Ấn Độ - Pakistan: Xung đột sẽ đi đến đâu

10:01 07/03/2019
Bất chấp việc Islamabad thả viên phi công Ấn Độ bị quân đội Pakistan bắt trong đợt giao tranh ngày 27-2 tại vùng Kashmir đang có tranh chấp, chính quyền New Delhi vẫn coi vụ thả người này là chưa đủ để làm giảm căng thẳng giữa hai nước. Câu hỏi đặt ra: Đâu là lằn ranh đỏ của Ấn Độ trong cuộc xung đột với Pakistan hiện nay?

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan gia tăng từ ngày 14-2 khi tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammed tấn công một đoàn xe bán quân sự của Ấn Độ tại Kashmir, phía do Ấn Độ kiểm soát, khiến khoảng 40 người chết. New Delhi tấn công trả đũa, đến hôm 27-2, Pakistan thông báo bắn hạ 2 chiến đấu cơ của Ấn Độ.

Sự gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia Nam Á sở hữu vũ khí hạt nhân đã khiến cả thế giới lo ngại và lên tiếng kiềm chế. Ngày 2-3, phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết Tổng Thư kí LHQ Antonio Guterres sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai bên, nếu được yêu cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tỏ ý hy vọng là hai bên sẽ bình tĩnh trở lại và Washington đang giúp hai bên thoát khỏi khủng hoảng. Nga cũng tuyên bố sẵn sàng hòa giải hai bên, trong lúc Trung Quốc kêu gọi xuống thang tranh chấp.

Tại New York, ngày 27-2, ba nước Anh, Pháp và Mỹ đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt thủ lĩnh nhóm Jaish-e-Mohammad ở Pakistan, đã lên tiếng tự nhận là tác giả vụ khủng bố tại Kashmir, châm ngòi cho cuộc xung đột Ấn Độ - Pakistan hiện nay.

Vụ tấn công khủng bố ở vùng Kashmir ngày 14-2 là nguồn cơn gây căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan.

Tối 1-3, Pakistan đã thả viên phi công Ấn Độ bị bắt. Thủ tướng Pakistan Imran Khan một lần nữa nhắc lại đề nghị thương thuyết với New Delhi, sẵn sàng cho mọi đối thoại về vấn đề khủng bố và tất cả các vấn đề khác. Ông Imran Khan cho biết, việc thả phi công Ấn Độ, Trung tá Abhinandan Varthaman, là một cử chỉ hòa bình.

Nhưng, người đứng đầu Chính phủ Pakistan cũng cảnh báo: “Mong muốn giảm leo thang của chúng tôi không nên được hiểu là một sự nhượng bộ. Ấn Độ phải biết rằng chúng tôi sẽ buộc phải phản ứng mạnh mẽ với bất kỳ hành động nào của Ấn Độ trong tương lai”.

Khi được Pakistan phóng thích, Trung tá Abhinandan Varthaman được người dân Ấn Độ coi là người hùng của đất nước nhưng chính quyền New Delhi coi cử chỉ hòa bình của Islamabad là chưa đủ. Ấn Độ vẫn yêu cầu Pakistan phải có những biện pháp cứng rắn nhắm vào nhóm khủng bố đã giết hại hơn 40 quân nhân Ấn Độ ngày 14-2 vừa qua.

Để đáp lại yêu cầu này, Thủ tướng Imran Khan trách cứ Ấn Độ là đã có hành vi đàn áp ở vùng Kashmir - bên phía Ấn Độ kiểm soát, để bác bỏ mọi đòi hỏi của Pakistan về chủ quyền tại vùng lãnh thổ này. Đây là cách Thủ tướng Imran Khan phủ nhận trách nhiệm của Pakistan trong cuộc khủng hoảng.

Câu hỏi được nhiều tờ báo Pháp đặt ra: “Leo thang căng thẳng quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ đi đến đâu? Dù Ngoại trưởng Ấn Độ phát biểu không muốn leo thang quân sự nhưng tờ Le Figaro dẫn lời ông Ajai Sahni, Giám đốc Viện Vì giải pháp cho các cuộc xung đột (ở New Delhi), cho biết: “Ấn Độ không thể chấp nhận đề xuất (đàm phán của Pakistan sau khi nước này bắt được một phi công Ấn Độ), việc này sẽ khiến New Delhi mất mặt”. Chuyên gia Sahni cho rằng quan hệ ngoại giao hai nước sẽ thêm căng thẳng nhưng ông loại trừ mọi khả năng chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân.

Đúng như dự báo, một ngày sau khi Ấn Độ thấy sự nhượng bộ của Islamabad là chưa đủ, đụng độ gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan tại vùng Kashmir. Vào sáng 2-3, hai bên vẫn đấu pháo dọc theo Đường ranh giới kiểm soát (LoC) phân định 2 vùng do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát, tức biên giới thực tế ở khu vực Kashmir đang bị tranh chấp.

Cuộc đấu pháo diễn ra trong vài giờ sau khi ông Varthaman được thả nhưng sau đó dừng lại trong đêm. Ít nhất 7 người chết ở cả hai bên do pháo bắn qua lại. Kể từ khi tái bùng phát khủng hoảng giữa hai nước, ít nhất 12 thường dân ở hai bên biên giới bị sát hại. Tại toàn bộ khu vực Kashmir, dân cư đều phải tìm nơi trú ẩn, trong lúc xe cộ bị cấm qua lại trên các trục đường chính.

Phi công Ấn Độ Abhinandan được Pakistan trả tự do ngày 1-3 tại Wagah, Pakistan, vùng biên giới giữa hai nước.

Sự leo thang căng thẳng đến mức nguy hiểm này được truyền thông quốc tế cho là do một phần lỗi từ phía truyền thông Ấn Độ, mặt khác là do nước này đang tiến hành cho cuộc tổng tuyển cử nên việc khích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa được cho là chiêu bài của chính quyền.

Ấn Độ có hơn một trăm kênh truyền hình về thời sự. Việc các kênh cạnh tranh nhau dẫn đến chỗ bên nào cũng muốn gây ấn tượng hơn để câu khách. Mà, chủ nghĩa dân tộc là điều quyến rũ nhiều khán giả nhất tại một đất nước đã từng có 4 cuộc chiến tranh với Pakistan và thường xuyên phải chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố. Vấn đề là: chủ nghĩa này đang cản trở các nhà báo đặt câu hỏi với quân đội hay các giới chức chính trị về các lý do cũng như hệ quả của các đụng độ Ấn Độ - Pakistan.

Ngoài ra, vào thời điểm chỉ còn 2 tháng nữa là đến kỳ bầu cử quốc hội, chính quyền Ấn Độ có thể muốn lợi dụng sự trào lưu chống Pakistan của cử tri để tái đắc cử. Tuần trước, Thủ tướng Pakistan từng cảnh báo, các cuộc tấn công của Ấn Độ có mục tiêu phục vụ bầu cử trong nước. Ông Imran Khan cho biết một vài tuần trước cuộc tổng tuyển cử, New Delhi đã nhân rộng các sáng kiến ngoại giao để cô lập nước láng giềng Pakistan, đồng thời gia tăng hoạt động quân sự để thu hút lá phiếu cử tri.

Trong một thông tin có liên quan, ngày 3-3, Mỹ cho biết đang điều tra xem liệu có phải Pakistan đã dùng máy bay chiến đấu F-16 mua của Mỹ để tấn công một chiến đấu cơ của Ấn Độ hay không. Theo Reuters, nếu đúng thì việc đó vi phạm các thỏa thuận với Mỹ. Một phát ngôn viên quân đội Pakistan tuần trước bác bỏ tuyên bố của Ấn Độ rằng Pakistan đã sử dụng chiến đấu cơ F-16 sản xuất ở Mỹ để bắn hạ một chiếc máy bay chiến đấu Mig-21 của Ấn Độ tại khu vực tranh chấp Kashmir.

Dù Pakistan bác bỏ việc dùng F-16, nước này không cho biết đã sử dụng máy bay nào, theo Reuters, nó trông giống với chiếc JF-17 do Trung Quốc thiết kế và sản xuất.

Mộc Thạch (tổng hợp)

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文