HRW lại “nhúng mũi” vào chuyện nội bộ của Việt Nam
Tổ chức "Theo dõi nhân quyền" (Human Rights Watch - HRW), có trụ sở chính tại New York (Mỹ), mới đây đã quyết định tặng giải thưởng thường niên Hellman/Hammett (giải thưởng mang tên hai văn sĩ quá cố người Mỹ - nhà biên kịch Lillian Hellman và tiểu thuyết gia Dashiell Hammett) cho 8 cá nhân ở Việt Nam để "ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị" (!?).
Chỉ cần điểm tên 8 người này (Cù Huy Hà Vũ, Hồ Thị Bích Khương, Lê Trần Luật, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần và Vi Đức Hồi), người ta nhận ra ngay ý đồ thực sự của HRW.
Bằng việc tặng giải Hellman/Hammett cho 8 nhân vật đã từng hoặc đang bị các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước Việt Nam xử lý, ở các mức độ khác nhau, vì những hành vi bị coi là vi phạm pháp luật mà họ đã phạm phải khi tiến hành các hoạt động chống chính quyền, HRW đã công nhiên cổ xúy, khuyến khích các hoạt động gây mất ổn định và an ninh chính trị ở một đất nước có chủ quyền, với mục tiêu cụ thể là chống Đảng Cộng sản và Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Làm như vậy, HRW một lần nữa lại trắng trợn can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Hơn nữa, cũng nhân dịp này, với định kiến chính trị cố hữu đối với Việt Nam, HRW tiếp tục vu cáo, xuyên tạc tình hình thực tế ở Việt Nam.
Đài BBC, trong bản tin tiếng Việt phát mạng ngày 14/9/2011, đã dẫn lời Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của HRW, nói bừa rằng "các nhà cầm bút ở Việt Nam thường xuyên bị đe dọa, tấn công, thậm chí bị bỏ tù chỉ vì bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa".
Ở Việt Nam, không có ai bị bỏ tù chỉ vì bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa. Chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật mới bị xử lý theo luật định.
Cũng cần nói thêm rằng cái gọi là "sức ép đàn áp chính trị" mà HRW nêu ra khi "vinh danh" những người được giải thưởng Hellman/Hammett năm nay chỉ là sự tưởng tượng, thêu dệt của họ nhằm xuyên tạc tình hình thực tế ở Việt Nam.
Dư luận chẳng lạ gì HRW, một tổ chức núp dưới danh nghĩa "phi chính phủ", chuyên nghề "nhòm ngó" các quốc gia mà họ cho là không theo "chuẩn" của Mỹ và phương Tây về dân chủ, nhân quyền. Họ luôn lợi dụng chiêu bài "bảo vệ nhân quyền" để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia này.
Đối với Việt Nam, HRW thường đưa ra các báo cáo dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan, thậm chí bị bóp méo, xuyên tạc về những vấn đề liên quan đến quyền con người.
Gần đây nhất, ngày 7/9/2011, HRW đã trắng trợn xuyên tạc sự thật ở các trung tâm cai nghiện tại Việt Nam khi họ tung ra báo cáo mang tên "Mạng lưới trại cải tạo: lao động cưỡng bức và các dạng bạo hành khác ở các trại cai nghiện ở miền Nam Việt Nam".
Hoặc trước đó, hồi đầu tháng 4/2011, khi Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án Cù Huy Hà Vũ, cũng ông Phil Robertson đã lên tiếng đòi "Việt Nam cần thả ngay lập tức nhà bảo vệ nhân quyền và môi trường Cù Huy Hà Vũ".
Đòi hỏi vô lối này của ông Phó giám đốc HRW khu vực châu Á đã khiến Giáo sư Trần Chung Ngọc, một học giả người Mỹ gốc Việt, thấy chướng tai, phải lên tiếng. Trong bài "Tản mạn về dân chủ nhân quyền & vụ án Cù Huy Hà Vũ", đề ngày 26/4/2011, Giáo sư Trần Chung Ngọc nhận xét rằng Phil Robertson đã "phát biểu một cách đầy thiên kiến, thiếu hiểu biết và hỗn xược đối với một quốc gia, chứng tỏ một tâm cảnh trịch thượng, đạo đức chính trị thấp kém".
Giáo sư Trần Chung Ngọc còn "phang" thẳng cánh: "ông Robertson là ai, HRW là cái gì, lấy quyền gì, mà dám lên tiếng đòi chính quyền Việt Nam phải cần thả ngay lập tức một phạm nhân của Việt Nam đã bị kết án? Nhiều nhất là HRW, với tư cách là một hội tư, nếu có cảm tình với Cù Huy Hà Vũ vì một lý do riêng tư nào đó, và cho rằng Cù Huy Hà Vũ vô tội, chỉ có thể xin Nhà nước Việt Nam hãy xử lại hay giảm án cho Cù Huy Hà Vũ, hay giúp Cù Huy Hà Vũ kháng án, chứ không có tư cách gì nhúng mũi vào chuyện nội bộ của Việt Nam để mà tuyên bố nọ kia ở ngoại quốc, đòi Nhà nước Việt Nam phải "thả ngay tức khắc" Cù Huy Hà Vũ.
Hành động trịch thượng, tự tung tự tác xía vào chuyện nội bộ Việt Nam, đối với người dân thường Việt Nam cũng không thể chấp nhận được, chứ đừng nói đến chính quyền Việt Nam. Mấy người ngoại quốc không biết ngượng, tự cho mình là văn minh tiến bộ, cứ trơ trẽn xen vào chuyện nội bộ của Việt Nam, trong khi mình không có bất cứ một thẩm quyền nào hay có tư cách nào để có những hành động vô lối, coi thường chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Việt Nam nên coi những lời đó chỉ là rác rưởi, không đáng quan tâm".
Việc HRW tặng giải Hellman/Hammett năm 2011 cho 8 người kể trên thật ra cũng thế - "không đáng quan tâm"