Nhiều thiếu niên bị "cầm tù" bởi đại dịch

20:41 14/04/2022

Những trẻ vị thành niên tự tìm đến cái chết trong thời gian gần đây khiến dư luận bàng hoàng và đặt câu hỏi: “Điều gì đang diễn ra?”

Hoàng Anh, 18 tuổi, sống cùng gia đình trong một căn hộ 25m2 vuông ở đảo Cửu Long, Hồng Kông. Cô bé vừa trở về nhà sau gần 1 tháng nằm viện sau ca tự  tử bất thành, với những vết sẹo chằng chịt ở cổ tay. Bố mẹ Hoàng Anh là người Việt, buôn bán hoa quả ở chợ Yau Ma Tei, thường xuyên ra khỏi nhà lúc 3h sáng và trở về lúc 8h đêm. Công việc căng thẳng, nỗi cô đơn nơi xứ người, khiến họ thường trút giận lên con cái bằng đòn roi và sự áp đặt.

“Em cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng trong chính tổ ấm của mình. Không bao giờ bố mẹ hỏi em có hạnh phúc không? Em cảm thấy như thế nào? Họ chỉ hỏi em thi được mấy điểm, xếp hạng thứ bao nhiêu trong lớp? Và răn đe không học thì sẽ đi bốc rác”, Hoàng Anh chia sẻ trong một bức thư gửi đến một đường dây hỗ trợ sức khỏe tâm thần có trụ sở ở Hà Nội - nơi cô bé làm tình nguyện viên khi nghỉ hè tại Việt Nam. Hoàng Anh chỉ là một trong hàng nghìn thanh thiếu niên bị “cầm tù” vì đại dịch trong gần ba năm qua.

COVID-19 với những tác động nặng nề của nó gây gián đoạn việc học tập, sinh hoạt, giao lưu xã hội của trẻ em trên khắp thế giới. Theo ước tính của Unicef, cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu đã bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử, khiến điều này trở thành một trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này. Những rối loạn tâm thần được chẩn đoán bao gồm: Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt... có thể gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe, việc học tập và tương lai của thanh thiếu niên.

Đối với người dân Hồng Kông, những trở ngại nói trên còn kéo dài hơn các nơi khác bởi những cuộc biểu tình diễn ra từ giữa 2019, sau đó đến đại dịch khi đặc khu này theo đuổi chính sách “Không COVID”. Trong làn sóng Omicron tàn khốc từ khởi đầu từ tháng 1, tất cả trường học ở xứ Cảng thơm đóng cửa, học sinh tiếp tục học trực tuyến tại nhà. Cuộc sống của hàng triệu em nhỏ  hầu như diễn ra trong 4 bức tường phòng ngủ, giao tiếp với bạn bè qua máy tính và điện thoại. Ba năm gần như đóng băng, ngay thời điểm quan trọng nhất đối với sự phát triển xã hội của các em.

Nhà tâm lý học lâm sàng Kimberley Carder - người sáng lập một văn phòng tâm lý học tại khu Trung Hoàn, Hồng Kông cho biết hầu hết các rối loạn tâm thần đều biểu hiện và phát triển trước 14 tuổi. Các trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu như sinh ra và lớn lên trong gia đình bất hòa, gặp phải những biến cố như người thân qua đời, bị xâm phạm, lạm dụng về thể chất, tinh thần… có thể tác động tiêu cực đến những vấn đề tâm lý tuổi trưởng thành. Theo nhà tâm lý này, tất cả trẻ em chưa từng được đi học trực tiếp từ 2020 đến nay, những chính sách liên tục thay đổi, trường học mở và đóng cửa liên tục, những tin tức tiêu cực về COVID, gia đình bị tác động bởi đại dịch, việc không được gặp bạn bè… làm nảy sinh cảm giác bất an, hoang mang và thiếu an toàn ở trẻ. “Đối với người lớn, đó chỉ là một chương của cuộc đời. Nhưng đối với thiếu niên đang học cấp ba, những khó khăn là không thể so sánh”, bà Carder nói.

Học trực tuyến và tình trạng giãn cách xã hội khiến trẻ em và thanh thiếu niên ít cơ hội tiếp xúc với các bạn đồng trang lứa. Các em chủ yếu trò chuyện qua các ứng dụng nhắn tin. Ngoài ra, việc sử dụng máy tính ở cường độ cao khiến nhiều trẻ phát triển triệu chứng tăng động giảm chú ý với các biểu hiện nói nhiều, không tập trung, hay quên, nóng giận, thường xuyên bồn chồn tay chân, bối rối, bỏ vị trí trong lớp học để chơi game, chạy nhảy và leo trèo quá mức…

Những ngày gần đây, mạng xã hội Việt Nam cũng rúng động bởi trường hợp một nam sinh học trường cấp 3 nổi tiếng chọn cách kết thúc cuộc đời do áp lực từ gia đình và học tập. Trà My, nhân viên xã hội một tổ chức hỗ trợ cho người trầm cảm tại Hà Nội, nói rằng, những tin nhắn và cuộc gọi của đơn vị tăng vọt kể từ sau câu chuyện đau lòng của thiếu niên nói trên. Nhiều em học sinh 15-17 tuổi đã tâm sự về cảm giác buồn bã, trống rỗng, mệt mỏi trong hai năm đại dịch vừa qua khi phải học online tại nhà và gia đình trải qua nhiều sóng gió do bố mẹ xung đột, kinh tế khó khăn, người thân qua đời.

“Trong đó, nhiều em chọn hình thức tra tấn bản thân bằng cách rạch tay, có em chuẩn bị kịch bản ra đi cho mình, thực sự rất đau lòng”, Trà My chia sẻ. Theo cô, việc học sinh phải học online tại nhà trong nhiều tháng, không có kết nối hay hoạt động xã hội, giao lưu, thể thao khiến đời sống tinh thần bị tác động tiêu cực. Trong đó, những trẻ có vấn đề về sức khỏe tinh thần sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn do những hoạt động thể thao, câu lạc bộ, gặp gỡ bạn bè trước kia là chỗ nâng đỡ cảm xúc các em, thì nay bị cắt đứt do đại dịch.

Các chuyên gia tâm lý cho biết, trầm cảm là một bệnh lý của cảm xúc, biểu hiện bằng quá trình ức chế toàn bộ các hoạt động tâm thần. Bệnh thường đặc trưng ở 3 mặt: cảm xúc bị ức chế, tư duy bị ức chế, vận động bị ức chế. Người có cảm xúc bị ức chế thường rơi vào trạng thái như buồn rầu, ủ rũ, mất mọi quan tâm thích thú cũ, nhìn xung quanh thấy ảm đạm, bi quan về tương lai, sự nghiệp. Nỗi buồn thường kèm theo hiện tượng mất cảm giác tâm thần, không còn yêu, ghét, buồn, giận như trước.

Theo tiến sĩ Dương Văn Tâm, Viện Sức khỏe Tâm thần, trầm cảm bao gồm ba biểu hiện chính là khí sắc trầm, mất quan tâm thích thú, giảm năng lượng dẫn đến mệt mỏi và giảm hoạt động. Triệu chứng phổ biến là giảm sút sự tập trung và sự chú ý, giảm sút tính tự trọng và lòng tự tin, có ý tưởng bị tội và không xứng đáng với người khác. Trên nền tảng ức chế toàn bộ các mặt hoạt động tâm thần, người bệnh có thể đột nhiên xuất hiện một cơn buồn sâu sắc, thất vọng nặng nề, gọi là cơn xung động trầm cảm dẫn đến la hét, thổn thức, cảm xúc lẫn lộn....Trong cơn xung động này, họ có thể tự sát trong chớp nhoáng hay làm hại người thân rồi tự sát. Cơn xung động thường xuất hiện lúc nửa đêm về sáng. Trầm cảm còn khiến người mang bệnh bi quan, nhìn tương lai ảm đạm, rối loạn giấc ngủ, ăn ít ngon miệng. Người bị trầm cảm có thể gây nguy hiểm đối với người khác như xô xát, cãi vã và giết người.

Với thanh thiếu niên, các chuyên gia nhận định, phụ huynh cần lưu ý những biểu hiện sau: Trẻ vị thành niên trầm cảm khí sắc có thể bị kích thích (một thời điểm trong ngày bệnh nhân nổi cáu vô cớ). Thay đổi cảm giác ngon miệng hoặc khối lượng cơ thể (ăn ít hoặc ăn nhiều, sút cân hoặc tăng cân). Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều). Hoạt động tâm thần vận động chậm chạp hoặc kích động, giảm sút năng lượng. Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định. Ý nghĩ tái diễn về cái chết hoặc ý nghĩ, lên kế hoạch về hành vi tự sát. Các triệu chứng trên xuất hiện nhiều trong ngày, ít nhất khoảng 2 tuần liên tiếp. Trẻ vị thành niên trầm cảm sẽ có kết quả học tập giảm sút, hầu như không có mối quan hệ bạn bè hoặc các thành viên khác trong gia đình, họ hàng.

Để điều trị trầm cảm hiệu quả, bác sĩ Tâm cho biết bệnh nhân sẽ được dùng thuốc đặc trị, liệu pháp nhận thức, hành vi tâm lý, trị liệu nhóm, giáo dục. Tùy vào mức độ trầm cảm, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Nhà tâm lý Carder khuyến khích các gia đình đồng hành cùng con trong thời điểm khó khăn, động viên các em gọi điện cho bạn bè thay vì nhắn tin. Điều này làm tăng cơ hội tương tác xã hội, tăng kỹ năng xã hội. Đặc biệt, cha mẹ không nên áp đặt cho con cái, thay vì quan tâm thái quá hoặc bỏ lơ hời hợt, phụ huynh nên chọn cách dành thời gian và đồng hành cùng trẻ. Một chuyên gia tâm lý phân tích, việc cha mẹ Á Đông coi trọng công danh, tiền tài, thành tích, điểm số dẫn đến việc tạo áp lực học tập không đáng có cho đứa trẻ.

“Nhiều trẻ vị thành niên phải học đến 2h sáng, không có thời gian để ăn cơm, lúc nào cũng trong một cuộc đua không có đích đến, không biết mình là ai, giá trị bản thân mình ở đâu, điều gì tạo nên hạnh phúc, khiến các em rơi vào trầm cảm lúc nào không hay”, Trà My chia sẻ. Do đó, theo vị chuyên gia này, cha mẹ nên coi trọng hạnh phúc và sức khỏe thể chất cũng như tâm thần của con thay vì điểm số hoặc thành tích. “Gia đình nên là tổ ấm đúng nghĩa, là nơi đứa trẻ có thể trở về khi nó mệt mỏi hay thất bại, đừng nên biến nó thành nhà tù, nơi những tâm hồn cứ chết dần chết mòn vì không được bao dung và thấu hiểu”, cô nói.

Minh Đức

Với sự quyết tâm cao của hai Bộ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm từ các cấp, Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân” sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.

Năm 2016, ông Ngô Văn Long ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 2 thửa đất liền kề có tổng diện tích hơn 161m2, gồm một phần diện tích đất nông nghiệp và đất ở tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh từ chủ sử dụng đất là ông Ngô Nam Thắng và thực hiện đầy đủ thủ tục để cập nhật, đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Nhưng từ năm 2018 đến nay, ông Long đã nhiều lần kêu cứu khắp nơi để được bảo vệ quyền lợi chính đáng trước sự tắc trách của chính quyền địa phương…

Chiều 20/12, Công an thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết, các tổ công tác của Ban chuyên án Công an thị xã đã tổ chức mật phục, phối hợp bắt giữ 3 đối tượng về các hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn thị xã Điện Bàn và TP Hội An.

Ngày 20/12, Cơ quan CSĐT Công an  Đà Nẵng cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Huỳnh Thị Thanh Hiền (SN 1977, trú phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hiền được nhiều người biết như một “đại gia”, từng thành lập nhiều doanh nghiệp bất động sản và đầu tư một số dự án.

Sau nhiều lần báo chí phản ánh việc: Tổ hợp khách sạn – căn hộ Mường Thanh (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) phát sinh hàng loạt căn hộ không đúng mục đích thiết kế; cư dân sinh sống không được đăng ký cư trú hay thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp, ngày 20/12, tại cuộc họp báo quý 4/2024, lãnh đạo chính quyền TP Đà Nẵng cho biết sẽ xử lý dứt điểm để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Ngày 20/12, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về kết quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy năm 2024, Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã cung cấp thêm thông tin liên quan đến “trùm” ma túy Vũ Hoàng Oanh

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文