Bát ôtô sớp phơ ét lơ

10:39 14/10/2023

Có nhân vật Hồng, sau 5 năm xa Hà Nội, khi quay về, chứng kiến điều gì khiến cô thốt lên: "Hà thành thay đổi mau quá, chị nhỉ!"? Phải cho biết rõ thời điểm chứ? Thì đây: "Xe hai người tới bờ hồ Hoàn Kiếm. Tiếng ồn ào cười nói ở vỉa hè bắt đầu làm cho Hồng chú ý.

Nàng vừa bảo Nga được một câu: "Ðông quá, chị nhỉ" thì còi điện ôtô thét lên khiến anh phu kéo vội né sang một bên và đứng dừng lại. Xe hơi nghiêng, và đầu hai thiếu nữ chạm vào nhau. Hồng nhớn nhác, thở hổn hển bảo bạn:

- Tý nữa thì chết!

Nga cười vui vẻ, đáp :

- Bây giờ tính nết chị đổi khác. Ngày xa đi học trong trường nghịch ngợm liều lĩnh thế, mà ngày nay chị nhút nhát sợ hãi đến hay!".

Nhà văn Khái Hưng viết tiểu thuyết “Thoát ly” vào năm 1937. Những chi tiết trên cho biết, bên cạnh xe tay do phu kéo còn có cả ôtô nữa. Tất nhiên, khi nói đến ôtô ai ai cũng biết là loại xe bốn bánh cao su, chạy bằng động cơ, là từ vay mượn "auto" trong tiếng Pháp. “Từ điển các từ gốc Âu Mỹ trong tiếng Việt” (NXB Trẻ - 2022) của Bùi Khắc Việt, Vương Lộc cho biết cụ thể: "Auto viết tắt của automobile (auto: "tự mình" và "mobile": chuyển động)" (tr.297). Khi chiếc ôtô đến với thị trường nước Nam, nhà văn Việt Nam cũng đưa vào tác phẩm văn học, ta thấy họ còn sử dụng thêm những từ khác có liên quan đến chiếc xe.

Xe hơi, xe tay trên đường phố Hà Nội thập niên 1930 - Ảnh tư liệu.

Truyện dài “Cư kỉnh” của nhà văn Hồ Biểu Chánh có đoạn: "Hương quản bước ra ngoài, nói nhỏ với thầy Đội mà cậy sai lính đi đòi tên Canh với tên Huệ, và đón xe Đào Châu dưới Cần Thơ lên mà đòi sốp-phơ với lơ đặng mình hỏi luôn thể". Xin giải thích, "đòi" ở đây nghĩa là "gọi" có tính ra lệnh, truyền lệnh.

Trong khi đó, cũng từ sốp-phơ, với tiểu thuyết “Mảnh trăng thu”, nhà văn Bửu Đình lại viết: "Tuyết Sĩ đến bên sớp-phơ bảo đổ dầu vào xe và hỏi: '-Ông đi xa hay gần, và có cần gì nữa không?'. Thành Trai nói: 'Đi xa nhưng không cần gì nữa, miễn sớp-phơ chắc chắn là đủ".

Ta thấy cách ghi khác nhau: sốp-phơ/ sớp-phơ, dù vậy, cả hai chỉ là vay mượn từ tiếng Pháp: chauffeur - nhằm chỉ tài xế xe hơi. Tài xế lại là từ vay mượn trong tiếng Hán: Tải xa - đọc theo giọng Quảng Đông. Rồi, một điều thú vị, người ta lại tách riêng "xế" trong "tài xế" để trở thành tiếng lóng, chẳng hạn, khi nói "xế điếc", ta hiểu ám chỉ ám chỉ xe đạp.

Tại sao lại là điếc/ xế điếc? Có thể giải thích đơn giản như đang giỡn, rằng, đã điếc ắt dứt khoát không nghe nhưng ở đây người ta không nghe tiếng động bởi khi sử dụng xe đạp thì bản thân nó có tạo ra âm thanh gì không? Ắt không. Nói như thế, vì so với xe có động cơ như xe gắn máy thì khác, người ta nghe ầm ầm tiếng động vì thế, nó mới được gọi "xế nổ".

Trước đó nữa, trước khi tiếng lóng này ra đời, nhà thơ Tú Mỡ lại gọi "xe bình bịch":

Tú rửng mỡ cưỡi xe bình bịch,

Máy nổ vang xình xịch chạy như bay

Câu thơ này, phải công nhận trong tiểu luận “Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy” (NXB Hội Nhà văn - 1978), nhà thơ Xuân Diệu bình thật hay, qua đó, ta sẽ thấy sự chơi chữ tài tình trong tiếng Việt của một nhà thơ trào phúng bậc thầy: "Từ chữ 'rửng mỡ' tới chữ 'bình bịch': rửng mỡ thì phải là nhiều mỡ, nhiều thì phải nặng, rửng thì phải rung rinh, mỡ phình phịch lên xuống theo bước đi, hoặc dồi lên dồi xuống theo nhịp xe chạy, mà cái xe máy dầu, xe mô tô ấy lại được gọi là xe 'bình bịch' (bởi tiếng máy xe nổ bình bịch); thành ra cả khối mỡ ấy phình phịch đi trên chiếc xe vừa chạy vừa kêu. Cả một nụ cười hóm hỉnh" (tr.225).

Tuy nhiên, không chỉ có thể, bản thân từ "rửng mỡ" còn có nghĩa đùa giỡn quá lố, thái quá, dư thừa sức lực không làm gì ra hồn, chỉ đú đởn vô tích sự như ta thường nghe câu "ăn no rửng mỡ". Ở đây do đã từ danh từ riêng là Mỡ nên Tú Mỡ bèn lặp lại từ "mỡ" nữa như một sự nhấn mạnh để ngụ ý tự trào "Tú Mỡ rửng mỡ".

Xe bình bịch/ xế nổ ấy là nói về âm thanh phát ra từ mỗi loại xe, còn nói về hình thức thi xe hơi có mái che kín lại nên người ta còn gọi "xế hộp", mà, cái hộp nào thì lại không kín bốn mặt, thế thì, cách gọi ấy xét ra chí lý lắm. “Tiếng lóng Việt Nam” (NXB Khoa học Xã hội - 2001) của Nguyễn Văn Khang lại giải thích "xế hộp là xe gắn máy" (tr. 230) e không chính xác. Mà, xế hộp/ xe hơi ấy tên gọi thông dụng vẫn là ô tô. Có một điều lạ, không hiểu là do đâu với cái bát, người ta lại đặt tên ngộ nghĩnh "bát ôtô"?

Cái bát, vốn quen thuộc với người Việt, bất kỳ ai cũng thấy và từng sử dụng nhưng tại sao loại bát to sâu lòng lại "chết tên" như vậy?

Tập sách “Nguyễn Công Hoan - nhà văn hiện thực lớn” (NXB Hội Nhà văn -1993) do Lê Minh biên soạn, trong đó, cha đẻ Kép Tư Bền giải thích: "Loại bát lớn dùng để đựng canh mà thành rộng thoai thoải dần, chứ không thắt hẹp vào, gọi là bát ôtô. Nguyên do là những ấm, chén, bát đĩa v.v… mà dáng dấp hơi giống nhau thì để phân biệt, ta đặt tên nó bằng cái hình vẽ ở thành để trang trí nó, ví dụ chén có vẽ hình con sông và cái thuyền, và đề câu thơ sông Vị Thủy, thì gọi là chén Vị Thủy. Đĩa vẽ hình cây mai và chữ thọ thì ta gọi đĩa mai thọ. Lọ vẽ tám nàng tiên thì ta gọi là lọ bát tiên. Bát ôtô là bát có vẽ bến Cô Tô, có chùa Hàn Sơn và có thuyền đậu ở đó. Thơ đề là:

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch là:

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn

Theo câu thơ ấy, ta gọi loại bát ấy là bát cô tô, rồi sau mới nói chệch là bát ôtô" (tr.352-353). Cách lý giải này, hoàn toàn chính xác. Đúng là thế. Tên gọi ban đầu là bát Cô Tô, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) ghi nhận: "Bát thành Cô-tô làm ra. Bát lớn mà khéo". Loại bát to như thế này, về sau làm bằng sắt tráng men, bên trong màu trắng, ngoài xanh lá cây thì bộ đội lại đặt cho cái tên mới là "bát B.52". Chúng tôi cho rằng, ý kiến của nhà văn Nguyễn Công Hoan đã có thể "gút lại" sự tranh luận ồn ào trên mạng hiện nay về tên gọi của bát ôtô.

Trở lại câu chuyện đang bàn, khi người ta không gọi tài xế lại "nâng cấp" thành "bác tài" nhằm chỉ sốp-phơ/ sớp-phơ thì "tài" này ở đâu ra? Trong từ "tài xế" mà ra, và cách gọi này tỏ ý xem trọng, bởi từ "bác" đứng trước, dù có thể tài xế ấy mặt mũi còn non choẹt. Cách gọi này, xuất hiện tại miền Nam trong thời bao cấp, có thể lắm vì thời buổi ấy rồng rắn xếp hàng tại nhà bến xe để mua được vé, được lên xe ngồi đi đường dài là điều không dễ dàng, cho dù:

Xe than dễ đẩy khó đề

Khi đi trắng trẻo khi về đen thui

"Đề" là từ vây mượn tiếng Pháp: démarreur - khởi động cho máy nổ. Từ sự khan hiếm nhiên liệu, người ta chuyển xe chạy xăng dầu qua xăng… củi. Đại khái, từ sau mỗi xe có chế thêm một bình ống tròn khoảng nửa thước, cao thước rưỡi, khi chạy thì đổ than từ nắp bình và đốt lửa phía dưới, lúc than củi bén lửa thì khí métan, acetylen đi vào xi lanh để bu-gi khởi động và cho máy nổ, do đó, hành khách phải chấp nhận hơi nóng như ngồi trong hầm than, nhăn nhó than thở, thở than kể cả tha hồ… hít bụi than nữa. Nào đã xong đâu, nếu xe trở chứng cà ạch cà đụi thì hành khách phải… xuống xe cùng hè nhau đẩy, chứ "đề" cũng chẳng xi-nhê gì!

Trở lại với đoạn văn của Hồ Biểu Chánh, ta thấy ông Hương quản không chỉ cho gọi "sốp-phơ" mà còn cả "lơ" nữa. Với người Việt một khi nhắc đến từ lơ, ngay lập tức có thể liên tường đến hàng loạt từ như lơ lửng, lơ mơ,  lơ chơ lỏng chỏng, lơ láo, lơ thơ v.v… Thậm chí còn có thể nhớ đến câu hát tếu táo của một thời:

Áo dài lơ muya

Đi giày cao gót

Xách bót tơ phơi

Che dù cánh dơi

"Lơ muya" này là phát âm của Le Mur - một kiểu áo của họa sĩ Cát Tường - chủ một nhà may nổi tiếng tại Hà Nội khai trương vào ngày 9/7/1937 tại 16 Lê Lợi. Ở đây có sự chơi chữ khi "le mur" có nghĩa cái tường lại trùng với tên người sáng chế ra một kiểu áo dài ấy: Tường/ Cát Tường. Không chỉ "lơ muya" vay mượn mà ngay cả "lơ" trong câu văn trên cũng là từ vay mượn từ tiếng Pháp: controleur - người soát vé xe.

Có thể nói, trên bất kỳ một chiếc xe chở hành khách nào "kề vai sát cánh" với tài xế bao giờ cũng có lơ/ lơ xe bởi đó là người phụ việc, làm mọi việc nặng nhẹ từ sắp xếp hành khách, hành lý đến cả việc phụ sửa xe nếu trục trặc dọc đường…

"Lơ" ấy, còn có cách gọi nào khác? Ta thử đọc thêm một đoạn văn trong “Giông tố”  của Vũ Trọng Phụng: "Động cơ xe hơi nổ sình sình. Đằng xa nghe thấy một hồi tù và rúc lên. Cánh cửa sập một cái, anh ét lên nốt xe". Có hay không nhân vật lơ xe? Có đấy. Ta cũng bắt gặp ở một câu văn trong “Bóng người trong sương mù” của Nhất Linh: "Tôi gọi người ét nhưng bác ta làm bộ không nghe thấy, cứ cắm đầu xúc than cho vào lò". Đó chính là "ét" - vay mượn từ tiếng Pháp aide: người phụ việc, trong ngữ cảnh này là phụ cho tài xế làm mọi việc như lơ/ lơ xe.

Lê Minh Quốc

Từ ngày 1/1/2025, khoảng 100.000 đơn vị trên cả nước chính thức thực hiện tổng kiểm kê tài sản công (TSC). Mục tiêu của việc kiểm kê là để nắm được thực trạng  TSC về mặt số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng..., làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng TSC.

Sau khi nhiều người dân tố cáo việc bị bà Nguyễn Thị Kim T (SN 1982, ngụ phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên đến 300 tỷ đồng, ngày 14/2/2023 Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã có thông báo về việc tiếp nhận đơn tố giác tội phạm liên quan đến bà T và tiến hành xác minh vụ việc…

Ngày 1/1, thông tin từ Công an quận Hải An (TP Hải Phòng) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một phụ nữ 65 tuổi cùng con trai 36 tuổi tử vong sau bữa ăn trưa.

Chiều 1/1/2025, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên tuyến đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ của tổ công tác sử dụng camera nghiệp vụ để ghi hình người vi phạm giao thông, nhất là lỗi không tuân thủ đèn tín hiệu (vượt đèn đỏ).

Ngày 1/1/2025, Công an TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết, vừa đột kích vào quán karaoke Nice (phường Tân Phú, TP Đồng Xoài), giải cứu nhiều cô gái. Trong đó, có những cô gái chỉ 13 - 15 tuổi bị "sập bẫy" nợ, bị "giam lỏng" trong thời gian dài để buộc làm công việc không mong muốn.

Ngày 1/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Thị Ngọc Ánh (SN 1998, ngụ xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra về hành vi giết người. Ánh là người dùng dao đâm bạn trai sống cùng mình tại phòng trọ, khiến nạn nhân tử vong.

Vào ngày 5/1 tới đây, Đội tuyển Bóng đá Việt Nam sẽ tham gia thi đấu trận chung kết ASEAN Cup lượt về ở Sân vận động Rajamangala (Bangkok, Thái Lan). Sự kiện này đã khiến vé máy bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi Bangkok trở nên "sốt", giá vé tăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文