Chìa khóa thống nhất đảo Síp nằm trong tay ông Erdogan

14:15 16/01/2017
Một nỗ lực lịch sử nhằm chấm dứt sự chia cắt đảo quốc Síp đã thật sự diễn ra từ ngày 9-1-2017, với việc hai lãnh đạo của cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ và gốc Hy Lạp đã gặp nhau để thống nhất việc nối lại đàm phán tái thống nhất trước thềm một hội nghị đa phương về vấn đề này lần đầu tiên được tổ chức với sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

Cuộc gặp hôm 9-1 giữa hai ông, Anastasiades (lãnh đạo cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp) và Mustafa Akinci (lãnh đạo cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ) là lần gặp “chung kết”, thực chất đầu tiên sau một tiến trình thương lượng chuẩn bị căng thẳng giữa đại diện hai cộng đồng. Hai ông Anastasiades và Akinci sẽ cùng nhau xem xét bản đồ phân chia vùng đất của hai bên và bàn bạc phương án điều tiết về lãnh thổ một cách chan hòa nhất trước khi giải quyết dứt điểm vấn đề gai góc nhất về an ninh.

Trước các cuộc gặp, tân Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã gọi những cuộc gặp diễn ra trong tuần lễ này là “cơ hội lịch sử” cho Síp. Còn ở thủ đô Nicosia, các quan chức cả hai bên vùng đệm (phân cách hai miền của đảo Síp) đều gọi đây là “cơ hội tốt nhất và cuối cùng” để giải quyết những gút mắc gây chia sẽ giữa hai cộng đồng. Giới chuyên gia thì bảo những cuộc đàm phán này là “đoạn kết” cuộc chơi, là “đoạn kết của đoạn kết” - như giáo sư Hubert Faustmann ở Đại học Nicosia nhận xét.

Ngày 12-1, các quốc gia bảo trợ đàm phán tái thống nhất gồm Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh (cựu thực dân bảo hộ đảo Síp) đã gặp nhau để bàn bạc các vấn đề về an ninh và sự hiện diện của quân đội trong một quốc gia liên bang Síp tương lai. Đây là những vấn đề then chốt để đảm bảo không tái diễn sự kiện năm 1974.

Ông Anastasiades và ông Akinci đều thể hiện quyết tâm cho những nỗ lực tái thống nhất đã khiến giới quan sát an tâm, mở ra hy vọng tái thống nhất thật sự. Cả hai đều tỏ ra ôn hòa, bày tỏ mong muốn giải quyết rốt ráo những lấn cấn xung quanh các di sản văn hóa chung ở thành phố Limassol.

Hai nhà lãnh đạo Nicos Anastasiades và Mustafa Akinci tại cuộc gặp hôm 9-1-2017.

Vào thời điểm châu Âu và cả thế giới đang bất ổn chưa từng có trên nhiều phương diện, người ta đang rất cần có một “tin tốt lành” đến từ bất cứ đâu, trong đó có Síp. Từ Washington đến Ankara, mọi người đều nhận thức rằng một thỏa thuận tại Síp sẽ mang lại sự ổn định chung cho một khu vực rộng lớn hơn. Việc người Hy Lạp, người Thổ Nhĩ Kỳ, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo cùng nhau hợp tác, chung sống hòa bình ở góc nhỏ đông nam châu Âu sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ và là một chỉ dấu cho hy vọng.

Cuối tuần trước, các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Anh đã cùng nhìn nhận rằng một sự thỏa thuận dàn xếp giữa hai cộng đồng sẽ tạo tiền đề tốt cho năm 2017, trong đó hai bên có thể đạt được một giải pháp nhằm tạo bước chuyển biến làm thay đổi cuộc chơi. Trong một tuyên bố sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cuối tuần trước, Phố Downing nói rằng cả hai nhà lãnh đạo đều nhìn thấy các cuộc đàm phán sẽ tạo ra “cơ hội đích thực để đảm bảo một tương lai tốt hơn cho Síp và đảm bảo sự ổn định trong khu vực”.

Một động lực khác thúc đẩy tiến trình đàm phán là việc phát hiện các trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở Đông Địa Trung Hải và viễn cảnh tương lai đảo Síp có thể trở thành trung tâm năng lượng từ đó dầu và khí đốt có thể được bơm thẳng vào cung cấp cho châu Âu.

Tuy nhiên, bởi vì các cuộc đàm phán hòa bình từng trồi sụt nhiều lần trước đây, cho nên có nhiều ý kiến cho rằng nếu lần này lại thất bại thì mọi nỗ lực tái thống nhất đảo Síp sẽ sụp đổ hoàn toàn và mãi mãi. Các nhà phân tích đã bày tỏ quan ngại rằng trong trường hợp đàm phán thất bại, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ thực hiện động thái thôn tính phần miền bắc Síp, nơi Ankara hiện vẫn đang duy trì lực lượng hơn 40.000 quân kể từ năm 1974.

Khi đó, Hy Lạp đã tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ nhà lãnh đạo người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, buộc Ankara phải đưa quân đội vào miền bắc Síp để ngăn chặn Athens thực hiện âm mưu sáp nhập Síp vào Hy Lạp. Theo quy ước, quốc gia bảo trợ cho Síp có quyền can thiệp quân sự, và Thổ Nhĩ Kỳ hiện không muốn từ bỏ quyền này.

Đối với đảo Síp, việc đàm phán hòa bình từ lâu đã không còn là chuyện dễ dàng, không còn diễn ra trong không khí chan hòa nữa, mà đã trở thành những thời khắc nhọc nhằn của một tiến trình đầy khó khăn, khổ ải nhằm giải cho được mớ bòng bong rối rắm.

Hiện cả hai bên đang khẩn trương làm việc trên tinh thần “không có gì được thỏa thuận cho đến khi mọi việc được đồng ý thông qua”. Giới chức hai bên đều tỏ ra lạc quan một cách thận trọng. Bất kỳ thỏa thuận nào cũng đều phải được đưa ra trưng cầu dân ý ở cả hai cộng đồng, khi đó tính rủi ro sẽ khá cao. Lần cuối cùng một thỏa thuận như thế được đưa ra trưng cầu dân ý là vào năm 2004, trong đó người gốc Thổ Nhĩ Kỳ (thiểu số) ủng hộ, trong khi người gốc Hy Lạp (đa số) thì bác bỏ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nắm chìa khóa thành công của đàm phán tái thống nhất đảo Síp.

Việc thuyết phục người gốc Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận giao đất để cho khoảng 90.000 người Síp gốc Hy Lạp bị mất nhà cửa trong sự kiện 1974 quay trở về nhà của họ là vấn đề cốt lõi của mọi thỏa thuận. Ngược lại, người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ, viện dẫn tình trạng bạo lực sắc tộc kể từ sau khi giành độc lập, bảo lưu quan điểm rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nên được duy trì trên đảo Síp để bảo vệ họ một khi có xung đột xảy ra, trong khi người Síp gốc Hy Lạp lo ngại rằng quân đội Thổ tiếp tục ở lại trên đảo Síp thì an ninh của họ cũng sẽ không bao giờ được đảm bảo.

Liên minh châu Âu (EU) phản bác rằng việc Síp là thành viên EU đã đủ để bảo đảm an ninh cho người Síp rồi, cho nên các bên không cần phải lo về việc này, nhất là việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kiếm cớ để duy trì quân số trên đảo Síp.

Cho đến nay, việc đàm phán đều xoay quanh các vấn đề như quản lý điều hành, chia sẻ quyền lực chính trị, kinh tế và EU. Nhưng phần lớn sự thành công của đàm phán được cho là sẽ phụ thuộc vào Tổng thống Erdogan. Cho đến nay, ông Erdogan đã thể hiện quan điểm mềm dẻo, linh hoạt hơn so với các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trước đây, nhưng không ai có thể bảo đảm ông sẽ tạo thuận lợi hơn cho đàm phán, vì Erdogan nổi tiếng là một người khó đoán trước.

Trương Hùng (tổng hợp)

Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei phê chuẩn Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber làm quyền Tổng thống Iran, sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi qua đời vì tai nạn trực thăng.

UBND TP Hà Nội đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ có biện pháp quản lý nhà nước về hoạt động khai thác cát trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu Công an TP Hà Nội và các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn, phát hiện, điều tra xử lý nghiêm hành vi khai thác cát, khoáng sản trái phép.

Đối tượng đó là Phạm Khắc Dũng (SN 1984, HKTT tại số 98/455 đường Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Liên quan đến vụ án trên, ngày 20/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Dũng về hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản”.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lương Tam Quang trao tặng lẵng hoa và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới chư tôn đức trong Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN và toàn thể tăng, ni, phật tử một mùa Phật đản an lạc, cát tường.

Sáng 20/5, TAND tỉnh Lào Cai mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Vịnh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai), bị cáo Doãn Văn Hưởng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai) cùng 15 bị cáo khác trong vụ án: “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến hành vi khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng Apatit .

Ngày 20/5, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với Lường Văn Nam (SN 1992, ở tại Xuân Hòa, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) để điều tra về hành vi “Cướp giật tài sản”. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文