"Mùa xuân bất diệt" của họa sĩ Lê Lam

08:44 02/04/2025

Họa sĩ Lê Lam là một trong những đại diện tiêu biểu của nền mỹ thuật hiện thực cách mạng Việt Nam. Triển lãm "Mùa xuân bất diệt" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu 90 tác phẩm đa dạng về thể loại và chất liệu của ông - một nghệ sĩ với tâm hồn chiến sĩ đã dành trọn vẹn tình yêu với Tổ quốc.

1. Họa sĩ Lê Lam tên thật là Vũ Quốc Ái, sinh năm 1931 trong một gia đình hiếu học, cha là cụ đồ nho. Mới 14 tuổi, Lê Lam đã theo cách mạng, gia nhập đội Thiếu niên Tiền phong bí mật. Sau đó, ông theo học khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), hay còn gọi là Khóa Kháng chiến (1950-1954), được thành lập ở Chiến khu Việt Bắc, do họa sĩ Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, năm 1958 ông được cử đi Liên Xô tiếp tục học Đại học Mỹ thuật Quốc gia Xudukốp. Về nước, ông tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (1964-1965). Từ ngày 2 đến 20/9/1965, Lê Lam tổ chức cuộc triển lãm tranh cá nhân ở số 10 Hàng Đào. Triển lãm đã gây xúc động với công chúng, đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến xem triển lãm 2 lần. Thủ tướng vui mừng viết thư tay động viên họa sĩ... Đó là niềm khích lệ lớn đối với Lê Lam.

Tác phẩm "Dừng lại" của họa sĩ Lê Lam.

Một giai đoạn sáng tác để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp của họa sĩ Lê Lam là từ năm 1966 đến năm 1975, khi ông vào chiến trường miền Nam, đi khắp các tỉnh, thành Nam Bộ, ghi lại hàng nghìn bức ký họa và tranh khổ lớn về phong cảnh, đời sống, cuộc chiến đấu, chân dung chiến sĩ, người dân.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương chia sẻ: "Di sản mà họa sĩ Lê Lam để lại không chỉ là những bức tranh mà còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước và khát vọng tự do. Nghệ thuật của ông là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, là lời nhắc nhở về những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông. Triển lãm "Mùa xuân bất diệt" lần này không chỉ là dịp để tôn vinh những giá trị trường tồn ấy mà còn như một lời nhắc nhở rằng tinh thần cách mạng và khát vọng tự do của dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi tươi mới, như mùa xuân bất diệt trong lòng mỗi con người".

Còn họa sĩ Vũ Bạch Liên, con gái cố họa sĩ Lê Lam xúc động cho biết: "Tôi vô cùng tự hào khi là con gái của một nghệ sĩ tài hoa, hết mình cống hiến cho nghệ thuật. Phong cách làm việc đầy tự do nhưng cũng rất tỉ mẩn, kỹ lưỡng của bố đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi, không chỉ trong nghệ thuật mà còn trong cách nhìn nhận cuộc sống".

2. Với họa sĩ Lê Lam, ông đã thực hiện một cách trọn vẹn lời thầy Tô Ngọc Vân của mình rằng: "Nhận của nhân dân cơm áo, chúng ta trả lại nhân dân bằng hội họa". Ông đã sống cả cuộc đời với tâm thế đó. Dấu ấn lớn nhất của ông trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại là hàng ngàn ký họa tại chỗ, tranh cổ động, đồ họa ở chiến trường miền Nam, từ tháng 2/1966 đến năm 1974, trong đó có 2 năm ông ở Campuchia.

Theo nhà nghiên cứu Đào Mai Trang: "Trong thời gian này, ông không chỉ chiến đấu như một người lính thực thụ bằng tất cả nhiệt huyết của một người yêu nước mà còn dùng nghệ thuật hội họa để góp một tiếng nói động viên đồng bào, cổ vũ tinh thần chiến đấu của những người lính nơi tuyến đầu, vừa là đồng đội, vừa là người bảo vệ tính mạng cho ông. Ông triển lãm tranh tại chỗ, dạy bà con, bộ đội vẽ tranh những lúc tạm yên bình. Ông gửi tranh ra miền Bắc như một cách truyền tin nóng hổi tình hình miền Nam thông qua nghệ thuật.

Có khoảng thời gian, Lê Lam tham gia công tác giảng dạy về đồ họa, ký họa, tranh cổ động tại trường Văn nghệ giải phóng. Ông có mặt tại hầu khắp các vùng chiến sự. Có thể nói đây là cống hiến lớn nhất của một họa sĩ cho công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc của đất nước, thể hiện rõ tinh thần của người cách mạng".

Điều đáng nói là ông chủ động chuyến đi sinh tử này. Ông từng kể lại: "Đầu năm 1966, tôi được cử đi Liên Xô học tiếp. Nhưng lúc này chiến trường miền Nam đang những ngày khốc liệt, đòi hỏi miền Bắc hậu phương lớn phải chi viện rất nhiều về nhân tài vật lực cho tiền tuyến. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định lên gặp các đồng chí Trường Chinh, Tố Hữu, Nguyễn Văn Vịnh (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Thống nhất của Quốc hội), xin đi Nam. Nguyện vọng của tôi được đáp ứng". Cùng đi với ông chuyến ấy có nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Hoàng Hiệp, Thái Ly và Vĩnh Bảo. Ở chiến trường miền Nam, ông được phân công phụ trách ngành Mỹ thuật giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trong chiến trường ác liệt đó, năm 1967 ông gặp nhân vật chị Tư Cào - người đã tay không ngăn xe địch ở Long An lúc bấy giờ, để vẽ ký họa. Sau đó ông đưa vào bức tranh cổ động vẽ chị Tư Cào hiên ngang đứng trước xe tăng địch, dưới gầm trời xám loang lổ khói bom lẫn máy bay trực thăng trên cánh đồng lúa vàng. Trên xe người lính Mỹ giương súng trước mặt chị Tư Cào. Bức tranh ghi: "Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục". Sau này bức tranh chính thức mang tên "Dừng lại".

Bức tranh đầu tiên đó bị địch thu giữ như chiến lợi phẩm. Khi họa sĩ Lê Lam về Trung ương Cục đã vẽ lại bức tranh gửi ra Bắc. Khi tranh được triển lãm, tác giả đã rất xúc động khi được biết Bác Hồ đã đứng rất lâu trước bức tranh rồi nói: "Cái này mạnh hơn sắt thép đấy. Các chú in ra cho toàn dân và thế giới xem". Bức tranh đã gây rúng động bởi vẻ đẹp và ý chí kiên cường của người phụ nữ Việt Nam.

Ngoài bức "Dừng lại", họa sĩ Lê Lam còn có bức tranh cổ động "Bảo vệ chính quyền nhân dân" từng được in 18.000 bản. Tác phẩm "Từng giờ từng phút hướng về miền Bắc" của họa sĩ Lê Lam từng giành giải nhì tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1955. Ông để lại hơn 3.000 bức ký họa và nhiều tác phẩm nổi tiếng, phản ánh chân thực cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, trong đó, tô đậm nét vẻ đẹp và ý chí kiên cường của những nữ anh hùng.

Một tác phẩm của họa sĩ Lê Lam.

Sau khi đất nước thống nhất, ông dành thời gian hoàn thiện các bản ký họa thời chiến, dựng các bức tranh khổ lớn và tiếp tục vẽ nhiều chủ đề khác nhau như Truyện Kiều, Xúy Vân, những ký ức thời du học Liên Xô, những nhân vật nổi tiếng trong văn hóa và văn học Nga một thời. Ông cũng tích cực tham gia các hoạt động triển lãm cá nhân và tập thể. Năm 2016, ông được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, ghi nhận những đóng góp của ông cho cuộc kháng chiến đất nước bằng hội họa. Có thể nói, sự chân thành và sâu sắc trong cảm xúc dân tộc được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm của ông đã góp phần làm nên những tác phẩm nghệ thuật sâu sắc, ý nghĩa.

"Mùa xuân bất diệt" của họa sĩ Lê Lam, nói như Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: "Triển lãm lần này không chỉ là sự kiện nghệ thuật, mà còn là dịp ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam. Đây cũng là cơ hội để thế hệ hôm nay tri ân những đóng góp to lớn của cha ông. Đặc biệt, hình ảnh người phụ nữ trong kháng chiến - một trong những chủ đề xuyên suốt sáng tác của Lê Lam - được tái hiện rõ nét qua tác phẩm "Đội quân tóc dài". Một thế hệ đã sống và cống hiến cho đất nước bằng tài năng và tình yêu đất  nước của mình".

Mỹ Hiền

Tháng Tư về, khi những cơn gió đầu hè mơn man qua từng tán cây xà cừ trên đường phố Hà Nội cũng là thời điểm bà Elisabeth Dahlin - cựu Tổng Thư ký Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển (Save The Children), nhà ngoại giao kỳ cựu, người bạn của Việt Nam - trở lại mảnh đất bà từng gọi là “mái nhà thứ hai” sau hơn hai thập kỷ gắn bó.

Chúng tôi gặp Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an ngay sau khi anh cùng đoàn công tác từ Myanmar trở về. 7 ngày thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn quốc tế đã lùi lại phía sau, nhưng những giây phút nghẹt thở, căng thẳng và nỗi buồn ám ảnh khi chứng kiến những mất mát, đau thương của người dân Myanmar vẫn vẹn nguyên trong tâm trí anh và đồng đội...

Biết bao máu xương của quân và dân vùng Bưng sáu xã (nay thuộc TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã đổ xuống trên mảnh đất bưng biền vốn là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Hòa bình lập lại, vùng bưng xơ xác bởi bom đạn, dân số chỉ còn lại vài ngàn người sống bằng nghề thuần nông với phương tiện đi lại bằng xuồng, ghe. Còn bây giờ Bưng sáu xã được xem là một trong những khu công nghiệp, đô thị sầm uất của TP Hồ Chí Minh.

Thêm 6 năm gắn bó với Nam Định giúp Xuân Son trở thành cầu thủ ký hợp đồng dài hiếm có trong lịch sử V.League. Tất nhiên, đồng hành với khoảng thời gian hơn nửa thập kỷ ấy, chân sút nhập tịch này cũng nhận chế độ hậu hĩnh, đủ giúp anh vào top 3 cầu thủ giàu nhất Việt Nam!

Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện và ngăn chặn kịp thời hàng tấn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn TP đang tìm cách tuồn ra thị trường.

Khoảng 19h ngày 26/4, tại trung tâm TP Hồ Chí Minh bất ngờ trời đổ cơn mưa nhưng không ngăn được hàng ngàn người dân chen nhau trên Bến Bạch Đằng chờ xem pháo hoa mừng Đại lễ 50 năm Ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2025).

Ngày 26/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Dự án khu đô thị Ruby City (địa chỉ tại ấp 1, xã Tiến Hưng, TP Đồng Xoài). Dự án do Công ty TNHH Bất động sản Kiên Cường Phát làm chủ đầu tư. Ông Phạm Khắc Học, thường trú tại xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh làm giám đốc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.