Những người giữ hồn rối Việt

10:31 18/03/2025

Từ những góc làng nhỏ, múa rối nước ra đời và lớn lên, mang theo hơi thở của văn hóa dân gian Việt Nam. Đằng sau những vở diễn sống động là bàn tay khéo léo và trái tim yêu nghề của những người lặng lẽ thổi hồn vào từng con rối, giữ gìn nét đẹp truyền thống qua bao thăng trầm.

Từ bàn tay nghệ nhân

Làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội nằm bên sông Cà Lồ, từ lâu đã nổi tiếng với nghệ thuật múa rối nước, nhưng chỉ có duy nhất một nghệ nhân chế tác con rối là ông Nguyễn Văn Phi. Hành trình của ông bắt đầu từ một quyết định đơn giản mà đầy can đảm: khi nhận thấy làng mình không có ai làm rối, ông đã tự mày mò, tự học hỏi để trở thành người duy nhất mang trọng trách bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống này.

Những người giữ hồn rối Việt -0
Nghệ thuật múa rối nước mang đậm giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc Việt Nam. Ảnh: Bảo Ngọc.

Khi kể về nguồn cảm hứng của mình, ông Phi chia sẻ: "Thời xưa, các cụ mộc mạc lắm, chỉ đơn giản là sáng tạo ra nghệ thuật để kể về cuộc sống của chính họ". Với ông, nghệ thuật múa rối nước không chỉ là một trò chơi dân gian, mà là sự phản ánh đời sống, văn hóa và tâm hồn của người dân qua từng động tác, từng con rối.

Một trong những điều đặc biệt của nghệ thuật múa rối là không có sự trợ giúp của điện tử hay công nghệ hiện đại. Mọi chuyển động đều được điều khiển hoàn toàn bằng tay, qua những sợi dây giật tinh tế. Đây là một thử thách lớn đối với người chế tác rối, bởi không chỉ cần kỹ thuật tinh xảo, mà còn đòi hỏi khả năng tưởng tượng, sáng tạo để tạo ra những con rối có thể  chuyển động mềm mại theo từng vở kịch.

Người thợ chế tác, với đôi mắt sáng ngời đầy nhiệt huyết, khẳng định: "Người làm rối khác hẳn với máy làm. Máy móc có thể tạo ra hàng trăm con rối giống hệt nhau, nhưng chúng vô hồn, cứng nhắc. Còn với tôi, mỗi con rối là một đứa con tinh thần, có cá tính riêng, không con nào giống con nào". Chính sự khác biệt ấy, chính những con rối mang linh hồn do nghệ nhân thổi vào, đã tạo nên vẻ đẹp cho nghệ thuật múa rối nước Việt.

"Rối nước là hồn cốt của dân tộc, là tiếng nói của những người đã sống và trải qua bao gian khó. Cách đây bao nhiêu ngàn năm, người Việt mình khổ như thế mà còn sáng tạo được, giờ mình có cơm no áo ấm thì cớ sao phải ngại?". Câu nói ấy của ông Phi không chỉ thể hiện sự kiên trì, mà còn là sự khẳng định rằng, sáng tạo không bao giờ có giới hạn, dù khó khăn đến đâu, nếu có đam mê và trách nhiệm, mọi người đều có thể làm nên điều phi thường.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi chăm chú "thổi hồn" vào từng con rối. Ảnh: Bảo Ngọc.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi không chỉ là người tạo hình rối mà còn là người truyền cảm hứng, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống. Theo ông, một người làm nghệ thuật không chỉ cần giỏi nghề mà còn phải có khả năng tuyên truyền, giúp cộng đồng hiểu rõ giá trị của nghệ thuật và lan tỏa nó ra thế giới. Chính vì thế, ngoài việc chế tác rối, ông Phi cũng học cách nói chuyện, cách chia sẻ câu chuyện của nghệ thuật múa rối với tất cả mọi người. Đó là cách để truyền tải tình yêu, đam mê và niềm tự hào dân tộc của ông đến với những người chưa biết, chưa hiểu về nghệ thuật này.

Ông Phi muốn nghệ thuật múa rối không chỉ được giữ gìn mà còn phát triển mạnh mẽ, để không chỉ là bảo tồn mà còn là sự sáng tạo và thích nghi với thời đại mới. "Nghệ thuật này phải được phát triển, vì đây là văn hóa của người Việt ta", ông nói. Chính vì vậy, nghệ nhân đang ấp ủ một dự án: xây dựng một catalog về nghệ thuật múa rối nước, kết hợp với trường Đại học Ngoại ngữ, dịch các tài liệu thành nhiều thứ tiếng để tiếp cận với những người trẻ, không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Mục tiêu của ông không chỉ là để bảo tồn nghệ thuật, mà còn là để truyền cảm hứng, đam mê cho thế hệ sau, khơi dậy niềm hứng thú và sự yêu thích của họ đối với một môn nghệ thuật truyền thống đầy kỳ diệu này.

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Hương miệt mài luyện tập tại Nhà hát múa rối Thăng Long. Ảnh: Hương Nhi.

Với người nghệ nhân chế tác, nghệ thuật múa rối nước không chỉ là nghề, mà là sứ mệnh, một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa Việt Nam. Bằng sự kiên trì, đam mê và sáng tạo không ngừng, ông Phi đang góp phần lớn vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển một di sản văn hóa quý báu của dân tộc, giúp nó tiếp tục sống mãi.

Phía sau tấm mành

Được biết đến như nhà rối hay buồng trò, đây chính là nơi các nghệ sĩ múa rối đứng khuất sau màn nước, khéo léo điều khiển những con rối, biến sân khấu nước thành thế giới huyền ảo, đầy chất thơ và nhịp điệu của cuộc sống dân gian. Nhưng mấy ai biết rằng, đằng sau những vở diễn thành công là biết bao nhọc nhằn của những người nghệ sĩ múa rối nước.

Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình gắn bó với nghề, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Hương khẽ cười kể lại: "Những năm 1990 chưa có quần áo bảo hộ như bây giờ, tôi vẫn nhớ hôm tổng duyệt chương trình ở cầu Thê Húc, trời rét 7 độ mà cả đoàn vẫn cổ vũ nhau nhảy xuống nước lạnh vô cùng… Nhưng, vì yêu nghề nên chả sợ gì đâu". Nói đến đó, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Hương xoa cổ tay rồi bộc bạch: "Những nghệ sĩ múa rối nước như chúng tôi thường mắc các bệnh liên quan đến khớp hay da liễu vì thường xuyên làm việc ở môi trường dưới nước".

Lời kể của bà vừa bình thản vừa chứa đựng sự bền bỉ của một thế hệ đã trải qua biết bao năm tháng gian khó. Đôi mắt ánh lên sự nhiệt huyết, bà hồi tưởng về những ngày đầu theo chân Nhà hát Múa rối Thăng Long đi biểu diễn. "Ngày ấy còn khó khăn lắm", giọng bà trầm hẳn xuống. "Chúng tôi phải ăn chực nằm chờ từ sớm để kịp chuyến lưu diễn. Công lao ngày ấy chỉ được trả bằng những nồi bắp cải với thịt rang, nhưng với tôi, đó là món ăn ngon nhất, bởi nó đong đầy tình đồng đội và niềm tự hào nghề nghiệp".

NSƯT Bạch Quốc Khanh đắm mình trong buổi diễn tập trước giờ biểu diễn. Ảnh: Hương Nhi.

Ngành nghề nào cũng có những khó khăn và gập ghềnh riêng, nhưng khi chọn con đường nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, thử thách dường như nhân lên gấp bội. Với giọng điệu bùi ngùi, NSƯT Bạch Quốc Khanh trải lòng: "Nghệ thuật truyền thống không chỉ kén người theo đuổi mà còn kén cả người thưởng thức".

Lời tâm sự ấy không chỉ là câu chuyện nghề, mà còn là nỗi niềm của biết bao người nghệ sĩ không ngừng đau đáu trong việc giữ và truyền lửa nghề. Nhưng ít ai biết rằng khi đang trên đà phát triển sự nghiệp, NSƯT Bạch Quốc Khanh đã có lúc rời xa ánh đèn sân khấu khi chỉ mới ngót nghét tuổi 30. "Hồi ấy, tôi quyết định nghỉ việc ở nhà hát, thậm chí đã nghĩ đến chuyện từ bỏ múa rối để theo học làm đạo diễn sân khấu. Tôi mất 4 năm để tìm đúng con đường mình muốn gắn bó".

NSƯT Bạch Quốc Khanh chia sẻ thêm về hành trình bắt đầu lại từ con số 0 sau khi trở lại nhà hát làm việc, rằng cũng như bao người mới vào nghề, chú phải diễn từ những vai nhỏ nhất như người lính, người dân làng hay thậm chí là con cá, chứ đâu phải là những vai chính như bạn bè cùng trang lứa đang đảm nhận. Dù hiểu rằng quá trình này có thể tiếp diễn trong vài ba tháng, thậm chí tính đến bằng năm, chú vẫn không ngần ngại đi lại những bước đầu tiên: "Tôi thấy được vị trí và giá trị của bản thân mình khi đồng điệu cùng với những con rối" nghệ sĩ bày tỏ với niềm hồ hởi. "Nếu như lúc đó tôi không đủ dũng cảm để đối mặt và chấp nhận làm lại từ đầu, thì có lẽ đến giờ tôi vẫn chỉ là một người đứng bên lề".

Mỗi lần bước lên sân khấu, dù là buổi diễn nhỏ hay chương trình lớn, nghệ sĩ múa rối nước luôn cảm nhận rõ rệt sự kết nối thiêng liêng với giá trị văn hóa truyền thống. Dù nhiều khó khăn nhưng nó không làm những người nghệ sĩ chùn bước mà ngược lại càng hun đúc thêm ngọn lửa đam mê với nghề. Đó là ngọn lửa được nuôi dưỡng bởi niềm tự hào về những cống hiến không ngừng nghỉ cho nghệ thuật, bởi sự trân quý từ khán giả; và trên hết, bởi tình yêu mãnh liệt dành cho văn hóa truyền thống - nguồn mạch bất tận chảy trong tâm hồn mỗi người nghệ sĩ.

Tình yêu với múa rối nước không chỉ thể hiện qua những màn biểu diễn, mà còn trong từng giờ phút lặng lẽ của những nghệ nhân chế tác, những người đã dành trọn tâm huyết để thổi hồn vào từng con rối. Họ không cần ánh hào quang, chỉ mong những con rối tiếp tục kể chuyện quê hương, giữ cho hồn dân tộc mãi sống động qua bao thăng trầm của thời gian.

Nhân Văn

TP Huế có 1.132 căn nhà ở của các dự án (DA) bất động sản thuộc diện tồn kho. Thị trường bất động sản ở địa phương vẫn ảm đạm khi lượng giao dịch đất nền, nhà ở không tăng. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn rất cao.

Từ mẫu ADN của các thân nhân, bước đầu cơ quan chức năng đã xác định được danh tính 16 liệt sĩ chưa biết tên, trong đó có 2 liệt sĩ quê ở xã Nga An và xã Đông Thành, tỉnh Thanh Hoá. Đây là kết quả bước đầu, minh chứng hiệu quả  của Đề án thu nhận mẫu ADN các thân nhân liệt sĩ chưa tìm được hài cốt do Bộ Công an triển khai thực hiện trên toàn quốc.

Cùng với ông Nguyễn Quốc Thận, Trưởng phòng Kinh tế xã Thượng Đức, TP Đà Nẵng đi thực tế tại bờ sông Côn đoạn qua thôn Tân An, xã Thượng Đức, TP Đà Nẵng, PV Báo CAND ghi nhận tình trạng sạt lở bờ sông nơi đây diễn ra rất nghiêm trọng.

Chiều 7/7, dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Công an, Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm 2025. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an một số địa phương.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết ông tin rằng bất đồng giữa Iran và Mỹ có thể được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán, song nhấn mạnh lòng tin giữa hai bên hiện đang bị xói mòn nghiêm trọng sau các cuộc tấn công quân sự từ phía Mỹ và Israel.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối và đêm (7/7), khu vực Tây Bắc Bộ và khu vực Nam Bộ có mưa to cục bộ với lượng mưa nhiều nơi trên 50mm như: trạm Trường Xuân (Đồng Tháp) 125.6mm, trạm Nhơn Hòa Lập (Tây Ninh) 62.2mm, trạm Pha Long (Lào Cai) 66.6mm, trạm Yên Thượng (Phú Thọ) 57.4mm…

Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an) vừa qua có quyết định về việc cấm tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công tư) với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Nhiên King Green (Công ty King Green).

Liên quan đến vụ án Mr Pips Phó Đức Nam, tại buổi họp báo của Bộ Công an tổ chức chiều 7/7, Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, đã bắt giữ vợ của Lê Khắc Ngọ, tức Mr Hunter, đồng thời thu giữ nhiều tài sản, bất động sản của liên quan đến vụ án.

Trả lời câu hỏi của báo chí về vụ án xảy ra tại Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) và các đơn vị liên quan, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an cho biết, hiện đã khởi tố nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của PJICO.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.