Hòa giải mới là điều khó khăn nhất

18:30 25/01/2021
Ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã ký tới 15 sắc lệnh hành pháp, đảo ngược hàng loạt chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều vấn đề quan trọng, như đại dịch toàn cầu COVID-19, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng sắc tộc...


“Để tiến về phía trước, chúng ta cần có nhau. Ta cần tập trung mọi sức lực để đi qua mùa đông đen tối này... Chúng ta sẽ vượt qua cùng nhau. Chúng ta sẽ cùng nhau viết nên một câu chuyện của người Mỹ về hy vọng, không phải nỗi sợ hãi; về đoàn kết, không phải sự chia rẽ; về ánh sáng, không phải về bóng đêm.Câu chuyện về sự đàng hoàng và phẩm giá, tình yêu và sự hàn gắn, sự vĩ đại và những điều tốt đẹp...”. Diễn văn tiếp nhiệm của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden lặp đi lặp lại những lời kêu gọi như vậy. Và, bởi thế, rào cản lớn nhất trước mặt ông cũng đã được bộc lộ tương đối rõ rệt, từ chính bài diễn văn này.

Chặng đường trải hoa hồng

Thực tế, không phải điều gì cũng mang màu sắc u tối. Thậm chí ngược lại, trên nhiều phương diện, có rất nhiều tín hiệu tích cực đã lập tức xuất hiện sau khi ông Joe Biden chính thức trở thành tân chủ nhân của Nhà Trắng và cùng chính quyền của mình thực hiện những động thái đầu tiên trên cương vị đó.

Ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã ký tới 15 sắc lệnh hành pháp, đảo ngược hàng loạt chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều vấn đề quan trọng, như đại dịch toàn cầu COVID-19, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng sắc tộc... Rõ ràng, các sắc lệnh mới được ký này là nhằm hiện thực hóa cam kết hành động nhanh chóng trong ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, khởi đầu tiến trình đưa Washington quay trở lại tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Nó cũng bao gồm quyết định hủy bỏ giấy phép của tổng thống cho triển khai xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL.

Tân Tổng thống Joe Biden ký hàng loạt sắc lệnh mới vì sự phát triển của nước Mỹ.

Tổng thống Joe Biden chấm dứt lệnh cấm đi lại mà cựu Tổng thống Trump đặt ra đối với một số quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi, đồng thời kêu gọi chính quyền của ông đẩy mạnh chương trình ưu tiên dành cho những người nhập cư được đưa tới Mỹ là trẻ em. Bên cạnh đó, ông chủ mới của Nhà Trắng cũng ra lệnh đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại mọi tòa nhà liên bang và khu vực liên bang, đồng thời sẽ chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia - vốn là cơ sở để chuyển một số khoản ngân sách liên bang sang dự án xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico. Đồng thời, ông cũng tuyên bố ngừng lệnh trục xuất người nhập cư trái phép trong vòng 100 ngày, để hướng tới những cuộc sàng lọc nhằm tìm kiếm các giải pháp “công bằng hơn”.

Ở một diễn biến khác, với 3 thành viên (gồm ông Raphael Warnock và ông Jon Ossoff của bang Georgia, ông Alex Padilla của bang California) tuyên thệ nhậm chức thượng nghị sĩ, đảng Dân chủ cũng chính thức giành quyền kiểm soát toàn bộ cả ở Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện. Vị trí lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện được trao cho Thượng nghị sĩ Charles Schumer, bảo đảm rằng bất kể tình thế diễn ra như thế nào trong ít nhất là 2 năm tới, Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris cũng sẽ có một đối tác sẵn sàng giúp họ “đạt được một chương trình nghị sự tốt”.

Ông Schumer là người ủng hộ chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng quy mô gói cứu trợ người dân ứng phó dịch COVID-19 cuối năm 2020 từ 600 USD/người lên 2.000 USD/người và luôn nhấn mạnh việc thúc đẩy quy mô gói cứu trợ trên là ưu tiên hàng đầu của đảng Dân chủ hiện nay.

Trong khi đó, chức danh Quyền Ngoại trưởng Mỹ được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm cho Giám đốc Học viện Ngoại giao Mỹ Daniel Smith, trong thời gian chờ đợi ứng cử viên số 1 cho vị trí ấy là chuyên gia kỳ cựu về chính sách đối ngoại Antony Blinken hoàn tất mọi thủ tục để được Thượng viện thừa nhận. Lưỡng viện Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua quyền miễn trừ cho ông Lloyd Austin - người được Tổng thống Joe Biden đề cử cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng.

20.000 Vệ binh Quốc gia được huy động bảo vệ lễ nhậm chức của ông Joe Biden.

Lần đầu tiên, tiến sĩ khoa học Anthony Fauci họp báo tại Nhà Trắng với tư cách là cố vấn hàng đầu của tổng thống về các vấn đề y tế, cho dù ông đã đảm nhiệm vai trò này trong cả thập niên qua. Một cách bóng gió, ông bộc bạch rằng: “Tôi không thoải mái chút nào khi ở trong tình cảnh mâu thuẫn với tổng thống. Việc có thể xuất hiện ở đây và nói về những gì bạn biết, bằng chứng và yếu tố khoa học, để khoa học lên tiếng, đó là cảm giác được giải phóng. Điều mới mẻ với chính quyền này là bạn không cần phải đoán nếu không có câu trả lời. Chỉ cần nói là bạn không có câu trả lời”, để gián tiếp thể hiện sự gò bó mà ông vừa phải trải qua dưới nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, khi đối diện với đại dịch toàn cầu COVID-19.

Tiếp sức cho tiến sĩ Fauci cùng giới nghiên cứu và các chuyên gia y tế, Tổng thống Joe Biden cam kết tiêm 100 triệu liều vaccine chống COVID-19 trong vòng 100 ngày đầu nhiệm kỳ. “Sẽ phải mất vài tháng để thay đổi các thứ nhưng tôi muốn làm rõ: Chúng ta sẽ vượt qua. Chúng ta sẽ đánh bại đại dịch. Và đối với một đất nước đang mong chờ hành động, tôi khẳng định: Sự trợ giúp đang trên đường đến với các bạn”, ông Biden nói khi chuẩn bị ký hàng loạt sắc lệnh vào ngày thứ hai cầm quyền.

Trong số các sắc lệnh và chỉ thị mới về chống COVID-19, các biện pháp chống dịch yêu cầu bên cạnh việc đeo khẩu trang, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bắt buộc trước khi lên máy bay, các du khách tới Mỹ sẽ phải cách ly ngay khi đặt chân tới nước này. Kế hoạch mới cũng bao gồm việc thành lập một lực lượng phản ứng nhanh chống COVID-19 để đưa ra các khuyến nghị. Ngoài ra, ông Biden cũng có kế hoạch ủng hộ phản ứng của toàn cầu với đại dịch và sẽ tham gia Cơ chế Tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu (COVAX) cũng như các sáng kiến đa phương khác.

Và ở bên ngoài biên giới nước Mỹ, những động thái phản hồi đầu tiên sau lễ nhậm chức cũng rất khả quan. Tiếp theo Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc trong ngày 20-1, rất nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ hy vọng sang một chương mới tích cực hơn trong quan hệ ngoại giao với nước Mỹ dưới một chính quyền mới “mềm mỏng”, “biết điều” hơn, bớt “ích kỷ” hơn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Có thể kể tới Ấn Độ, Australia, Mexico, Saudi Arabia, Kuwait, U.A.E, Qatar, Bahrain... và đặc biệt là những quốc gia phải chịu đựng thái độ thù địch của chính quyền cũ suốt 4 năm qua, như Venezuela hay Cuba. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres,  cũng nhân đó, hoan nghênh các bước đi của tân Tổng thống Mỹ, để đưa nước Mỹ trở lại với Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bức tường ngăn cách biên giới với Mexico - giấc mơ còn dang dở của ông Donald Trump.

Hàn gắn linh hồn quốc gia

Tuy nhiên, như chính Tổng thống Joe Biden thừa nhận trong thông điệp nhậm chức của mình (bằng việc lặp đi lặp lại tới hàng chục lần từ “đoàn kết”), thách thức lớn nhất đang hiện ra trước mặt ông, không gì khác, chính là sứ mệnh “Hàn gắn quốc gia (Heal the Nation)” mà ông sử dụng như một slogan chủ chốt trong chiến dịch tranh cử của mình.

“Hàng triệu việc làm đã mất. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đóng cửa. Lời đòi hỏi công bằng sắc tộc, âm ỉ suốt 400 năm, làm ta cảm động. Giấc mơ công lý cho tất cả sẽ không còn bị đình hoãn. Lời kêu gọi sống còn đến từ chính hành tinh, chưa bao giờ tuyệt vọng, chưa bao giờ rõ vậy. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan chính trị, thượng đẳng da trắng, khủng bố nội địa, chúng ta phải đối đầu và sẽ đánh bại. Để vượt qua những thử thách này, để khôi phục tâm hồn và bảo đảm tương lai nước Mỹ, đòi hỏi nhiều hơn lời nói. Nó đòi hỏi điều khó tìm nhất trong một nền dân chủ - đoàn kết...

Đoàn kết để chống kẻ thù của chúng ta - sự giận dữ, phẫn uất và hận thù. Chủ nghĩa cực đoan, vô pháp, bạo lực, bệnh tật, thất nghiệp và vô vọng. Tôi biết nói về đoàn kết, với một số người, có thể nghe như tưởng tượng khùng điên giờ này. Tôi biết các thế lực chia rẽ ta thật sâu, có thật. Nhưng, tôi cũng biết chúng không phải là mới. Lịch sử chúng ta là cuộc đấu tranh liên tục giữa lý tưởng Mỹ, rằng ta được tạo ra bình đẳng.

Song, thực tế rất xấu xí: phân biệt sắc tộc, bài ngoại và sợ hãi đã chia rẽ chúng ta. Trận chiến là vĩnh viễn và chiến thắng không bao giờ bảo đảm”. Đúng, tân chủ nhân Nhà Trắng đã nói như vậy, nghĩa là đã thừa nhận sự chia rẽ không thể che giấu trong lòng nước Mỹ, tiền đề để mọi kế hoạch hay dự định của ông có thể bị ngăn cản, ngáng trở hoặc thậm chí là đẩy lùi, bẻ gãy.

Không nên quên rằng, cho dù ông Joe Biden đã thắng cử bởi quá nhiều người bầu cho ông không phải vì yêu thích ông mà vì muốn thoát khỏi “kịch bản” ông Donald Trump sẽ còn tại vị thêm 4 năm, thì sau lưng cựu tổng thống vẫn có tới hơn 75 triệu cử tri ủng hộ. Đối với họ, cách tiếp cận của ông Donald Trump về vấn đề lợi ích của nước Mỹ, theo khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” mới là đúng đắn. Vì vậy, họ vẫn quyết đứng sau lưng vị “nguyên thủ tay ngang” ấy đến tận phút cuối, sau kết quả kiểm phiếu sơ bộ, sau những cuộc chiến pháp lý và thậm chí còn sẵn lòng sử dụng cả bạo lực để tràn chiếm Capitol Hill - nơi tọa lạc tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Tiến sĩ Anthony Faucci từng phải chịu nhiều hạn chế dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Chưa bao giờ, một lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ lại cần đến tận 20.000 Vệ binh Quốc gia bảo vệ và cần sự bảo đảm của quân đội rằng họ sẽ không can dự vào các vấn đề chính trị. Có lẽ cũng chưa bao giờ, một tổng thống vừa mãn nhiệm lại lập tức đối diện với cả những nguy cơ pháp đình trong và ngoài nước như ông Donald Trump. Hòa giải, vì vậy, trở nên thật vô cùng gian nan.

Để xóa đi cái giới tuyến vô hình ấy, cái rào cản cực kỳ khó vượt qua ấy nhằm tạo nên sự đồng thuận, vãn hồi tinh thần đoàn kết và hàn gắn nước Mỹ trở lại, thật khó chỉ dựa trên những thông điệp kêu gọi. Càng khó, khi đảo ngược không thương tiếc những chính sách cũ, vốn liên hệ mật thiết với tư tưởng và lợi ích sát sườn của đám đông khổng lồ những người ủng hộ “nhà vua vừa rời ngai”...

Mây Linh

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文