Ai đang “thêm lửa” ở sân sau của Nga?

06:39 24/07/2020
Từ nhiều ngày nay, đụng độ vũ trang diễn ra tại vùng biên giới hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Armenia và Azerbaijan. Azerbaijan cho hay, các lực lượng Armenia đã nã pháo vào các cứ điểm của nước này dọc biên giới chung. Bộ Quốc phòng Azerbaijan nêu rõ, “vụ tấn công” xuất phát từ vùng Tavush ở miền Bắc Armenia.

Quân đội Azerbaijan đã thực hiện “đợt phản công” tiêu diệt một cứ điểm, phá hủy các khẩu pháo và ô tô, đồng thời buộc lực lượng Armenia “phải rút lui”. Tuy nhiên, Armenia khẳng định, binh sĩ Azerbaijan đã bị đánh bật trở lại và chịu nhiều tổn thất. Giao tranh đã khiến 11 binh sĩ Azerbaijan và 1 dân thường thiệt mạng, trong khi phía Armenia có 4 binh sĩ thiệt mạng.

Trước tình hình này, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga đã kêu gọi hai quốc gia vùng Nam Kavkaz ngừng bắn ngay lập tức. Ngày 13-7, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố bày tỏ quan ngại, cho rằng xung đột vẫn tiếp diễn tại khu vực biên giới giữa hai nước láng giềng này, dẫn đến thương vong. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, việc leo thang căng thẳng hơn nữa, đe dọa tới an ninh khu vực là điều không chấp nhận được, đồng thời kêu gọi các bên đối địch kiềm chế và tuân thủ nghiêm ngặt lệnh ngừng bắn, cũng như khẳng định Moscow sẵn sàng có những hỗ trợ cần thiết để ổn định tình hình.

Cùng ngày, phát biểu với báo giới tại Moscow, Đại sứ Azerbaijan tại Nga Polad Bulbul-oglu tuyên bố, nước này có ý định lấy lại vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh và do đó, xung đột ở khu vực biên giới với Armenia có thể biến thành hành động chiến sự quy mô lớn.

Ngày 17-7, Tổng thống Nga đã triệu tập các thành viên Hội đồng An ninh quốc gia. Trong cuộc họp, ông Putin nhấn mạnh ‘‘cần phải khẩn cấp duy trì thỏa thuận ngừng bắn’’ và đề xuất khả năng Nga đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc đụng độ đang tái bùng phát giữa Armenia và Azerbaijan. Armenia là quốc gia láng giềng với Nga. Tại Gyumri, thành phố lớn thứ hai của Armenia, có một căn cứ quân sự Nga. Trước đó ít ngày, Erevan đã thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới, với rất ít thay đổi, nhằm siết chặt quan hệ với Moscow. Tuy nhiên, Nga cũng có quan hệ tốt với Azerbaidjian.

Nguồn gốc của xung đột giữa hai quốc gia vùng Nam Kavkaz này là vùng Nagorno-Karabakh. Nagorno-Karabakh vốn là vùng sinh sống của người Armenia từ xa xưa. Các cuộc xung đột giữa hai bên đã diễn ra từ năm 1988 và kéo dài nhiều năm sau đó. Ngày 6-1-1992, vùng này tuyên bố độc lập từ Azerbaijan. Sau 6 năm chiến tranh ác liệt, cả hai phía đều đã sẵn sàng ký lệnh ngưng bắn và trả lại hiện trạng cũ cho Nagorno-Karabakh. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, với sự trung gian của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) do Nga, Mỹ và Pháp làm đồng chủ tịch, xung đột vẫn thường xuyên xảy ra tại đây.

Tổng thống Nga Putin đề xuất Nga làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.

Kể từ năm 2008, hai bên đã tổ chức nhiều cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải. Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan diễn ra ròng rã từ những năm 1990 đến nay, đã khiến khoảng 30.000 người chết.

Câu hỏi đặt ra tại sao xung đột lại xảy ra vào thời điểm này? Liệu cuộc giao tranh là một mặt trận mới trong cuộc đọ sức giữa hai cường quốc khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga? Armenia lệ thuộc nhiều vào nước Nga cả về mặt kinh tế lẫn quân sự. Còn đối với Azerbaijan thì Moscow là một nguồn cung cấp vũ khí quý giá.

Về phía Nga thì giữ được ảnh hưởng của mình đối với cả hai nước láng giềng trong vùng nhạy cảm Nam Kavkaz, với hai vị trí chiến lược mở ra vùng biển Caspi và Hắc Hải. Sau hai cuộc chiến Tchetchnia, nhiều mạng lưới thánh chiến Hồi giáo đã về đóng đô ngay tại khu vực này. Thêm vào đó Armenia và Azerbaijan lại có đường biên giới chung với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Gruzia, Tchetchenia và cách không xa hai điểm nóng khác là Syria và Iraq.

Với Ankara, Erevan không quên là tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thừa nhận trách nhiệm trong vụ thảm sát cách nay vừa đúng một thế kỷ nhắm vào người dân Armenia. Đây là một trong những lý do khiến Armenia đã cố tình ngả vào vòng tay của Nga. Về phía Azerbaijan, trên phương diện văn hóa, quốc gia này gần với Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù là Bakou vẫn cần mua vũ khí của Nga và giữ một thế cân bằng giữa hai ông khổng lồ khu vực này. Có điều, từ tháng 11-2015 quan hệ giữa Ankara và Moscow đã xấu đi nghiêm trọng, sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga ở Syria và hiện nay hai nước vẫn đang ngầm đối đầu ở Syria và Libya.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Gaidz Minassian, Học viện quân sự Paris, giao tranh tại biên giới Nagorny-Karabakh liên quan trực tiếp đến hiềm khích giữa Thổ và Nga. Mặc dù vậy ông Minassian cho rằng còn quá sớm để khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã khuyến khích Azerbaijan khiêu khích Armenia để chọc gậy bánh xe Tổng thống Putin, vào lúc chủ nhân Điện Kremlin đang được thuận buồm xuôi gió cả ở trong nước (với khả năng sẽ nắm quyền thêm 2 nhiệm kỳ nữa nhờ sửa đổi hiến pháp) và trên trường quốc tế.

Có điều khi các cường quốc trên thế giới phải lên tiếng vì một xung đột mang tính khu vực, điều đó chứng tỏ là giao tranh vì một vùng đất chưa đầy 12.000 cây số vuông có thể vượt ngoài tầm kiểm soát của tất cả các bên. Điều này tất nhiên không chỉ ảnh hưởng tới an ninh và ổn định của khu vực Nam Kavkaz mà còn cả thềm lục địa châu Âu.

Giới phân tích cho rằng, cuộc xung đột bùng phát trở lại giữa Armenia và Azerbaijan là cơ hội cho Mỹ khuấy động vùng Nam Kavkaz - vốn được xem là sân sau chiến lược của Nga bởi Mỹ đã chính thức quay trở lại Nam Kavkaz, sau một thời gian dài “ủy nhiệm” cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Ankara không mang lại kết quả như kỳ vọng của Washington. Trong một động thái có liên quan, Bộ Ngoại giao Nga ngày 15-7 yêu cầu Gruzia (một quốc gia cũng ở vùng Nam Kavkaz) chấm dứt các hành động khiêu khích ở các khu vực biên giới với Nga, Abkhazia, Nam Ossetia và kêu gọi Tbilisi đối thoại với Moscow về việc xâm nhập biên giới bất hợp pháp từ phía Gruzia.

Theo TASS, đáng chú ý là trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Nga cũng gửi thông điệp tới Washington, vì theo Moscow, những gì xảy ra tại các khu vực biên giới giữa Gruzia với Nga, Abkhazia và Nam Ossetia có “bàn tay của người Mỹ”. 

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Lễ hội vật cầu nước (hay vật cầu bùn) được tổ chức 4 năm 1 lần tại làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) từ ngày 12-15/4 Âm lịch. Bộ Văn hoá Thể thao &Du lịch đã trao bằng công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.

Vụ cháy xảy ra tại nhà cho thuê trọ cao 9 tầng, địa chỉ số 269 phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khu vực xảy ra cháy ở trong trục kỹ thuật điện thông tầng từ tầng 5 đến tầng 9 của công trình, nên đã phát sinh nhiều khói, khí độc hại.

Vào dịp nghỉ cuối tuần, dòng người đổ về TP Hải Phòng đông nườm nượp, du khách hào hứng vừa trải nghiệm “foodtour Hải Phòng”, vừa chụp ảnh “check in”, đặc biệt dưới sắc màu rực cháy của hoa phượng đỏ tháng 5.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文