Mùa con ong đi lấy mật

10:26 13/04/2023

Tây Nguyên đã qua những tháng ngày rét mướt của mùa đông. Tháng Ba đến dịu dàng e ấp màu trắng tinh khôi của những chùm hoa cà phê phủ kín núi đồi như những bông tuyết rơi trái mùa tỏa hương thơm đắm say lòng người. Tháng Ba cũng bắt đầu hành trình thiên di vạn dặm của những loài ong đi tìm mật ngọt…

Mùa “ăn mật”

Tháng Ba về, hoa cà phê nở trắng những triền đồi tại huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, chúng được ví như một thảm băng trắng khổng lồ của đại ngàn Tây Nguyên. Giữa làn hoa trắng tinh khôi ấy, là tiếng vo ve ầm ĩ của những loài ong cần mẫn đi hút mật. Theo sau chúng, có những con người lầm lũi chờ mong một mùa mật bội thu. 

Niềm vui khi thu hoạch mật ong của người thợ

Đây là năm thứ hai, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lẫm, 40 tuổi, quê Quảng Nam trở về vùng đồi xã Ea Kuêh, huyện Cư Mgar. Chuyến đi này, anh Lẫm mang theo 70 thùng ong với hàng vạn chú ong đi tìm mật hoa cà phê.

Vợ chồng anh Lẫm mượn một khu đất giữa vườn cà phê của người dân rồi hạ bạt, dựng lều sống theo bầy ong của mình cho đến hết mùa hoa cà phê vào khoảng cuối tháng 4 âm lịch. Kinh nghiệm của người nuôi ong, dù thời gian thu hoạch mật kéo dài quanh năm, song tháng Ba vẫn là thời điểm thu hoạch mật được nhiều và ngon nhất. Bởi vậy, anh Lẫm đã chọn tháng Ba làm mùa “ăn mật” chính của mình.

Mỗi buổi sáng, vợ chồng anh thả ong ra để chúng bay đi hút mật trên những đồi hoa cà phê xung quanh, khi đã kiếm đủ số mật, chúng sẽ tự động trở về tổ nhả mật.

Anh Lẫm sẽ căn cứ vào lượng mật có được trong mỗi cầu ong để tính toán ngày thu hoạch, thông thường từ 7 - 10 ngày tiến hành "đánh mật" một lần. Trước khi lấy mật, vợ chồng anh Lẫm tiến hành phun sương nước cho ong ướt cánh ít bay và xông khói để ong không tìm đến cắn. Vùng Cư Mgar có khí hậu ôn hòa, cây cà phê trong giai đoạn phân hóa mầm hoa còn sung mãn, hoa to nên cung cấp cho đàn ong lượng phấn hoa, mật hoa lớn. Thu hoạch được từ 5 đến 7 lượt, vợ chồng anh Lẫm lại dọn lều, thu gom thùng ong di chuyển đi tới đồi cà phê khác cách nơi cũ chừng vài trăm mét hoặc vài cây số cho đợt thu hoạch mật tiếp theo.

Để có được nơi ở mới cho bầy ong, trước đó anh Lẫm phải lặn lội đi tiền trạm, kiểm tra xem diện tích cà phê phải đủ lớn, hoa trổ bông phải to, mọng và đẹp đều, đặc biệt vị trí đã có bầy ong nào đi qua chưa. Đáp ứng những điều kiện đó mới chỉ là cần, cái quan trọng là chủ đất có đồng ý cho đặt nhà ong trên đất không, nơi này có nước uống, có điện để sinh hoạt và thắp sáng cho bầy ong không? Anh Lẫm kể: “Dân tìm mật như tôi cứ thấy nơi nào có hoa là mê rồi, chỉ muốn đáp lại ngay thôi, nhưng gặp phải người chủ khó tính, họ không đồng ý cho mình dựng lều trên đất. Người ta ái ngại bầy ong sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ”.

Dân tìm mật cũng có cái “ngông” của riêng mình, một khi đã thích thì bằng mọi giá phải thực hiện, cho dù phía trước là vô vàn trắc trở. Anh Lẫm cho biết, đầu vụ năm nay, vợ chồng anh đến một đồi cà phê rất đẹp, có dòng suối bao quanh, hoa cà phê đủ nước nở rộ và đều tăm tắp. Ngặt nỗi, khu vực này không có dân cư ở, không có điện và nước. Vì quá mê vạt hoa trắng mà anh Lẫm quyết hạ lều ngay tại bờ suối lởm chởm đá, hai vợ chồng dọn một ngày mới xong nơi đặt nhà ong. Không có nơi đặt giường, vợ chồng mỗi người cái võng mắc giữa bụi cây. Ngày nấu cơm bằng nước suối, đêm ngủ muỗi bu đen người. Bù lại, đợt thu hoạch ong đầu tiên đã cho về những sáp mật căng tròn và mọng nước, phải nói là bội thu.

Mỗi lít mật ong anh Lẫm bán tại chỗ khoảng 80.000 – 90.000 đồng. Mỗi thùng ong khi kết thúc mùa hoa cà phê cũng giúp anh thu về từ 300.000 – 400.000 đồng.

Theo anh Lẫm, mật ong khai thác từ phấn hoa cà phê được người tiêu dùng ưa chuộng, là loại mật ong nguyên chất nhất. Bởi vào lúc hoa nở rộ, những thùng ong được đặt ngay tại rẫy cà phê và trong thời gian thu hoạch mật không phải cho ong ăn thêm bất cứ thứ gì. Mật ong hoa cà phê có màu vàng nhạt, dẻo quánh, không ngọt gắt như các loại mật khác, không bị ngả màu hay đóng đường. Do đó, ngoài bán cho các công ty, người dân trong vùng cũng tìm đến mua, bởi vậy mà quay mật ra được bao nhiêu thì bán hết bấy nhiêu.

Trọn vẹn với những mùa hoa

Cách nhà ong của anh Lẫm không xa là “lãnh địa” ong của gia đình bà HDinh ở bên quả đồi Ea M'Droh, cùng huyện Cư Mgar. Đã sáu mùa “con ong đi lấy mật”, bà HDinh sống trọn vẹn với những mùa hoa. Từ ngày biết yêu loài mật ngọt, gia đình bà bỏ hẳn công việc trồng lúa để tập trung chăm sóc, nuôi lớn những lồng ong. Với ong hút mật cà phê, người nuôi không phải mất quá nhiều công sức, ong tự đi tìm mật rồi trở về cho mật, người nuôi chỉ việc căn thời gian để thu hoạch. Tận dụng khoảng thời gian quý giá của tháng Ba, gia đình bà HDinh đã phân tán nhân lực ra. Người con đầu Y Sang sẽ mang một ít lồng vào rừng tìm mật ong.

Thợ lấy mật ong rừng đối mặt với nhiều vất vả, hiểm nguy

Để có được những giọt mật ngọt ngào chắt chiu từ rừng xanh, những người con của bà HDinh phải nhọc nhằn rong ruổi khắp chân núi, cửa rừng, đi theo những mùa hoa, trải qua bao vất vả.

Ong rừng Tây Nguyên có rất nhiều loại, nhưng phổ biến và cho nhiều mật nhất là ong khoái và ong đất. Băng rừng, vượt suối tìm ong, nếu may mắn, có thể tìm và bắt được vài tổ ong rừng, có thể khai thác được vài chục lít mật, kiếm tiền triệu như chơi. Nhưng nghề săn ong rừng thì độ hiểm nguy luôn chực chờ, những giọt mật có khi phải đánh đổi bằng máu và nước mắt. Y Sang kể, để lấy được mật ong rừng, điều đầu tiên phải cần có đuốc khói. Đuốc được làm từ cành cây rừng khô và tươi. Đuốc phải được bó thật chặt để cháy được lâu và không bị rơi khi thợ ở trên cây. Nếu đuốc cháy hết hoặc bị rơi giữa chừng, thợ bắt ong sẽ đối mặt với thảm họa từ hàng trăm nghìn con ong tấn công và hậu quả là không thể lường được.

Mùa lấy mật ong rừng chia làm hai giai đoạn khá rõ rệt. Từ tháng 3 đến giữa tháng 4, ong làm tổ ở ven suối, bìa rừng, hút mật hoa cây gỗ keo, cà phê. Từ nửa cuối tháng 4 đến tháng 8, đàn ong tản đi “tránh bão” do bị con người săn tìm trước đó. Lúc này, chúng làm tổ ở núi cao, hút mật hoa rừng, đây là giai đoạn đàn ong cho mật ngon nhất.

Y Sang vào nghề được hơn bốn năm, ít nhiều có chút kinh nghiệm rừng xanh nên phán đoán đương đối chính xác quy luật hoạt động của ong mật. Giữa bạt ngàn cây rừng và mênh mông trời đất, để biết hướng nào có ong thì phải nhìn theo hướng ong bay, đến những cây to có nhiều nhánh nằm ngang, có khả năng che chắn những trận gió lớn, ong sẽ chọn khoảng trống cạnh đó để làm tổ. Một cách khác đó là đi dọc các khe nước lên phía thượng nguồn, tìm đến những chỗ có thác nước hay những bãi cát rộng, thoáng mát, bởi ở đó ong thường đến uống nước trước khi bay về tổ.

Theo quan sát của Y Sang, ong có thời gian xây tổ và ra mật chỉ sau 20 ngày làm tổ. Tuy nhiên, để mật đạt chất lượng tốt nhất thì phải hơn 30 ngày.

Khi thợ lấy ong đã trèo lên cây thì tính mạng phó thác vào may rủi. Nếu gặp đàn ong dữ, thợ săn mật có thể bị tấn công dồn dập và hứng mũi đốt chí mạng của ong rừng, nhất là khi tay đã đặt vào tổ ong, cơ thể dính mật cùng với bị ong đốt loạn xạ, tay trơn trượt không thể bám vào thân cây, thợ lấy mật rơi tự do từ độ cao hàng chục mét, xác định chỉ có “về với ông bà”. Y Sang chỉ vào vết sẹo ở gót chân trái của mình nhớ lại tai nạn năm ngoái, cậu rùng mình một cái. Cũng vào đầu tháng Ba, Y Sang và chú của mình vào rừng MDrắk, huyện MDrắk tìm mật ong. Cánh rừng vừa trải qua một trận mưa lớn, thân cây rừng trơn như đổ mỡ. Trên nhánh cây cổ thụ có một tổ ong rất to. Chỉ nhìn thôi đã kích thích niềm hăng say mật ngọt của cánh thợ rừng. Y Sang nhanh chóng trèo lên, bên hông đeo một con dao và chiếc túi lớn để đựng mật, miệng cắn chặt sợi dây thừng. Miếng mật được lấy khỏi tổ, khi đang thả xuống cho người ở dưới thì Y Sang bị trượt chân. Cú trượt khiến cậu giật mình buông ngọn đuốc rơi ra, đàn ong đen như một đám mây xông tới. Y Sang đã đeo nón bảo hộ nhưng trước sức tấn công của bầy ong khiến cậu hoảng loạn vứt hết đồ nghề, trườn thật nhanh xuống đất. Do quá vội và không làm chủ được tình huống nên Y Sang nhảy trúng gốc cây bên dưới. Cú đâm mạnh khiến cho bàn chân bóc một miếng thịt lớn, máu chảy thành dòng. Vết thương sâu và nặng, Y Sang phải ra bệnh viện khâu 7 mũi.

Những giọt mật trong chuyến đi đó vẫn được lấy trọn vẹn và mang bán, nhưng vết sẹo thì không bao giờ lành trên bàn chân của Y Sang. Với thợ săn mật ong rừng, tai nạn là điều bình thường, ngay cả cái chết họ cũng xem như cái giá phải trả cho nghề. Nói đam mê thì chưa hẳn, mà đó là công việc kiếm cơm cho tháng rộng ngày dài phía trước.

Để cho những giọt mật còn mãi, người thợ rừng luôn có nguyên tắc hành nghề của riêng mình. Y Sang cho biết, họ không tận diệt đàn ong, bởi như thế cũng chính là tận diệt nguồn sống của chính mình. Người thợ lấy mật nhìn những mảng sáp vàng óng để đánh giá lượng mật, tổ nhiều mật thì khai thác luôn, tổ mới làm, ít mật sẽ để dành khai thác sau. Khi lấy mật, tuyệt đối không được phá tổ, mở cho ong đường sống để tiếp tục sinh sôi, nảy nở cho mật ngọt những mùa sau.

Ngọc Hoa

Những ngày này, Trung tá Nguyễn Ngọc Hải - Phòng Cảnh sát, Cục Hoạt động hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) trở về nước tham gia khóa đào tạo giảng viên nguồn về cảnh sát gìn giữ hòa bình (GGHB) trong khu vực cho LHQ tại Việt Nam diễn ra từ 28/10 đến 15/11/2024.

Công an huyện Sông Mã (Sơn La) vừa chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phá thành công chuyên án, bắt giữ đối tượng Nguyễn Anh Ngọc, trú tại Hải Phòng về hành vi “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.

Hiện tượng giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo cho vay tiền online ngày càng trở nên phổ biến và phức tạp. Các đối tượng lừa đảo thường tự xưng là nhân viên ngân hàng đăng các bài viết quảng cáo cho vay tiền online với lãi suất thấp, không cần thế chấp, không thẩm định, cam kết giải ngân nhanh.

Sức ép buộc các quốc gia phải ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu vũ khí cho Israel đã tăng lên. Một số chính phủ đã phải đối mặt với một loạt chiến dịch chính trị và xã hội dân sự trong nước và quốc tế, các cuộc điều tra và thách thức pháp lý liên quan đến chính sách cung cấp vũ khí cho Israel...

Trong những năm gần đây, tội phạm ma túy ngày càng trở nên tinh vi và đa dạng trong cách thức hoạt động. Một trong những chiêu trò phổ biến và nguy hiểm là lợi dụng dịch vụ vận chuyển công cộng như xe ôm và xe khách để tuồn ma túy qua các tuyến giao thông. Điều này đòi hỏi sự cảnh giác cao độ từ phía các lái xe cũng như sự phối hợp chặt chẽ từ các lực lượng công an để ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định rằng, khi hoạt động đấu giá được quản lý hiệu quả sẽ là đòn bẩy hữu hiệu để phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội và ngược lại, nếu đấu giá đi chệch khỏi quỹ đạo tốt đẹp thì sẽ không chỉ làm lãng phí nguồn lực mà còn tạo ra những đổ vỡ với hệ lụy khó lường cho nền kinh tế, gây bất ổn xã hội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文