Sự hấp dẫn của kí ức

10:33 19/02/2023

Kí ức cá nhân rất hấp dẫn. Tôi bật ra điều này khi đọc cuốn “Hồi ức thiếu nữ” của Annie Ernaux, người vừa đoạt giải Nobel 2022. Viết văn một cách nào đấy chính là viết bằng kí ức, nhưng đây là những gì xảy ra với chính cá nhân người viết, là khát khao được kể lại câu chuyện của mình với một sự hấp dẫn mãnh liệt.

Kể những câu chuyện của cá nhân mình và những người liên quan là sự thôi thúc, lựa chọn của nhiều nhà văn vàâ thường là đề tài hấp dẫn độc giả. Khi đọc “Cát bụi chân ai”, sau đó là “Chiều chiều” và “Ba người khác” của Tô Hoài tôi đã vô cùng thích thú bởi đã biết thêm được những điều mới, những câu chuyện phía sau trang văn, tình bạn giữa những nhà văn lớn và cả những sự kiện gây tranh luận. Tô Hoài không phải nhà văn đầu tiên viết hồi kí, tự truyện nhưng với vị thế của mình, ở vị trí chứng kiến và tham gia vào những bước ngoặt của lịch sử nước Việt và văn chương hiện đại, cả quyền lực và thách thức, ông đã viết về quá khứ trong một tâm thế không sợ hãi và ít bị lược bỏ, điều ấy góp phần tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm.

Xin lưu ý sự nhấn mạnh của tôi về sự không sợ hãi. Không sợ hãi nghĩa là người viết sẵn sàng đối diện và dám kể một cách trung thực câu chuyện mình biết hoặc chứng kiến. Bởi có những sự kiện, tình huống chứa đựng nhiều đau đớn, thất bại, thậm chí sự độc ác, tàn bạo, ngu xuẩn; tự thân người viết cảm thấy ngần ngại hoặc bị ngăn cản để chúng không được kể ra, viết ra. Vượt qua được sự sợ hãi ấy sẽ mang lại cảm giác tin tưởng của người đọc, rằng người viết đã khách quan (ở một góc độ nào đấy trong con mắt của anh ta) khi thuật lại sự kiện.

Còn ít bị lược bỏ, nghĩa là những gì liên quan trực tiếp đến chính bản thân mình, thậm chí cả những hành động sai trái, những ý nghĩ chỉ xuất hiện trong đầu cũng được phơi bày với công chúng. Sự "thanh toán" với chính mình, cộng hưởng với dư luận thường tạo ra một áp lực rất lớn với người viết, nhưng bù lại người đọc sẽ được tiếp cận một tác phẩm đáng tin và nếu phiêu bồng bằng ngôn ngữ và cấu trúc nghệ thuật nữa thì càng tốt.

Thực tế, không nhiều tác phẩm hồi kí, tự truyện có được những phẩm chất này. Thỉnh thoảng ta đọc đâu đó những cuốn sách cùng thể loại nhưng chỉ cảm nhận được một phần sự thật. Sự thật như người ta muốn như thế hoặc được tác động để công chúng cảm thấy nó "có thể đã như thế". Sự "nắn chỉnh" kí ức theo một cách nào đó khiến câu chuyện đã không thể ở trạng thái nguyên bản và độc giả chỉ cần tư duy một chút sẽ phát hiện ra sự can thiệp này.

Nhưng vượt qua chướng ngại để kể lại câu chuyện không quá khó, thách thức lớn nhất nằm ở chỗ những gì liên quan đến chính mình. Nhiều người nói với tôi rằng, thỉnh thoảng có những trang hồi kí, tự truyện chỉ thấy người viết hiện lên tốt đẹp và rộng lượng, thông minh hoặc tinh tế, còn những người xung quanh anh ta cơ bản là cố chấp, tham lam, thù dai, vô vàn các tính xấu; và đặt trong những tình huống cụ thể thì tác giả thường hiện lên sinh động và sáng láng hơn bạn bè và đồng nghiệp của anh ta. Nghĩa là người viết chỉ nhìn thấy "cái rác trong mắt anh em" mà biết đâu có thể tồn tại "cái đà trong mắt chính mình".

Ảnh: S.t.

Điều này là sự thật nếu chúng ta đọc những quyển hồi kí, tự truyện đã xuất bản hoặc được công bố của một số nhân vật có ảnh hưởng. Kể ra sự thật, vượt qua xấu hổ, sợ hãi, sai trái và lỗi lầm của bản thân đòi hỏi bản lĩnh và độ lùi thời gian và tuổi tác nhất định.

Đến thời điểm tôi viết bài này, mới có hai cuốn sách của Annie Ernaux được dịch sang tiếng Việt và xuất bản. Đó là hai tiểu thuyết khá mỏng, “Một chỗ trong đời” và “Hồi ức thiếu nữ”. Tôi đã đọc “Một chỗ trong đời” trước và nói thật không thích cuốn này. Tôi không đề cập về kĩ thuật nhưng quan tâm đến "thái độ" tác giả khi viết nó. Annie Ernaux xuất bản cuốn sách năm bà 43 tuổi và có cảm giác người viết còn đôi chút e ngại với câu chuyện thời quá khứ của mình. Trong cuốn sách, tác giả đã không dám viết hết hoặc chỉ viết một phần câu chuyện về gia đình, người cha của mình, cái chết của ông ta và những việc liên quan, nó còn lửng lơ chưa đi đến tận cùng. Dù cách viết là chân phương, tối giản nhất có thể, nghĩ gì, nhớ gì viết nấy, tác giả hầu như không "gia giảm" kĩ thuật nhưng với điểm nhìn của một bạn đọc và đồng nghiệp, tôi thấy tác phẩm chưa đi hết con đường của mình. Nó giống như một đám mây còn bồn chồn, vừa lưỡng lự muốn bay lên cao  vừa muốn ngưng tụ thành giọt nước để rơi xuống mặt đất.

Đến cuốn “Hồi ức của một thiếu nữ” thì tôi thích hơn vì cảm nhận tác giả đã vượt qua những trở ngại lúc tuổi trẻ. Annie Ernaux xuất bản “Hồi ức của một thiếu nữ” khi bà đã 76 tuổi. Một bà già hơn bảy mươi tuổi thì không còn sợ hãi khi viết về những năm tháng thanh xuân của một thiếu nữ với những khát khao yêu đương, tò mò với tính dục và sự phóng đãng cá nhân. Tôi nhìn thấy một trường hợp gần tương tự ở M. Duras, cũng là một tác giả người Pháp nổi tiếng, ở hai cuốn “Người tình” và “Người tình Hoa Bắc”. Hai cuốn sách của M. Duras được xuất bản cách nhau mười năm, lần lượt khi tác giả 57 và 67 tuổi. Sau mười năm, M. Duras đã dữ dội hơn nhiều, cuốn sau có những tiết lộ động trời  liên quan tới loạn luân và thách thức hơn cuốn trước, khi cùng viết về một chủ đề, nhân vật. Tương tự, cũng có thể đối chiếu với trường hợp Tô Hoài khi ông viết “Cát bụi chân ai” và “Chiều chiều” nhưng ở trạng thái có khác biệt so với M. Duras và Annie Araux. Có người cho rằng cuốn thứ hai của Tô Hoài nhẹ hơn cuốn trước. Ở “Chiều chiều”, Tô Hoài tìm cách xoa dịu hoặc làm mềm hơn cuốn thứ nhất bởi tình thế cá nhân và bối cảnh ông đang sống. Mặc dù ở những chiều kích, không gian khác nhau với ba nhà văn tôi đưa ra làm ví dụ, nhưng cả M. Duras, Annie Araux và Tô Hoài đều là những người dũng cảm và câu chuyện họ kể đã gây ra được những ấn tượng đáng kể và được ghi nhận.

Một câu hỏi đã đặt ra, nếu ở thời điểm viết, tác giả ít tuổi hơn thì cả M. Duras, Annie Ernaux và Tô Hoài có dám viết những câu chuyện cá nhân như thế không? Ở đây ta không xét đến những trường hợp có những tác giả viết hồi kí, tự truyện từ sớm và dự định đến một quãng thời gian nào đó mới công bố. Những chọn lựa ấy sẽ bàn vào một lúc khác, ở đây tôi đề cập đến sự đồng thời; tác giả suy nghĩ và viết gần như cùng một thời điểm và sẵn sàng công bố chúng. Rõ ràng càng lùi sâu thời gian và từng trải của tuổi tác, người ta càng tự tin, thậm chí bất chấp hơn. Điều ấy khiến cho tôi thấy cả hai cuốn viết sau của M. Duras và Annie Araux hấp dẫn hơn. Tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm, tự tin và cần thiết phải kể ra câu chuyện như chính Annie Araux đã viết: "Chuyện về cô gái ấy, chứ không phải ai khác đã trải qua rồi sẽ không được kể ra, sẽ thành một trải nghiệm vô ích." (Hồi ức thiếu nữ, trang 16)

Nhưng tôi đã từng rất thất vọng khi đọc cuốn hồi kí của một nhân vật văn học có địa vị và nằm ở trung tâm những bước ngoặt của văn nghệ và văn học Việt hơn cả Tô Hoài. Cuốn hồi kí ấy giống như một bản báo cáo dài về các sự kiện và gần như chỉ có thế. Cá nhân tôi không tìm thấy sự khác biệt nào về các sự kiện  đã được biết hoặc các câu chuyện hậu trường của nó. Cuốn sách gây ra những hụt hẫng trong tôi nhưng có lẽ ấy là sự lựa chọn, cân nhắc của người viết. Tôi tôn trọng sự "tính toán" của tác giả nhưng về mặt văn chương và tính hấp dẫn của thể loại, tôi đánh giá nó là một cuốn sách thất bại.

 Nói thế để thấy rằng hồi kí, kí ức, tự truyện, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai vẫn tiếp tục là đề tài hấp dẫn bởi tự thân người viết muốn kể lại những chuyện của chính mình và thời của mình cũng như nhu cầu đọc của công chúng. Kí ức chứa đựng sự chân thực, quyến rũ và càng hiện đại người ta sẽ càng hoài cổ, càng kiếm tìm, nhớ mong những gì đã mất, truy tìm dấu vết cá nhân và cả những vọng âm tập thể hướng về những miền xa vời, quá vãng… 

Uông Triều

Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, chiều 3/1, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã trao Huân chương Chiến công hạng Ba tặng Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an Đà Nẵng về thành tích triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ tiền giả quy mô lớn.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc ngày 3/1 thông báo gia hạn thêm một tuần đối với việc kiểm tra tất cả 101 máy bay Boeing 737-800 do các hãng hàng không nước này khai thác, trong bối cảnh cơ quan chức năng bắt đầu trục vớt xác máy bay của Jeju Air sau thảm họa hàng không xảy ra cuối tháng 12. 

Ngày 2/1, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với với Công an huyện Mèo Vạc, Đồn Biên phòng Xín Cái, tỉnh Hà Giang; Công an huyện Quảng Nam và huyện Phú Ninh, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tiến hành giải cứu thành công một người phụ nữ ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn sau 6 năm bị lừa bán.

Ngày 3/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, sau thời gian điều tra, củng cố chứng cứ, đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) về tội "Hành hạ người khác".

Ngày 3/1/2025, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam đối với 5 đối tượng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ, thu thập tài liệu chứng cứ, làm rõ vai trò, hành vi phạm tội của các đối tượng khác trong đường dây để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ nữ nhân viên ngân hàng nghi bị đánh ghen gây xôn xao dư luận những ngày qua, chiều 3/1, thông tin từ Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết: Hiện tại, sức khỏe chị N.N.N. (nữ nhân viên ngân hàng) ổn định và đang còn điều trị, chăm sóc tại cơ sở y tế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文