Kinh hoàng dưới B52
Ngày 6/4/1972, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2. Ở thủ đô Hà Nội và nhiều khu vực khác, những loạt bom B-52 trút xuống tàn khốc hủy diệt sự sống. Nửa thế kỉ đã trôi qua, nhưng kí ức kinh hoàng vẫn dậy lên trong tâm trí của những nhân chứng lịch sử một thời…
“Tôi giữ gìn mảnh áo bông của bố suốt 50 năm qua”
Cứ đến ngày 21/11 âm lịch, cả ngõ chợ Khâm Thiên khu tôi ở trầm khuất mùi khói hương. Bởi có rất nhiều đám giỗ tưởng nhớ những người đã ra đi sau làn bom dữ dội trong đêm 26/12/1972, tức ngày 21/11 âm lịch. Đó là thời điểm không quân Mỹ huy động tổng lực tập kích dồn dập vào Hà Nội. Phố Khâm Thiên ngày 26/12/1972 chìm trong biển lửa, sau một đêm trở thành đống đổ nát.
Ngày ấy, tôi là cô bé 8 tuổi được bố mẹ đưa đi sơ tán về Gia Viễn, Ninh Bình ở với các bác và ông bà. Bố tôi là Nguyễn Đức Thuần (sinh năm 1932), là tổ trưởng tổ dân phố, ở lại phát tem phiếu cho người dân và động viên mọi người đi sơ tán. Ông còn là trưởng tiểu ban bảo vệ khu phố. Mẹ tôi là Vũ Thị Minh làm ở Hợp tác xã Sông Hương trên phố Bạch Mai. Cả hai bố mẹ tôi đều bám trụ lại Hà Nội trực chiến.
Tôi ở quê luôn ngóng tin bố mẹ. Khi nghe các bác nói chuyện bom Mỹ rải thảm ở Khâm Thiên, tôi rất lo sợ, cứ khóc suốt và hỏi: “Bố mẹ con có sao không?”. Sau đó vài ngày, mẹ tôi được một người cùng quê đưa về Ninh Bình. Mẹ nhìn thấy tôi, nước mắt trào ra, ôm chặt tôi và nghẹn ngào: “Bố mất rồi con ơi”. Vậy là điều tôi lo lắng đã xảy ra. Tôi không bao giờ còn được nhìn thấy bố nữa. Mẹ kể rằng, đêm 26/12, nghe tiếng máy bay, bố vội vã chui vào hầm tăng xê trong ngõ Đình Tương Thuận cách nhà một đoạn. Một loạt bom đã rải trúng khu vực đó, rất nhiều người đã chết không toàn thây, trong đó có bố tôi. Còn mẹ tôi chạy vào hầm tập thể ở ngõ Miếu, hầm rất đông người, nhưng chỉ bị sức ép chứ không làm sao. Chỗ bố tôi mất bây giờ là vị trí Trạm y tế phường Khâm Thiên.
Sau loạt bom, mọi người ào lên, lao vào đống đổ nát bới tìm thi thể. Các cô chú giúp mẹ tôi tìm bố tôi, vừa tìm, vừa gọi, vừa khóc. Rồi mẹ tôi nhận ra mảnh áo bông của bố vương trên miệng hố bom, đó là chỉ dấu duy nhất mách cho mẹ tôi biết rằng đấy chính là bố. Một tay mẹ giữ mảnh áo bông, một tay đào bới, tiếng gọi xé cả không gian cô đặc. Mọi người gom hết những mảnh xương thịt lẫn trong đất đá, để tập trung lại ở đầu ngõ, đưa đi chôn thành một ngôi mộ tập thể ở ngõ Miếu. Sau này ở chỗ ấy có lập miếu thờ.
Sau đó một thời gian, mẹ đón tôi lên Hà Nội. Ngày tôi rời ngõ Chợ, con ngõ vẫn lành lặn. Vậy mà ngày trở lại, tôi không nhận ra nữa. Cả phố bị san phẳng, tường sập, nhà bay, những hố bom lổn nhổn gạch đất. Chẳng thấy bố đâu nữa. Tôi chạy đi tìm người bạn gái thân của tôi cách đấy mấy nhà, nhưng thật đau xót khi biết tin bạn tôi đã mất dưới làn bom. Tôi nhớ bố, thương bạn nên cứ khóc suốt.
Cũng vì thương nhớ bố mà mẹ tôi sống buồn lặng cả quãng đời còn lại. Bà ngoại từ quê Ninh Bình lên ở với mẹ con tôi cho bớt cô quạnh, bù đắp cho tôi những mất mát, thiệt thòi. Mẹ tôi đổ bệnh và mất năm 1987. Năm mươi năm rồi, nhưng nỗi đau năm 1972 trong tôi vẫn nhói lên. Tôi vẫn ở ngay vị trí ngôi nhà của bố mẹ năm xưa. Đứa bé 8 tuổi là tôi năm nào giờ đã là người phụ nữ trung niên đề huề con cháu. Từng ấy năm, tôi giữ mảnh áo bông của bố như một báu vật. Cách đây mấy hôm, nhân dịp giỗ bố, gia đình tôi đã đưa mảnh áo bông của bố về quê để lập ngôi mộ gió tại nghĩa trang của dòng họ ở Ninh Bình. Vậy là giờ đây bố mẹ tôi được yên nghỉ cạnh nhau, tôi cũng thấy nhẹ lòng hơn…
Ghi theo lời bà Nguyễn Thị Minh Hường (tên thường gọi là Thanh Tâm), sinh năm 1964, ở ngõ chợ Khâm Thiên
“Tôi chuyển dạ sinh con giữa những hồi còi báo động”
Suốt nửa thế kỉ qua, cứ đến tháng 12, nghe thấy cụm từ “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trên phương tiện thông tin đại chúng là kí ức lại ào về trong tôi. Đó là lúc tôi 32 tuổi, chuyển dạ sinh con gái thứ hai Đỗ Đan Tâm trong mưa bom bão đạn.
Tháng 4/1972, Mỹ đánh ra Hà Nội, cả thủ đô trực chiến. Vợ chồng tôi quyết định gửi con gái lớn Đỗ Đan Tú lúc đó mới 2 tuổi về xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn ở với ông bà nội. Hà Nội thực hiện sơ tán rất nghiêm ngặt. Ngoài phố, từng đoàn người ba lô túi xách lỉnh kỉnh đi sơ tán. Tháng 5/1972, khi tôi đang mang bầu con thứ hai thì được lệnh theo cơ quan sơ tán về Phùng, Song Phượng, Hà Tây (nay là thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội). Chồng tôi là Đại tá Đỗ Bá Bút công tác trong Binh chủng Pháo binh lúc ấy đang trong khu 4. Cả nhà tôi mỗi người một nơi.
Tháng 6/1972 tôi nhận được điện báo con gái ở quê ốm nặng. Tôi sợ run lên, xót xa bồn chồn, nước mắt tuôn trào vì thương con. Mỹ đã ném bom đánh sập cầu Long Biên và cầu Đuống, đường về đón con trắc trở, khó khăn, tôi đang bụng mang dạ chửa nên phải nhờ em gái tôi đi đón. Tôi đạp xe về Hà Nội, ở tạm nhà chị gái tôi ở số 14 phố Tông Đản. Mong ngóng mãi vẫn không thấy hai dì cháu, tôi lo lắng, cứ suy đoán tình huống trắc trở có thể xảy ra. Mãi tới 9 giờ tối em gái tôi mới đưa con tôi về tới 14 Tông Đản. Dì buộc cháu vào ghế mây sau xe đạp, đạp một mạch 40 cây số từ 5 giờ chiều. Thật hú vía vì đã không có chuyện gì xảy ra dọc đường. Nhìn con gầy yếu mà thương con thắt lòng. Tôi cố chăm sóc con, mong con mau khỏe.
Thời điểm đó, ngày đêm Hà Nội rúc còi báo động yêu cầu toàn thành phố xuống hầm. Sáng sớm ngày 15/8/1972, tôi chuyển dạ, được đưa đến Bệnh viện Bảo vệ bà mẹ trẻ em sơ sinh (nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương). 7 giờ sáng, trên bàn sinh, khi con tôi cất tiếng khóc chào đời thì có còi ủ lên từng hồi báo động. Các y bác sĩ cấp tốc chuyển mẹ con tôi xuống hầm. Người mệt lả vì vừa trải qua cơn đau, tôi vẫn hiểu rõ được tình huống nguy cấp lúc đó.
Thấy yên ắng, các y bác sĩ lại khênh cáng đưa mẹ con tôi lên phòng sinh, tiến hành khâu cho tôi. Vừa khâu xong, lại có còi ủ, các bác sĩ lại nhanh chóng đưa mẹ con tôi trở lại hầm. Nhiều bà mẹ cùng những đứa trẻ đỏ hỏn cứ lên xuống hầm như thế, phải đến 4 - 5 lần. Lúc ấy, tôi thấy thương các y bác sĩ vô cùng. Họ làm việc khẩn trương và hết sức tập trung. “Các bác sĩ cứ để mẹ con tôi ở trên này cũng được”, tôi khẽ nói. Bằng thái độ điềm tĩnh và tận tụy, các cô bác sĩ vẫn một mực nói: "Cô cứ vui lòng xuống hầm tránh máy bay để chúng cháu hoàn thành nhiệm vụ!". Ở bệnh viện ba hôm thì tôi xuất viện, về lại số 14 Tông Đản ở nhờ nhà chị gái tôi. Mấy hôm sau, chồng tôi mới đi công tác về và chăm sóc mẹ con tôi.
Trong bom đạn, gia đình chúng tôi vẫn có niềm vui lớn. Ngày 1/9/1972, vợ chồng tôi chuyển về ngôi nhà được phân ở K72 Cống Vị, Ba Đình. Trong căn nhà xinh xắn 24m2, chúng tôi đã có tài sản, không còn cảnh gia tài là chiếc ba lô, ngủ giường cá nhân, ăn cơm tập thể nữa. Tháng 12/1972, Mỹ đánh phá Hà Nội ác liệt. Quân ta bắn rơi nhiều máy bay địch. Mỗi trận mưa bom, nhà cửa rung lên bần bật cùng những tiếng nổ inh tai nhức óc. Chồng tôi đi công tác biền biệt, ở nhà chỉ có ba mẹ con. Tôi nhờ người đào hầm dưới gầm giường để tránh bom. Đêm đêm, tôi không dám chợp mắt, cứ nơm nớp lắng nghe và đưa hai con xuống hầm. Trong tiếng còi ủ báo động, hai con tôi vẫn say giấc. Bầu trời Hà Nội về đêm sáng lòa, rền vang tiếng nổ.
Theo lệnh cơ quan phải sơ tán khỏi Hà Nội triệt để, sáng ngày 24/12/1972, tôi đưa hai con đến số 6 phố Tràng Tiền chờ xe ôtô cơ quan đưa đi sơ tán. Mãi đến 2 giờ chiều mới được lên xe, sắp ra khỏi Hà Nội thì xe phải quay lại vì địch đánh phá cầu qua sông. Thế là lại xuống xe vào lánh nhờ nhà chị gái tôi ở 14 Tông Đản để tính đường sơ tán nơi khác. Dịp này Hà Nội báo động liên tục ngày đêm, cuộc sống lúc nào cũng thấp thỏm, lo sợ. Cứ có còi ủ là tôi dắt con lớn 2 tuổi, bế con bé 4 tháng chạy xuống hầm. Trong căn hầm nhà anh chị tôi được xây kiên cố, thường xuyên ba mẹ con tôi và gia đình anh chị ở đó tránh bom. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều khó khăn. Tôi thương hai con tôi bé nhỏ sinh hoạt thất thường, nhưng vẫn cố gắng vượt qua.
Đêm 26/12, Mỹ ném bom hủy diệt phố Khâm Thiên, căn nhà của anh chị tôi được xây kiên cố mà cảm giác rất mỏng manh, cứ rung lên bần bật. Tin tức đau thương tang tóc dồn dập đổ về khiến ai cũng thấy uất nghẹn, xót xa. Sau 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, xe của đơn vị chồng tôi đưa cả gia đình về quê với ông bà nội. Quê hương cũng là bãi chiến trường, cây cối tiêu điều, chằng chịt vết cứa của mảnh đạn, bom bi. Cả những bụi tre quanh nhà cũng ám vàng mùi lửa đạn. Chúng tôi lại tiếp tục đào hầm để tránh đạn bom…
Ghi theo lời bà Đỗ Thị Trâm – phu nhân Đại tá Đỗ Bá Bút - nguyên Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Pháo binh.