Nhà văn Như Bình: Thương những xa xôi

16:52 13/10/2024

Nhà văn Như Bình trở lại văn đàn sau 10 năm lặng lẽ với ba tác phẩm: Thơ: "Sự im lặng biếc xanh". Văn xuôi: "Thương những xa xôi" và Seri Tranh "Hẹn" vào tháng 10 năm 2024 này.

Nhà thơ "Hiện tượng một bài"        

Là một trong những người đầu tiên đọc thơ của Như Bình, tôi khẳng định chị là nhà thơ "Hiện tượng một bài". Chỉ cần qua một bài thơ tôi đã có để khẳng định chị là một thi sĩ đích thực. Trong trẻo, thật thà, đẹp là những phẩm chất tâm hồn được diễn tả bằng những câu chữ tài hoa tương ứng sẽ sinh tạo ra những thi phẩm đặc sắc, ám gợi. Nhưng, tôi chỉ ngạc nhiên, băn khoăn một điều: - Hình như hai bút pháp nghệ thuật trong thơ và văn xuôi của chị có sự trái ngược nhau ghê gớm mà vẫn thống nhất?

Nhà văn Như Bình.

Bút pháp nghệ thuật trong thơ của Như Bình gắn bó với hai chữ  "tận cùng". Các yếu tố lãng mạn, tượng trưng, siêu thực được trộn hòa trong vô thức đều được đẩy lên tới mức tận cùng. Các bài thơ "Con thú", "Mộng du", "Âm thanh cuối"... là minh chứng cho điều đó. Có nhiều nhà thơ nổi tiếng lẫn nhà phê bình văn học viết về thơ của chị. Trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến tập văn xuôi "Thương những xa xôi" vì nó gây ấn tượng cho tôi rất mạnh.

Bút pháp văn chương của Như Bình trong "Thương những xa xôi" có một hiện tượng nghịch chiều đã diễn ra: Cách chị dồn nén, kìm giữ tình cảm trong văn xuôi kiệm lời của Như Bình đã mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Bằng giọng điệu giản dị, cô đọng, tác giả kể về những người thân nơi cố hương gió Lào cát trắng. Những ông bà, cha mẹ, cậu Thủy, chú Thiện, O Khuyên và O Bé…

Hai tác phẩm mới của nhà văn Như Bình.

Những con người giấu kín những phẩm chất phi thường trong những thân phận bình thường. Số phận của họ gắn bó, nhiều khi song trùng với số phận bi tráng của quê hương, đất nước, trải qua hai giai đoạn khốc liệt là chiến tranh chống Mỹ cứu nước và thời kỳ bao cấp khi chuyển sang hòa bình. Trong tạp văn của Như Bình, những người Phụ nữ tuyệt vời hợp thành một thế giới nhân vật cao quý, họ đẹp vô cùng ở nhiều phương diện, đặc biệt ở lòng nhân ái và đức hi sinh. Họ gánh gia tộc, quê hương, đất nước trên vai để đi qua chiến tranh, đói nghèo. Họ sinh cho đất nước bao người con ưu tú. Như Bình là một người con như thế.

Khắc họa những số phận bình thường mà ẩn giấu sự phi thường

Hai sắc thái ngưỡng mộ và cảm thương giao hòa sóng đôi trong giọng điệu nghệ thuật, một sự kìm nén "bản năng thi sĩ" gắn với cái phi thường, để sự thật tự lên tiếng. Để rồi ẩn giấu sau cái bình thường kia, những vẻ đẹp phi thường như ánh trăng dưới đáy giếng, như vị muối mặn trong giọt nước biển khơi sẽ tự hát khúc ca về sức sống tiềm tàng, về vẻ đẹp tiềm ẩn của mình. Bằng hàng loạt các chi tiết nghệ thuật đắt giá, những bức chân dung các nhân vật là người thân của tác giả xuất hiện như trong một cuốn phim quay chậm, mà nền cảnh là quê hương Hà Tĩnh, là "Mùi tết", "Tết quê"... Được vẽ bằng hai gam màu chủ đạo "cô đơn" và "thương nhớ ngậm ngùi".

Đó là bức chân dung của mẹ trong "Vu Lan còn mẹ" gian lao quá mức làm tàn phai nhan sắc mẹ. Thông minh mà thất học nên nuôi ý chí mãnh liệt: Phải cho các con học hành đầy đủ dẫu mình phải chịu vất vả thiếu thốn đến đâu.

Với gia cảnh nghèo khó ở miền Trung nhiều giông bão, nuôi năm con học đại học thì gian khổ sẽ như năm cơn giông thổi qua đời mẹ. Không ngôn từ nào đủ sức diễn tả hết những thiệt thòi, vất vả của mẹ. Khi gánh gồng trên vai việc nước việc nhà, nhọc nhằn đến thế mẹ không có nổi bức ảnh cho thời con gái. Mẹ thất học nhưng "nói chữ rất hay", ngâm thơ, lẩy Kiều giỏi, thuộc nhiều tục ngữ thành ngữ… Phải chăng chất nghệ thuật ấy đã di truyền sang nhà văn.

Có hai chi tiết nghệ thuật gắn với hình tượng người mẹ khiến tôi tin không riêng gì tôi mà Như Bình lấy đi nhiều nước mắt của độc giả khi viết về mẹ, về bà: Mẹ dành dụm tấm lụa hồng cho chị cả lấy chồng. Các con không chịu nhận sự hy sinh ấy. Mẹ đành giữ tấm lụa hồng làm vải liệm sau này. Mãi đến gần cuối đời khi mẹ mang tấm lụa đi may áo thì vải ố, lụa mục, mẹ ôm tấm lụa vào lòng rơm rớm nước mắt. Chao ôi. Những người mẹ Việt Nam vĩ đại biết bao trong sự tảo tần đảm đang và hy sinh ấy.

Chi tiết nghệ thuật thứ hai là sự nhường cơm của mẹ khi làm cấp dưỡng cho một trường cấp 3.  Mỗi lần chia cơm cho các thầy cô giáo, thấy họ đói nên chia cơm đầy hơn một chút. Đến cuối buổi thiếu cơm chạy về nhà mang phần cơm của mình sang bù cho thầy cô giáo rồi ngồi ăn một miếng cháy.

Cũng trong tác phẩm này, dòng hồi tưởng đưa nhà văn tìm đến nhân vật bà ngoại và dòng nước mắt của đời bà khóc chồng, khóc con… Cũng chỉ một dòng nước mắt ấy mà nặng trĩu hai sắc thái tình cảm trái ngược nhau từ hy vọng đến tuyệt vọng. Sự kiệm lời của những tạp văn này như đã giấu biển khơi đầy sóng gió vào phía sau câu chữ.

Dòng hồi tưởng tiếp tục đưa nhà văn cùng cái nhìn ngưỡng mộ -  cảm thương tìm về với ông bà nội. Số phận bi tráng của họ cũng gắn bó máu thịt với những biến thiên lịch sử của quê hương, đất nước. Ông nội học giỏi xuất sắc tại trường Quốc học Huế, ra trường làm nghề dạy học. Bà nội  khéo léo đảm đang mua được nhiều ruộng nhiều trâu gia đình giàu có, nhưng rồi bị quy oan là địa chủ trong cải cách ruộng đất. Ông nội bị bắt giam. Trước khi bị hành hình thì có lệnh hỏa tốc tha cho những người có công từ Bác Hồ. Dù gặp oan trái, ông bà nội vẫn nhân hậu, vị tha, không oán hận. Có thể nói lịch sử gia tộc này gắn bó mật thiết với lịch sử cách mạng của quê hương, đất nước.

Nhà văn Như Bình trở lại văn đàn sau 10 năm với ba tác phẩm.

Đó còn là tác phẩm "Cậu Thủy và chú Thiện" với lời đề tặng: "Bài viết dâng tặng hương hồn bà nội, bà ngoại cùng các bà mẹ trên Trái đất này có con hy sinh mà không tìm được hài cốt". Nỗi đau riêng hai người mẹ là bà nội, bà ngoại của Như Bình cũng là nỗi đau mang tính cộng đồng sau chiến tranh, ở phạm vi nhân loại và dân tộc. Chi tiết mảnh giấy báo tử bé xíu mà lấy đi bao nhiêu nước mắt của những người thân như một lưỡi dao sắc lẹm cứa vào trái tim người đọc.  Chi tiết ấy lại tương phản với tấm ảnh chú Thiện rất đẹp trai, hy sinh khi mới 20 tuổi, để lại bao day dứt đâu chỉ cho tâm hồn nhà văn? Chưa có một thi sĩ Việt Nam nào viết người mẹ đợi con về trong tiếng chim khách, trong nắng, và ngọn gió lào bỏng rát của những làng quê nghèo trên đất nước có hàng vạn bà mẹ Việt Nam anh hùng như bà nội, bà ngoại của nhà văn Như Bình. Điều đó ấn tượng và ám ảnh độc giả.

Trong tác phẩm "Cha, con và tháng bảy", hình tượng người cha yêu quý của nhà văn xuất hiện - một thầy giáo dạy toán giỏi xuất sắc, một võ sư từng thi đấu võ đài, một người đàn ông chơi đàn rất hay, có tính lãng tử và nghĩa hiệp luôn giúp đỡ những người yếu thế. Nhưng rồi về già người cha tài hoa ấy đã ốm nặng. Con chó mực tinh khôn và trung thành phục ở dưới chân giường đăm đắm nhìn ông. Khi ông về miền mây trắng, con chó ấy đã tru từng hồi dài như điên như dại, nó nằm trên mộ ông ba tháng mà chết. Người cha ra đi cả vườn bưởi rụng hoa trắng như để tang cho ông vậy.

Những đứa con trở về đứng trước căn nhà đầy gió, ba chữ "mồ côi cha" xuất hiện với bao đau đớn xót tủi không dễ nói thành lời. Hình như cây cối vạn vật đều có linh hồn. Cây trái trong vườn như cũng biết rưng rưng đón những người con xa tìm về ngôi nhà của cha mẹ. Cây xương rồng, cây ngũ gia bì nở hoa lặng lẽ như lời chào thầm lặng bằng hương thơm cho những đứa con xa tìm về… Những trang văn của Như Bình đã siết vào tim người đọc một nỗi đồng cảm sâu sắc.

Thương về những thứ đã mất trong dòng chảy đời sống

Đó là chủ đề về văn hóa làng quê trước mặt trái quá trình đô thị hóa và nỗi niềm khắc khoải của những người mang hồn quê sống nơi phố thị. Nó vẫn được gắn bó mật thiết với chủ đề thứ nhất là những người thân yêu nơi cố hương của nhà văn. Nhưng có lẽ phải dành chủ đề này cho một tiểu luận khác vì Như Bình viết hay và sâu sắc về làng quê, về hồn cốt văn hóa làng, về những giá trị ngỡ đã mất mát đi rất nhiều trong dòng chảy của đời sống hiện đại hôm nay.

Đọc các tác phẩm trong tập tạp văn này, chúng ta thấm thía hơn về một chân lý: Hoàn cảnh quê hương và hoàn cảnh gia đình có tác động lớn lao đến sự hình thành nhân cách của một con người, đặc biệt hình thành phong cách, bút pháp nghệ thuật của nhà văn. Những con người bình dị mà cao cả kia, những số phận bình thường mà đã ẩn giấu những phẩm chất phi thường ấy có tác động kỳ diệu để hình thành những phẩm chất cần có của một nhà văn chân chính có tên Như Bình. Những con người ấy, ngay cả khi gặp những éo le oan khuất vẫn không oán hận, cay độc, vẫn sẵn sàng sẻ chia với những con người không may mắn ở quanh họ. Hình như những phẩm chất cao cả ấy có sự ảnh hưởng to lớn đến nhà văn - nhà thơ - họa sĩ Như Bình hôm nay. Văn phong của tập tạp văn thật đẹp. Phải là một nhà thơ tài năng mới viết được những mẩu tạp văn quyến rũ và gây xúc động mạnh như thế.

Chương trình ra mắt sách và trưng bày tranh của nhà văn Như Bình diễn ra trong 3 ngày, từ 19-21/10/2024 tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, số 65 Nguyễn Du, Hà Nội.

Đặc biệt thông qua những trang viết xúc động này, bức chân dung tâm hồn tự họa của chị cũng được vẽ lên một cách gián tiếp, với những phẩm chất không thể bị nhầm lẫn. Có thể ví Như Bình như một con sóng thật trong trẻo, thật đẹp và cô đơn đã chia tay với dòng sông quê hương để ra cùng biển lớn. Con sóng ấy vẫn khắc khoải không thôi hát mãi khúc ca về cố hương và người thân, bằng ba giai điệu khác biệt mà thống nhất: Giai điệu thơ gắn với cái cao cả, cái trác tuyệt; giai điệu văn xuôi gắn với nguyên lý "tảng băng trôi" và tính điển hình; giai điệu sắc màu của hội họa với sự nén căng thế giới tâm hồn và số phận của một người phụ nữ tài hoa đằng sau những biểu tượng hiện hữu bằng sắc màu và đường nét.

Với ba giai điệu tài năng trong khúc ca đặc biệt ấy, tôi tin con sóng thật đẹp và thật trong có tên Như Bình sẽ còn hát tiếp và ngày một hay hơn nữa trong "đại dương" văn chương và nghệ thuật Việt Nam đương đại.

PGS. TS Nguyễn Đức Hạnh

Trong vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại tỉnh An Giang, ngoài các bị can đã bị khởi tố và đề nghị truy tố, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản phải đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và tăng cường thực thi pháp luật liên quan đến lĩnh vực khai thác và quản lý khoáng sản.

Từ 15h ngày 12/12, giá xăng tăng giảm không đáng kể, song ở giá dầu đồng loạt giảm từ 127- 551 đồng/lít/kg.

Sáng 12/12, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai lực lượng từ sớm tại nút giao thông Đại Cồ Việt – Giải Phóng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để thực hiện nhiệm vụ điều tiết, phân luồng giao thông đồng thời ngăn chặn, xử lý người cố tình vi phạm qua đó thiết lập “Ngã tư an toàn giao thông” tại Thủ đô giúp nhân dân lưu thông một cách an toàn.

Đến trưa 12/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy An (Phú Yên) đã kết thúc cuộc khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn xảy ra vào hồi 9h sáng cùng ngày, tại km 1319+390 trên đường quốc lộ 1A qua địa phận thôn Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An.

Năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Đảng, đất nước và CAND, vấn đề chính trị tư tưởng cần phải được đặc biệt quan tâm hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh đang tích cực đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bị can Lê Quang Bình (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68) bị đề nghị truy tố về ba tội: “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản” và “Rửa tiền”. Cơ quan điều tra kết luận, Lê Quang Bình đã thu lợi gần 294 tỷ đồng từ khai thác cát trái phép, sau đó dùng tiền biếu xén một số quan chức tỉnh An Giang và mua sắm hàng loạt bất động sản, xe sang.

Ngày 12/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án mua bán hoá đơn khống thu lợi bất chính hơn 100 tỷ đồng, do bị cáo Bùi Văn Bảo (cựu Giám đốc Công ty CP Tư vấn Ánh Dương) cầm đầu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文