Rồi xong một kiếp

09:14 02/04/2022

Chiều Hà Nội lành lạnh. Mấy chiếc lá rơi trên ngã ba phố nhỏ. Vài chiếc xe máy phóng qua. Những kiếp người phóng qua. Không hẹn ước. Không giao kèo. Vô định…

1. Chiều. Về Hà Nội, ngồi vào quán cà phê quen, hỏi cậu bé chủ quán:

- Mẹ đâu, em?

- Dạ! Mẹ em ở nhà.

- Vợ đâu, em?

- Dạ! Vợ em ở nhà.

- Bố đâu, em?

- Bố em mất, sắp trăm ngày rồi anh ạ.

Ôi, cái gì thế này! Ông chú trẻ trung, tươi tắn, và luôn tán chuyện với khách, đã ra đi rồi sao? "Bố em nằm viện một tháng, hôn mê 2 ngày, rồi đi". Nghe cậu bé kể lại mà như không tin vào tai mình nữa. Mới thoáng đó. Mới hôm nào. Và hình ảnh ông chú với nụ cười duyên thầm vẫn còn in trên tấm biển quán, thế mà…

Chiều Hà Nội lành lạnh. Mấy chiếc lá rơi trên ngã ba phố nhỏ. Vài chiếc xe máy phóng qua. Những kiếp người phóng qua. Không hẹn ước. Không giao kèo. Vô định…

2. Chiều. Sang ngôi đền cổ bên sông. Thèm lắm một giọng hát văn quen thuộc. Giọng hát không hay nhưng thật, không đẹp nhưng chất. Giọng hát đưa người nghe trở với trên sơn lâm: "Đền thờ cô bé trên ngàn/ Có con suối nhỏ vắt ngang lưng đèo". Đưa người nghe về thoải phủ: "Giáp bạc bao phen nhuộm đỏ hồn/ Xông pha trăm trận cũng như không". Dẫn người nghe vào những tư lự khuất lấp trong sâu thẳm con tim: "Sông tranh ơi hỡi sông tranh/ Trăng nước còn in một mảnh tình". Bao năm qua, kể từ cái ngày tình cờ đi qua giọng hát ấy, đến những buổi cứ thích đứng bên bờ sông, nghe trộm giọng hát ấy, nghe và ngấm, và thấm, và mê…

Chiều nay vẫn như mọi chiều. Vẫn có một niềm tin chắc chắn rằng giọng hát ấy đã hắt xuống bốn bề sông nước, dội lại tai mình, xé ngang hồn mình. Nhưng không! Toàn những giọng lạ, người lạ. Không còn giọng quen thuộc ngày xưa. Hỏi cụ thủ nhang: Chú ấy đâu rồi? Cụ bảo:

- Chú ấy mất vài tháng rồi con!

Mất đột ngột, bất thình lình.

Dưới dòng sông kia, nước vẫn chảy. Trên đài cao kia, mắt ngài vẫn quắc thước nhìn xuống bốn bề chúng sinh. Ở trong sâu thẳm kia, nhị vị chúa bà vẫn lặng lẽ nhìn cuộc thế. Vậy mà một giọng hát đã tắt lịm. Ngôi đền đã vắng một người quen.

Chiều. Vẫn chỉ là một buổi chiều. Nhưng lại chẳng giống mọi buổi chiều. Vị đắng cà phê át lên chiều. Chiều hắt xuống con nước một dòng mây xám.

Trong cái lững lờ của con nước, có cái trầm đắng của phận người. Biết bao nhiêu phận người như thế. Biết bao nhiêu cuộc đời như thế. Biết bao nhiêu nụ cười giọng hát lướt qua cuộc đời như thế.

Thôi. Chiều tắt nắng.

Một cơn gió vụt qua chiều.

3. Đêm. Không ngủ được. Mở điện thoại đọc tin và bàng hoàng nhận ra một ca sĩ nữa lại ra đi. Là một ca sĩ quen, một giọng hát gắn với những mơ ước của mình một thuở. Anh xuất hiện cho tuổi trẻ. Viết cho tuổi trẻ. Giăng ước mơ cho tuổi trẻ. Và nói giùm, nói thay tuổi trẻ bao điều cần nói. Vì thế, anh hiện hữu trẻ trung trong lòng người. Hàng chục năm qua vẫn đinh ninh là anh vẫn trẻ như thế. Nhưng xem những tấm ảnh gần nhất của anh xuất hiện trên các trang báo mạng mới chợt thấy: anh bạo bệnh và không còn trẻ như cái ý niệm mà mình vẫn luôn giữ về anh. Nào ai chống được quy luật của thời gian. Nào ai có thể điềm nhiên đi qua cuộc đời mà không bị bạo bệnh bất thình lình đổ xuống.

Biết thế. Biết chứ. Nhưng vẫn xót. Trong suốt một năm trở lại đây, sao nhiều ca/nhạc sĩ ra đi đột ngột như vậy quá? Những bài hát và những người hát gắn bó với ta, hoặc lưu giữ một thời tuổi trẻ của ta, hoặc hiện hữu trong mỗi buồn vui của cuộc đời ta, hoặc gắn chặt với những cột mốc, những kỷ niệm đáng nhớ trong đời ta. Những người hát mà ta ngưỡng mộ hoặc từ giọng hát, hoặc từ cách họ sống, làm từ thiện, và cho đi… Họ giàu có lắm. Giàu có tinh thần. Giàu có yêu thương. Họ tỏa hương mình và hương đời. Những người như thế, ta vẫn nghĩ, họ sẽ phải hiện hữu trong cõi đời này lâu lắm. Vậy mà họ lại ra đi đột ngột. Họ ra đi khi mà chỉ vài tuần, vài tháng trước thôi vẫn còn đang khoẻ mạnh, và ta vẫn còn nghe họ hát. Tại sao lại như thế? Ta không biết. Tại sao cứ phải bàng hoàng, đột ngột đến như thế? Thôi, chỉ còn cách quay về cái mệnh đề quen thuộc: tại số phận, tại ông trời!

Về cõi bên kia, họ vẫn sẽ hát. Họ hát cho người ở cõi bên kia. Và nếu đủ sự đồng cảm thì biết đâu đấy, ở cõi bên này, ta vẫn có thể nghe được những âm vang của họ.

Đêm lặng quá và dài quá. Vén rèm cửa, nhìn qua bầu trời đen đặc mà thấy lòng chống chếnh. Bật lại một bài hát của họ lên nghe. Đúng là cái chất giọng không lẫn đi đâu được. Chưa bao giờ ta thấy họ gần ta như thế. Những nốt thăng nốt giáng, những luyến láy đặc trưng. Những lời thầm thì gửi lại cho ta, gửi cho mùa xuân, gửi cho cõi tạm.

Trong những ngôi nhà nào đó của đất nước này, vào lúc đêm tối tĩnh lặng này, chắc cũng có ai đó giống như ta: cứ bần thần nghe lại những lời thì thầm ấy!

4. Đêm! Làm sao để thoát khỏi những dòng tự sự cứ tràn ngập, chảy trôi trong mình? Mà có nhất thiết phải cố chạy trốn khỏi nó không? Thôi, buông bút, tắt nhạc và trôi lênh đênh trong đại dương cảm xúc. Đời người cũng như con thuyền trên đại dương ấy. Trồi lên, thụt xuống, tất cả cũng chỉ trong một cái chớp mắt của đại dương.

Rồi xong một kiếp!

Phan Đăng

Ngày 3/5/2024, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng Đội tuyển Nam và Đội tuyển U23 Quốc gia Việt Nam, trong bản hợp đồng có thời hạn 2 năm (từ 1/5/2024 đến 31/3/2026). 

Họ "bắt cặp" với nhau không cần tình yêu, cũng chẳng cần tiền. Chỉ cần trao đổi qua tin nhắn, gặp mặt, đi ăn uống đôi lần, hoặc ngay từ lần đầu tiên, sau khi ưng ý và thỏa thuận vài "điều khoản thuộc vùng cấm" trong mối quan hệ, thì giữa hai người đã có thể tiến tới bước quan hệ thể xác. "Phong cách bạn bè" này mới xuất hiện trong giới trẻ, mang cái tên rất Tây: "Friends with benefit".

Ba người đàn ông từ Thanh Hóa lên các huyện Quế Phong và Quỳ Châu (Nghệ An) để đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, sau đó lên khu vực biên giới mua ma túy để sử dụng…

Trận gió lốc quét qua đã cuốn bay phần mái lợp 6 phòng học tại Trường tiểu học Phú Lương 1, làm hư hỏng 1 phòng học khác. Trong sáng 3/5, khi lực lượng các đơn vị tổ chức khắc phục thiệt hại, toàn bộ 263 học sinh của Trường tiểu học Phú Lương 1 phải nghỉ học.

Có một địa danh, nếu như vì một lý do khách quan hoặc chủ quan mà không đến thăm được, thì có lẽ ta sẽ phải trăn trở suốt đời. Với tôi, Điện Biên Phủ là một địa danh như vậy! Vậy mà mãi gần đây, tôi mới có dịp lên thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, với tư cách là một cựu chiến binh, một thương binh, đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng vị Tổng tư lệnh huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Làm sao mà không cảm xúc dâng trào, mà không nghẹn ngào xao xuyến!

VKSND TP Hồ Chí Minh vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 254 bị can về 11 tội danh liên quan đến các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm. Đáng lưu ý, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã làm rõ sự “tiếp tay” của nhóm đối tượng nguyên lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) và lãnh đạo, đăng kiểm viên Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) cho các đối tượng khác trong quá trình gây án.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文