Căng thẳng Mỹ - Iran: Vừa đấm vừa xoa

12:20 08/07/2019
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục bị đẩy lên những nấc thang mới. Washington tăng cường lực lượng và củng cố sức mạnh quân sự ở Trung Đông trong khi Iran dù tuyên bố theo đuổi "chiến lược kiên nhẫn" nhưng cũng đã có các bước đi ngày càng cứng rắn để bảo vệ chủ quyền.

Bất chấp nhiều nỗ lực ngoại giao và sáng kiến hòa giải từ nhiều phía, căng thẳng Mỹ - Iran sẽ khó lắng dịu mặc dù người ta vẫn muốn tránh nói đến một cuộc xung đột vũ trang.

Trong một thông cáo được gửi đến các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vào ngày 1-7, Iran cho biết nước này đã chính thức triển khai thủ tục giải quyết tranh cãi về Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), từ ngày 10-5-2018, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận từng được xem là giúp giải quyết tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran với sự tham gia của Mỹ, Iran, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga...

Quá trình giải quyết tranh cãi về thỏa thuận hạt nhân có thể diễn ra trong 65 ngày, trừ phi các bên nhất trí kéo dài thêm. Cùng ngày, IAEA đã xác nhận tuyên bố của Iran rằng nước Cộng hòa Hồi giáo đã vượt qua lượng urani làm giàu mà họ được phép sở hữu theo quy định nêu trong JCPOA.

Kể từ khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt vào năm ngoái, theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi tháng 4, Iran phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát 37,2%, đồng nội tệ của Iran đã mất 2/3 giá trị và nền kinh tế được dự báo sẽ sụt giảm 6%. Khả năng ông Trump tái đắc cử tổng thống vào năm 2020 cũng là mối quan ngại lớn của chính quyền Tehran.

Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Mỹ, ở Iran không diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ. Trên thực tế, vì những lý do lịch sử, người dân Iran có khả năng chịu đựng tuyệt vời trước những khó khăn của cuộc sống hằng ngày. Tầng lớp trung lưu thành thị có học thức, cho dù rất thất vọng vì Tổng thống Hassan Rouhani nhưng họ không muốn Iran chìm vào hỗn loạn như ở Iraq hay Syria.

Tháng 5-2019, một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran đã quyết định chấm dứt chiến lược "kiên nhẫn". Chiến lược mới của Iran là chứng minh rằng các quốc gia đã ký kết thỏa thuận hạt nhân có thể thiệt hại lớn nếu họ tiếp tục không có động thái gì trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Do vậy, kế hoạch của Iran là cứ sau 2 tháng lại thực hiện những biện pháp nhằm thoát dần khỏi thỏa thuận hạt nhân, và Iran sẽ ngừng quá trình này khi thấy tình hình kinh tế của đất nước họ được cải thiện. Rõ ràng, chiến lược này của Iran trước tiên nhằm mục đích thúc đẩy các nước châu Âu phải có trách nhiệm thúc đẩy trao đổi thương mại với Iran.

Kĩ thuật viên tại cơ sở hạt nhân Isfahan của Iran.

Trong suốt thời gian này, các nước châu Âu đã đề nghị Iran cần kiên nhẫn, tôn trọng thỏa thuận và hứa hẹn thiết lập một cơ chế thương mại để tiếp tục hợp tác làm ăn với Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu trước các lệnh trừng phạt của Mỹ là một vấn đề nan giải đối với các chính phủ châu Âu.

Thậm chí, châu Âu bị đánh giá là có phần trì trệ khi mà cơ chế Instex (nhằm hỗ trợ trao đổi thương mại không sử dụng đồng USD với Iran) vẫn chưa đi vào vận hành. Mặt khác, các nước châu Âu khó có thể đối đầu trực diện với Mỹ trong vấn đề này bởi lợi ích cố hữu của châu Âu là quan hệ với nước Mỹ.

Iran đang cho thấy các hành động của Mỹ sẽ gây nhiều tổn hại, không chỉ với Iran mà còn đối với toàn bộ khu vực, dù là thị trường năng lượng hay năng lực quân sự của Mỹ bị xáo trộn, đồng thời lưu ý rằng Iran đã xác định "lá bài kiên nhẫn chiến lược" không có tác dụng. Iran sẽ không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân trong khi các lệnh trừng phạt được áp dụng.

Chính việc Iran từ chối đàm phán với Mỹ đã khiến chính sách gây sức ép của ông Trump rơi vào “ngõ cụt”. Ông chủ Nhà Trắng cũng có những hành động “vừa đấm vừa xoa”, khi một mặt sẵn sàng đề nghị đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết với Tehran, trong khi vẫn lớn tiếng đe dọa sẽ xóa sổ Iran.

Thế khó của ông Trump là những thách thức trong việc xây dựng một liên minh toàn cầu để chống lại Iran. Khi Iran vượt qua ngưỡng urani làm giàu, châu Âu vội vàng đưa ra kênh giao dịch thương mại thay thế để ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của JCPOA.

Trong những bối cảnh này, một sự cố hay một tính toán sai lầm của Mỹ hay của Iran có thể dẫn đến một chuỗi nguy cơ. Trong trường hợp nổ ra xung đột với Iran, hỏa lực áp đảo của Mỹ có thể chiếm ưu thế trong giai đoạn đầu, song Iran và các đồng minh khu vực sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đối với toàn bộ khu vực trong một thời gian dài. Các tên lửa của phong trào vũ trang Hezbollah đã sẵn sàng nhắm vào Israel, các nhóm dân quân thân Iran ở Iraq cũng sẽ không ngần ngại nhắm vào căn cứ quân sự của Mỹ ở quốc gia này.

Theo báo cáo, một số cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô nhỏ nhằm vào các đơn vị quân đội Mỹ đã diễn ra ở Iraq thời gian gần đây. Bên cạnh đó, các lực lượng quân sự Mỹ ở Afghanistan cũng sẽ là mục tiêu mà các đồng minh của Iran hướng tới nếu kịch bản xung đột quân sự xảy ra.

An ninh ở Vùng Vịnh là an ninh của thế giới và nếu Iran chọn leo thang tình hình, đó sẽ là tác động tiêu cực tổng thể - giá dầu sẽ tăng vọt, giá vàng và thương mại thế giới cũng sẽ bị đe dọa rất lớn

Tuy nhiên, các đồng minh châu Âu của Mỹ, ngoại trừ Anh, đã từ chối ủng hộ những nỗ lực chống Iran của Washington. Trong cuộc họp gần đây của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, Bỉ, Pháp đã cảnh báo Mỹ không được kéo liên minh này vào các nhiệm vụ quân sự chống Iran.

Trên bình diện Trung Đông, chỉ có hai đồng minh thân cận của Washington ở Vùng Vịnh là Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thể hiện quan điểm công khai ủng hộ Mỹ.

Sách lược của ông Trump hiện tại có lẽ là “chờ đợi và quan sát” những động tĩnh tiếp theo của Iran. Nhưng đối với Iran, chính sách ưu tiên của nước này là tiếp tục đẩy lùi những sức ép, tìm cách buộc Mỹ tái thực thi những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. 

Bất chấp những khác biệt về chiến lược, Iran là một “nút thắt” quan trọng trong chiến lược Syria của Nga. Với Trung Quốc, Iran là một đối tác tiềm năng trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh. Nga và Trung Quốc chắc chắn không muốn chứng kiến Mỹ kiểm soát Iran cũng như nguồn dầu mỏ phong phú của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Nam Sơn

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文