Hy vọng hòa bình thực sự trên Bán đảo Triều Tiên

09:18 12/03/2018
Cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên từ năm 2007 và sự chủ động đề xuất đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân của chính quyền Bình Nhưỡng đang mở ra cơ hội rất lớn cho việc phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời tạo ra hy vọng thực sự cho hòa bình giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Thiện chí tốt, kết quả khả quan

Từ 13 năm qua, Triều Tiên không chấp nhận đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân của nước này vì Bình Nhưỡng luôn cho rằng vũ khí hạt nhân là “tấm bùa hộ mệnh bất khả xâm phạm”. Washington và Bình Nhưỡng đã từng ký hai thỏa thuận phi hạt nhân hóa vào năm 1994 và 2005. Cả hai đều thất bại và mỗi bên đổ trách nhiệm cho nhau không tôn trọng chữ ký.

Nhưng vào giữa tuần này, thông qua đặc phái viên của Hàn Quốc, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tỏ ý sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ để chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của nước này và hứa sẽ tạm ngưng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa trong thời gian tiến hành đàm phán. Mặc dù chưa biết cụ thể việc đàm phán sẽ ra sao nhưng việc Triều Tiên thỏa thuận đàm phán với Mỹ đã là một bước đột phá ngoại giao. Thiện chí tốt của Bình Nhưỡng được cả thế giới chào đón mặc dù vẫn còn chút dè dặt.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp đặc sứ Hàn Quốc Chung Eui-yong tại Bình Nhưỡng ngày 6-3.

Ngày 6-3, tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đáp ứng một cách dè dặt: “Dĩ nhiên đã đạt tiến bộ về vấn đề Triều Tiên, nói một cách hoa mỹ ít nhất là như thế. Điều này tốt cho thế giới, cho Triều Tiên, cho Bán đảo Triều Tiên, nhưng sẽ phải chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra”.

Trước đó ông Trump đã chia sẻ trên Twitter rằng: “Dù đường hướng nào đi nữa, Hoa Kỳ sẵn sàng đáp ứng quyết liệt”. Phó Tổng thống Mike Pence nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ duy trì áp lực của các biện pháp trừng phạt cho đến khi Bình Nhưỡng áp dụng những biện pháp có ý nghĩa để đình chỉ chương trình hạt nhân của họ.

Nhật Bản cũng lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ việc duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên trong khi tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói: "Nếu chúng ta muốn có một cuộc thảo luận có ý nghĩa, thì Triều Tiên phải cam kết thực thi một kế hoạch phi hạt nhân hóa có thể được kiểm chứng và không thể bị đảo ngược, họ cần phải có hành động cụ thể".

Trước khi thể hiện thiện chí tốt với Mỹ, Triều Tiên đã có một bước đi rất thân thiện với Hàn Quốc. Ngày 5 và 6-3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cử một phái đoàn sang Bình Nhưỡng với hai đại diện cao cấp là cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui Yong và lãnh đạo tình báo Hàn Quốc Suh Hoon. Lãnh đạo tình báo Hàn Quốc từng đóng vai trò then chốt ở hậu trường trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Un tiếp phái đoàn Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng ngày 6-3.

Mục đích chính của phái đoàn Hàn Quốc tại Triều Tiên lần này là nhằm cải thiện quan hệ giữa Seoul với Bình Nhưỡng và nhất là thuyết phục lãnh đạo Kim Jong-un đàm phán với Mỹ về tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Hai nhân vật chủ chốt trong phái đoàn Hàn Quốc, sau hai ngày làm việc ở Bình Nhưỡng, đã bay sang Washington ngày 8-3.

Kết quả cuộc gặp trên có thể nói là khá mỹ mãn. Những bức ảnh chụp ông Kim Jong-un tươi cười, bắt tay nồng nhiệt các vị khách Hàn Quốc đã được báo chí chính thức Triều Tiên công bố. Các phương tiện truyền thông này cho biết là trong bữa ăn tối hôm 5-3 với phái đoàn Seoul, lãnh đạo Bình Nhưỡng đã có “các cuộc thảo luận cởi mở và rất đáng hài lòng” về việc cải thiện quan hệ liên Triều và về việc duy trì hòa bình trên Bán đảo này.

Hãng tin chính thức KCNA của Triều Tiên cho biết: “Sau khi nghe đặc sứ Hàn Quốc trình bày ý định của Tổng thống Moon Jae In về họp thượng đỉnh, lãnh đạo Kim Jong-un đã trao đổi ý kiến với họ và đã đồng ý với đề nghị đó”.

Cụ thể, thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra vào cuối tháng 4-2018 tại Bàn Môn Điếm, nằm trong khu phi quân sự giữa hai miền. Trước khi họp thượng đỉnh, hai ông Kim Jong-un và Moon Jae In sẽ nói chuyện với nhau qua điện thoại.

Theo lời ông Chung Eui Yong, Bình Nhưỡng đã hứa sẽ tạm ngưng các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong thời gian đối thoại liên Triều. Ông nói thêm là Triều Tiên đã bày tỏ quyết tâm sẽ phi hạt nhân hóa, đàm phán với Mỹ với điều kiện là an ninh của nước này được bảo đảm. Nhưng Seoul nói ngay là hai bên chỉ mới thảo luận, chứ chưa đạt được thỏa thuận nào về việc tổ chức thượng đỉnh liên Triều đầu tiên kể từ năm 2007.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap, cho biết hôm 8-3, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, Chung Eui Yong, lên đường sang Washington gặp các quan chức cao cấp Mỹ, trong đó có cố vấn an ninh Mỹ H.R.McMaster và Ngoại trưởng Rex Tillerson, để thông báo về đề nghị đàm phán của Triều Tiên.

Vì sao Triều Tiên muốn đàm phán với Mỹ?

Trước khi nói đến phản ứng của các nước liên quan, nhiều phương tiện truyền thông đã tìm cách khai thác mục đích của Triều Tiên trong lần “xuống nước” chấp nhận đàm phán này với Mỹ.

Juliette Morillot, chuyên gia về Bán đảo Triều Tiên, tác giả quyển sách “Le Monde selon Kim Jong-un” (Thế giới theo quan điểm của lãnh đạo Kim Jong-un), phân tích: “Triều Tiên tìm kiếm trước hết là sự ổn định của đất nước và hai miền Nam - Bắc đều muốn nắm vận mệnh đất nước trong tay. Bình Nhưỡng luôn yêu cầu đối thoại trực tiếp với Seoul cũng như với Washington. Dĩ nhiên là phải có điều kiện. Điều kiện đó là những bảo đảm về an ninh quốc phòng.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiếp đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên hồi tháng 2-2018. Ảnh: CTV News.

Mỹ phải cam kết gì để Bình Nhưỡng yên tâm? Rất có thể Triều Tiên sẽ đòi hỏi như đã nhiều lần đề nghị trong quá khứ: Trước hết là một hiệp định bất tương xâm. Bước thứ hai là một hiệp ước hoà bình, bởi vì, chúng ta đừng quên là hai nước Triều Tiên trên lý thuyết vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, đối với Triều Tiên, vũ khí hạt nhân là tấm bùa hộ mệnh. Do vậy, chỉ khi nào Bình Nhưỡng thực sự yên tâm thì họ sẽ từ bỏ hạt nhân”.

Theo tờ Le Monde (Pháp), sự sáp lại Hàn Quốc của chính quyền Bình Nhưỡng là do lo ngại trước những lời tuyên bố bốc lửa của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo tờ báo, từ đầu năm 2018 đến nay, sau những hành động phô trương sức mạnh, Triều Tiên nỗ lực tránh né “phản ứng lôi đình” của chủ nhân Nhà Trắng.

Le Monde dẫn lời chuyên gia Pháp Mariane Péron-Doise cho biết, ngày nay Triều Tiên có vũ khí hạt nhân trong tay, xác suất bị Mỹ đánh phủ đầu càng lớn. Tin Lầu Năm Góc chuẩn bị kế hoạch tấn công có thể là chiến tranh cân não, nhưng Tổng thống Trump dường như chấp nhận rủi ro.

Mong muốn của Tổng thống Hàn Quốc là làm sao tạo được không khí thuận lợi để Bình Nhưỡng và Washington đối thoại trực tiếp. Mục tiêu này phần nào phù hợp với đường lối của ông Kim Jong-un. Bình Nhưỡng không muốn chiến tranh với Mỹ, bởi vì biết rằng chung cuộc sẽ bị thiệt hại khủng khiếp nhất.

Nhưng lại có ý kiến cho rằng khai thác chính sách “Vầng Thái dương” của cánh tả Hàn Quốc từ thời Tổng thống Kim Dae Jung cho đến Moon Jae In hiện nay, ông Kim Jong-un làm hòa với Seoul để cùng lúc chia rẽ Hàn Quốc với Mỹ theo chiến thuật “một mũi tên trúng hai đích”. Cho dù Washington và Seoul luôn tuyên bố “đoàn kết và hợp tác chiến lược”, nhưng quan hệ giữa Donald Trump và Moon Jae In khá lạnh nhạt.

Cũng như Mỹ, chính quyền Hàn Quốc biết rõ Bình Nhưỡng mời gọi đối thoại không có nghĩa là sẽ chấp nhận nhượng bộ trên hồ sơ hạt nhân. Tuy nhiên, đối với Seoul, nếu đối thoại diễn ra thì Triều Tiên có cơ hội dẹp bỏ những vụ thử vũ khí và Mỹ sẽ hạ nhiệt. Cả hai miền Nam - Bắc đều muốn “đẩy ra xa” mối đe dọa tấn công của Washington nhưng cả hai đều phải cần đến Mỹ. Vì an ninh quốc gia, Hàn Quốc không thể hy sinh quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ.

Trở ngại nào cho tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên?

Hàn Quốc đón nhận các đề nghị của Triều Tiên một cách thận trọng. Tổng thống Moon Jae In tuyên bố “còn quá sớm để lạc quan”. “Chúng ta mới chỉ ở điểm xuất phát”, ông Moon Jae-in nói với báo giới tại Seoul. Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì hợp tác chặt chẽ với Mỹ thì các cuộc thảo luận về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên mới khả thi. Về điểm này, ông Moon nhận định: “Các cuộc thảo luận liên Triều sẽ không đủ để đạt được hòa bình”.

Còn truyền thông Hàn Quốc ghi nhận biến chuyển lập trường của Bình Nhưỡng là tích cực, tuy không khỏi hoài nghi. Chosun ilbo, một nhật báo bảo thủ ở Hàn Quốc, nghi là Bình Nhưỡng thông qua việc xích lại gần với Seoul đang tìm cách làm nới lỏng trừng phạt của quốc tế, kéo dài thêm thời gian để hoàn thiện chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Còn nhật báo Joongang Ilbo nhận định cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tới đây cũng sẽ vô ích, nếu không dẫn tới việc giải trừ hạt nhân. Trong khi đó, tờ báo độc lập Hankyoreh lại hồ hởi cho rằng chuyển biến này là “ngoài mong đợi” và “mở ra con đường hướng tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn trong tương lai”.

Về khả năng Mỹ có chấp nhận đàm phán với Triều Tiên hay không thì theo phân tích của AFP, đề nghị đối thoại của Bình Nhưỡng có thể làm cho sự chia rẽ trong nội bộ Mỹ thêm sâu sắc, giữa một bên là cố vấn an ninh quốc gia, H. R. McMaster, chủ trương đường lối cứng rắn và bên kia là lãnh đạo Bộ Quốc phòng, James Mattis, ủng hộ chính sách ôn hòa hơn.

Tổng thống D.Trump phát biểu về đề nghị của Triều Tiên bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Lập pháp châu Mỹ La tinh ở Washington, ngày 7-3.

Mặt khác, nếu cứ cho là đề nghị của Triều Tiên là nghiêm túc, thì vào lúc này, Mỹ cũng khó có thể tiến hành các cuộc thương lượng trực tiếp, bởi vì hiện nay, Mỹ không có đại sứ tại Hàn Quốc, không có đặc sứ chuyên trách về hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, rồi sự thiếu vắng chuyên gia tại Bộ Ngoại giao.

Theo các quan chức Mỹ, trong các cuộc nói chuyện riêng tư, thì gần như không thể lựa chọn giải pháp quân sự. Mọi cuộc tấn công nhắm vào Triều Tiên đòi hỏi một sức mạnh quân sự có quy mô lớn và chắc chắn ngay lập tức, đe dọa sinh mệnh của khoảng 30.000 binh sĩ Mỹ và hàng triệu thường dân Hàn Quốc trước sự trả đũa của Bình Nhưỡng. Do vậy, ngoại giao dường như là cách chọn lựa tốt nhất.

Giờ đây, dù quyết định có là gì đi chăng nữa, đánh hay đàm, các quyết định của ông Donald Trump, đã được đặt trên bàn của phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng, buộc Mỹ phải hành động để thoát ra khỏi những năm tháng bế tắc kéo dài trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên đầy gai góc này.

Theo chuyên gia Juliette Morillot, vấn đề cốt lõi ở đây là Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ hạt nhân, nếu không được đối phương nhượng bộ tương xứng. Do vậy sớm muộn gì, Mỹ sẽ chọn con đường đối thoại, và bắt buộc sẽ đi tới chuyện phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và hai bên sẽ trở lại điểm then chốt là bảo đảm sự tồn vong của chính quyền Bình Nhưỡng, với một hiệp định để hai bên chấp nhận.

Trung Quốc, sau khi có những thông tin về một hội nghị thượng đỉnh liên Triều, đã kêu gọi hai nước Triều Tiên nắm lấy cơ hội phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Trong thông cáo tối 7-3-2018, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoan nghênh “lối thoát tích cực” trên.

Phát ngôn viên Cảnh Sảng cho biết: “Chúng tôi hy vọng Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ thực hiện thỏa thuận này một cách chân thành, và tiếp tục nỗ lực nhằm hòa giải và hợp tác. Trung Quốc sẵn sàng đóng tiếp vai trò lâu nay vì mục đích trên”.

Tờ Hoàn Cầu thời báo hôm 7-3 đăng một bài xã luận, nhấn mạnh rằng Trung Quốc, Nga và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phải được tham gia đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên.

M.T. (tổng hợp)

Trong trận đấu với Tottenham tại vòng 35 giải Ngoại hạng Anh 2023/2024 diễn ra tối 28/4 (giờ Việt Nam), Arsenal đã dẫn trước tới 3-0 trước đối thủ nhưng suýt chút nữa đánh mất chiến thắng khi để đối thủ ghi liền 2 bàn trong hiệp 2.

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

Khi phát hiện người phụ nữ bế trên một cháu bé đang khóc không ngớt và chân tay co giật đứng ở lề đường, tổ tuần tra của Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương đưa cháu bé trong tình trạng sốt cao, co giật đến bệnh viện cấp cứu. Do được cấp cứu kịp thời, hiện tại cháu bé đã giảm sốt, bệnh viện đang tiếp tục theo dõi điều trị cho cháu ổn định.

Trung tá Hoàng Anh Công Minh đang làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì đối tượng Phạm Ngọc An (SN 2001, trú xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) điều khiển phương tiện, phía sau chở Trương Ngọc Thảo Nhi (SN 2009) tông thẳng vào Trung tá Minh khiến anh ngã xuống đường, bị thương.

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiều 28/4, thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5,  toàn quốc xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 68 người.Cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp vi phạm Luật giao thông và ra quyết định xử phạt 31 tỷ 830 triệu đồng.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文