Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên:

Đe dọa hạt nhân không phải là trò đùa

18:05 10/04/2013

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng cường độ với những động thái leo thang liên tiếp của các bên liên quan. Kịch bản nào cho cuộc khủng hoảng này?

Những động thái không bình thường

Đầu tiên là việc CHDCND Triều Tiên ngày 2/4 tuyên bố tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Yongbyon. Cơ quan truyền thông CHDCND Triều Tiên hôm 2/4 cho biết việc tái khởi động này sẽ được thực hiện ở "nhà máy tinh chế uranium và lò phản ứng 5 mega watt, vốn đã được đặt trong tình trạng bất khiển dụng dựa theo một thỏa thuận đạt được ngày 6/10/2007 tại cuộc đàm phán 6 bên".

Giải thích về việc này, Bình Nhưỡng cho đây là hành động nằm trong khuôn khổ của "đường hướng chiến lược mới" mà lãnh đạo Kim Jong-un đã loan báo để "cùng một lúc thúc đẩy công tác kiến thiết kinh tế (tức sản xuất điện) và xây dựng lực lượng vũ trang hạt nhân". Giới quan sát quốc tế cho rằng, nhà máy này hoạt động lại giúp cho CHDCND Triều Tiên có thể chế tạo thêm vũ khí hạt nhân qua việc chiết xuất chất plutonium từ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng của nhà máy phát điện.

Cơ sở Yongbyon đã bị đóng cửa dựa theo một thỏa thuận đạt được năm 2007 với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đến năm 2008, CHDCND Triều Tiên đã phá hủy tháp làm nguội của nhà máy; và vì thế, họ sẽ phải xây lại tháp này trước khi tái khởi động lò phản ứng. Theo ước tính của các nhà khoa học, lò phản ứng này cần hoạt động khoảng 1 năm trước khi CHDCND Triều Tiên có thể chiết xuất đủ plutonium để chế tạo thêm một vũ khí hạt nhân.

Mark Fitzpatric, nhà phân tích cao cấp tại Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại London nói, căn cứ trên những quan sát mà phương Tây đã thấy ở cơ sở này, thì phải mất 6 tháng lò phản ứng mới hoạt động lại được. Hiện chưa rõ việc thử nghiệm vào tháng 2 vừa qua, Triều Tiên sử dụng plutonium hay uranium.

Ngay ngày hôm sau (3/4), các nhà chức trách CHDCND Triều Tiên thông báo không cho phép công nhân Hàn Quốc vào khu công nghiệp chung Kaesong. Đây là dấu hiệu mới gây rủi ro cho sự hợp tác giữa hai miền đang trong tình trạng đối đầu. Hiện có lo ngại rằng nếu chiến tranh bùng nổ giữa hai nước, thì bất kỳ người Hàn Quốc nào lưu lại ở Kaesong có thể trở thành con tin. Khu liên hợp công nghiệp này là biểu tượng của sự hợp tác giữa hai nước.

Có khoảng 50.000 người Triều Tiên làm việc cho các công ty Hàn Quốc tại khu công nghiệp này. Nơi đây đã trở thành nguồn cung cấp ngoại tệ cho CHDCND Triều Tiên. Không rõ lệnh cấm ở khu Kaesong có kéo dài hay không nhưng phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết các nhà máy trong khu này vẫn vận hành bình thường.

Truyền thông Nhà nước Triều Tiên trích lời một ủy ban ở Bình Nhưỡng nói rằng việc đóng cửa khu Kaesong "chắc chắn sẽ trở thành một thực tế" nếu Chính phủ Hàn Quốc và giới truyền thông bảo thủ ở đây không ngưng điều mà họ gọi là "nói xấu" miền bắc.

Cơ sở YongByon của Triều Tiên vừa được lệnh tái khởi động.

Đua nhau dựng lá chắn

Ngày 4/4, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên đã chính thức thông báo cho Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ biết  rằng, nước này sẽ "bị nghiền nát bởi các phương tiện tấn công nguyên tử vượt trội, nhỏ hơn,  nhẹ hơn và đa dạng".

Thông báo hôm 4/4 cho biết "thời điểm bùng nổ đang mau chóng tới gần và chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên có thể diễn ra trong ngày hôm nay hoặc ngày mai". Thông báo của Bộ Tổng tham mưu Triều Tiên cũng thẳng thừng nói: Mỹ phải "hoàn toàn chịu trách nhiệm" về cuộc khủng hoảng hiện nay vì Washington đã sử dụng các máy bay ném bom B52 và B2 có khả năng mang bom nguyên tử tham gia cuộc tập trận hỗn hợp với quân đội Hàn Quốc. Thông báo cho biết: "Bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ gặp nguy hiểm trước một cuộc chiến tranh nguyên tử như hiện nay".

Trong khi đó, như để đáp trả những tuyên bố cứng rắn của CHDCND Triều Tiên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin hôm 4/4 nói rằng, CHDCND Triều Tiên đã chuyển một tên lửa "có tầm bắn khá xa" tới vùng duyên hải phía đông. Ông Kim không nói rõ lý do của việc di chuyển tên lửa nhưng có thể là để "thử nghiệm hoặc tập dượt".

Tài xế xe tải Hàn Quốc quay trở lại xe sau khi bị từ chối nhập cảnh vào khu công nghiệp Kaesong, ngày 3/4.

Theo tin của tờ Asahi ở Nhật Bản, một vệ tinh tình báo của Mỹ đã phát giác một tên lửa tầm xa KN-08 được chở trên một chiếc xe lửa. Hãng Thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trích dẫn các nguồn tin từ Seoul nói rằng, tên lửa được di chuyển là tên lửa tầm trung loại Musudan.

Tên lửa Musudan, còn có tên BM-25, dài từ 12 đến 19m, được phóng đi từ mặt đất và có thể mang theo một quả bom quy ước nặng 1.200 kg. Tên lửa này cũng có thể được gắn đầu đạn hạt nhân, một điều mà các nhà phân tích nói rằng CHDCND Triều Tiên chưa có khả năng thực hiện. Tên lửa Musudan có tầm bắn khoảng 3.000 km, có nghĩa là có thể bắn tới Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.

Phía Mỹ cũng không vừa, cũng trong ngày 4/4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói rằng, Lầu Năm Góc đang đưa tới đảo Guam các đơn vị phòng thủ tên lửa tối tân. Guam là một trong những nơi mà Triều Tiên đã dọa tấn công, cùng với Hàn Quốc, Hawaii và lục địa Mỹ.

Đó có thể chỉ là những lời đe dọa suông, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel nói rằng, Mỹ không thể làm ngơ và nói: "Chúng tôi xem xét những lời đe dọa này một cách nghiêm túc. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có những đáp ứng thận trọng, có trách nhiệm đối với những lời đe dọa đó".

Cùng với hành động trên, Mỹ lại một lần nữa điều động đến Hàn Quốc tiểu đoàn phòng vệ hóa học, sinh học và phóng xạ, được rút khỏi nước này vào năm 2004. Theo các nguồn tin quân sự Mỹ ở Tokyo, lễ kéo cờ của đơn vị này đã diễn ra sáng 4/4 tại một căn cứ gần Seoul. Tiểu đoàn này có nhiệm vụ đo đạc và tẩy sạch trong trường hợp CHDCND Triều Tiên sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt chống Hàn Quốc. Đơn vị bao gồm khoảng 250 người.

Theo Sách trắng Quốc phòng Hàn Quốc năm 2012, Triều Tiên sở hữu 2,5 đến 5 tấn tác nhân chiến tranh hóa học. Tài liệu khẳng định, Bình Nhưỡng có tiềm năng sản xuất vũ khí sinh học, đặc biệt là các tác nhân của bệnh than và bệnh đậu mùa.

Sự gia tăng cường độ đối đầu trên bán đảo Triều Tiên đã khiến quốc tế lo ngại. Ngày 2/4, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon cảnh báo Bình Nhưỡng rằng "đe dọa hạt nhân không phải là một trò chơi" và có nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang trực tiếp. Ông cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan giữ bình tĩnh.

Phát biểu tại trụ sở LHQ, ông Ban Ki-moon nói những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên "đã đi quá xa" và rằng CHDCND Triều Tiên đang "trên đường va chạm" với cộng đồng quốc tế. Tổng thư ký LHQ nói, ông chắc chắn không ai có ý định tấn công CHDCND Triều Tiên và thương thuyết là con đường duy nhất giải quyết cuộc khủng hoảng.

Kịch bản cho một cuộc chiến tổng lực

Trong một diễn biến liên quan, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ngày 4/4 vừa qua, Ủy viên Hội đồng Nhà nước Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thảo luận về tình hình trên bán đảo Triều Tiên trong một cuộc điện đàm. Nội dung của cuộc trao đổi không được tiết lộ, nhưng thông tin cho biết, ông Dương Khiết Trì đã "trình bày lập trường nguyên tắc của Trung Quốc" về vấn đề này. Cuộc điện đàm diễn ra theo sáng kiến của phía Mỹ. Được biết, ông John Kerry sắp thăm Bắc Kinh, cũng như Seoul và Tokyo. Các nhà quan sát cho rằng, đề tài thảo luận chính của chuyến đi là tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Trước tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay, Moskva lên tiếng kêu gọi các bên hãy kiềm chế đến mức tối đa. "Chúng tôi có thái độ tiêu cực với bất kỳ ngôn từ và động thái nào mà bằng cách này hay cách khác dẫn đến leo thang căng thẳng. Chúng tôi trông đợi rằng tất cả các bên sẽ thể hiện sự kiềm chế tối đa và có trách nhiệm với số phận của bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi duy trì liên lạc thường xuyên với các đối tác trong cuộc đàm phán sáu bên nhằm mục đích không để diễn biến sự kiện vượt ra bên ngoài khuôn khổ giải pháp chính trị - ngoại giao" - RIA Novosti trích dẫn bình luận của Bộ Ngoại giao Nga.

Tên lửa Musudan của Triều Tiên trong một cuộc diễu hành quân sự hàng năm tại Quảng trường Kim Il Sung ở Bình Nhưỡng.

Hiện có nhiều kịch bản kết thúc cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, nhưng không có con đường rõ ràng nào giải quyết dứt điểm mọi vấn đề một cách hòa bình. Hầu hết các nhà phân tích loại trừ khả năng chiến tranh tổng lực bởi CHDCND Triều Tiên biết rằng, tiến hành bất cứ vụ tấn công hạt nhân nào cũng là tự sát.

Giới chuyên môn vừa đưa ra 4 kịch bản có thể diễn ra thời gian tới. Thứ nhất, Bình Nhưỡng khiêu khích. Bình Nhưỡng sẽ đưa ra một hoặc nhiều hơn nữa các hành động khiêu khích Seoul nhằm tăng cường sự ủng hộ của người dân trong nước hay nhận được những nhượng bộ về ngoại giao cho các cuộc đàm phán sắp tới. Khi đó, Hàn Quốc sẽ tiến hành các hành động trả thù và việc này sẽ nhanh chóng vượt tầm kiểm soát, biến thành một cuộc chiến tranh.

Bình Nhưỡng khi đó sẽ phải chịu thêm nhiều lệnh trừng phạt nghiêm khắc của cộng đồng quốc tế. Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ nhanh chóng cử quân tăng cường tới hậu thuẫn Seoul, đánh bại quân đội Triều Tiên từ trên không và trên biển. Dù là đồng minh thân cận nhất với CHDCND Triều Tiên, nhưng Trung Quốc lại tiến hành nhiều hoạt động thương mại với Hàn Quốc.

Thứ hai, Bình Nhưỡng bất ngờ tiến công. Bình Nhưỡng có thể thực hiện một cuộc tiến công chớp nhoáng các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc trước khi các lực lượng tăng cường được cử đến từ Nhật Bản, Mỹ và các khu vực khác. Theo kịch bản này, Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một đợt nã pháo quy mô lớn tiêu diệt các đơn vị của Mỹ và Hàn Quốc đóng quân gần khu vực phi quân sự (DMZ). Động thái này sẽ gây ra tổn thất nặng nề cho Seoul.

Khi DMZ được mở, Seoul bị tấn công, hỗ trợ đường không bị chia cắt, đây sẽ là kịch bản mà Bình Nhưỡng mong muốn. Khi đó, các đơn vị xe tăng và lục quân của CHDCND Triều Tiên sẽ nhanh chóng đổ bộ sang Hàn Quốc, chiếm đóng những hải cảng, căn cứ và thành phố lớn trước khi các lực lượng tăng cường được cử đến.

Thứ ba, Bình Nhưỡng trả đũa. Theo kịch bản này, Triều Tiên sẽ thực hiện hành động quân sự quan trọng nhưng hạn chế nhằm vào Hàn Quốc, sau đó sẽ là các hoạt động tìm kiếm hòa bình. Kịch bản này có thể xảy ra nếu Mỹ và Hàn Quốc tấn công các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng, châm ngòi cho các hoạt động trả đũa.

Thứ tư, chiến tranh leo thang. Một hành động khiêu khích có quy mô hạn chế hay một sự vụ có thể sẽ leo thang thành một cuộc chiến tranh tổng lực. Có nhiều cách thức khiến kịch bản này có thể xảy ra. Theo kịch bản này, Mỹ sẽ hậu thuẫn Hàn Quốc, nhưng dường như Washington và Seoul sẽ không dễ dàng nhận được sự giúp đỡ của đồng minh nước ngoài

Mộc Thạch (tổng hợp)

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文