Nguồn sống...

10:35 14/05/2022

Một người mẹ ngày ngày chắt chiu những giọt sữa để dành, không phải cho con chị, mà tặng lại cho những đứa trẻ đang khát sữa. Một ông bố ấp đứa con bé xíu, non nớt trên ngực, bón cho con từng giọt sữa mát lành của một người mẹ vô danh nào đó trao lại, mong mỏi con đủ sức để bám níu lấy cuộc đời này. Những lát cắt yêu thương đó được ghép nối lại bởi một hành trình trao - nhận đặc biệt. Đó cũng chính là hành trình đi tìm nguồn sống…

Liều thuốc đặc biệt

1 giờ chiều, tại Khoa Điều trị tích cực thuộc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, Điều dưỡng trưởng Vũ Thị Mai Hương đang tất bật chuẩn bị cho cuộc lên đường đi thu nhận sữa mẹ hiến tặng. Dưới cái nắng đầu hè oi nồng đổ xuống hầm hập, đeo thùng giữ nhiệt chứa sữa trên lưng, xách theo 15 vỏ bình sữa, chị cùng một đồng nghiệp tất tả phóng xe máy lên đường cho kịp giờ.

Vượt quãng đường nắng nóng và khói bụi, họ dừng chân tại một khu tập thể cũ trên phố Nguyên Hồng. Men theo cầu thang cũ kĩ dẫn lên tầng 5, như đã quen lắm, chị Hương gõ cửa nhè nhẹ và khẽ gọi: “Mẹ Hạnh ơi, bác Hương đây!”. Một người phụ nữ bé nhỏ, mảnh mai mở cửa và reo lên: “Bác Hương đây rồi, tủ lạnh nhà em không còn chỗ chứa sữa nữa rồi”. Đó là chị Nguyễn Thị Hạnh, 29 tuổi, bà mẹ đã sinh con được gần 4 tháng và đã 3 tháng nay hiến sữa cho ngân hàng sữa thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương.

Điều dưỡng Vũ Thị Mai Hương hướng dẫn bà mẹ trẻ Nguyễn Thị Hạnh hút và bảo quản sữa hiến tặng tại nhà

Chị Hạnh trở thành bà mẹ hiến sữa một cách rất tình cờ. Đó là khi cậu con trai được hơn 1 tháng tuổi, chị đưa con đi kiểm tra sức khỏe tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương. “Mẹ có thể chỉ sinh ra một em bé nhưng mẹ có thể là mẹ của rất nhiều em bé khác”, dòng chữ đầy yêu thương nơi hành lang bệnh viện gây ấn tượng với chị. Đó cũng là lần đầu tiên chị gặp điều dưỡng Hương và được nghe giải thích, tư vấn khi người mẹ thừa sữa có thể hiến cho ngân hàng sữa. Ngay lúc ấy, chị Hạnh quyết định sẽ tặng sữa của mình cho các con.

Gian nhà tập thể cũ kĩ và chật chội nhưng có đến 2 chiếc tủ lạnh, trong đó có một chiếc chỉ để trữ sữa mẹ. 5 giờ sáng, 10 giờ trưa, 3 giờ chiều, 8 giờ tối và 2 giờ đêm, vào những khung giờ cố định trong ngày, chị Hạnh cần mẫn ngồi hút sữa, không bỏ cữ nào trong suốt 3 tháng qua. Lượng sữa hút ra, chị dành cho con một phần, còn phần lớn được đóng vào bình để hiến tặng. Phải tận mắt chứng kiến người mẹ bé nhỏ, dáng hao gầy ngồi nhẫn nhịn, lặng lẽ hằng sáng, hằng đêm vắt sữa, vì những đứa trẻ mà chị không hề biết mặt mới thấy tấm lòng lòng người mẹ này thật tuyệt vời. Không chỉ chị Hạnh, mà cả chồng chị, anh Vũ Đình Thắng, 29 tuổi, cũng ngày ngày cần mẫn phụ vợ rửa bình sữa, hấp tiệt trùng bình sữa - những việc tỉ mỉ cứ quay vòng mà không hề nghi ngại, đắn đo.

Cứ khoảng 5 ngày, chị Hạnh sẽ để dành được 25-30 bình sữa trong ngăn đông tủ lạnh được giữ ở nhiệt độ ổn định -18 độ C. Cũng khoảng 5 ngày, điều dưỡng Hương sẽ đến thăm mẹ con chị Hạnh một lần. Những câu hỏi han, tư vấn việc nuôi con bằng sữa mẹ, hướng dẫn cách hút sữa, trữ sữa đúng chuẩn của chị Hương khiến ông bố, bà mẹ trẻ thấy yên tâm và tin tưởng vào hành trình sẻ chia đầy ý nghĩa. Chị Hương mở tủ lạnh, một vẻ ấm áp, tràn trề sức sống toát lên khi ngăn đông đầy ắp những bình sữa vàng sánh, tươi lành. Hôm nay, chị Hương sẽ thu nhận 20 bình sữa mang về ngân hàng sữa và mang vỏ bình sữa mới đến để mẹ Hạnh tiếp tục hành trình tích sữa.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm Bệnh viện tiếp nhận, chăm sóc và điều trị từ 4.500-5.000 trẻ sơ sinh bị bệnh nặng như sinh non, nhẹ cân, nhiễm trùng, dị tật bẩm sinh. Những trẻ này rất cần nguồn sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu “dinh dưỡng điều trị”, hỗ trợ cho quá trình hồi phục. Nhưng, không phải trẻ nào cũng được bú sữa mẹ đẻ ngay từ đầu do nhiều nguyên nhân. Có nhiều trẻ từ các địa phương vừa sinh ra đã mắc bệnh, chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Nhi thường không có mẹ đi cùng hoặc có trẻ mẹ bị bệnh nặng cần điều trị tại bệnh viện sản.

Việc trẻ không được bú sữa mẹ kịp thời làm chậm quá trình dinh dưỡng đường ruột. Các nghiên cứu cho thấy, sữa mẹ thanh trùng dùng thay thế tạm thời khi chưa có sữa mẹ đẻ giúp giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh muộn ở nhóm trẻ dễ bị tổn thương, nhẹ cân trong vòng 28 ngày đầu đời; giảm thời gian nằm viện 15 ngày và giảm thời gian nuôi dưỡng tĩnh mạch tới 10 ngày so với sữa công thức. Đó là những kết quả diệu kỳ được làm nên từ những giọt sữa hiến tặng thảo thơm.

Chuyện ở ngân hàng sữa

Mỗi ngày, các điều dưỡng ở ngân hàng sữa chia nhau mỗi người một ngả tỏa đến các gia đình để thu nhận sữa. “Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, nguồn sữa mẹ hiến tặng an toàn là “liều thuốc” đặc biệt giúp tăng cường khả năng sống sót cho trẻ. Điều đó khiến chúng tôi mừng lắm, xa mấy cũng đi, mưa rét mấy cũng đi, chỉ lo không đủ sữa nuôi các con”, điều dưỡng Hương chia sẻ. Đi lấy sữa đã vất vả nhưng khâu xử lý, bảo quản sữa còn khắt khe hơn. Bà mẹ trước khi hiến sữa sẽ được khám sàng lọc, phải là người khỏe mạnh, xét nghiệm không mắc 4 bệnh viêm gan B, viêm gan C, AIDS, giang mai, không có các hành vi nguy cơ ảnh hưởng đến sữa mẹ.

Quay trở về bệnh viện, điều dưỡng Hương mang toàn bộ số sữa vừa thu nhận vào khu bảo quản. Chị Hương lau vô trùng từng chai sữa trước khi cho vào tủ đông âm sâu chứa sữa thô. Trên cánh tủ, nhiệt độ hiển thị -30 độ C. Danh sách các mẹ hiến sữa ghim sẵn trên cánh tủ, sữa của mỗi mẹ đựng riêng trong các túi bảo quản ở các ngăn khác nhau, có ghi thông tin người mẹ, ngày giờ vắt sữa rất chi tiết.

Bà mẹ Phạm Thị Ánh Nguyệt (Vĩnh Phúc) xúc động khi con mình được sống nhờ những giọt sữa hiến tặng

Từ sữa thô đến sữa cho trẻ ăn phải trải qua bước thanh trùng. Trước thời điểm thanh trùng một ngày, chị Hương gom 35 chai sữa thô của cùng một người mẹ hiến để rã đông trong thời gian 24 tiếng ở nhiệt độ 4-6 độ C. 35 chai sữa sau khi rã đông sẽ được làm xét nghiệm vi sinh, sau đó trộn vào nhau và cho vào máy thanh trùng. Ở nhiệt độ cao nhất là 62,5 độ C, sữa được thanh trùng để diệt các vi khuẩn có hại mà vẫn giữ được chất dinh dưỡng của sữa, sau đó nhanh chóng được làm lạnh xuống 4 độ C. Thanh trùng xong vẫn phải làm xét nghiệm một lần nữa xem sữa còn vi khuẩn không. Nếu trước và sau thanh trùng, sữa có vi khuẩn thì phải loại bỏ. Sữa sau khi thanh trùng đạt tiêu chuẩn sẽ được chia về các khoa và bảo quản trong điều kiện vô khuẩn. Các điều dưỡng sẽ tiếp tục chia sữa cho từng bệnh nhi, chia sẵn liều lượng ăn mỗi bữa tùy theo thể trạng của mỗi bé, sau đó phát về phòng bệnh cho các con.

Ở Khoa Điều trị tích cực này, chị Phạm Thị Ánh Nguyệt, 35 tuổi ở Vĩnh Phúc đang nằm ấp đứa con bé bỏng. Giữa tháng 3-2022, chị sinh con tại bệnh viện đa khoa tỉnh, khi con mới được 25 tuần, nặng vỏn vẹn 700g. Con lập tức được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để có chế độ chăm sóc đặc biệt. Nửa tháng qua, chưa kịp biết mặt con, chị Ánh buồn lo và khóc rất nhiều. Nhưng, khi được các bác sĩ thông báo rằng con được ăn nguồn sữa an toàn của một người mẹ khác hiến tặng thì chị thấy an lòng hơn.

Tuy thiếu hơi mẹ nhưng bù lại, từng giọt sữa ấm áp của một người mẹ nào đó vẫn thấm vào cơ thể con để nuôi con nhích lên từng ngày. Ban đầu, các y, bác sĩ cho con ăn 1 ml sữa/ngày, rồi nhích lên 2-3 ml. Đến khi gặp mẹ, em đã ăn được 6 ml mỗi ngày. Những giọt sữa ấy với em bé sinh non chính là nguồn sống, là bước ngoặt lớn mỗi ngày. Chị Ánh chẳng thể bế con trên tay vì con quá non nớt nên cả ngày chị và mẹ chị sẽ thay nhau ấp con trên ngực theo hình thức da kề da. Chiếc gương thường trực trên tay để chị ngắm nhìn gương mặt con, mong con đủ sức để bám trụ lại cuộc đời này.

Điều dưỡng Hương bảo, chính những giọt sữa mẹ đã nuôi sống nhiều em bé trong đại dịch. Có bà mẹ nhiễm COVID-19 trong tình trạng nặng, phải mở khí quản, sinh con khi mới được 27 tuần, nặng 900g. Em bé kiên cường ấy phải một mình đối mặt với sự sống và cái chết khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi cấp cứu mà không thể có người thân bên cạnh. Các y, bác sĩ hết lòng chăm sóc em, những giọt sữa hiến tặng đã nuôi sống em từng ngày. Sau 1 tháng, người mẹ bình phục đến gặp con, thấy con lớn dần lên mà chỉ biết khóc vì xúc động và biết ơn.

Trong 4 tháng, ngân hàng sữa đi vào hoạt động thử nghiệm, có rất nhiều bà mẹ tốt bụng đã san sẻ những giọt sữa của mình. Đó có thể là một bà mẹ đang chăm con điều trị tại bệnh viện, là những y, bác sĩ đang nuôi con nhỏ và rất nhiều bà mẹ trong cộng đồng. 600 lít sữa quý giá từ 38 người mẹ hiến tặng đã nuôi sống 280 em bé, trong đó có 20 trẻ bị nhiễm COVID-19 hoặc có mẹ bị nhiễm COVID-19 nặng không thể cho con bú. Giờ đây, khi ngân hàng sữa đi vào hoạt động chính thức, có biết bao nhiêu người mẹ vẫn đang ngày ngày thầm lặng tạo nên sự sống diệu kì. N

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong những tháng đầu đời, trẻ được bú mẹ có cơ hội sống cao gấp 6 lần so với những trẻ không được bú mẹ. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục đến sau 24 tháng có thể giảm hơn 800.000 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, tương đương với 13% tổng số tử vong. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng, tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hiện nay khá thấp, ước tính đạt 22,7% năm 2015 và 45,4% năm 2020.

Thái Hưng

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ tới Bắc Kinh và gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường. Đây là lần thứ ba ông Elon Musk đến Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, trong vòng chưa đầy một năm. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra, đang trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu gia đình và nhà trường không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì ý nghĩ tự tử trong giới trẻ sẽ có dấu hiệu gia tăng.

Trong trận đấu với Tottenham tại vòng 35 giải Ngoại hạng Anh 2023/2024 diễn ra tối 28/4 (giờ Việt Nam), Arsenal đã dẫn trước tới 3-0 trước đối thủ nhưng suýt chút nữa đánh mất chiến thắng khi để đối thủ ghi liền 2 bàn trong hiệp 2.

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文