Brexit liệu có đúng hẹn?

12:25 28/08/2017
Chính phủ Anh đã công bố hai tài liệu, một về các thỏa thuận hải quan trong tương lai với Liên minh châu Âu (EU) và một là về vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland và CH Ireland. Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis cũng khẳng định sẽ đưa ra những chi tiết cụ thể về mối quan hệ trong tương lai mà Anh muốn có với EU, đề ra những giải pháp sáng tạo và tham vọng để xây dựng một mối quan hệ đối tác đặc biệt và sâu sắc với những nước láng giềng và đồng minh thân thiết nhất...

Theo ông David Davis, Anh sẽ nêu rõ quan điểm của mình nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán, đảm bảo rằng London có thể xóa tan những hoài nghi và đang thực sự đạt tiến triển quan trọng trong các cuộc đàm phán Brexit trước tháng 10 tới, để hai bên có thể thực sự bắt đầu các cuộc thảo luận về mối quan hệ trong tương lai. Những tài liệu về lập trường của Anh phác thảo chiến lược đàm phán trong những vấn đề then chốt liên quan tới Brexit cũng như mối quan hệ trong tương lai với 27 nước thành viên EU.

Ngoài ra, trong một tài liệu khác, Anh còn kêu gọi đưa các điều khoản về dịch vụ hàng hóa vào các cuộc đàm phán Brexit, nhấn mạnh rằng đây là cách duy nhất để bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp khi Anh rời khối. Anh cho rằng thời gian không còn nhiều, bởi vậy cả hai bên đều sẽ không có lợi khi phải đàm phán về một vấn đề gì đó tới hai lần.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, vẫn còn những câu hỏi lớn chưa có lời giải. Cả Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Liam Fox, hai nhân vật đại diện cho hai lập trường khác nhau trong nội các Anh, đã có một tuyên bố chung, trong đó đề xuất một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài từ nay tới khi các luật lệ lâu dài về việc xử lý mối quan hệ với EU có hiệu lực, nhằm tránh các tác động tiêu cực.

Tuy cả ông Fox và ông Hammond đều khẳng định rằng Anh sẽ rời khối thị trường chung và liên minh hải quan, và cùng nhất trí rằng tiến trình ra đi này cần thêm thời gian, song họ lại không nói cụ thể quá trình ấy sẽ kết thúc thế nào.

Nhiều câu hỏi đang được đặt ra. Trước hết là liệu quá trình chuyển tiếp này có đúng là giai đoạn để người ta bắt đầu làm quen với thỏa thuận cuối cùng, hay đây thực chất chỉ là cách Anh “câu giờ” nhằm có thêm thời gian đàm phán về thỏa thuận? Đội ngũ đàm phán của Anh dường như tin chắc rằng họ có thể đạt thỏa thuận vào tháng 3-2019.

Dự kiến vòng đàm phán thứ 3 tập trung tìm cách thực hiện một Brexit suôn sẻ và theo trình tự.

Trong khi đó, nhiều quan chức EU lại cho rằng ngay cả khi hai bên đã đồng thuận về các điều khoản ra đi ở thời điểm đó, thì việc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do vẫn cần nhiều thời gian hơn. Giới doanh nghiệp nói rằng họ chỉ có thể chuẩn bị các phương án kinh doanh khi các thỏa thuận cuối cùng đã ngã ngũ. Hiện vẫn chưa rõ các quy định có được giữ nguyên trong giai đoạn chuyển tiếp này hay không.

Trong khi tài liệu về lập trường của Chính phủ đối với vấn đề thuế quan nhấn mạnh mục tiêu là tránh chồng chéo các quy định thuế, Anh vẫn chưa xác định rõ bằng cách nào để họ có làm được điều này nếu họ thực sự rời khỏi liên minh thuế quan và thị trường đơn nhất. Các doanh nghiệp có 18 tháng để làm quen với những thay đổi tương đối nhỏ trong các quy định về hải quan và 4 năm để làm quen với những quy định quan trọng hơn. Chính phủ sẽ cần nhiều thời gian hơn để vận hành hệ thống hải quan theo đúng trình tự.

Tuy nhiên, việc thiếu rõ ràng trong các đề xuất khiến người ta có thể phải chuẩn bị cho kịch bản không có bất kỳ thỏa thuận nào. Nhiều người cho rằng chậm nhất là vào mùa thu năm nay các doanh nghiệp phải được rõ về kế hoạch để có thể chuẩn bị cho mùa xuân 2019, và điều này khiến các cuộc đàm phán nếu diễn ra trong hai tháng tới đứng trước nhiều áp lực.

Quá trình chuẩn bị cho các cuộc đàm phán Brexit của Anh bị xem là “lúng túng” và “kỳ cục” do những luồng quan điểm trái chiều và mâu thuẫn trong chính nội các Anh. Chính phủ Anh muốn duy trì lập trường rời khỏi khối thị trường chung và liên minh hải quan song lại muốn giữ lại càng nhiều lợi ích càng tốt.

Với những điều kiện chưa rõ ràng về tiến trình đàm phán, EU phải dành nhiều thời gian và công sức cho tiến trình ra đi của một nước thành viên trung tâm, sau khi Anh hoàn thành quá trình thành lập chính phủ tại London. Tiến trình này diễn ra rất không đúng thời điểm, trong một tình hình thế giới khó có thể tồi tệ hơn đối với châu Âu - một phần do mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương xấu đi - và nó đang làm rung chuyển tận gốc liên minh.

Theo luật, tiến trình ra đi phải được hoàn tất trong 2 năm kể từ khi điều 50 của Hiệp ước Lisbon được kích hoạt, mà theo tình hình hiện nay điều này có nghĩa là Anh và EU phải ký kết được một thỏa thuận vào tháng 3-2019, để tránh một kịch bản tiềm tàng là sự chia tay lộn xộn không có thỏa thuận nào. Trong trường hợp thời gian đàm phán không được kéo dài (quyết định kéo dài thời gian đàm phán phải được Hội đồng châu Âu thông qua), hai bên chỉ có khoảng thời gian chưa đầy 2 năm cho tiến trình ra đi.

Kết quả của cuộc đàm phán, mà ở đây là thỏa thuận ra đi, phải được Nghị viện châu Âu và quốc hội các nước thành viên EU thông qua. Việc sắp xếp lại nhân sự tại Hạ viện Anh đã đẩy lùi thời điểm bắt đầu các cuộc đàm phán và cũng không giúp xây dựng một bầu không khí thảo luận tích cực giữa Anh và EU, do tâm lý căng thẳng trong chiến dịch tranh cử.

Hai bên hoàn toàn không thể đàm phán tất cả các điểm một cách toàn diện, với kết quả khiến cả hai bên hài lòng, trong thời gian còn lại sau khi quá trình đàm phán chính thức bắt đầu vào ngày 19-6. Trong tiến trình gồm 2 bước do Ủy ban châu Âu đề xuất, trước hết những nền tảng của một hiệp định chuyển giao phải được củng cố, trong khi đối với phần còn lại của tiến trình đàm phán, một điều cần lưu ý là không điều gì được thống nhất trước khi tất cả mọi việc được thống nhất.

Việc này có thể kéo dài trong nhiều năm và xung đột là điều không thể tránh: Trong khi Anh muốn bắt đầu các cuộc thảo luận thương mại với các nước thứ 3 song song với các cuộc đàm phán Brexit, đây lại là điều cấm kị đối với Brussels, chừng nào Anh theo luật vẫn là thành viên của EU. Khi xét tới những khác biệt này cũng như quy mô và tính phức tạp của vấn đề, khó có thể dự đoán tiến trình đàm phán sẽ kéo dài trong bao lâu cho tới khi có được một thỏa thuận thương mại giữa EU và Anh như là cốt lõi của hiệp ước ra đi.

Bảo Trân (tổng hợp)

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文