Nhà hai, nhà cả cả hai nhà

10:04 16/11/2024

Tục ngữ có câu "Cả cả hai hai không ai là vợ". Xin hỏi, "cả cả", "hai hai" nghĩa là gì? Từ "cả" một khi đứng riêng lẻ, có nhiều nghĩa nhưng "cả cả" là sao?

Trong lời ăn tiếng nói của người Việt có cách sử dụng gộp chung cả hai từ giống nhau, thí dụ, người mẹ nhận xét: "Chẳng biết ăn phải cái gì mà tía thằng Tèo bữa nay cứ cười cười nói nói"; hoặc "Thằng Tèo kia ăn nhầm đũa hay sao mà hễ đi làm về mở miệng ra là ca ca hát hát"; hoặc "Dạo này, hễ trưa trưa chiều chiều là thằng chả lại tụ tập bợm nhậu ăn ăn uống uống"…

Tranh chèo của danh họa Bùi Xuân Phái.

Dù cũng phản ánh thông tin về cười, nói, ca, hát, ăn, uống nhưng ở đây không còn sắc thái trung tính, mà đã ngầm biểu lộ nhận xét đó có ý mỉa mai hoặc đùa cợt, trêu chọc, tùy ngữ cảnh cụ thể. Hơn nữa, cách nói ấy còn cho biết những hành động ấy thỉnh thoảng lặp đi lặp lại ở mức độ nhiều hơn, cao hơn bình thường, chứ không phải nhất thiết liên tục như thế… Rõ ràng khi chọn cách nói này, là nhằm bày tỏ thái độ cảnh báo về hành động nào đó đang diễn ra, có "nguy cơ" sẽ trở thành thường xuyên.

Với câu "Cả cả hai hai không ai là vợ" ta thử tách riêng từ "cả" xem  sao.

"Cả" là lớn, to, có thể tìm thấy qua hàng loạt câu tục ngữ như "Cả vốn lớn lãi", "Cả sóng ngã tay chèo", "Cả gió tắt đuốc", "Cả sông đông chợ", "Cả cây nẩy buồng"… Thế nhưng khi nói "Cả ăn, cả mặc lại càng cả lo", chẳng lẽ ta hiểu là ăn to, mặc to thì càng lo to hoặc lớn? Nghe sao sao thế nào ấy nhỉ?

Không, "cả" trong ngữ cảnh này là chỉ mức độ lắm/ nhiều lắm, tỷ như lúc ta đọc câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Ở thế cả yêu là của khá". Xin giải thích, "thế" là đời, là thế gian; "cả yêu" là được nhiều người yêu quý thì đó là "của khá" - là chuyện hay, điều tốt. Sống ở đời được vậy, tốt quá, do đó, Trạng Trình khuyên ta "Chớ cậy rằng hơn, chớ cậy tài" là vậy.

Hẳn nhiều người còn nhớ đến câu "Cả vú lấp miệng em", theo nghĩa bóng  ám chỉ ai đó dùng quyền lực, thế mạnh của mình để ức hiếp, chèn ép người khác, mà, từ "lấp" xuất hiện trong ngữ cảnh này, tượng tự "Cả hèm lấp miệng hũ" là hiểu theo nghĩa che đi, làm cho khuất đi. Lúc bị "cả vú lấp miệng", vậy làm sao ai kia có thể há miệng thốt lên lời phản đối? Có thể nói, "cú ra đòn" độc đáo nhất về mặt chữ nghĩa đã dồn nén toàn bộ sức mạnh vào từ "lấp" - xứng đáng "khuyên son" trong nghệ thuật "họa long điểm nhãn".

Trong văn chương Việt Nam, có lẽ đây là một hoạt cảnh tiêu biểu cho cái thói hách xì xằng của kẻ cả chèn ép, "lấp miệng" người yếu thế, ấy là lúc cái Tý ngần ngừ không chịu ăn cơm thừa của chó:

"Bà Nghị nổi cơn tam bành:

- Mẹ mày dạy mày thế đấy chứ? Con ranh con! Ở đây với bà mà mày cứ giữ cái thói khoảnh ấy, thì bà dần từng cái xương. Này bà bảo cho mà biết: mày ăn cơm chó nhà bà cũng chưa đáng đâu. Con chó nhà bà còn được mấy chục, con người như mày, bà chỉ mua có một đồng đấy thôi. Ðừng khoảnh với bà!

Nghị Quế hạch lạc chị Dậu:

- Con mẹ khốn nạn! Mày ngồi giương mắt ra đấy, không biết bảo con làm sao. Hay mày sợ con phải ăn cơm chó thì mày xấu hổ?

Dường như thương mẹ bị quở, cái Tý vội vàng đón lấy rá cơm. Rụt rè nó bốc một nắm bỏ vào miệng, uể oải nhai như bò nhai trấu".

Có thể ghi nhận đây là một trong những tình tiết tạo nên ấn tượng khó quên khi đọc “Tắt đèn”. Còn nhớ, năm thứ nhất ở Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, nhà văn Anh Đức có đến nói chuyện với sinh viên về nghệ thuật sáng tác, theo ông, đại khái, nhà văn viết tác phẩm cũng tựa như người dệt chiếu, càng nhiều chi tiết ngang dọc đan bện, đan xen hợp lý thì "tấm chiếu" ấy mới bền chặt, không xộc xệch. Chi tiết cái Tý buộc phải ăn cơm thừa canh cặn của chó đã tố cáo tư cách, phẩm chất của vợ chồng "ông đại biểu cho dân". Mỉa mai làm sao,

Qua các câu tục ngữ vừa dẫn chứng trên, ta thấy từ "cả" đứng ở vị trí trước danh từ hoặc động từ, ngoài ra còn có thể kể thêm "Cả nắm khó bẻ", "Cả cánh bè to hơn văn tự", "Cả bè hơn cây nứa", "Cả thèm chóng chán", "Cả giận mất khôn" v.v…

Vậy, khi ông bà ta nhận xét: "Cả mô là đồ làm biếng" thì "mô" nghĩa là gì? Theo “Kho tàng tục ngữ Việt Nam” (NXB Văn hóa Thông tin - 2002) do Nguyễn Xuân Kính chủ biên: "Cả mô: Cái mông đít lớn (như mô đất). Người như vậy thì chậm chạp, chỉ thích ngồi chơi không thích làm việc"; theo Từ điển tục ngữ Việt (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh - 2010) của Nguyễn Đức Dương: "Cả mô: Dồn nhiều thứ việc khác nhau lại làm một rồi làm một thể (do làm biếng)". Có đúng không? Xin thưa, "mô" là từ dùng để chỉ cái gì có hình dáng như "khuôn, mo, lên khum khum" - theo “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895). Khi nói "cả mô" thì "mô" ở đây ám chỉ cái lưng, vì thế còn có cách nói khác: "Lớn lưng là đồ làm biếng".

Về ý nghĩa câu này, “Việt Nam tự điển” (1970) của Lê Văn Đức giải thích hợp lý hơn cả: "Bao nhiêu việc cũng gộp lấy một lần để tránh mắc công lâu lắc, người như thế là lười, làm việc không được kỹ". Cái sự lười, làm biếng này khác với: "Ai ơi đừng lấy học trò/ Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm". Nằm ở đây là nằm "tu luyện" chữ nghĩa, "xôi kinh nấu sử", chứ nào phải lười nhác. Rõ ràng, dù cũng chỉ sự việc nhưng cụ thể thế nào, người Việt có cách nói đâu ra đó, chứ không "rập khuôn" gộp chung vào mỗi một từ cố định.

Không chỉ đứng ở vị trí trước, có lúc từ "cả" ấy lại đứng ở vị trí sau như quan cả, kẻ cả, thầy cả, hương cả, anh cả, thợ cả… là do đóng vai trò "lớn hơn, trọng hơn" - “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích và đưa ra một loạt văn liệu: "Đàn anh kẻ cả, Ông già bà cả, Ông cả bà lớn, Kẻ cả thì ngả mặt lên, Mặc ai sang cả mặc ai/ Thân này nước chảy hoa trôi cũng đành". Nhân bàn về từ "cả", ta nhớ rằng người Việt quan niệm: "Làm quan có mả, kẻ cả có dòng" là tin về phong thủy, vị trí đất đai… khi chôn cất người đã khuất; vì thế, mới cho rằng: "Mồ mả làm khá người ta", rồi bảo nhau: "Sống về mồ mả, chẳng ai sống về cả bát cơm". Quan niệm này thế nào? Thiết nghĩ, cần phải xem lại chăng?

Với từ "cả", ta hiểu làm sao với từ "mà cả" trong câu tục ngữ "Trâu sống không ai mà cả, trâu ngã nhiều kẻ cầm dao"? Để trả lời câu này, ta hãy nhớ lại lúc nàng Kiều bán mình chuộc cha, đôi bên "Cò kè bớt một thêm hai" - từ "cò kè" đồng nghĩa với "mà cả", tương tự "mặc cả" là trả giá lên xuống, cao thấp, thêm bớt, đánh giá mà mua món hàng nào đó. Do từ "mà cả" theo năm tháng đã dần dà phai nghĩa, vì thế chúng ta cũng quên đi câu tục ngữ: "Mua mà cả, trả thêm bớt".

Thế nhưng, với câu "Cây cả bóng cao/ Cây cao bóng cả" lại hiểu là nói về âm đức của cha mẹ, theo quan niệm phổ biến cha mẹ ở hiền con gặp lành, được hưởng phúc đức; ngược lại "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước"… Hiểu như thế, ta thấy câu ca dao này là nói về cái ý vừa nêu:

Tưởng rằng cây cả bóng cao

Em ghé mình vào trú nắng, trú mưa

Ai ngờ cây cả lá thưa

Ngày nắng rát mặt, ngày mưa ướt đầu

Điều này chứng tỏ khi nói về một vấn đề rất dễ "đụng chạm" đến tự ái ai khác, người Việt có lối nói hết sức trang nhã, kín kẽ. Đã thế, lại còn hết sức tinh tế cho tiếng Việt nhà mình, thay vì dùng từ "cả" có lúc người ta lại sử dụng từ "cái": "Chỉ một vật to lớn hơn những vật đồng loại, hay là cốt thiết hơn cả: cột cái, sông cái, rễ cái. Văn liệu: Nhỏ to chua cái chua con (Nhị độ mai), Thênh thênh đường cái thanh vân (Truyện Kiều), Vợ cái con cột (tục ngữ)" - theo “Việt Nam  tự điển” (1931). Trong dẫn chứng này, có lẽ ta khó hiểu nghĩa với câu "Nhỏ to chua cái chua con" chăng? "Chua cái chua con" là kể lể, thêm mắm thêm muối, có ít xít cho nhiều, điều nọ tiếng kia nói xấu người khác.

Dù na ná nghĩa nhưng từ "cả" và "cái" không phải lúc nào cũng có thể hoán đổi, chẳng hạn, trong một năm có nhiều cái Tết nhưng tết lớn nhất vẫn Tết Nguyên đán, ta gọi "Tết cả", chứ không ai nói "Tết cái" -  mặc dù "cái" đã dùng trong cửa cái, thúng cái, đèn cái, ngón cái v.v… cũng hiểu là "Chỉ một vật to lớn hơn những vật đồng loại". Cách phân biệt đâu ra đó trong cách dùng từ "cả" và "cái" đã đạt dến chuẩn mực trong lời ăn tiếng nói của mọi trường hợp. Tất nhiên, ngoài nghĩa nêu trên, cả hai từ "cái" và "cả" còn "đèo bòng" thêm nhiều nghĩa khác khác nữa nhưng ta không bàn ở đây.

Trở lại với câu "Cả cả hai hai không ai là vợ", do có từ "vợ" cuối câu, ta ngầm hiểu "cả/ cả cả" ở đây chính là vợ cả/ vợ lớn, vậy "hai/ hai hai" ngụ ý là vợ bé/ vợ nhỏ/ vợ lẽ là những ai chịu thân phận làm lẽ: "Thân em làm tốt làm lành/ Lấy chồng làm lẽ như giành thủng trôn". Khi nói "cả cả", "hai hai" chính là cách sử dụng gộp chung cả hai từ cùng lúc, diễn dạt này thay cho cách nói "trực diện" thẳng thừng "chỉ mặt điểm tên" có tính quả quyết, đã "chốt hạ" vấn đề: "(Dù) vợ cả, vợ bé (cũng) không phải là vợ". Mà, chỉ nói chung chung, bóng gió xa gần, có tính răn đe, dù không khẳng định nhưng cũng đã khẳng định đấy thôi. Khéo ăn khéo nói đến thế là cùng.

Lại nhớ đến câu: "Vợ cả, vợ hai cả hai đều vợ cả", thì từ "cả hai" và "cả" cuối câu lại là tất cả, gồm hết, cả thẩy, ý nói vợ lớn vợ bé cũng đều là vợ (chính thức), không phân biệt đối xử "phòng nhất", "phòng nhì", không để xảy ra tình trạng éo le như bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương từng than thở: "Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng/ Chém cha cái kiếp lấy chồng chung". Liệu chừng có đáng tin? Nghe hỏi thế, có thằng nhóc trong ca dao đã bộp chộp trả lời trơn như cháo chảy:

Con cóc ăn trầu đỏ môi

Ai muốn lấy lẽ bố tôi thì về

Mẹ tôi chẳng đánh chẳng chê

Mài dao cho sắc, mổ mề xem gan

Khiếp chửa? Ấy là hứa hẹn "mật ngọt chết ruồi" đấy thôi, "đời không như là mơ", đừng có tưởng bở để rồi ăn dưa bở thì nhọ lắm đây. Thôi thì chi bằng ngay lúc ấy, cứ trả lời thẳng thừng, không quanh co úp mở: "Liễu đậu nhành mai, mai oằn liễu té/ Anh có vợ rồi, kêu em vô làm bé sao nên?". Nói thì ta nói thế thôi, thật ra vẫn có nhưng "ngoại lệ" cho thấy dù có là thế thế nhưng vẫn "trong ấm ngoài êm". Thí dụ, trong bài thơ “Nhớ nhà”, viết tại chiến khu Việt Bắc, ông Phan Khôi hạ bút:

Vì có trông người nhớ đến ta,

Nhà hai, nhà cả cả hai nhà.

Tài không tháo vát nhưng cần kiệm,

Họa có ghen tuông vẫn thuận hòa.

Trở lại chữ nghĩa đang bàn, thiết tưởng có lẽ, hiện nay, ít ai biết rằng, khi hiểu "cả" với nghĩa tất cả thì hằng trăm năm trước, người Việt lại sử dụng từ "cả và". “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) dẫn chứng: "Cả và nhà: Hết cả nhà; cả và thiên hạ: Tất cả mọi người dưới bầu trời". Từ bao giờ từ "và" đã lùi vào sau cánh gà, chỉ mỗi một từ "cả" xuất hiện?

Xin  dành câu trả lời cho các nhà ngôn ngữ học.

Lê Minh Quốc

Với vai trò là đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Trưởng ban Dân nguyện, tuy nhiên thay vì “công, chính, liêm, minh” nói lên tiếng nói của các cử tri, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng vị trí, quyền hạn của mình để “bảo kê” cho một số đối tượng kiểu “xã hội đen” cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp. Sự đan chéo lợi ích nhuốm mùi tiền giữa các đối tượng đã khiến cựu ĐBQH trên bất chấp quy định, bẻ cong luật pháp để trục lợi cá nhân.

Nga sẵn sàng hợp tác với chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump để cải thiện quan hệ nếu Washington có ý định nghiêm túc thực hiện điều đó và Mỹ phải là người hành động trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/12 nhấn mạnh.

Chiều 26/12, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Đại tá Trần Xuân Ánh, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, cho biết: Liên quan đến vụ án tại Tạp chí Môi trường và Đô thị, ngày 25/12, đơn vị đã khởi tố thêm 9 bị can, đồng thời triệu tập 20 đối tượng để mở rộng điều tra.

Chiều 26/12, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã phối hợp với Công an huyện Đức Trọng bắt giữ B.V.L (SN 1994), để điều tra, làm rõ các loại hóa chất dùng để chế tạo pháo nổ trái pháp luật.

Chiều 26/12, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết: Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 16 đối tượng, trong đó có 12 đối tượng là nhân viên, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Đồng Nai về hành vi môi giới, đưa và nhận hối lộ.

Chiều 26/12, tại họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác Công an năm 2025 của Bộ Công an, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố thêm 5 bị can nguyên là lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ liên quan vụ án Phúc Sơn.

Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 26/12 cho biết đã phá vỡ một số âm mưu của các cơ quan tình báo Ukraine nhằm ám sát các sĩ quan cấp cao của Nga và gia đình họ tại Moscow bằng cách sử dụng bom được ngụy trang thành sạc dự phòng hoặc cặp tài liệu, Reuters đưa tin.

Ngày 26/12, Công an quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) thông tin, đơn vị vừa bắt nữ đối tượng bị truy nã đặc biệt Phạm Thị Hiền (SN 1979, trú Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Đây là đối tượng bị TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng đã bỏ trốn từ tháng 8/2024.

Chiều 26/12, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, liên quan đến vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ngậm hoá chất ở Đắk Lắk, cơ sở sản xuất cung cấp hàng trăm kg mỗi ngày cho Bách Hoá Xanh, Công ty cổ phần thương mại Bách Hóa Xanh đã có văn bản báo cáo gửi Sở và các hệ thống phân phối.

Thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mùa khô 2024-2025, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại thôn Trường Phước, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Đội quy tập 584, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã tìm kiếm, cất bốc được 1 hài cốt liệt sĩ tại vườn nhà ông Trần Thái Hoà.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文