Hơi thở lục bát trong đời sống thơ đương đại
Cách đây 15 năm, khi khảo sát ngẫu nhiên 20 tập thơ của các tác giả đương đại để phân tích về sự phát triển dung lượng dòng thơ Việt, tôi đã nhận thấy hình thức tự do là hình thức chủ yếu mà các tác giả lựa chọn để thể hiện tác phẩm của mình. Có thể dễ dàng thấy điều này qua các sáng tác của Inrasara, Lê Thị Mỹ Ý, Tuyết Nga, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Bình Nguyên Trang, Ly Hoàng Ly, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thúy Hằng hay các thành viên của nhóm “Ngựa trời”…
Những năm gần đây, đối với các cây bút thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X, thể tự do vẫn là hình thức chủ đạo để họ sáng tác. Có thể kể đến những cái tên như Nguyễn Quang Hưng, Lữ Mai, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Minh Cường, Tạ Anh Thư, Nguyễn Thúy Hạnh, Vỹ Hạ…,đặc biệt đối với thể loại trường ca thì thơ tự do được lựa chọn như một sự tất yếu. Thế nhưng, trước dòng chảy như vũ bão của thơ tự do, vẫn có những tác giả trung thành với thể thơ lục bát và gặt hái được không ít thành tựu. Những cây bút viết lục bát nổi bật xuất hiện đều ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam và đều hình thành nên những giọng điệu riêng, thu hút cho mình những lớp độc giả trung thành.
Miền Nam
Có hai cây bút có duyên với lục bát và gần như xuất hiện đồng thời. Đó là Nguyễn Đăng Khoa (sinh năm 1987) và Nguyễn Thiên Ngân (sinh năm 1988). Thực ra Nguyễn Thiên Ngân công bố sáng tác sớm hơn Nguyễn Đăng Khoa, năm 2012 chị đã in tập thơ đầu tay: “Mình phải sống như mùa hè năm ấy”, năm 2013 in tập thứ 2 “Lạ lùng sao đớn đau này”. Nhưng phải đến tập thơ thứ ba “Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời” (tháng 5/2015) thì thể loại lục bát mới trở thành đậm đặc trong thơ Nguyễn Thiên Ngân. Và rồi ở tập tiếp theo “Có người sực tỉnh cơn mơ” (2018), thơ Thiên Ngân đạt độ chín và chinh phục rất nhiều người đọc trẻ tuổi.
Lục bát của Ngân chủ yếu được viết theo phong cách hai câu một và không đặt nhan đề, nhiều câu đã trở thành trào lưu của giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên: “Ẩn sau một vết thương lành/ Là mê cung gió hay thành quách mưa? Thèm về thị trấn mùa đông/ Ngủ say như đá và không nghĩ gì? Có khi đau đớn quen rồi/ Có đau thêm cũng đã thôi bất ngờ; Cũng là người chuốc ta say/ Rồi không ở trọn cuộc này với ta; Một đêm ta quá nhớ người/ Bèn gieo nỗi nhớ lên trời thành sao”.
Còn Nguyễn Đăng Khoa, anh trình làng với tập thơ “Con đường tự trôi” (NXB Văn học, tháng 4/2014) với khá nhiều bài lục bát trong tập, mỗi bài có dung lượng từ 2 đến 12 câu và đều được đặt nhan đề. Lục bát của Nguyễn Đăng Khoa thường sử dụng thủ pháp chuyển đổi cảm giác để tạo nên những lạ hóa ngôn ngữ khá độc đáo: “Nắng trườn lên phố nằm đau/ Đôi bàn chân nọ về lau bóng mình” (Phố); “Tôi là bờ bãi lên rêu/ Và cô ấy vỗ rất đều vào tôi” (Sóng); “Nghĩ mà thương những phố dài/ Kiếp sau không thấy được hai chúng mình” (Kiếp sau).
Ở những bài lục bát có dung lượng trên dưới 10 câu thì cặp câu cuối bao giờ cũng được dồn nén những dụng công nghệ thuật, chẳng hạn: “Trèo lên đỉnh của giọt sương/ Đốt trầm hương cũ soi gương mặt mình” (Trèo lên đỉnh của giọt sương). Tập thơ “Con đường tự trôi” của Nguyễn Đăng Khoa đã dành giải Nhì đồng hạng (không có giải Nhất) cuộc thi “Tác phẩm đầu tay” do Du Tử Lê Foundation tổ chức năm 2014. Như vậy, cả Nguyễn Thiên Ngân và Nguyễn Đăng Khoa đều có xu hướng tìm đến thứ lục bát tối giản. Xin được dẫn thêm một câu của Khoa trong tập thứ hai này: “Con đường mù mắt đêm qua/ Từ không thấy bóng tôi và bóng em” (Con đường mù).
Miền Trung
Từ phương diện địa lý, nếu coi xứ Thanh là tỉnh đầu tiên của miền Trung theo phương vị từ Bắc vào Nam thì cây bút lục bát ấn tượng hơn cả trong khoảng gần chục năm trở lại đây chỉ có thể là Trương Xuân Thiên (sinh năm 1979). Sau khi công bố hai tập thơ “Tư duy S” (NXB Văn học, 2005) và “Homo sapiens – Người tinh khôn” (NXB Văn học, 2009), tập thứ ba của Trương Xuân Thiên chuyển hẳn sang lục bát với tên gọi “Áo hồ ly” (NXB Văn học 2017). Với tập thơ này, Trương Xuân Thiên đã dựng lên cả một thế giới kỳ ảo với đủ các nhân vật như: ngư nữ, tiên nữ, thuồng luồng, mãng xà, xà tinh, thánh thần, hồn ma, hồ ly, oan hồn. Nhiều kỹ thuật tu từ được hòa trộn cùng sự kết hợp thủ pháp của các ngành nghệ thuật khác nhau như hội họa, điện ảnh, cận tâm lý, tạo ra những ấn tượng ngôn ngữ rất mạnh: “Rừng khuya nở đóa hoa mù/ Từ trong cổ mộ mùa thu úa gầy” (Hoa mù); “Cá rô mở hội trong đầm/ Hoa quỳnh say khướt đâm sầm vào đêm” (Thuồng luồng).
Thi sĩ Du Tử Lê cũng dành cho Trương Xuân Thiên những lời ưu ái: “Lục bát của Trương được ngọn hải đăng siêu thực dẫn đường cho mọi lênh đênh tìm về của thể Sáu Tám, vốn thấm đẫm tâm cảnh và cảm thức lạc lõng bấp bênh của tuổi trẻ đương thời, trước những vấn nạn lớn lao muôn đời của kiếp nhân sinh”. Sau “Áo hồ ly”, Trương Xuân Thiên tiếp tục ra mắt bạn đọc tập lục bát thứ hai với tên gọi “Lục bát tình nhân” (NXB Thanh Hóa, 2021). 63 bài lục bát trong tập đều xoay quanh chủ đề tình yêu đôi lứa với nhiều tìm tòi, nỗ lực về thi ảnh và tu từ: “Lời thề năm cũ còn linh/ Một nhành hoa dại cựa mình trong mơ” (Tháng Giêng); “Ta về quỳ trước địa đàng/ Bờ môi phong vết son nàng sau xưa” (Tình nhân).
Miền Bắc
Cho đến lúc này, Lê Đình Tiến (sinh năm 1990) quê Hưng Yên có thể xem là tác giả trẻ nhất đang gây được nhiều ấn tượng với người đọc bằng thể lục bát. Tập thơ “Mây trôi phía làng” (2022) gồm 39 bài lục bát của anh được NXB Hội Nhà văn tài trợ toàn bộ kinh phí in ấn như một sự quan tâm, khuyến khích đặc biệt với các tác giả có tuổi đời chưa quá 35.
Khác với nhiều cây bút cùng thế hệ, Lê Đình Tiến hướng sự quan tâm của mình về nông thôn với những góc nhìn mới, cách diễn đạt mới, thể hiện những quan sát vừa tinh tế, vừa ngộ nghĩnh trẻ trung, sử dụng nhiều chất liệu khẩu ngữ: “Trăng cong như chiếc sừng trâu/ Đang lên ngoắc ngọn tre sau mái nhà” (Mùa đi); “Chợ làng họp sớm từ lâu/ Nắng lên từ đít con trâu ra đồng” (Vẫn còn); “Mặt trời ngái ngủ ngoài kho/ Con gà dậy sớm kéo co cả làng” (Cổng làng). Bên cạnh đó, Lê Đình Tiến cũng dành nhiều bài thơ viết về tình cảm gia đình với những câu thật cảm động: “Mẹ về ướt áo mẹ ơi/ Còn ấm cái bánh trong người phần con” (Nhớ Tết); “Có con mối rách hiên ngoài/ Thương cha tặc lưỡi thở dài vào đêm” (Thương cha). Có những câu lục bát của Tiến đã tạo được sự khái quát lớn, mở rộng trường liên tưởng và vang vọng: “Người đi để thấy muôn trùng/ Biết đâu tìm được một vùng lặng im” (Khất nợ); “Bao năm tìm thấy bóng mình/ Vô hình trong cái hữu hình lạ chưa” (Ngày mưa 2).
Gần đây nhất, tập thơ lục bát “Đồng sen tàn” (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Phúc Lộc Thành (sinh năm 1964 tại Hà Nội) được trao giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023. Trước đó 5 năm, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã từng trình làng tập lục bát 108 bài mang tên “Giấc mơ sông Thương” gây được nhiều sự chú ý của dư luận.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã định danh cho lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành bằng một khái niệm trước đó chưa từng xuất hiện, đó là lục bát sex – thiền. Chủ đề lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành chủ yếu xoay quanh tình yêu đôi lứa, tiếp tục tô đậm chất luyến ái, nhục cảm nhưng vẫn đầy tinh tế, thể hiện sự trau chuốt ngôn từ và dụng công trong xây dựng hình tượng: “Em so vạt khuyết thiếu thừa/ Thấy dăm chiếc cúc vẫn chưa vào hàng” (Mùa sấu rụng 1); “Tiếng tim đập đã lên ngồng/ Em mang hơi thở mà lồng vào tôi/ Ta ôm chật đất chật trời/ Ngày tìm long mạch. Đêm khơi nguồn tình” (Mùa sấu rụng 5).
Cùng với việc thể hiện những hơi thở buồn, những lo âu kín đáo, những dự cảm mong manh, có thể gọi lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành mang đậm chất hiện sinh khi muốn phá tung khuôn khổ của thể loại quen thuộc để làm nên những cuộc nổi loạn về ngôn ngữ và thi ảnh: “Trăng như trên giá hành hình/ Đêm nay lặng lẽ gieo mình chín phương…/ Em đi trở gót tạ từ/ Trăm năm tượng đá vẫn tru tiếng người” (Tháng sáu 9). Rất nhiều lần, các từ láy được đặt ở vị trí hiệp vần của câu bát, làm nên những điểm nhấn khác biệt với một dư âm khắc khoải: “Gót sen lấm. Đồng sen tàn/ Chân em thơm một trời ngan ngát bùn/ Thôi đi hỡi những dế giun/ Đừng rên thêm nữa trong hun hút mùa” (Đồng sen tàn 2)…
Như vậy, với 5 gương mặt của ba miền mà chúng tôi vừa sơ bộ nhìn lại trong đời sống thơ đương đại, có thể thấy lục bát vẫn là một sự lựa chọn đầy đắm say và đam mê với nhiều nỗ lực không ngừng trong biểu hiện nghệ thuật của mỗi tác giả. Thế mới biết, hình thức của thể thơ được coi là đậm chất truyền thống này vẫn tiềm ẩn những khả năng khai phóng mới mẻ để mang đến những hơi thở mới của dòng chảy thơ Việt hôm nay.