Ấn Độ - Trung Quốc: Ngoại giao ngăn họng súng

16:33 30/08/2017
Ngày 28-8, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết nước này và Trung Quốc đã nhất trí rút quân khỏi khu vực cao nguyên Doklam mà Bắc Kinh gọi là Đông Lãng, nơi hai nước xảy ra căng thẳng trong suốt hơn 2 tháng qua. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng xác nhận binh sĩ Ấn Độ đã bắt đầu rút khỏi khu vực biên giới tranh chấp. Rõ ràng, dùng họng súng nói chuyện đang làm mất đi cơ hội hợp tác của hai người “khổng lồ”.

Không để “rồng” - “voi” đại chiến

Tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, trong những tuần qua, Ấn Độ và Trung Quốc đã duy trì các kênh trao đổi ngoại giao liên quan tới tình hình căng thẳng tại Doklam. Trên cơ sở này, hai bên đã nhất trí "rút ngay lập tức binh lính triển khai tại đây, và công tác này đã bắt đầu được triển khai".

Phát biểu với báo giới Trung Quốc tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, đánh giá cao diễn biến tích cực trên, đồng thời cho hay binh lính Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tuần tra tại khu vực. Động thái hòa hoãn được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) sẽ diễn ra tại Trung Quốc trong tháng tới. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ tham dự sự kiện này.

Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu hồi tháng 6 khi binh sĩ Trung Quốc mở rộng một con đường đi qua cao nguyên chiến lược Doklam/Đông Lãng. Đây là một điểm giao cắt 3 nước Ấn Độ - Trung Quốc - Bhutan, đồng thời là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan. Cuối cùng, nhờ ngoại giao, ngòi nổ đã được tháo. Không có trận đấu nào giữa “rồng” (Trung Quốc) và “voi” (Ấn Độ). Bình yên đang dần quay trở lại trên dãy Himalaya.

Thủ tướng Ấn Độ N.Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Zee News.

Chỉ ít ngày trước, căng thẳng quân sự Trung - Ấn vẫn bế tắc. Phát biểu trước hàng nghìn người có mặt tại Pháo đài Đỏ ở thủ đô New Delhi nhân kỷ niệm quốc khánh lần thứ 70, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thậm chí còn khẳng định New Delhi có đủ khả năng tự vệ trước mọi mối đe dọa nhằm vào lãnh thổ nước này. Thủ tướng Modi nhấn mạnh an ninh là ưu tiên hàng đầu.

Ấn Độ đã điều động 2.500 quân thuộc lực lượng dã chiến tinh nhuệ, đem theo trang bị vũ khí hạng nặng và tên lửa chống tăng, mở tuyến đường tiếp tế, nâng cao năng lực tác chiến tại khu vực rừng núi; mua sắm nhiều vật tư tiếp tế hậu cần như đạn dược và lều bạt. Ngoài ra, phía Ấn Độ còn điều động máy bay trực thăng quân sự đến gần khu vực biên giới và có kế hoạch xây dựng sân bay tạm thời tại Bhutan.

Trong khi đó, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thành lập Ban chỉ huy tiền tuyến, lực lượng bảo đảm an ninh khu vực biên giới đặt trong tình trạng chuẩn bị chiến tranh cấp 1, cấp cao nhất trong 4 cấp độ chuẩn bị chiến tranh của PLA. Đồng thời, PLA cũng điều động một lực lượng lớn đến khu vực cao nguyên, mà trong phạm vi phòng ngự của Chiến khu miền Tây, PLA đã điều động và bố trí vũ khí hạng nặng, bao gồm lựu pháo 05A cỡ nòng 155mm và xe tăng bánh lốp kiểu 09.

Lực lượng dự bị tuyến 2 cũng đã được tập kết, máy bay chiến đấu của không quân được lệnh di chuyển, lực lượng tên lửa được đưa vào vị trí sẵn sàng khai hỏa. Các nhà quan sát quân sự Trung Quốc cho biết hiện nay cả khu vực tiền duyên Tây Tạng bị bao trùm bởi không khí chiến tranh. PLA liên tiếp tổ chức các cuộc diễn tập bắn đạn thật.

Trong thế “đạn đã lên nòng, cung đã cài tên”, chiến sự có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, các nỗ lực ngoại giao của Ấn Độ nhằm chấm dứt bế tắc quân sự với Trung Quốc đã vấp phải rào chắn là những tuyên bố hùng hồn trên truyền thông Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, nước này sẽ không từ bỏ một phần lãnh thổ nào. Nhiều người lo ngại khủng hoảng giữa hai nước có thể bị “kéo lê” vào hội nghị thượng đỉnh các quốc gia BRIC, do Trung Quốc chủ trì vào tháng 9 tới. 

Khi sức mạnh quân sự, tuyên truyền được đem ra phô diễn tới đỉnh điểm, các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn. Cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tháng trước đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ để không cho phép các bất đồng từ lâu giữa 2 nước trở thành các xung đột.

Giới chức Ấn Độ cho biết các nhà ngoại giao của 2 nước đang lặng lẽ cố gắng đảm bảo thế bế tắc gần đường biên giới giữa 3 nước Ấn Độ, Bhutan và Trung Quốc không leo thang thành xung đột.

Một nguồn tin trong Chính phủ Ấn Độ biết rõ về các cuộc đàm phán nhạy cảm tiết lộ với hãng tin Reuters rằng, ở hậu trường, Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc đang đi đầu trong nỗ lực tìm cách đưa 2 bên rút khỏi thế đối đầu tại cao nguyên Doklam mà không bị mất thể diện. Trong khi đó, trước công luận, 2 bên gần như không nói gì về hoạt động ngoại giao nhạy cảm này.

Phát biểu trước Quốc hội hôm 20-7, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nói: “Chúng tôi mong muốn 2 bên rút quân và giải quyết vấn đề bằng đối thoại”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ N.Modi tại nhà tưởng niệm cố Thủ tướng Mahatma Gandhi. Ảnh:  Rediff.com.

Và như Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj phát biểu: Chiến tranh không giải quyết được vấn đề. Biện pháp khôn ngoan là cần giải quyết các vấn đề theo con đường ngoại giao. Bà còn cho biết thêm, Chính phủ Ấn Độ không chỉ thương lượng về vấn đề Doklam mà còn đàm phán cả về quan hệ song phương với Trung Quốc. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rất tự tin khi nói rằng Ấn Độ và Trung Quốc không nổ súng trong vòng 40 năm nữa. Chủ tịch Tập Cận Bình dường như cũng không muốn có xung đột quân sự vào năm ông chủ trì Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chiến tranh biên giới Trung - Ấn sẽ làm hỏng ngoại giao, xóa đi hình ảnh hòa bình, quan điểm hài hòa trong nước và hài hòa giữa các quốc gia mà ngoại giao Trung Quốc đang ra sức thể hiện ra bên ngoài.

Quá lớn để đổ vỡ

Căng thẳng kéo dài hơn một tháng qua giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới hai nước đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 5-8 trong chuyến công du tại Myanmar cũng tuyên bố biện pháp duy nhất giải quyết xung đột Ấn Độ - Trung Quốc hiện nay là đối thoại.

Ông Narendra Modi tuyên bố: “Môi trường thế giới thế kỷ XXI tương đối hòa bình và các nước cùng dựa vào nhau, đồng thời cũng phải đối mặt với một loạt thách thức như chủ nghĩa khủng bố và biến đổi khí hậu. Nhưng tôi tin rằng, thông qua truyền thống lâu đời nhất của châu Á là đối thoại và biện luận, tất yếu sẽ tìm được biện pháp giải quyết”.

Tháng 5-2015, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng nói: “Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ châu Á, và điều này phụ thuộc chủ yếu vào những thành tựu mà Ấn Độ và Trung Quốc có, cũng như những gì chúng ta làm được cùng nhau”. Giới lãnh đạo hai nước nhất trí rằng việc cả Ấn Độ và Trung Quốc cùng vươn lên trở thành các cường quốc trên thế giới và trong khu vực sẽ đem lại lực đẩy lớn cho mục tiêu thế kỷ châu Á.

Trong tuyên bố chung năm đó, New Delhi và Bắc Kinh khẳng định “hai bên cần có những động thái tích cực, tôn trọng và thấu hiểu những lo ngại, lợi ích và mục tiêu của nhau để cùng hóa giải bất đồng, hạn chế những mâu thuẫn trong việc thúc đẩy các mục tiêu về phát triển và an ninh”.

Câu hỏi đặt ra là liệu mối quan hệ song phương này có đang phát triển theo đúng hướng mà họ đã tuyên bố hay không? Ấn Độ và Trung Quốc đứng giữa hai lựa chọn: “Hợp tác hay cạnh tranh”. Hợp tác sẽ giúp thúc đẩy hòa bình, ổn định và cải thiện đáng kể bức tranh kinh tế khu vực, đồng thời tạo động lực cho sự hội nhập của toàn bộ châu Á.

Những vấn đề chung mà cả hai nước cùng đối mặt như cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, các mục tiêu đảm bảo phát triển công bằng và bình đẳng, quản lý và duy trì luật pháp, vấn đề nhân khẩu học, làn sóng di cư giữa nông thôn và thành thị, dòng người lao động và việc làm, biến đổi môi trường và khí hậu,... có thể là những nội dung mà hai bên có thể tìm kiếm sự hợp tác một cách hiệu quả. Trong khi đó, đối đầu chỉ cản trở hai nước trước các mục tiêu mà họ đã đề ra, làm leo thang căng thẳng và thù địch, xói mòn lòng tin mà giới lãnh đạo cả hai nước đều cam kết xây dựng và củng cố.

Với những ràng buộc của lịch sử và những diễn biến không ngừng thay đổi trong bối cảnh hiện nay, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc có thể sẽ là một sự giao thoa giữa hợp tác và cạnh tranh. Việc hai bên có thể giải quyết mối quan hệ này cũng như kiềm chế đối phương như thế nào sẽ tác động đáng kể tới “những giấc mơ” mà họ theo đuổi, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ tới sự ổn định của khu vực, của thế giới cũng như các mục tiêu phát triển nói chung.

Thực tế Ấn Độ và Trung Quốc có rất nhiều khả năng và cơ hội hợp tác, đặc biệt là qua hàng loạt diễn đàn đa phương. Gần đây nhất có thể kể đến là Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO) vừa diễn ra tháng 6-2017 ở Astana (Kazakhstan), nơi Ấn Độ chính thức trở thành thành viên mới của khối.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc đã khẳng định mong muốn “duy trì phối hợp và hợp tác với Ấn Độ trong các lĩnh vực quốc tế và khu vực”. Hai nước hiện cũng đang là thành viên của Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của nhóm BRICS, hay Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và nhiều tổ chức khác. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Ấn Độ trong các lĩnh vực như chế tạo máy móc, phát triển phần mềm, marketing, thuốc men, thương mại số, sản xuất, bảo hiểm và nghiên cứu - phát triển.

Có thể nói, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc là một mối quan hệ rất phức tạp, gồm cả những yếu tố tích cực và tiêu cực. Điều mà hai nước cần rút ra sau những gì diễn ra là: với tư cách các cường quốc đang nổi, họ cần phối hợp với nhau, giải quyết bất đồng, cạnh tranh lành mạnh và hóa giải những mâu thuẫn về lợi ích theo cách mang tính xây dựng nhất có thể. Bởi điều này không chỉ có lợi cho hai nước, mà còn cho cả khu vực và thế giới nói chung.

Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới chung hai nước. Ảnh: India TV.

Đánh giá về tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, các nhà phân tích nhận định, cuộc đối đầu ngay dưới chân dãy Himalaya hiện nay không chỉ gây căng thẳng chính trị cho hai “người khổng lồ” châu Á, mà còn đe dọa kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng và thương mại toàn cầu của Bắc Kinh.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu Trung Quốc vẫn giữ cách tiếp cận vấn đề một cách cứng rắn với Ấn Độ như hiện nay thì sẽ làm phức tạp thêm vấn đề và khả năng cao là Ấn Độ sẽ rút lại lời đồng ý tham dự vào kế hoạch thương mại lớn của Trung Quốc, dẫn đến việc một số dự án đường sắt cao tốc trong sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc sẽ phải hoãn lại hoặc bị loại bỏ.

Đối với Trung Quốc và Ấn Độ, hai trong số các thị trường lớn nhất thế giới, việc thúc đẩy thương mại và ủng hộ chính sách thương mại mở chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy mở cửa thương mại toàn cầu và hạn chế tình trạng bảo hộ thương mại. Theo giới chuyên gia, thứ nhất các chính sách kinh tế đối ngoại mở của Ấn Độ sẽ là một động lực quan trọng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có chiều hướng gia tăng trên thế giới.

Thứ hai, hiện Trung Quốc và Ấn Độ đều có lập trường và quan điểm chung về nhiều vấn đề quốc tế, nếu cùng chung tay hợp tác, hai nước này có thể thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế thế giới, thúc đẩy cân bằng thương mại toàn cầu cũng như mang lại hòa bình và thịnh vượng cho thế giới.

Tuy nhiên, hai nước cũng là đối thủ đáng gờm của nhau trong cuộc đua về công nghệ, vốn... và cạnh tranh chiến lược ở cấp độ toàn cầu, khu vực. Nirupama Rao, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc nói: “Trận chiến lớn hơn về cơ bản là cuộc cạnh tranh đầy chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc nhằm giành lấy ảnh hưởng và không gian chính trị ở châu Á và nhiều khu vực khác trên thế giới”.

Cuộc gặp các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) năm 2017 sắp diễn ra từ ngày 3 đến 5-9 tại Hạ Môn. Rõ ràng, khi Hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức tại Trung Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ có nhiều thứ “được” cần bàn hơn là mất đi những thứ không đáng mất mà hai nước vừa trải qua.

Huyền Hoa

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文