Kia
Mobifone

Để có nhiều tác phẩm văn học về Công an nhân dân thực, hấp dẫn

Thứ Sáu, 12/05/2023, 12:07

Với trên 30 tác phẩm của 30 tác giả, bao gồm: Tiểu thuyết, truyện và ký đăng ký hoàn thành và tham dự “Cuộc thi viết Tiểu thuyết, truyện và ký 2023 – 2025” với chủ đề “Vì anh ninh Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, hồi đầu tháng 4 vừa qua, đã cho thấy: Đề tài về lực lượng và người chiến sĩ Công an nhân dân (qua các thời kỳ) không phải là một đề tài “khó” mà đó là một đề tài khá hấp dẫn người cầm bút.

Còn nhớ, ngay trong hôm khai mạc Trại viết, hơn 30 nhà văn, tác giả ở khắp cả nước về tham dự Trại viết ở Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ngồi cùng nhau thì tất cả mọi người, kể cả những người đã có 1 hoặc hơn 1 tác phẩm viết về đề tài này, đều tỏ ra lo lắng. Cũng phải thôi, những tác phẩm đã viết và đã có thường tập trung vào những đề tài bức xức, ví dụ như đề tài về phòng, chống ma túy; đề tài về tội phạm; đề tài về phạm nhân...đó là những đề tài được khai thác rất nhiều năm nhưng cũng là đề tài về lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt là đề tài về những tấm gương cán bộ chiến sĩ công an điển hình, thì hầu như thưa bóng.

a1.jpeg -0

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong phát biểu của mình đã nói đại ý: “Trong các tác phẩm văn học hiện nay đang thưa vắng chuyện viết về người tốt”. Đây cũng là trăn trở chung của nhiều cây bút nhưng rõ ràng là đề tài Người tốt bây giờ hơi khó viết.

Có một thực tế là, trước nay viết về cán bộ chiến sĩ Công an và viết về đơn vị Công an điển hình dường như có một “rào cản ngăn cách”. Những hiểu biết thấu đáo về cuộc sống, về công việc, về những thành công và về những khúc mắc riêng tư vẫn “xa xôi” đối với các cây bút. Người cầm bút thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và thiếu sự cảm nhận nên những tác phẩm vẫn còn dừng lại ở những vụ án, ở những điều đã được công khai.

Thứ hai là hình như việc tiếp xúc với lực lượng Công an nói chung, tiếp xúc với những cá nhân trong lực lượng còn chưa đầy đủ, nếu như không nói là rất hạn hẹp. Cá nhân tôi cũng như một số người viết khác thường tỏ ra e dè, thường tỏ ra ít cảm xúc nên những trang viết về lực lượng công an còn nằm trong đầu. Việc viết ra những tác phẩm đòi hỏi phải có những cơ sở như sau: Thông tin về hiện tượng và về nhân vật. Tài liệu (đôi khi còn bí mật) về những cá nhân và về những vụ án. Nếu viết về những vụ án thì hầu hết các vụ án đó đã được công khai nhưng chỉ dừng lại ở khâu “thông tin có tính báo chí”.

Trong khi đó, một tác phẩm có tính văn học đòi hỏi phải có những cảm xúc nhân văn từ chính những vụ án đó, từ chính những cá nhân tiêu biểu. Là một con người, nói về khía cạnh cá nhân, thì ai cũng có những nỗi niềm, những trăn trở, những ước muốn, đó mới là con người. Con người sinh ra đều có nhu cầu về ăn, về mặc, về ở và về tình cảm riêng tư. Câu chuyện nếu chỉ dừng lại ở khâu phá án hay dừng lại ở khâu người cán bộ chiến sĩ công an ngày đêm vất vả truy tìm thủ phạm, ngày đêm lặng thầm phá án thì câu chuyện đó chưa nói hết về “con người”. Một tác phẩm văn học, cho dù bất cứ ở đề tài nào thì đều phải có tính xã hội, tính nhân văn và “cái tôi” của con người văn học đó.

Nếu như đề tài về chiến tranh cách mạng và về người chiến sĩ lực lượng vũ trang cho đến nay vẫn được viết, vẫn được phản ánh không chỉ hay, không chỉ hấp dẫn cũng là bởi đề tài này như “nằm lòng” đối với mọi người. Người viết hoặc là người trực tiếp cầm súng, hoặc là người được chứng kiến, hay là người được nghe kể, được đọc qua sách báo thì cho dù là cây bút lâu năm hay cây bút trẻ đều viết được.

Có nhiều cây bút rất trẻ viết về đề tài chiến tranh cách mạng, viết về người chiến sĩ khá thành công cũng bởi đề tài nay không hề xưa cũ. Đặc biệt là viết về đề tài chiến tranh cách mạng hiện nay đã có nhiều cây bút khai thác mạnh nội dung “hậu chiến”. Những câu chuyện được viết ra vẫn thẫm đẫm tinh thần, vẫn đượm màu hào hùng. Nói tóm lại viết về đề tài chiến tranh cách mạng và về người chiến sĩ “không khó”, chỉ cần biết cách khai thác cho mới, cho hấp dẫn là được.

a2.jpeg -0

Trở lại với đề tài viết về lực lượng Công an và về người chiến sĩ Công an thì như đã nói ở trên: Thiếu thông tin và dường như còn có “rào cản”. Xin được nói thật: Hình như với đề tài này các cây bút thường cảm thấy chưa tha thiết, chưa thấu tình đạt lý và còn ngần ngại.  Không có lý, bởi lực lượng Công an và người chiến sĩ Công an đã đồng hành cùng dân tộc, đồng hành cùng cách mạng và đồng hành cùng nhân dân trong 78 năm qua.

Không có lý, bởi đây là lực lượng đóng góp to lớn cho thành công của cách mạng, đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc đổi mới mà Đảng ta phát động gần 40 năm qua, đặc biệt là những đóng góp vào đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.

Thực ra, nếu viết về  lực lượng Công an và người chiến sĩ Công an chỉ “loanh quanh” với những nội dung về vụ án hay tội phạm thì là một thiếu sót lớn, nếu như không muốn nói là thiếu sót căn bản. Lực lượng Công an và người chiến sĩ Công an phản ánh trong tác phẩm văn học cần có “chỗ đứng” trên diễn đàn văn chương như một nội dung không thể thiếu.

Nhà văn Y Ban đã kể câu chuyện mà chị là người chứng kiến, bữa đó trời mưa, chị cùng một người bạn đèo nhau qua ngã tư, chị đã thấy một chiến sĩ Cảnh sát giao thông đầu đội mưa, chân dầm nước bình tĩnh điều hành giao thông. Khi ấy chắc do váy áo lòe xòe nên nhà văn Y Ban và người bạn cùng ngã nhào. Không may là váy của chị bị tốc lên (chắc còn bị rách) khiến phần dưới “tô hô” trước bàn dân thiên hạ. Người cảnh sát giao thông đã vội tới và anh đã cởi chiếc áo mưa đang mặc đưa cho chị để giúp chị che người. Hành động ấy làm chị nhớ mãi.

Còn Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Hùng Vương, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát khi trao đổi với các nhà văn đã kể, lần ấy ông đi đánh án, theo tin báo của cơ sở thì vào giờ ấy, ngày ấy, tại địa điểm ấy, đối tượng sẽ chở vợ bằng xe máy cùng ma túy đi giao. Rất nhanh, Thiếu tướng Vương đã suy nghĩ khi được biết cặp vợ chồng đối tượng mới cưới nhau.

Ông đã trao đổi với cơ sở băn khoăn của mình vì nếu đối tượng cùng vợ đi giao ma túy thì người vợ trẻ sẽ vướng vào lao lý, nhất là có khả năng cô vợ trẻ kia đang mang thai. Nếu vậy thì không hay lắm. Và ông đã đề nghị cơ sở khéo léo nhắc với đối tượng rằng đi giao hàng “trắng” mà có gái đi cùng thì rất “đen”. Cuối cùng đối tượng bị bắt quả tang và rất may cô vợ trẻ bình an vô sự. Thì ra, đấu tranh nào cũng thế, vấn đề nhân văn hay chính xác là vấn đề lòng người luôn được đề cao, luôn được xem trọng và luôn là mục đích cho nội dung xử lý theo pháp luật.

Nhà văn, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Công an nhân dân có kể rằng, sinh thời Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn rất quan tâm đến việc viết về lực lượng Công an. Tất nhiên là thời đó các nhà văn mặc cảnh phục đã cho ra đời nhiều tác phẩm dày dặn về công việc của cán bộ chiến sĩ Công an.

Viết về lực lượng và về cán bộ chiến sĩ Công an rất cần được nói nhiều hơn, kỹ hơn về những câu chuyện ngoài “vụ án”. Theo tôi, Bộ Công an nên tổ chức nhiều hơn những đợt, những lần thông tin với các nhà văn về những điển hình của lực lượng.

Trên đây là những băn khoăn, những vấn đề được những người cầm bút nêu ra. Để giải quyết vấn đề này, Trại viết của Bộ Công an năm 2023, đã có những cải tiến mà theo tôi là thành công bước đầu, mở ra những hy vọng gần cho những người cầm bút. Trong Trại viết, các cây bút không chỉ được ban tổ chức đưa đi tham quan các đơn vị địa phương, đưa đi thăm những nơi mà lực lượng Công an đang đảm trách mà còn tiến hành những cuộc trao đổi thẳng thắn, chân tình và hiệu quả.

Hình thức tổ chức tiến hành những cuộc  tọa đàm mang tính chuyên đề với những diễn giả là cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an đã cung cấp cho các cây bút những góc nhìn chân thực hơn, hiệu quả hơn và đặc biệt là hấp dẫn hơn. Những diễn giả hoặc là vị tướng trong ngành, hoặc là những cán bộ bình thường nhưng những câu chuyện do họ trình bày dưới dạng “kể chuyện mình, kể chuyện đơn vị mình” đã cung cấp nhiều thông tin lý thú. Và trong những câu chuyện đó có một điều mà những người tham dự tọa đàm thấy đầy đủ hơn về “tính nhân văn” trong công việc đấu tranh phòng chống tội phạm. 

Nguyễn Trọng Văn

.
.