Thần tốc ở Adiyaman

12:52 28/02/2023

Đêm xuống, trong cái lạnh thấu xương, các cán bộ chiến sĩ thuộc Đoàn công tác cứu nạn quốc tế của Bộ Công an vẫn bám trụ tại hiện trường đổ nát nơi thành phố Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bóng tối, mỗi khi ánh đèn pin quét qua, những kẻ sọc vàng và dòng chữ “Cảnh sát PCCC và CNCH” quen thuộc trên lưng họ lại lóe sáng.

Từng lời gọi vang lên gấp gáp. Sau đó, là im lặng như tờ, mọi người cùng nín thở, tai lắng nghe, mong mỏi bắt được một âm thanh nào đó của sự sống. Rồi cứ thế, những tiếng gọi lặp lại, và lặng im chờ đợi, khắc khoải hy vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Đó là những khoảnh khắc nặng nề nhất đối với đoàn công tác…

Nỗ lực kiếm tìm sự sống

Chiều ngày 19/2, 24 cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an Việt Nam sau chuyến công tác đặc biệt sang Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân trong trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã về đến sân bay quốc tế Nội Bài. Những vất vả, giá rét, căng thẳng đã lùi lại phía sau. Nhưng trong tâm trí họ, từng phút, từng giờ quý giá tìm kiếm cứu người trong đống đổ nát ở thành phố Adiyaman vẫn sống động trong tâm trí…

Cán bộ, chiến sĩ thuộc đoàn công tác cứu nạn quốc tế của Bộ Công an nỗ lực cứu người tại thành phố Adiyaman.

4 ngày sau khi thành phố Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ rung chuyển bởi trận động đất kép, 24 cán bộ, chiến sĩ thuộc đoàn công tác cứu nạn quốc tế của Bộ Công an đã có mặt tại đây. Họ đã trải qua chuyến bay dài, tiếp tục di chuyển bằng xe ôtô thêm 9 tiếng nữa mới đến nơi, nhịn đói suốt 24 tiếng trong điều kiện giá lạnh. Nhưng khi đến nơi, cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt thì họ dường như quên bẵng những vất vả vừa trải qua. Dù đã chuẩn bị tâm lý trước khi lên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng họ vẫn bàng hoàng khi chứng kiến cả một vùng rộng lớn tan hoang tiêu điều không còn dấu hiệu của sự sống. Có khoảng 2.000 ngôi nhà bị đổ sụp, những bức tường nứt toác, nham nhở, không khí nồng mùi khó tả.

Dư chấn động đất vẫn còn là ẩn họa rình rập, nên không một ai được đến gần những khu vực đó vì rất nguy hiểm. Người dân cơ bản đã di tản hết, một số người dân cố bám trụ lại trong các lều bạt của trung tâm cứu trợ. Nhìn đâu cũng chỉ thấy lực lượng tình nguyện và cứu hộ. Ngay lập tức, Đoàn công tác đã phối hợp với các lực lượng cứu hộ quốc tế thực hiện việc cứu nạn cứu hộ tại một khu vực đổ nát có 15 người bị vùi lấp trong điều kiện thời tiết -6 độ C.

Trong những ngày Đoàn công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/2, phóng viên Chuyên đề ANTG Cuối tháng đã liên lạc được với Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, là trưởng đoàn công tác. Lúc đó là hơn 12 giờ trưa theo giờ Thổ Nhĩ Kỳ, Đại tá Khương cho biết anh em đang tạm nghỉ chốc lát trước khi thay ca làm việc buổi chiều. Thời điểm đó, Đoàn đang tích cực phối hợp với lực lượng của nước chủ nhà tìm kiếm khu vực tòa nhà 9 tầng bị sụp đổ. Theo thông tin ghi nhận, tòa nhà này bị sập chỉ sau khoảng 50 giây từ khi bắt đầu động đất nên phần lớn mọi người vẫn còn trong phòng ngủ, chưa kịp ra ngoài.

Đoàn công tác chia làm hai nhóm, một nhóm trực tiếp tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường, một nhóm sắp xếp các thiết bị, phương tiện, rà soát trang thiết bị y tế hỗ trợ phía bạn, chuẩn bị các điều kiện để thay ca cho nhóm kia. Nhìn vào ánh mắt dõi theo, mong chờ của những người dân đứng quanh đống đổ nát, bất cứ ai trong đoàn công tác cũng thấy đau lòng, quyết tâm hết sức để đưa những người xấu số về trong vòng tay của gia đình. Lực lượng cứu hộ phải đeo khẩu trang N95 trong suốt quá trình làm việc. Lúc hết ca, cởi bỏ chiếc khẩu trang là những gương mặt đen cháy, phờ phạc, hằn sâu vết xước nơi sống mũi, hai bên vành tai sưng đỏ.

“Những ngày đầu chúng tôi chia thành ba ca làm việc. Nhưng gần đây chúng tôi duy trì hai ca, mỗi ca khoảng 7-8 tiếng. Ca đầu bắt đầu từ 8h cho đến khoảng tầm 3-4 giờ chiều. Ca sau làm việc từ 4 giờ chiều đến khoảng 1 giờ sáng. Nếu như lúc ban đầu, chúng tôi làm việc thần tốc dưới các đống đổ nát, các tòa nhà bị sập để tìm, giải cứu người mắc kẹt. Thì đến thời điểm này anh em xác định chạy đua với thời gian để đưa thi thể nạn nhân ra ngoài trước khi bị phân hủy quá nặng. Công việc rất nặng nề, cả về mặt tâm lý lẫn sức lực khi phải tiếp cận trực tiếp với các thi thể nạn nhân. Nhưng chúng tôi đều hiểu rằng từng giây từng phút trôi qua là vô cùng quý giá, không nề hà bất cứ việc gì, luôn tập trung tối đa vào công việc”, Đại tá Khương chia sẻ.

Với sự hỗ trợ của camera dò tìm, thiết bị đo bằng radar, thiết bị cưa cắt thủy lực, khoan cắt bê tông, những cán bộ công an len lỏi, tiếp cận nhiều vị trí để tìm kiếm tín hiệu sự sống trong đống đổ nát. Ngày 12/2 là một ngày đáng nhớ khi Đội cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam trong quá trình tìm kiếm đã phối hợp với Đoàn cứu nạn của Pakistan cứu sống một thiếu niên sau nhiều ngày bị vùi lấp dưới đống đổ nát tại hiện trường tòa nhà đổ nát trên đường 531, Adiyaman Merkez, thành phố Adiyaman.

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, ngay khi đoàn công tác tiếp cận đống đổ nát đã tích cực rà tìm và xác định có 10 người bị vùi lấp. Trọn vẹn một ngày 11/2, lực lượng cứu hộ Việt Nam sử dụng thiết bị chuyên dụng để dọn dẹp sạch hiện trường, loại bỏ các yếu tố gây nguy hiểm và gây sập thứ cấp. Khoảng 6h30 sáng 12/2 (giờ Việt Nam), qua hệ thống camera dò tìm, họ phát hiện dấu hiệu của sự sống trong khu vực bị sập đổ. Nhanh chóng xác định vị trí gần nhất để tiếp cận nạn nhân, đội cứu hộ tiếp tục tiến sâu thêm 6m từ vị trí được phá dỡ theo một đường hẹp chỉ đủ một người chui vào. Những âm thanh của nạn nhân rõ dần, đội cứu hộ đã bình tĩnh giao tiếp với nạn nhân. “Hello”, “How are you?”, những câu hỏi mang theo bao nhiêu hy vọng. Rồi họ nhận lại những tiếng hồi đáp của nạn nhân. Từ đống đổ nát, một thiếu niên được đưa ra ngoài trong niềm vui vỡ òa của tất cả cán bộ chiến sĩ cứu nạn. Giây phút đó được đánh đổi bằng bao nhiêu công sức, tâm trí của lực lượng cứu hộ, trở thành khoảnh khắc không thể nào quên.

“Tất cả đều đáng nhớ”

Chuyến công tác đặc biệt đã kết thúc, khi được hỏi về những dấu ấn đọng lại, Đại tá Nguyễn Minh Khương xúc động chia sẻ: “Tất cả đều đáng nhớ. Vì đây là lần đầu tiên chúng tôi lên đường thực hiện nhiệm vụ ở một nơi xa Tổ quốc trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm. Mang tâm thế lên đường để giúp người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang trong cảnh đau thương tang tóc nên anh em tinh thần rất vững vàng, xác định tự lo tất cả để phục vụ cho việc cứu nạn.  Chúng tôi chỉ nhờ địa phương nguồn nước ăn uống và nhiên liệu để phục vụ cho máy móc phương tiện hoạt động, còn lại anh em chủ động hết”.

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an Việt Nam bế em bé Thổ Nhĩ Kỳ khi tham gia cứu nạn.

Đại tá Khương nhớ lại thời điểm chuẩn bị lên đường rất gấp gáp: “Các cán bộ chiến sĩ người nào nhiều nhất cũng chỉ có tầm hai tiếng đồng hồ chuẩn bị đồ đạc, nhiều anh em không kịp về nhà. Tôi phải gọi điện về cho vợ nhờ chuẩn bị đồ đạc giúp. Sau đó tôi ghé qua nhà lấy đồ và đi luôn”. Đến thành phố Adiyaman, Đoàn công tác Việt Nam dựng lều trong khuôn viên của một trường học, nhưng hệ thống điện, nước, các công trình vệ sinh đã bị phá hủy nên việc sinh hoạt cá nhân rất khó khăn. Hàng ngày, họ đi bộ xuyên qua những đống đổ nát hoang tàn để đến các địa điểm cứu nạn, bán kính trong khoảng từ 3-5 km.

Để quen được với thời tiết giá lạnh quả là điều không dễ dàng. Đêm xuống, nhiệt độ khoảng -6 độ C, dù giường đã đi mua, dù có mang theo chăn của Bộ Công an Việt Nam cấp, dù mặc tới 5-6 áo, 2-3 quần mà anh em vẫn co ro. Nhưng anh em cũng nhanh chóng thích nghi, sau một ngày căng mình làm việc cứ mặc nguyên bộ đồ cứu hộ đi ngủ, phần vì rét, phần vì công việc triển khai xuyên ngày xuyên đêm, việc thay quần áo cũng làm mất đi một phần thời gian cứu hộ.

Hành trang sang Thổ Nhĩ Kỳ của Đoàn công tác có mang theo hai nồi cơm điện và mỳ tôm, thịt hộp, gạo của đại sứ quán cung cấp. Vậy là thực đơn dã chiến trong gần 10 ngày có cơm, mỳ tôm và thịt hộp. Nhờ vào nguồn nước hiếm hoi do các tổ chức viện trợ cung cấp, họ lấy nước đó nấu cơm, nấu mỳ. Cũng chỉ dám rửa mặt, rửa tay, ba ngày sẽ gội đầu một lần mà không có đủ nước để tắm. Vất vả là vậy nhưng điều duy nhất các cán bộ trong đoàn công tác luôn đau đáu là làm sao cứu được nhiều người sống sót, tìm và đưa được các thi thể nạn nhân xấu số ra ngoài.

Giây phút cứu được người thì khóc vì vui sướng. Và cả những giọt nước mắt xót xa khi chứng kiến sự ra đi của những người dân xấu số. Có lúc đoàn cứu hộ tìm thấy 4 nạn nhân trong một gia đình. Người chồng ôm vợ và hai con chạy ra ngoài nhưng căn nhà sập xuống khi họ ở ngay cửa. Tất cả sẽ là những kí ức không thể nào quên trong một chuyến công tác đặc biệt của các cán bộ công an Việt Nam.

Huyền Châm

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文