Nhà văn ngưỡng mộ nhà văn

11:12 25/03/2024

Tôi vẫn nhớ hơn 30 năm trước, in truyện ngắn đầu tay "Nỗi đau dòng họ", khi đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội lĩnh nhuận bút và báo biếu xong, hít thở sâu mấy lần lấy can đảm để bước lên tầng hai đến phòng nhà văn Nguyễn Khắc Trường, mà tôi vẫn cứ do dự, ngần ngừ, dù trong tay đã thủ sẵn lá thư của ông gửi qua bưu điện nhận xét tác phẩm, động viên tôi tiếp tục sáng tác.

1. Dạo ấy, nhà văn Nguyễn Khắc Trường đang rất nổi tiếng với tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" cùng với "Bến không chồng" của Dương Hướng, "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh. Tôi đọc thâu đêm, bị cuốn hút bởi câu chuyện quê hương, các dòng họ, thân phận con người với những cuộc va chạm, tranh giành quyền lợi trong sách cũng giống như quê hương tôi. Đọc mà lòng cứ ngưỡng mộ: quê mình cũng có những chuyện khốc liệt như thế, cũng có những ông Hàm, ông Thủ, bà Son, lão Quyềnh, cô thống Biệu… như thế, mà mình không viết nổi thành chuyện. Sao ông Trường tài thế! Với tôi, lúc ấy ông Nguyễn Khắc Trường là một vì tinh tú xa vời vợi, rất khó đến gần, bắt tay và nói chuyện càng không. Ngưỡng mộ ông bao nhiêu thì tôi càng mất tự tin bấy nhiêu và hôm đó tôi ra về, dù biết ông đang ở tòa soạn.

Nhà thơ Văn Công Hùng (trái) và nhà văn Đỗ Chu.

Sau này, khi đã thân mật, có lần ông mời tôi và nhà văn Nguyễn Quốc Trung từ Sài Gòn ra đến nhà ông ăn bữa cơm gia đình. Hôm đó, tôi kể lại chuyện thập thò, đắn đo muốn gõ cửa phòng ông mà không dám, ông cười ha hả, bảo: "Ngày trước, tớ cũng thế. Đỗ Chu hơn tớ một vài tuổi, nhưng học cấp ba Hàn Thuyên - Bắc Ninh đã in truyện ngắn "Ao làng" ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, rồi lừng lẫy văn đàn với truyện ngắn "Mùa cá bột", "Thung lũng cò", "Phù sa"… Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng  không - Không quân mở trại viết văn triệu tập cánh tớ về dự, Đỗ Chu được chỉ định làm trưởng trại. Ông Vũ Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu… đến lên lớp toàn lấy truyện ngắn Đỗ Chu ra làm dẫn chứng. Cánh tớ, Nguyễn Trí Huân, Dương Duy Ngữ… cứ há hốc miệng ra nghe tài tạo tình huống, xây dựng cấu trúc, chi tiết, ngôn từ của Đỗ Chu. Trại viết ấy, tớ viết được cái truyện ngắn muốn nhờ Đỗ Chu đọc mà cứ ngại ngùng, lấy can đảm mấy lần vẫn không dám đưa. Chỉ sợ lão đấy đọc rồi bảo: mày không biết viết văn".

Chuyện đang vui, tôi xen vào hỏi: "Em nghe nói bác Thao Trường hay bác Nguyễn Trí Huân gì đó đọc văn Đỗ Chu hay quá, khi truyện ngắn nào của Đỗ Chu in ra cũng nắn nót chép lại nguyên văn từ đầu đến cuối?".

Nguyễn Quốc Trung bảo: "Thao Trường là bút danh của Nguyễn Khắc Trường đấy. Tui cá với ông Minh chắc chắn chỉ có Thao Trường mới đủ sức lực điền chép truyện ngắn Đỗ Chu".

Ông Nguyễn Khắc Trường lại cười, cái giọng cười rất sảng khoái, bảo: "Tớ thì không chép rồi, vì tớ lười. Nếu có thì chỉ Nguyễn Trí Huân. Ông Huân chỉn chu, cần mẫn, chịu khó học hỏi lắm. Văn Đỗ Chu đẹp và tinh tế, ông Nguyễn Minh Châu bảo văn Đỗ Chu "như cây quế, thơm từ vỏ thơm vào", nên cũng đáng chép lắm".

Nể phục văn chương, ngưỡng mộ văn chương đến mức chép cả truyện ngắn của tác giả thì cũng là chuyện xưa nay hiếm.

2. Nói chuyện nhà văn thần tượng nhà văn, không thể không nhắc đến nhà văn Trung Trung Đỉnh ngưỡng mộ nhà văn Khuất Quang Thụy. Thời chiến tranh, ở chiến trường Tây Nguyên nhà văn Khuất Quang Thụy đang làm tiểu đội trưởng trinh sát thì được điều về tuyên huấn Sư đoàn 320 vì ông có năng khiếu đặc biệt về văn hóa văn nghệ. Ở môi trường mới, hoàn cảnh mới, năng khiếu của ông được chăm sóc, nuôi dưỡng, phát triển và thành công. Trong khi đó thì ông Trung Trung Đỉnh chưa mang bút danh này và vẫn là anh lính hạ sĩ Phạm Trung Đỉnh sống và hoạt động cùng du kích với dân làng Bahnar quanh núi Hòn Koong, núi Hảnh Hót và chân đèo An Khê ở huyện đội Khu 8, mới viết được truyện ngắn đầu tay "Những khấc coong chung" in trên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ, nhưng vẫn chưa ai biết ông là ai.

Ông Huyện đội trưởng K8 cũng là một người yêu văn nghệ đi họp trên cứ B3 về kể được gặp nhà văn Khuất Quang Thụy đang tổ chức trại viết, được nghe ông Thụy đọc thơ… thích lắm. Kể xong, ông Huyện đội trưởng bảo: "Đỉnh này, giá mày có tài làm thơ như Khuất Quang Thụy thì anh không bắt mày đi gùi đạn, vót chông, mà chỉ… làm thơ, làm thơ để tuyên truyền cho bộ đội, du kích và bà con K8 đánh giặc". Ông Đỉnh mừng lắm, nghĩ ngợi rồi nhân ngày chủ nhật lẽ ra vào buôn gặp gỡ du kích và bà con người Bahnar, thì ông lại cơm đùm cơm nắm và cầm theo mấy bản thảo thơ, truyện ngắn… cắt rừng đi đến cái trại viết ông Khuất Quang Thụy đang hướng dẫn cho anh em có năng khiếu văn nghệ từ các đơn vị về viết chèo, viết văn, làm thơ.

Rủi thay, đến nơi thì đúng giữa trưa, hỏi mấy anh em trại viên mới biết ông Khuất Quang Thụy sau cả buổi sáng giảng dạy kinh nghiệm viết bút kí, phóng sự, cảm hứng thăng hoa nói đến quá trưa, ăn cơm xong là lăn ra ngủ ở lán dã chiến. Chờ mãi, sốt ruột, chàng trai đang tập viết văn Phạm Trung Đỉnh cứ đi qua đi lại trước cửa lán ông nhà văn nổi tiếng Mặt trận B3 mà không dám gõ cửa. Quá ngọ sang chiều mà ông Thụy vẫn còn nằm "kéo gỗ". Không chờ được nữa, hạ sĩ Phạm Trung Đỉnh đành lủi thủi ra về cùng tập bản thảo thơ, truyện ngắn viết tay. Về cho kịp đi hết chặng đường 20 cây số trở lại đơn vị trước khi trời tối. Tôi nghe kể, xót xa quá, bảo:

"Em thì ngưỡng mộ cái tài cắt rừng đi về 40 cây số mà bác không bị hổ tha, gấu vả, gái buôn làng bắt vạ".

 Ông Đỉnh cười, rồi say sưa đọc thơ:

"Em gái giao liên chưa biết làm thơ/ Sao em nói những lời rất đẹp/ Thấy trên đường dọc ngang dấu dép/ Em bảo rằng mặt đất trải đầy hoa/ Đưa bộ đội hành quân trong mưa/ Dép tuột quai em xách tay lủng lẳng/ Đất thì đỏ mà chân em thì trắng/ Hoa dấu chân em gửi lại chiến đường/ Năm cánh xòe một hướng - Tiền phương".

Đọc xong, ông Đỉnh bảo: "Thơ Khuất Quang Thụy đấy. Lúc đó, nó mới hơn 20 tuổi mà đã nhìn thấy biểu tượng hoa là các dấu dép trên đường, là các bàn chân con gái giao liên in trên mặt đường mưa rồi đặt tên bài thơ "Hoa trên đường" thì tài quá. Tao cắt rừng đi bộ 20 cây số, rồi đi về 20 cây nữa, chỉ để nhờ nó đọc và chữa thơ cho mình thì cũng đáng lắm chứ. Nhưng mà lúc về, tao nhìn chẳng thấy dấu dép của tao, chẳng thấy hoa trên đường mày ạ".

Sau này, khi ông Khuất Quang Thụy và Trung Trung Đỉnh trở thành đồng môn, cùng học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1, cùng về công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, văn chương mỗi ông một vẻ và đều có thành tựu rực rỡ, họ đều nể và trọng nhau. Lúc ông Đỉnh kể chuyện này, tôi cứ xuýt xoa khen, nói vui: Thời trai trẻ ông công phu tìm thầy Thụy học đạo. Ông Khuất Quang Thụy ngồi bên cười ỏn ẻn, nói giọng Quốc Oai bảo: "Lam gi co chuyên ây" (Làm gì có chuyện ấy). Ông Đỉnh cười, bảo: "Lúc ấy, mày ngủ rồi mà tao không gõ cửa thì mày làm sao biết tao lượn đi lượn lại bao nhiêu lần không dám gõ cửa, mày làm sao biết tao ngưỡng mộ mày". Ông Thụy lại nhoẻn miệng cười: "Nếu co thi tôi ngương mô cái sư ngương mo của Đinh" (Nếu có thì tôi ngưỡng mộ cái sự ngưỡng mộ của Đỉnh).

3. Tôi nhớ có lần nhà thơ Văn Công Hùng kể:"Đọc ông Đỗ Chu từ hồi nhỏ, cứ mê tơi đi, và ước ao một ngày nào đó được gặp ông, tôi được chạm vào tay ông, ngó thấy ông từ xa cũng được... Tôi cứ ao ước và nghĩ chỉ là ao ước chứ đời nào mà lại được gặp ông, được biết mặt ông. Thế nhưng ở Đại hội Nhà văn năm 2005 thì tôi gặp ông ở... toilet, và điều vô cùng ngạc nhiên là ông lại gọi đúng tên tôi".

Một thời gian sau, gặp Đỗ Chu ở Huế, Văn Công Hùng thuê xe ôtô chở ông đi các nơi thăm thú bạn bè. Khi vợ chồng Văn Công Hùng ra Hà Nội, nhà văn Đỗ Chu viết thư tay mời tận tình đến nhà ăn cơm, và bảo cơm tự tay ông nấu có món đặc sản cá kho quả trám. Văn Công Hùng mừng rơn, cả đêm không ngủ, sáng hôm sau cứ đi ra đi vào, lúc mặc comple rồi thay ra mặc áo phông, nghĩ ngợi lại mặc sơ mi, chả biết chọn bộ nào mặc đến nhà Đỗ Chu. Vợ ông thấy lạ bảo: "Nhà văn các ông cầu kỳ nhỉ, có bộ quần áo mặc đến thăm nhau mà chọn mãi không ưng?". Chả hiểu Văn Công Hùng nghĩ thật hay đùa giỡn vợ, bảo: "Văn bác Đỗ Chu như hương quế Trà Mi, Trà Bồng chỗ tôi từng đưa cô đến du lịch, thơm cả nương rẫy núi đồi đấy. Ăn mặc đến thăm nhau cũng phải xứng với văn người ta chứ". Lúc ăn cơm, Văn Công Hùng cứ khen món cá kho trám ngon, mùi thơm đặc trưng rất lạ. Ông Đỗ Chu bảo: "Mày siêng, anh gói cho một ít mang về". Văn Công Hùng chối đây đẩy, bảo: "Em muốn lắm, nhưng đi máy bay nó không cho mang anh ạ". Lúc về, vợ Văn Công Hùng bảo: "Bạn anh hay thật, tinh tế thật, cứ như là hương quế Trà My thật. Có ông nào văn thơ mặn mòi như hương biển cả Hạ Long, anh cho em đến thăm với. Em chưa đi vịnh Hạ Long bao giờ"…

Văn Công Hùng cũng rất ngưỡng mộ nhà văn Trung Trung Đỉnh. Hồi Văn Công Hùng mới tốt nghiệp đại học về Ty Văn hóa Gia Lai công tác, ông Trung Trung Đỉnh đã sống và đánh trận ở Tây Nguyên trước đó hơn chục năm. Ngày rộng tháng dài, Văn Công Hùng lôi đống sách báo cũ in roneo trong tủ ra đọc, toàn chọn đọc thơ chiến trận và truyện ngắn, bút kí của Trung Trung Đỉnh. Lòng ngưỡng mộ vô cùng ông nhà văn này viết chân thành giàu cảm xúc và đầy ắp văn hóa, căn tính người Tây Nguyên.

Lại nghĩ có khi ông Trung Trung Đỉnh là người Bahnar tập kết ra Bắc, rồi lại theo anh hùng Núp trở lại miền Nam đánh Mỹ. Lòng hồ nghi bao nhiêu thì ước ao được gặp, ước ao viết hay như ông Đỉnh. Nhân một lần, Trung Trung Đỉnh vào Tây Nguyên mở trại viết cho tỉnh. Ông Trưởng ty Văn hóa phân công Văn Công Hùng đưa Trung Trung Đỉnh đi các nơi làm việc, ông Hùng mừng rơn. Đi đến chỗ nào công việc cũng chạy băng băng. Ông Đỉnh dự thảo quyết định mở trại viết, tìm ông Lê Văn Thành - Ủy viên thư kí ủy ban kí, tìm mãi thấy ông Thành đang cuốc đất tăng gia cùng anh em cơ quan. Nhìn thấy ông Trung Trung Đỉnh từ xa, ông Thành bỏ cuốc chạy đến ôm chầm lấy, miệng cứ lắp bắp: "Bok Đỉnh… Bok Đỉnh. Lâu quá rồi mới gặp". Ông Đỉnh trình bày xong, ông Thành đặt tờ giấy lên đùi ký đánh xoạch một cái. Văn Công Hùng nể phục Trung Trung Đỉnh quá.

Chiều hôm ấy, Ty Văn hóa cho xe Uoát chở ông Đỉnh xuống làng Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang thăm họa sĩ Xu Man. Làng Bông của người Bahnar cách Pleiky 40 cây số. Thấy Trung Trung Đỉnh cởi trần đóng khố uống rượu cần với dân làng bên bếp lửa nhà rông, nói tiếng Bahnar nhoay nhoáy, hát: "Tang hang du kích tang hang… ưk kơ tưk ưk kơ tưk". Rồi đánh trống Chơ gút cho trai gái làng Bông múa xoang, hăng quá ông Đỉnh cũng… xoang. Đến đây thì Văn Công Hùng bái phục, ngưỡng mộ Trung Trung Đỉnh vô cùng, không chỉ văn chương mà cả con người Tây Nguyên của ông. 

Sương Nguyệt Minh

Từ ngày 1/1/2025, khoảng 100.000 đơn vị trên cả nước chính thức thực hiện tổng kiểm kê tài sản công (TSC). Mục tiêu của việc kiểm kê là để nắm được thực trạng  TSC về mặt số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng..., làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng TSC.

Sau khi nhiều người dân tố cáo việc bị bà Nguyễn Thị Kim T (SN 1982, ngụ phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên đến 300 tỷ đồng, ngày 14/2/2023 Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã có thông báo về việc tiếp nhận đơn tố giác tội phạm liên quan đến bà T và tiến hành xác minh vụ việc…

Ngày 1/1, thông tin từ Công an quận Hải An (TP Hải Phòng) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một phụ nữ 65 tuổi cùng con trai 36 tuổi tử vong sau bữa ăn trưa.

Chiều 1/1/2025, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên tuyến đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ của tổ công tác sử dụng camera nghiệp vụ để ghi hình người vi phạm giao thông, nhất là lỗi không tuân thủ đèn tín hiệu (vượt đèn đỏ).

Ngày 1/1/2025, Công an TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết, vừa đột kích vào quán karaoke Nice (phường Tân Phú, TP Đồng Xoài), giải cứu nhiều cô gái. Trong đó, có những cô gái chỉ 13 - 15 tuổi bị "sập bẫy" nợ, bị "giam lỏng" trong thời gian dài để buộc làm công việc không mong muốn.

Ngày 1/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Thị Ngọc Ánh (SN 1998, ngụ xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra về hành vi giết người. Ánh là người dùng dao đâm bạn trai sống cùng mình tại phòng trọ, khiến nạn nhân tử vong.

Vào ngày 5/1 tới đây, Đội tuyển Bóng đá Việt Nam sẽ tham gia thi đấu trận chung kết ASEAN Cup lượt về ở Sân vận động Rajamangala (Bangkok, Thái Lan). Sự kiện này đã khiến vé máy bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi Bangkok trở nên "sốt", giá vé tăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文