Chủ tịch Trung Quốc thăm Pakistan: Gia tăng ảnh hưởng tại Nam Á

18:25 27/04/2015
Ngày 20/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Pakistan, mang theo khoản hỗ trợ tài chính để đầu tư cho nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng và năng lượng, được giới quan sát đánh giá là lớn hơn rất nhiều so với mức mà Mỹ có thể đề xuất cho đồng minh chiến lược này. Động thái này cho thấy Trung Quốc đang từng bước gia tăng ảnh hưởng, dần dần thay thế Mỹ tại khu vực Nam Á.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Pakistan là một sự kiện được đón nhận theo một góc độ chưa từng có tại quốc gia này. Trong chuyến thăm đầu tiên của mình, đồng thời là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc đến Pakisan sau gần một thập niên, Chủ tịch Tập Cận Bình được đón tiếp với tư thế là nguyên thủ quốc gia một cường quốc mới, đặc biệt là trong bối cảnh nước này đang cố khuếch trương thanh thế cho Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB).

Hải cảng Gwadar là một trong những hạng mục trọng yếu của tổng dự án CPEC trị giá 46 tỉ USD.

Trong khi uy tín nước Mỹ trong khu vực đang sụt giảm mạnh sau cuộc chiến hơn 12 năm tại Afghanistan và nhất là những trục trặc khá nghiêm trọng trong mối quan hệ chiến lược với Pakistan trong thời gian gần đây, thì việc Chủ tịch Trung Quốc đến Pakistan cũng là muốn khẳng định rằng Trung Quốc có thể tạo sự khác biệt đối với quốc gia láng giềng thân thiện, như ông Tập Cân Bình đã phát biểu trước chuyến thăm: “Đến Pakistan như thể đến thăm nhà một người anh em ruột”. Còn Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif thì nói: "Tình bạn với Trung Quốc là cột mốc trong chính sách đối ngoại của Pakistan. Hôm nay, chúng tôi có kế hoạch cho tương lai”.

Vậy tương lai đó là gi? Trước chuyến đi, ông Tập Cận Bình đã viết một bài xã luận đăng trên báo chí Pakistan, có đoạn: “Chúng ta cần hình thành một cấu trúc hợp tác “1+4”, lấy Hành lang Kinh tế làm trung tâm và hải cảng Gwadar, năng lượng, cơ sở hạ tầng và hợp tác công nghiệp là 4 lĩnh vực then chốt thúc đẩy sự phát triển Pakistan và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân Pakistan”.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất của chuyến thăm là gói đầu tư dự án tổng hợp mang tên Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), trị giá 46 tỉ USD. Tại Islamabad hôm 20/4, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã cùng thực hiện nghi thức nhấn nút động thổ từ xa qua video cho 5 dự án nằm trong gói đầu tư CPEC, trong đó bao gồm dự án trị giá 1,4 tỉ USD xây dựng một con đập lớn gần Islamabad.

Gói đầu tư CPEC bao gồm nhiều tiểu dự án thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau, từ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cấp các tuyến đường sắt cho đến hỗ trợ xây dựng nhà máy điện. Đây là gói đầu tư lớn nhất mà Trung Quốc trao cho Pakistan. Theo The Wall Street Journal, các dự án con này đều được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc, và được cấp kinh phí thông qua kế hoạch đầu tư hoặc bằng vốn vay ưu đãi của Bắc Kinh. Phần lớn các dự án được triển khai sớm, với giá trị đầu tư gần 28 tỉ USD, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018, các dự án còn lại sẽ hoàn tất vào năm 2030.

Trong các dự án đầu tư theo kế hoạch, thì dự án tuyến đường sắt và đường bộ từ cảng Gwadar trong biển Arập của Pakistan đến thị trấn Kashgar thuộc khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc là dự án quan trọng nhất, bao gồm các hạng mục xây dựng hải cảng Gwadar.

Dự án mang tên Hành lang Kinh tế này đi xuyên qua tỉnh Baluchistan của Pakistan tạo thành một tuyến đường tắt vận chuyển hàng hóa từ châu Âu vào Trung Quốc, hạn chế việc phải đi đường vòng qua eo biển Malacca ở Đông Nam Á. Lợi ích của tuyến đường tắt này rõ ràng là vô cùng lớn, xét về mặt kinh tế lẫn địa chính trị.

Giới quan sát nhìn nhận việc Chủ tịch Trung Quốc “ôm giỏ tiền” hàng chục tỉ USD sang đầu tư cho Pakistan, ngoài mục đích chiến lược về kinh tế, chính trị, còn có những dụng ý khác. Pakistan đóng vai trò trọng yếu trong cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực và trên thế giới. Một phần là vì quốc gia này nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực Nam Á, phần khác là do thành phần khủng bố Hồi giáo cực đoan vẫn đang tá túc ở khu vực rừng núi biên giới của nước này, thường được gọi là khu vực các bộ lạc, là thiên đường khủng bố (theo cách gọi của Mỹ).

Mỹ khuyến khích Chính phủ Pakistan ngăn chặn phiến quân tràn qua Afghanistan tấn công binh sĩ người Mỹ bằng cách hỗ trợ tài chính để Pakistan cầm cự cho nền kinh tế yếu kém. Trung Quốc cũng đang gặp tình huống tương tự, với khu tự trị Tân Cương có chung đường biên giới với Pakistan và Afghanistan. Bắc Kinh cũng muốn ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan đang hoạt động mạnh ở Tân Cương nên cũng muốn giúp Pakistan đầu tư phát triển vùng nhạy cảm các bộ lạc của nước này, với hy vọng lấy phát triển kinh tế ổn định an ninh.

Dư luận đánh giá, mức đầu tư của Trung Quốc đã vượt xa mức đầu tư 7,5 tỉ USD của Mỹ giai đoạn 2009-2012. Với mức đầu tư này, Mỹ đã thất bại, vì số tiền ít ỏi đó không đủ hỗ trợ đồng minh về mọi mặt, do đó không mang lại hiệu quả, tác động đáng kể nào. Trong khi đó, với gói đầu tư 46 tỉ USD, Trung Quốc đã gây ấn tượng mạnh đối với giới kinh doanh lẫn chính trị ở Pakistan. Jahangir Tareen, một doanh nhân và là Tổng thư ký đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf. “Sự hỗ trợ này lớn hơn rất nhiều lần Chính phủ Mỹ từng đưa ra cho Pakistan”.

Trung Quốc đến sau, cho nên đã học được bài học từ thất bại của Mỹ, bao gồm cả việc xác định mục tiêu đầu tư chống khủng bố mà Mỹ chưa đạt được. Để làm tốt hơn Mỹ, Trung Quốc đưa ra kế hoạch cam kết đầu tư tài chính lớn hơn gấp nhiều lần, tập trung vào các lĩnh vực cụ thể, thiết thực, tập trung vào cơ sở hạ tầng và thời gian cam kết kéo dài hàng thập kỷ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 17/4 đã tuyên bố, các dự án ở Pakistan sẽ là những sáng kiến đầu tiên trong kế hoạch xây dựng các tuyến Vành đai Kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển trị giá tổng cộng 40 tỉ USD, trong đó Pakistan chiếm một phần đáng kể.

An Châu (tổng hợp)

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文