Bầu cử giữa nhiệm kỳ Quốc hội Mỹ: Đòn trừng phạt?

12:35 12/11/2014

Mặc dù đem lại mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, cùng với tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 14 năm trở lại đây, nhưng đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama vẫn bị các cử tri trừng phạt trong cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 4/11. Có phải người dân Mỹ vô hậu và… vô ơn?

Một ban cố vấn trung thành nhưng chưa đủ tài giỏi

Bầu cử giữa kỳ thường mang đến thay đổi cán cân quyền lực trong Quốc hội nhưng kết quả lần này là thất bại lớn đối với đảng Dân chủ: mất toàn bộ quyền kiểm soát tại lưỡng viện Quốc hội. Sự thất bại của đảng Dân chủ nói chung và cá nhân Tổng thống Obama nói riêng là hoàn toàn có thể giải thích được.

Các chuyên gia cho rằng, cùng với thời gian, khuyết điểm của Tổng thống Barack Obama càng rõ nét. Lãnh đạo hành pháp Mỹ có tài hùng biện, nhưng “nói thì quá nhiều, mà làm thì quá ít”. Nhược điểm thứ nhì của ông Obama là trong nhiệm kỳ hai, ban cố vấn cho Tổng thống Mỹ là những người trung thành với ông chứ không phải là những chuyên gia thực sự có tài trong những lĩnh vực mà họ được chọn để giúp ông lèo lái vận mệnh đất nước.

Cụ thể hơn chính sách an ninh và đối ngoại của Mỹ dưới sự điều hành của hai cộng tác viên rất trung thành với ông Barack Obama là bà Susan Rice và John Kerry đã bị chỉ trích dữ dội.

Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Obama đã thất bại thảm hại, từ Trung Đông đến Nga-Ukraina. Rất nhiều ưu tiên ngoại giao mà Tổng thống Mỹ từng hùng hồn loan báo đều đã thất bại, mà nặng nề nhất có lẽ là hồ sơ Trung Đông, với cuộc tranh chấp Israel - Palestine.

Vào lúc nhậm chức, ông Obama từng cam kết giải quyết trong một năm. Nhưng mục tiêu hai nhà nước Israel và Palestine cùng song song tồn tại vẫn rất xa vời, tiến trình Israel xâm chiếm các vùng đất trên nguyên tắc là của người Palestine vẫn tiếp tục, Dải Gaza nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người Palestine vẫn là một nhà tù lộ thiên to lớn do chính sách phong tỏa của Israel, thậm chí mùa hè vừa qua, quân đội Do Thái còn mở cuộc tấn công, sát hại hơn 2.000 người, phá hủy 15% nhà cửa...

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong buổi họp báo tại Nhà Trắng, ngày 5/11/2014.

Iraq là một thất bại lớn thứ hai. Việc ông Obama cho rút quân quá sớm khỏi nước này vào năm 2010, là một lỗi lầm nặng ngang ngửa với quyết định tấn công Iraq của ông W. Bush vào năm 2003. Và khi phải can thiệp chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã ngóc đầu dậy từ khi người Mỹ rút đi, ông Obama lại phạm sai lầm khi công khai báo trước cho kẻ thù rằng, sẽ không có vấn đề can thiệp trên bộ. Tại vùng Trung Đông, chính sách của Mỹ còn gặp khó khăn tại Syria, tại Ai Cập.

Còn ở châu Âu, đường lối gọi là “khởi động lại quan hệ với Nga” cũng thất bại vì Obama chưa từng tự hỏi ông Putin là người thế nào. Kết quả là ngoại giao Mỹ-Nga lâm vào bế tắc. Tại Ukraina, ông Obama đã để cho các nhà ngoại giao của mình công khai ủng hộ những người biểu tình trên quảng trường Maidan chống lại một Tổng thống được bầu lên một cách hợp pháp. Nước Mỹ lại có thái độ coi nhẹ Liên minh châu Âu trong việc giải quyết khủng hoảng bùng lên, và đã phá vỡ một khả năng thỏa hiệp với Nga ngày 21/4/2014.

Thành công hiếm hoi của Tổng thống Mỹ Obama lại là ở châu Á, với việc ông đã biết cách nói chuyện với Trung Quốc, xây dựng được một tiến trình đối thoại, vừa mang tính chất tôn trọng lẫn nhau, vừa duy trì thái độ kiên quyết cần thiết.

Nhưng công bằng mà nói, ông Barack Obama dù thất bại về an ninh và ngoại giao nhưng lại có công rất lớn trong các vấn đề đối nội. Ngày 31/10, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, GDP quý III của nước này đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp nối đà tăng 4,6% trong quý II, qua đó ghi nhận 6 tháng tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Chi tiêu công tăng và thâm hụt thương mại thu hẹp là hai yếu tố chính thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong quý III.

Cụ thể, nhập khẩu giảm bất chấp việc đồng USD tăng giá đã thu hẹp sự mất cân bằng thương mại. Trong khi đó, chi tiêu công, đặc biệt chi cho quốc phòng đã tăng tới 4,6% - mức tăng mạnh nhất kể từ quý II/2009.

Đảng Cộng hòa ăn mừng chiến thắng sau cuộc bầu cử ngày 4/11.

Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trung bình trong tháng 10 giảm xuống còn 281.000 đơn, ghi nhận mức thấp nhất hơn 14 năm. Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ là S&P 500, Nasdaq và Dow Jones cũng đã đồng loạt tăng điểm ngay sau hai thông tin tích cực này.

Vậy thì điều gì khiến ông Obama bị cử tri trừng phạt? Báo Libération của Pháp cho rằng, “người Mỹ đã không biết ơn người đã mang tăng trưởng trở lại cho nước Mỹ, hạ thấp mức thất nghiệp, và lại càng không cảm tạ ông về chế độ bảo hiểm y tế Obamacare".

Theo tờ báo, cử tri Mỹ cho rằng ông Obama quá tính toán, do dự trong các vấn đề quốc tế khiến vai trò “sếp sòng” của Chú Sam bị suy giảm dưới thời Tổng thống Obama. Nếu lý giải theo các này thì phải chăng người dân Mỹ thích vị tổng thống của họ phải tỏ ra hiếu chiến hơn chăng? Nhưng nếu như người dân Mỹ trừng phạt ông G.W.Bush vì đã đẩy đất nước vào chiến tranh liên miên từ Iraq đến Afghanistan thì nay họ lại trách Obama quá “mềm yếu”. Thật là khó chiều lòng các cử tri Mỹ!

Khi Obama “bị trói chân tay”

Hai năm còn lại ngồi trong Nhà Trắng, ông Obama sẽ bị trói tay. Tổng thống Mỹ vốn bị khống chế quyền lực bởi Quốc hội và sẽ càng mất uy thế khi Quốc hội nằm dưới quyền kiểm soát tuyệt đối của đảng đối thủ. Nhiều nghị trình của Tổng thống phải điều chỉnh bởi sự thay đổi quyền lực sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Bất chấp những tuyên bố trấn an dư luận sau bầu cử rằng, đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn sẽ phối hợp ăn ý trong các quyết sách của đất nước nhưng thiên hạ chưa quên vụ đóng cửa chính phủ hồi năm ngoái do những bất đồng của hai đảng này về chi tiêu ngân sách. Đấy là hồi đó đảng Dân chủ của ông Obama còn nắm quyền kiểm soát Thượng viện chứ đừng nói như bây giờ! Nhiều tờ báo ở Mỹ đang bình luận rằng tâm lý của ông Obama hiện giờ là “làm nốt cho xong” hai năm cuối nhiệm kỳ.

Ngày 5/11 vừa qua, Chủ tịch Hạ viện, dân biểu đảng Cộng hòa John Boehmer, đã lên tiếng nhắc nhở Tổng thống Obama là trong hai năm cuối cùng của nhiệm kỳ, nên đưa ra các quyết định phản ánh quan điểm của cả hai đảng. Hồ sơ nhập cư – một vấn đề nhạy cảm và mang tính biểu tượng – sẽ nhanh chóng cho thấy rõ quan hệ căng thẳng giữa Nhà Trắng và các nghị sĩ ở Thượng viện và Hạ viện Mỹ.

Sau khi trì hoãn một lần, ông Obama đã tuyên bố là từ nay đến cuối năm sẽ có quyết định về hồ sơ này, vì không thể tiếp tục ngồi chờ đợi ý kiến Quốc hội. Để làm được điều này Tổng thống có thể mở rộng quyền hành pháp, điều hành qua các nghị định. Các tổng thống Mỹ thông thường dè dặt sử dụng quyền này trong nhiệm kỳ đầu, kể cả trong 6 năm đầu tiên, bởi vì họ luôn luôn hy vọng đạt được đồng thuận với nghị viện.

Trong lĩnh vực đối ngoại, cho đến hết nhiệm kỳ Tổng thống, ông Obama sẽ phải bận tâm với hai vấn đề lớn: Đó là cuộc khủng hoảng Ukraina và IS tại Iraq và Syria. Tuy nhiên, ông vẫn có hy vọng đạt được kết quả cụ thể trên 3 vấn đề quan trọng khác, trước khi rời Nhà Trắng: Thỏa thuận về hạt nhân với Iran, ký kết hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, bao gồm 12 nước (không có Trung Quốc) và một thỏa thuận trên phạm vi thế giới đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, vào cuối năm 2015, nhân Hội nghị tại Paris.

Trên mỗi vấn đề này, Tổng thống Obama sẽ phải vất vả tìm kiếm sự đồng thuận của Nghị viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và điều này có thể thúc đẩy nguyên thủ Mỹ bỏ qua Nghị viện và ban bố nghị định. Ví dụ, việc phê chuẩn thỏa thuận về khí hậu đòi hỏi phải có sự chấp thuận của 2/3 số thượng nghị sĩ. Đây là điều bất khả trong hoàn cảnh hiện nay và chính quyền Obama có thể sẽ sử dụng một thủ tục pháp lý khác để vượt qua rào cản này.

Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, trong chính sách đối nội hoặc đối ngoại, không nên vội vã sớm tổng kết nhiệm kỳ của ông Obama, vì “ông còn hai năm để thể hiện dấu ấn của mình”.

Mặt khác, theo các chuyên gia, mặc dù chiến thắng trong bầu cử giữa kỳ nhưng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016 thì đảng Cộng hòa vẫn sẽ thua. Vì tới nay đảng này vẫn chưa tìm ra đồng thuận về người đại diện cho đảng này để ra tranh cử, trong lúc bên phía đảng Dân chủ thì mọi chuyện đã an bài. Ứng cử viên của đảng này sẽ là bà Hillary Clinton. Cử tri Mỹ lại có khuynh hướng bỏ phiếu cho một biểu tượng.

Sau khi đã đưa người Mỹ da màu đầu tiên vào Nhà Trắng, trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới, cử tri Mỹ sẽ cho một phụ nữ ngồi vào chiếc ghế tổng thống?

Mộc Thạch (tổng hợp)

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文