3 anh bạn người Việt gốc Hoa và giàn khoan Hải Dương 981

18:55 11/06/2014

"Trong công ty em, ngay cả giới chủ là người Trung Quốc - dù không nói ra nhưng em hiểu họ cũng không đồng tình với việc đưa giàn khoan vào biển Việt Nam vì ít nhiều gì, hành động ấy cũng làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc với thế giới…" - chị Mẫn, vợ anh Vương, nói.

1. Tôi có một số bạn người Việt gốc Hoa, tất cả đều sinh sống tại TP HCM. Có người làm nghề bán bánh bò, bánh tiêu, dầu cháo quẩy ở lề đường Hậu Giang, quận 6, có người là thợ cơ khí ngành in ở quận 11, có người là chủ một xưởng sản xuất bao bì giấy ở quận Bình Tân, là giám đốc một công ty xuất khẩu thủy hải sản ở quận 6 và cũng có người là "đại gia" trong ngành nhựa. Có người được sinh ra ở Trung Quốc hoặc theo cha mẹ từ Trung Quốc sang đây từ khi còn rất nhỏ nhưng cũng có người sinh đẻ tại Việt Nam và nếu không nghe họ nói tiếng Hoa thì có lẽ cả chục người như một, ai cũng nghĩ họ là người Việt.

Anh Chấn chẳng hạn, sinh ra, lớn lên tại Sóc Trăng trong một gia đình nghèo gốc Quảng Đông, Trung Quốc. Mười hai tuổi đầu, anh nghỉ học để phụ giúp gia đình bằng nghề bỏ mối nước đá cho các đại lý bia.

16 tuổi, dành dụm được ít vốn, Chấn sắm được chiếc xe gắn máy, cứ 3h sáng, anh xuống cảng Trần Đề, mua tôm cá, loại "hàng dạt" rồi 6 giờ, bán sang tay cho những người bán lẻ ở những chợ nhỏ, chợ cóc tại TP Sóc Trăng. Chấn nói: "Mặc dù gốc gác của tôi là người Hoa nhưng tôi luôn nghĩ mình là người Việt bởi lẽ tôi sinh ra trên đất Việt, quốc tịch Việt, vợ tôi người Việt, bạn bè tôi hầu hết là người Việt và bây giờ, bạn hàng của tôi cũng là người Việt".

Cần cù chịu khó, tích cóp làm ăn, dần dà Chấn vươn lên, trở thành một đầu mối thu mua thủy hải sản. Anh kể: "Năm 2000, tình cờ tôi gặp một người Trung Quốc tên Dương, từ Vũ Hán qua Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, tìm mua vỏ tôm để chiết xuất làm nang thuốc (thuốc viên con nhộng). Sau khi trò chuyện, Dương mời tôi sang Vũ Hán thăm xưởng sản xuất của anh, đồng thời bàn chuyện hợp tác".

Cũng chính từ chuyến đi này, Chấn quyết định thành lập công ty chuyên về xuất khẩu thủy hải sản vì theo anh, thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng những loại tôm, cá, mực, cua, ghẹ của Việt Nam, phương thức thanh toán lại linh hoạt, chủ yếu dựa trên chữ "tín".

Thế nhưng, việc nhà cầm quyền Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, mà Trung Quốc là một trong những nước đã ký kết, nhất là cuộc biểu tình ôn hòa biểu thị lòng yêu nước của công nhân ở Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai bị những đối tượng côn đồ lưu manh trà trộn, kích động, dẫn đến hậu quả rất nhiều công ty, xí nghiệp bị đập phá, bị hôi của khiến Chấn không khỏi phân vân.

Anh nói: "Tôi đã từng theo tàu đánh bắt ra vùng biển mà Trung Quốc đặt giàn khoan 981. Tôi khẳng định đó là biển Việt Nam, và ngư dân Việt Nam hàng trăm năm qua đã liên tục khai thác hải sản ở nơi này".

Trước đây, đối tác của Chấn ở Vũ Hán đã cử một cán bộ kỹ thuật tên Wei sang TP HCM để cùng Chấn kiểm tra chất lượng thủy sản xuất khẩu. Nhiều lần kiếm được con cá ngon, Chấn lại gọi tôi đến một quán ăn ở quận 11, nhờ đầu bếp chế biến thành vài món nhậu và lần nào cũng có Wei. Những lần đó, vốn là người ăn to nói lớn, Chấn cùng Wei oang oang trao đổi với nhau bằng tiếng Hoa. Vậy mà tối thứ sáu vừa rồi, khi Chấn mời tôi ra cái quán quen thuộc thì tôi thấy không khí có vẻ trầm lắng, cả Chấn lẫn Wei chỉ thì thầm nói chuyện chứ không ồn ào như trước.

Chấn cho biết khuya nay, Wei sẽ bay về Trung Quốc: "Sếp nó nghe tình hình ở Bình Dương, Hà Tĩnh nên gọi nó về". Tôi nhờ Chấn phiên dịch lại cho Wei, rằng Chính phủ Việt Nam đã cam kết bảo vệ tính mạng, tài sản cho tất cả những người nước ngoài đến đầu tư, làm ăn tại Việt Nam. Bọn cầm đầu kích động gây rối, đập phá, hôi của tại Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai đã bị bắt và sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Việt Nam không bao giờ cho phép lặp lại hiện tượng này thêm một lần nào nữa.

Wei nói: "Tôi thấy họ - ám chỉ nhà cầm quyền Trung Quốc - làm vậy là không đúng". Còn Chấn, anh cho biết: "Trước sự phản đối của chính phủ, của nhân dân Việt Nam và dư luận thế giới, tôi mong nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ hiểu ra, và giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế".

Bốn trong số các đối tượng kích động gây rối, đập phá, hôi của tại Khu Công nghiệp Bình Dương đã bị bắt.

2. Bạn người Việt gốc Hoa thứ hai của tôi là anh Lưu, bán bánh bò, bánh tiêu, dầu cháo quẩy ở lề đường Hậu Giang, quận 6. Thoạt đầu, tôi biết anh vì mỗi tuần 3 lần, trên đường đi làm về tôi đều ghé mua cho mẹ tôi, đã 86 tuổi, một cái bánh tiêu.

Một ngày gần đây, đang ngồi với mấy người bạn tại quán nhậu bình dân vỉa hè trên đường số 7, khu Bình Trị Đông quận Bình Tân thì bất ngờ, Lưu từ bàn bên kia cầm ly sang chào tôi: "Tôi thấy anh từ lúc anh mới bước vào. Sao mấy bữa nay anh không ghé mua bánh tiêu nữa?". Vừa ngạc nhiên lại vừa cảm động, tôi cho anh biết mẹ tôi đã rất yếu, không còn nhai được, rồi mời anh cạn ly.

Từ đó, tôi quen anh. Theo lời anh, gia đình anh làm nghề này đã ba đời: "Ông nội tôi lưu lạc từ Phúc Kiến, Trung Quốc sang đây. Hồi đó, sáng ông quẩy cái gánh, đi bộ từ nhà ra bến Bình Đông chiên bánh bò, dầu cháo quẩy, bán cho các ghe thuyền, cho công nhân ở những kho bên cạnh". Đến đời ba anh rồi đời anh, đều chọn nghề này làm kế mưu sinh.

Cuộc mưu sinh dẫu nhiều vất vả nhưng vợ chồng anh Lưu vẫn lạc quan. Anh cho biết hàng ngày, sau khi trừ đi mọi chi phí, vợ chồng anh kiếm được chừng 200 nghìn đồng. Trước việc nhà cầm quyền Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam trái phép, tôi hỏi anh nghĩ thế nào?

Anh nói: "Tôi ít học nhưng tôi biết người dân Trung Quốc và Việt Nam chẳng ai muốn có chiến tranh, xung đột. Tuy nhiên, nhà tôi, đất của tôi, tôi có chủ quyền. Ai mà đưa máy khoan vào rồi toan tính sẽ khoan ầm ầm trong đất nhà tôi là không xong với tôi đâu". Tôi cười: "Vậy anh sẽ làm gì?". Lưu đáp: "Đầu tiên, tôi giải thích, thuyết phục họ, chứng minh cho họ biết việc làm của họ là sai trái. Nếu họ không nghe mà cứ lấn tới, tôi sẽ mời tổ dân phố, mời chính quyền địa phương can thiệp, thậm chí tôi còn sẵn sàng kiện họ ra tòa".

Vẫn theo anh Lưu, sự việc vừa qua xảy ra ở Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai khiến anh rất buồn. Anh nói Việt Nam mình còn nghèo, và các công ty nước ngoài vào đây đầu tư làm ăn ngày càng nhiều đã chứng tỏ tình hình an ninh chính trị ổn định, mình có nguồn lao động dồi dào, đại đa số công nhân đều siêng năng, chịu khó: "Coi tivi, đọc báo, tôi thấy những kẻ bị bắt là những kẻ xăm trổ đầy người đã cùng đồng bọn la lối kích động, xúi giục lấy xe đạp của Công ty Asama ném vào lửa để… coi cho vui! Họ đâu phải là công nhân. Biểu tình bày tỏ lòng yêu nước mà lại mang theo bom xăng, mã tấu, gậy gộc, lại xúi giục, kích động người khác đập phá, cướp bóc. Những cái đó sẽ làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nên tôi mong luật pháp phải nghiêm trị".

3. Người bạn Việt gốc Hoa thứ ba của tôi là anh Vương, thợ sửa máy in. Gọi là thợ chứ thật ra anh đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa, có bằng kỹ sư ngành cơ khí chế tạo máy nhưng anh lại chọn cách làm ăn tự do. Cha mẹ anh Vương ở Hải Nam, Trung Quốc, sang Việt Nam từ năm 1944. Thoạt đầu, gia đình anh Vương đến Hải Phòng rồi lần hồi, họ phiêu bạt lên Hà Nội, vào Hội An và cuối cùng, họ chọn Sài Gòn làm chỗ nương thân. Cũng tại đây, ba má anh Vương gặp nhau và trở thành vợ chồng.

Ra trường được 3 năm, Vương lấy vợ. Vợ anh cũng là người Việt gốc Hoa, nguyên quán ở Quảng Tây, Trung Quốc, hiện là phiên dịch cho một công ty Trung Quốc ở Củ Chi. Tôi hỏi Vương có biết việc nhà cầm quyền Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam một cách trái phép là vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển hay không?

Vương đáp: “Nhà của tôi, ai muốn bước vô phải xin phép, phải được sự đồng ý của tôi. Nếu có một thằng cha nào đó, một bữa tự dưng đẩy xe nước mía đến nhà của tôi, rồi bày bàn, bày ghế ra bán thì dứt khoát tôi phải đuổi nó đi. Mình tôi đuổi chưa được thì tôi kêu vợ, kêu con, kêu hàng xóm láng giềng ra đuổi tiếp, đuổi tới khi nào nó đẩy xe nước mía đi chỗ khác". Chị Mẫn, vợ anh Vương, nói tiếp: "Trong công ty em, ngay cả giới chủ là người Trung Quốc - dù không nói ra nhưng em hiểu họ cũng không đồng tình với việc đưa giàn khoan vào biển Việt Nam vì ít nhiều gì, hành động ấy cũng làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc với thế giới…".

Quan điểm của 3 anh bạn người Việt gốc Hoa của tôi là như vậy đó. Và tôi mong nhà cầm quyền Trung Quốc cũng hiểu được điều này

Vũ Cao

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文