Có những nhà văn lười... đọc sách
Trước đây, tôi luôn mặc định rằng đã là người nghiên cứu khoa học, người viết văn, làm thơ, làm phê bình thì ai cũng phải đọc, đọc không chỉ làm niềm thích thú say mê, mà còn là trách nhiệm nghề nghiệp, không đọc thì không ra tác phẩm.
Quả thật, tôi chứng kiến người đọc "thiên kinh vạn quyển", nói chuyện với họ mới cảm thấy sức đọc của mình nhỏ bé, tri thức của mình èo uột, tôi rất cảm phục về trí nhớ, về kho tri thức và cách biện luận của họ. Cho nên ngành nghề khác có thể không thích, không đọc sách, nhưng đã hành nghề nghiên cứu khoa học, hành nghề viết thì phải đọc sách, đọc chăm chỉ… là mặc định chắn chắn của tôi. Hóa ra không như tôi nghĩ, trong thực tế có nhà văn đọc nhiều, có nhà văn hiếm khi đọc.
1. Những năm gần đây, lắm người kêu ca về sự đọc, bàn về chuyện đọc, tôi mới để tâm nhiều về sự đọc của người viết văn. Tôi cất công hỏi bạn văn, lúc trực tiếp, khi gián tiếp, lúc chỉ lắng nghe họ nói về sự đọc. Bất chợt phát hiện ra cái sự lười đọc sách của nhà văn cũng thảm hại lắm.
Hiếm khi đọc sách. Thờ ơ với sách. Nhác lười đọc sách thì… chẳng thèm đọc ai, hoặc cũng muốn đọc lắm nhưng ngại, mỏi, mệt, rồi không đọc. Nhác lười đọc sách cũng có nghĩa là… chán đọc sách. Quyển sách đang gây dư luận trái chiều ầm ĩ cũng không đọc, vì cho rằng tác giả và doanh nghiệp làm sách đang PR, đọc hóa ra bị sập bẫy truyền thông à? Thực ra là… nhác đọc. Tập thơ, hay tiểu thuyết được Giải thưởng Hội Nhà văn cũng không đọc, giải thưởng các địa phương càng không đọc. Bây giờ, sách văn học in nhiều, đọc không xuể, chí ít thì giải thưởng hàng năm, giải thưởng các cuộc thi cũng là một cách đọc và một cách chọn.
Trong cả rừng sách văn học, qua các cuộc thi lọc các tác phẩm vào chung khảo, và trao giải thì cũng là một cách người ta chọn giúp mình rồi. Không đọc các tác phẩm được giải thưởng có thể không tin vào cách chọn ấy, nhưng phần lớn là… lười đọc. Mà đã lười đọc thì tác phẩm văn học được Giải thưởng Nobel cũng hờ hững. Bằng chứng là người viết văn làm thơ ở nước ta có tới hàng vạn, nhưng sách của tác giả đoạt giải thưởng Nobel mới dịch sang tiếng Việt và in cũng chỉ 1.000 - 2.000 cuốn, mà bán còn lay lắt.
2. Nhận biết người hiếm khi đọc, lười nhác đọc rất dễ. Lúc trà dư tửu hậu, bàn chuyện văn chương, hoặc là họ lặng im lắng nghe, "kính nhi viễn chi", điều này cũng dễ thông cảm vì "biết thưa thốt, không biết dựa cột nghe", hoặc là tham gia thảo luận, nhưng cứ nói câu nào sai câu ấy. Đặc biệt, có người không đọc nhưng cứ thao thao phán như là đi guốc vào bụng tác giả. Thì ra, người ấy nghe được qua các lần chuyện trò trước đó, rồi nhập tâm và cứ nói như đúng rồi. Tôi đã gặp vài trường hợp như thế. Ngồi nghe suýt phì cười, bởi những lời ông nhà văn đang nói y nguyên lời của một nhà văn khác đã nói hôm trước, mà tôi cũng là người trong cuộc được nghe. Thậm chí còn được nghe đúng những lời của mình nói buổi sáng, thì buổi chiều được nghe ông nhà văn ấy nói lại với bạn nghề đang buôn chuyện văn chương.
Nhưng, có lẽ buồn nhất là có vị nhà văn chấm giải thưởng mà… không đọc hoặc đọc lớt chớt. Nhà văn Y Ban bây giờ thỉnh thoảng lại nhắc đến câu chuyện một lần chúng tôi họp chấm giải thưởng. Từ hơn trăm tác phẩm, chúng tôi chia nhau đọc theo cặp để chọn ra 30 tác phẩm vào chung khảo, rồi vòng tiếp theo chọn lấy 5 tác phẩm, để phiên cuối bỏ phiếu chọn 1 hoặc 2 tác phẩm xuất sắc nhất trong số này. Mọi thành viên ban giám khảo đọc ngày đọc đêm đều có kết quả sớm chọn ra 5 tác phẩm vào vòng áp chót, nhưng còn một vị nữa ban tổ chức giục giã mãi vẫn chưa xong.
Tôi nói với nhà văn Nguyễn Khắc Trường: "Bác làm chủ tịch hội đồng chấm thi, bác lên tiếng thì ông ấy mới nghe". Nhà văn Nguyễn Khắc Trường bảo chị nhân viên hành chính điện thoại, rồi nối máy, bật loa cho mọi người cùng nghe. Qua đối thoại, vị ấy bảo bận quá, vẫn chưa kịp đọc 30 tác phẩm đã vào chung khảo. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường giục giã một lần nữa, rằng phải đọc đi, đọc nhanh chọn 5 tác phẩm cho kịp họp phiên cuối. Vâng dạ, rồi nửa tiếng sau, vị ấy điện thoại bảo chỉ bỏ phiếu được một tác phẩm của một tác giả. Chúng tôi thật sững sờ. Không thể có chuyện 30 phút đọc xong 30 tập truyện ngắn, tiểu thuyết vào chung khảo. Không chấp nhận kiểu lười nhác đọc ấy, chúng tôi đành hoãn lại thêm một thời gian nữa đủ để vị ấy đọc và chấm giải cho kỹ càng, khách quan và công minh.
Lại có chuyện, có vị đọc chấm thi lớt chớt, hoặc đọc không vỡ chữ, hoặc "bấn loạn" không định giá được tác phẩm nào hay nhất, hay thứ nhì, hay thứ ba. Ngồi thảo luận, tranh luận cứ nghe ngóng, hoặc liếc mắt nhìn bảng chấm của người bên cạnh, rồi ang áng cho điểm. Tác phẩm A thì bớt đi 0,5 điểm, tác phẩm B tăng thêm 0,25 điểm, tác phẩm C thì cho điểm trùng với kết quả chấm của người ngồi bên. Giải thưởng mà còn đọc và chấm ất ơ thế, thử hỏi bình thường có đọc nghiêm túc không? Cái sự lười nhác đọc, đọc qua loa vô cùng nguy hại khi tham gia vào việc định giá tác phẩm. Có người ví hạnh phúc là một cái chăn hẹp, người này kéo đắp kín thì người khác hở sườn. Lẽ ra, giải thưởng về đúng nơi đúng người được nhận thì lại vào tay người không xứng đáng vì cái sự đọc lớt chớt của thành viên ban giám khảo. Biết từ chối làm người cầm cân nẩy mực, không phải nhà văn ngại đọc, nhác đọc nào cũng làm được.
Nhà văn lười nhác đọc sách có hai biểu hiện: Có người lười đọc sách ngay từ thời chưa viết văn, rồi viết văn vẫn cứ lười đọc sách. Có người chưa viết văn đã say đọc sách, viết rồi vẫn đọc, về sau cứ nhạt dần với sách, lười đọc theo thời gian.
Người hiếm khi đọc sách, nhác đọc sách ngay từ thời chưa viết văn gọi là cái lười bản năng. May ra có tác phẩm nào của bạn nghề gây tiếng vang và tranh luận ồn ào thì mới tìm đọc, còn lại sách tặng, sách đoạt giải thưởng nào cũng hờ hững. Họ đọc rất ít, xuân thu nhị kì đọc được một, hai quyển thôi. Cái lười bản năng này duy trì suốt cả đời văn. Lười đọc sách bản năng mà vẫn sáng tác được thế mới tài. Họ sáng tác được là do "thông minh vốn sẵn tính giời", do năng khiếu và cái duyên văn có sẵn. Họ sáng tác được là may mắn sống trong hoàn cảnh, hoặc trải nghiệm hiện thực cuộc sống quá sinh động, phong phú, đôi khi chỉ chép lại cũng có câu chuyện hay, chi tiết hay.
Xuất phát điểm thì cao, duyên văn thì lấp lánh, nhưng nếu chỉ trông cậy vào cái trời cho, cái mình được sống thì chẳng mấy chốc cạn vốn liếng, rất dễ bỏ cuộc. Lười nhác đọc sách thường cũng lười học nghề từ người đi trước, và bạn văn, và lười chủ động học ở ngoài đời. Cứ cái gì mình biết, mình hiểu, mình sống là qua ngòi bút bản năng mà vào tác phẩm thôi. Cho nên có người sáng tác vừa công bố tác phẩm đầu tiên đã chói sáng, nhưng là cái sự sáng chói của ngôi sao băng. Người sáng tác văn chương, nghệ thuật không chỉ cần tài năng, trải nghiệm mà còn cần cả sự học, sự đọc để rồi băn khoăn, suy tư, viết… mới đi được đường dài.
Có người trước và sau khi viết văn vẫn chăm chỉ đọc sách, đọc say mê, tác phẩm mới phát hành gây dư luận, hoặc bạn văn giới thiệu cũng nghĩ ngợi chọn mua và đọc. Đọc xong còn tìm bạn bè chia sẻ, bàn luận thậm chí PR không công cho tác phẩm ấy. Nhưng rồi, thời gian trôi đi, làm nghề càng lâu thì sự đọc cũng mai một, rồi sức khỏe đuối dần, cảm xúc sáng tác, cảm xúc thưởng thức văn chương cứ chai cứng mòn cũ, không còn hứng thú đọc. Lười nhác đọc sách lúc nào cũng không biết, không nhớ nữa. Những nhà văn nhác đọc sách thuộc dạng này chiếm số đông, dù trong lòng rất muốn đọc, cái máu mê văn chương đôi lúc nó trỗi dậy nhưng rồi cầm lên bỏ xuống, quên quên nhớ nhớ, vật vã cả tháng vẫn chưa đọc xong quyển sách.
3. Trong các nguyên nhân lười đọc sách thì chán nghề cũng nhiều người mắc phải. Suốt cả đời cúc cung viết văn, cũng đến lúc mỏi, mệt, thậm chí chán nản, càng viết càng thấy vô tăm tích, tác phẩm cứ như những viên sỏi rơi tõm xuống ao bèo tấm. Bạn đọc chả mấy khi nhắc đến tên. Cái bút danh chết ngay khi nhà văn vẫn đang sống. Chán viết và cũng chán luôn cả đọc, chán đọc còn khủng khiếp hơn cả lười đọc.
Có nhà văn lười đọc sách cũng một phần lúc trẻ tuổi gặp cái gì cũng đọc, "thượng vàng hạ cám" cứ cái gì có chữ là đọc, nhưng thời gian làm cho nhà văn trưởng thành về sự đọc, càng làm nghề càng chọn lựa sách để đọc. Nhà văn khó tính dần dần thì sự đọc càng tinh thông. Quyển nào hay mới đọc, chứ không thể vớ được quyển nào đến tay cũng đọc. Cho nên, gặp phải năm văn chương mất mùa, chả có quyển nào đáng đọc, đành mang tiếng là lười đọc.
Ấy là chưa nói đến chuyện các loại hình nghệ thuật khác, các loại games giải trí khác và mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok, Twitter…, chúng lấy đi khá nhiều thời gian của sự đọc. Công nhận là mạng xã hội làm cho nhà văn sáng đầu óc ra, nó cung cấp nhiều tri thức và tư liệu cho nghề văn, có tác phẩm được sáng tác từ cảm hứng sự kiện, nội dung trên mạng xã hội. Nhưng mạng xã hội cũng đầy uy quyền dẫn dụ mạnh đến mức có người viết bỏ đọc sách, bỏ sáng tác để toàn tâm toàn ý với không gian ảo.
Sức khỏe cũng là nguyên nhân làm cho làm cho nhà văn lười đọc sách. Lúc còn trẻ trung, khi còn tráng niên đọc ngày chưa chán còn thức cả đêm đọc xong quyển tiểu thuyết, sáng sau tuy mệt mỏi tí, nhưng trong lòng cứ phơi phới khi được chìm đắm vào không khí truyện, bị cốt truyện dẫn dắt đi miên man, rồi thích thú nhặt được những câu triết lý nhân sinh hay. Nhưng khi có tuổi, đọc sách không còn cảm xúc ấy, và bắt đầu có dấu hiệu uể oải khi nhìn thấy sách, chả mấy chốc mà đến lúc lười đọc, nhác đọc.
Thế mới biết cái sự viết, sự đọc nghiệt ngã biết bao nhiêu. Thời gian trôi đi mải miết, nhà văn cũng chịu chi phối nghiệt ngã của quy luật sinh- lão bệnh- tử, đến một lúc nào đó đọc chữ không vào đầu. Mắt mờ, chân chậm, chữ nghĩa cứ nhảy nhót trước mắt, lướt từng dòng, từng trang, nhưng chả hiểu tác giả viết cái gì. Có người muốn đọc nhưng lưng đau, đầu đau đành bỏ. Lúc này, không còn là lười nhác đọc nữa mà bất lực trước sự đọc. Tôi rất phục những nhà văn đã vào mùa thu cuộc đời mà vẫn đọc sách, lại còn viết được bài phê bình.
"Ghét của nào trời trao của đó", trách các nhà văn lười đọc sách rồi cũng đến lúc mình lười nhác đọc sách. Cái sự đọc không đùa được, không nói trước được, nói trước bước không qua.