Xuôi về Miệt Thứ

06:20 24/09/2024

Miệt Thứ là cách người dân Nam Bộ gọi khu vực huyện An Minh và An Biên thuộc tỉnh Kiên Giang hiện nay. Ở đó, người ta gọi địa danh theo “Thứ”. Điển hình là từ cầu Bàu Môn thuộc ấp Rọc Lá, xã Tây Yên là Thứ Nhứt (không phải “Nhất”).

Rồi theo hướng Quốc lộ 63 xuôi theo kinh Xẻo Rô cứ thế mà tăng lên thành Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy (thuộc huyện An Biên); Thứ Tám, Thứ Chín, Thứ Chín Rưỡi, Thứ Mười, Thứ Mười Một (thuộc huyện An Minh).

1. Xuôi ngược dưới đó bao bận tôi mới biết, người ta gọi các “thứ” là theo thứ tự những con rạch đổ ra kinh Xẻo Rô. Có thể hiểu nôm na, trước đây lưu dân muốn đi từ thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) xuống Cà Mau thì thường bơi xuồng, chèo ghe dọc kinh Xẻo Rô. Họ đi hướng vàm sông Cái Lớn vô, gặp con rạch đầu tiên đổ ra kinh Xẻo Rô thì gọi là “rạch Thứ Nhứt”. Cứ thế, đến con rạch tiếp theo thì gọi là “rạch Thứ Hai”, cho đến con rạch cuối cùng giáp với khu vực Thới Bình, Cà Mau chính là “rạch Thứ Mười Một”. Dần dà, cái từ “rạch” được giản lược đi, chỉ còn gọi tắt là “Thứ Nhứt”, “Thứ Hai”, “Thứ Ba”... Và cái “miệt” (vùng) mà người dân cứ kêu theo “Thứ” như thế gọi là “Miệt Thứ”.

Rạch Thứ Chín đổ ra kinh Xẻo Rô.

Trước đây, từ Rạch Giá muốn tới Miệt Thứ phải ngồi đò Tắc Cậu gần hai tiếng đồng hồ, khách phương xa nhiều người ngán ngại. Bởi vậy Miệt Thứ buồn lắm, mới có câu ca rằng:

Đêm đêm ra đứng hàng ba,

Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn.

Sương khuya ướt đẫm giàn bầu,

Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?

Lần đầu tôi đi Miệt Thứ cũng ngồi đò Tắc Cậu, dõi mắt tìm con rạch Cái Thia mà không thấy, chỉ thấy những cánh chim cô đơn bay về nơi vô định trong bảng lảng mây chiều, chợt nhớ câu hát người xưa: “Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu, con sáo qua sông, con sáo đậu hiên nhà...”.

Đò Tắc Cậu không như con sáo bay vụt qua sông, mà chạy chậm rì, trầm buồn như điệu buồn dạ cổ. Trên đò, những gương mặt mệt mỏi cắt xiên qua ánh hoàng hôn. Ở Miền Tây này, sông ngòi kinh rạch chằng chịt nên đi đến đâu cũng phải lụy đò. Bất tiện thì có đó, nhưng đôi khi nó khiến ta sống chậm lại, để nhìn ngắm và nghĩ suy nhiều hơn. Dân xứ này ít khi tất bật, hẳn một phần do đời họ phải gắn với những chuyến đò. Tôi thích cảm giác ngồi trên những chuyến đò chiều, nhìn dòng sông trôi và bóng ngày dần cạn. Tôi thầm nghĩ có khi dòng đời của mỗi chúng ta cũng giống như dòng sông, biết chắc chắn sẽ kết thúc thủy trình ở một nơi nào đó, nhưng đêm ngày vẫn miệt mài trôi chảy.

Gian hàng khóm Tắc Cậu.

2. Nếu bên kia sông là một thị trấn Minh Lương nhộn nhịp, thì bên này, Miệt Thứ trầm lắng nguyên sơ. Tôi ghé nhà một người dân ở ấp Rọc Lá để xin nước uống, tiện thể hỏi thăm đường. Người Miền Tây rất mến khách và tự nhiên, nên chuyện một người xa lạ được mời vào nhà uống trà, ăn cơm hoặc thậm chí là ngủ lại nếu lỡ đường là hết sức bình thường. Tôi hiểu điều này nên khi dì mời vào nhà uống nước, tôi không ngần ngại mà vô như nhà của mình vậy.

Tôi hỏi thăm dì về Miệt Thứ ngày xưa. Dì lặng yên một lúc rồi đưa tay chỉ cánh đồng trước mặt, xa xa có hàng cây che khuất mấy căn nhà lá. Dì nói nhà ba má ruột dì ở đó, chớ nhà này là nhà bên chồng. Hai nhà cách nhau chừng vài cây số, vậy mà hồi xưa dì lấy chồng suốt ba năm chưa được về thăm ba má. Một phần do đường sá đi lại cũng chẳng dễ, nhưng cái quan trọng nhất là định kiến của người xưa. Lấy chồng rồi đâu phải muốn đi đâu thì đi, về đâu thì về được. Dì kể như thế, mắt vẫn nhìn về phía hun hút hàng cây.

Dì nói ngày xưa làm thân con gái mà nghe lấy chồng Miệt Thứ là ai cũng sợ. Sợ thì sợ nhưng có người vẫn lấy vì đạo lý xưa kia cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, có người cũng vì tình yêu mà bất chấp nỗi cô quạnh nơi đất khách quê người:

Em yêu anh nên đành xa xứ

Xuôi ghe chèo Miệt Thứ Cà Mau

Dì nói với tôi, giọng trầm đều thổn thức như nói với chính mình, cơ hồ như ký ức cuộc đời dì tỉnh thức sau bao ngày tháng ngủ sâu. Dì mời tôi ở lại ăn cơm chiều, nhưng tôi cáo từ vì đã có hẹn.

Đêm ấy tôi ngủ lại nhà người quen ở Miệt Thứ. Dĩ nhiên, đến Miệt Thứ thì không thể thiếu những cuộc rượu. Tôi từng nghe nói người Miệt Thứ uống rượu mạnh lắm, khi ngồi chung mâm với họ, tôi mới biết lời đồn ấy không phải “hữu danh vô thực”. Dường như họ uống để trong khoảnh khắc nào đó quên đi nhọc nhằn, quên đi nỗi buồn hiện hữu? Ngà ngà say thì họ hát. Hát mộc mạc nguyên sơ tài tử: “Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đàng, vào ra luống trong tin chàng, năm canh mơ màng, em luống trông tin chàng, ôi gan vàng quặn đau í a...”. “Bông bần rụng trắng bờ sông, lấy chồng xa xứ khó mong ngày về...”. Lời ca khắc khoải rơi trong đêm vắng, rồi im bặt giữa một không gian tối tăm tĩnh mịch, chỉ còn tiếng côn trùng nỉ non, ai oán.

3. Từ khi có cây cầu bắc qua sông Cái Lớn, Miệt Thứ mới khởi sắc. Nếu xưa kia đi từ thành phố Rạch Giá xuống Miệt Thứ phải chèo ghe cả ngày trời, thì giờ đây xe chạy bon bon chừng hơn tiếng đồng hồ là tới. Dân Miệt Thứ cũng không còn cảnh heo hút trong nỗi sầu cô quạnh, trái lại nhiều hộ gia đình đã khá giả hẳn lên.

Cầu Cái Lớn.

Lần đầu chạy xe qua cầu Cái Lớn để về Miệt Thứ, khi xuống dốc cầu, tôi bất ngờ khi gặp hàng trăm cái trại nhỏ người ta dựng lên ven đường, để bán khóm (dứa). Khóm Tắc Cậu nổi tiếng ngon ngọt, thịt dày cùi nhỏ, ăn một lần là nhớ mãi. Em gái giấu gương mặt thanh tú sau vành nón lá, vừa gọt khóm cho tôi, vừa khoe như vậy. Em còn nói, dân dưới này trồng khóm xen với cau, cau ở trên khóm ở dưới, và thứ nào cũng ngon hết sẩy. Em nói hào hứng lắm, cứ như không nói kịp thì tôi chạy đi mất, em sẽ không biết nói với ai.

Nghe tôi nói đi Miệt Thứ, để xem Miệt Thứ có buồn như lời người ta vẫn đồn hay không. Em nói Miệt Thứ bây giờ đỡ buồn rồi, đường xá khang trang, xe cộ tấp nập mà xuồng ghe xuôi ngược trên các con kinh cũng nhiều. Em bán khóm chỗ này đã được hơn hai năm, mỗi ngày gặp gỡ hàng trăm người, thấy vui như ở chợ chớ đâu có giống cái chốn “khỉ ho cò gáy” như người xứ khác hay nói. Em còn bẽn lẽn khoe, ngày xưa ai cũng bảo lấy chồng Miệt Thứ khổ lắm, nhưng bây giờ được lấy chồng Miệt Thứ đôi khi lại sướng, vì “trên lúa dưới tôm”, người dân thì ai cũng chất phác nghĩa tình. Chuyện tình duyên thì không thể đoán trước được, nhưng dù sao em cũng chỉ muốn lấy chồng Miệt Thứ mà thôi. 

Mấy lời em nói khiến tôi nghĩ tới cô học trò của tôi ở Đại học An Giang mấy năm trước, nhà ở ngay Thứ Ba. Lúc cô còn chưa đủ tuổi đã có mấy chỗ mối lái dạm hỏi, nhưng cô kiên quyết từ chối. Cô không muốn lấy chồng sớm rồi sống lầm lũi ở quê nhà như bao thế hệ phụ nữ ở Miệt Thứ này. Ba cô kể, lúc đưa con lên thành phố trọ học đại học là chưa xây cầu Cái Lớn, đi gần cả ngày mới tới Long Xuyên (An Giang). Thuê phòng trọ rồi sắp xếp đồ đạc cho con gái xong, ba cô quay trở về quê mà rớt nước mắt, không biết con mình có trụ nổi nơi đất khách quê người. Nhưng rồi cô vượt qua bốn năm đại học một cách xuất sắc. Rồi cô còn lên Sài Gòn học tiếp để lấy bằng Thạc sĩ, và hiện giờ đang làm giảng viên tại một trường đại học ở thành phố, lấy chồng luôn trên ấy.

Nhớ lần ghé thăm nhà cô ở Thứ Ba, khi cô dọn mâm cơm ra, tôi thấy có một đĩa rau sống rất lạ, màu xanh nhạt và phần đầu xoăn lại như con cuốn chiếu. Hỏi ra mới biết đó là đọt choại, một loài rau dại thuộc họ dương xỉ, mọc nhiều ở miệt U Minh và Đồng Tháp Mười. Nhìn thân rau xù xì nhưng khi ăn vào thì giòn tan, ngọt thơm rất khó tả. Đọt choại có thể ăn theo nhiều cách, nhưng ngon nhất vẫn là ăn sống, chấm mắm kho đúng như lời cô em bán khóm ở Tắc Cậu đã nói.

Sau bữa cơm, ba của cô học trò dẫn tôi ra xem các vuông tôm nhà ông. Ông nói, mấy năm gần đây bà con miệt này chọn mô hình canh tác lúa xen với nuôi tôm, nuôi cua ngay trên mảnh ruộng ấy. Nhà ông sở hữu 10 công đất (1 công đất = 1.296m2), nhờ mô hình này mà trừ mọi chi phí mỗi năm dư cả trăm triệu. Dân Miệt Thứ bây giờ cũng nhờ vậy mà khấm khá dần lên. Mừng thêm nữa là khi có của ăn của để, người lớn càng quan tâm hơn đến chuyện học hành của con cái. Học đến bậc thạc sĩ, tiến sĩ thì hơi hiếm, chớ dân miệt này giờ cử nhân, kỹ sư nhiều lắm. Đó là điểm sáng giữa xứ sở cách đây không lâu còn tối tăm, nghèo khó. Rồi đây, lớp trí thức trẻ sẽ vực dậy vùng quê này, ông tin như thế.

Trương Chí Hùng

Đại úy Trần Văn Thông, Phó trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Qua công tác đấu tranh, phòng ngừa hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho thấy, các đối tượng hoạt động ngụy trang dưới nhiều hình thức mà thủ đoạn tinh vi nổi lên là cho vay bằng các hợp đồng giả cách, ủy quyền, hợp đồng mua bán tài sản...

Thay vì sớm hạ màn hành trình ở vòng bảng để tập trung hướng đến vòng bán kết, ĐT Việt Nam lại tự làm khó mình khi phải gồng lên giành kết quả thuận lợi ở lượt cuối trước Myanmar.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn “chạy án” đang diễn biến phức tạp trên nhiều địa phương khác trong cả nước. Tại Thừa Thiên Huế, thời gian qua, Công an tỉnh đã đấu tranh, triệt phá, bắt giữ một số đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn “chạy án”.

Thời tiết tại hầu khắp các tỉnh thành miền Bắc vào buổi sáng được dự báo có sương mù, trời rét với nền nhiệt ở mức 10-13 độ trước khi tăng lên mức 20-23 độ C khi đón nắng hanh vào trưa chiều.

Sự phối hợp hiệu quả giữa hai nước trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Những thành tựu này không chỉ khẳng định sự gắn kết sâu sắc giữa hai Bộ Công an mà còn góp phần làm bền chặt hơn nữa tình hữu nghị đặc biệt giữa hai quốc gia Việt Nam - Lào.

Ngày 19/12, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, thực hiện đợt cao điểm ra quân tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngay trong ngày đầu tiên của đợt ra quân, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Phú Thọ đã bắt giữ đối tượng vận chuyển ma tuý với số lượng lớn, ngụy trang trong các túi chè.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, ngày 21-22/12 dự kiến sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường mạnh, thời tiết miền Bắc chuyển nhiều mây, tuy nhiên nền nhiệt ban ngày vẫn trên ngưỡng 20 độ C, đêm giảm sâu, dao động quanh 10 độ C.

Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị "Công bố kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND năm 2024 và sơ kết 1 năm thực hiện phong trào thi đua cải cách hành chính trong lực lượng CAND 2024; sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09 ngày 29/3/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ANTT đến năm 2026, định hướng đến năm 2030", chiều 19/12.

Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội diễn ra ngày 19/12, các đại biểu chất vấn lãnh đạo các sở, ngành và địa phương của TP Hà Nội liên quan đến những vi phạm kéo dài trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn Hà Nội.

Ngày 26/12, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Chiều 19/12, tại trụ sở Đội chữa cháy và CNCH khu vực số 2, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội, chúng tôi gặp Trung tá Nguyễn Minh Đức, Phó đội trưởng Đội chữa cháy và CNCH khu vực số 2, người trực tiếp cùng tổ công tác tiếp cận các nạn nhân, đưa người bị thương xuống đất an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文