quý báo, 16 triệu USD là một số tiền không nhỏ. Tôi nghĩ rằng 16 triệu USD nếu được sử dụng một cách hợp lý thì sẽ mang lại những hiệu quả nhất định cho ngành giáo dục, nhưng nếu 16 triệu USD được sử dụng một cách đối phó, tạo ra những sự thất thoát lãng phí thì không ai chấp nhận được.

Và như đã nói ở phần đầu bức thư này, việc những người quan tâm đến ngành giáo dục đưa ra những thắc về khoản tiền này là chính đáng. Hơn lúc nào hết, chúng tôi muốn lắng nghe quan điểm của quý báo về vấn đề này.

Xin chân thành cảm ơn quý báo!

Lê Minh Hoàng (Thành phố Hồ Chí Minh)

Kính gửi độc giả Lê Minh Hoàng!

Chúng tôi rất hiểu và đồng cảm với tất cả những thắc mắc mà một người đang làm việc trong ngành giáo dục như độc giả đã đặt ra. Chúng tôi đồng tình với quan điểm của độc giả, rằng bất cứ ai quan tâm đến ngành giáo dục đều có quyền đưa ra những thắc mắc đó. Độc giả có đặt dấu hỏi về việc sắp xếp kế hoạch - dự trù kinh phí cho các mảng công việc khác nhau của cả một chiến lược lớn liên quan điến quá trình đổi mới chương trình phổ thông.

Theo chúng tôi, việc dự trù kinh phí cho từng mảng công việc chắc chắn phải được thực hiện ngay từ đầu, và chắc chắn là những người trong cuộc đã dự trù những khoản kinh phí đậm - nhạt khác nhau cho từng mảng việc khác nhau trên một nguyên tắc: khoản kinh phí đó phải giúp thực hiện được những yêu cầu tối thiểu nhất của từng mảng việc.

Khi có một mảng công việc bị phá sản thì việc chuyển khoản kinh phí vốn dành cho mảng công việc đó sang một mảng công việc khác, để có thể thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn mảng công việc khác cũng là điều có thể hiểu được.

Cụ thể ở đây, 16 triệu USD vốn dành cho việc biên soạn sách giáo khoa vẫn có thể được chuyển cho những phần việc khác mà người trong cuộc giải thích là biên soạn tài liệu, hỗ trợ vùng cao, tập huấn giáo viên. Nếu chúng ta nghĩ rằng 16 triệu USD được dự trù để biên soạn SGK và nhất nhất chỉ được dùng để biên soạn SGK thì theo chúng tôi đấy cũng là một cái nhìn có phần cứng nhắc.

Do vậy, điều mấu chốt chúng tôi muốn bàn ở đây không phải là có được chuyển 16 triệu USD để làm việc khác hay không, mà là sự chuyển đổi có đúng nguyên tắc, và có thật sự hiệu quả hay không? Nếu câu trả lời là "có" thì chúng ta cần chuyển đổi. Nếu câu trả lời là "không" thì nhất định không nên chuyển đổi.

Thưa độc giả, xét về mặt nguyên tắc, chúng ta không thể sử dụng các khoản vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) một cách tuỳ ý và tuỳ thích. Sử dụng các khoản vay này vào việc gì, quy trình ra sao đều phải được Chính phủ Việt Nam và WB thống nhất trước khi triển khai dự án. Và trong quá trình triển khai dự án đều phải được giám sát một cách chặt chẽ.

Cho nên khi thực hiện bất cứ sự thay đổi nào thì chúng ta bắt buộc phải báo cáo và được sự cho phép của Chính phủ và WB. Cho nên khi chuyển đổi mục đích sử dụng, phải có những báo cáo rõ ràng, và phải chứng minh được tính hiệu quả của việc chuyển đổi đó. Không làm được điều đó thì chắc chắn là phải trả lại 16 triệu USD, chứ không thể cố "ôm" nó trong sự nghi ngờ của dư luận. Muốn vậy, toàn bộ quá trình báo cáo - chứng minh của Bộ GD&ĐT phải được thực hiện một cách công khai minh bạch, dưới sự giám sát chặt chẽ của dư luận.

Còn một vấn đề nữa mà độc giả cũng băn khoăn, đó là công tác dự báo của ngành giáo dục trong quá trình thiết kế dự án, đúng là nếu chúng ta dự báo tốt hơn thì có thể đã phân bổ các nguồn kinh phí cho các đầu việc một cách hợp lý hơn, từ đó không phải thay đổi mục đích sử dụng giữa chừng. Đây sẽ là một bài học mà ngành giáo dục nói riêng và nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã và đang sử dụng vốn ODA nói chung đều phải rút ra sau câu chuyện này.

Thưa độc giả, chúng tôi muốn nhấn đi nhấn lại rằng  đây là một khoản tiền đi vay, và sau đó phải trả bằng tiền thuế của dân,  chứ không phải là một khoản tiền được tài trợ theo kiểu "cho không biếu không". Do vậy, nếu ai đó, bằng một cách nào đó sử dụng những đồng tiền này một cách khuất tất thì sẽ có tội lớn với đất nước mình.

Chúng tôi cảm ơn những chia sẻ đầy tâm huyết của độc giả, và chắc chắn là chúng ta sẽ cùng nhau giám sát câu chuyện này để cùng chờ xem những điều gì sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới!

Nhà báo Vương Trọng Tín - Ảnh trong bài: L.G.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc - Phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ.

Như thông tin đã đưa, khoảng 3h sáng ngày 6/5, tại số nhà 01B/17 Kiều Đại, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá xảy ra vụ cháy nhà riêng khiến 2 người tử vong. Qua kiểm tra hiện trường, bước đầu cơ quan chức năng nhận định, Bùi Văn G đã phóng hỏa đốt nhà khiến mẹ đẻ ngủ dưới tầng 1 chết cháy, sau đó dùng dao tự sát.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文