Iran-Israel và “trò chơi đuổi bắt”

11:26 07/01/2021
Hôm 4-1, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cáo buộc Israel đang ngụy tạo nguyên nhân để Washington mở màn cuộc chiến chống lại Tehran đúng dịp kỷ niệm 1 năm ngày Mỹ ám sát vị tướng hàng đầu của Iran Qasem Soleimani.


Lời qua tiếng lại

Theo ông Mohammad Javad Zarif, Iran có thông tin tình báo mới từ các nguồn tin Iraq cho thấy “những đặc vụ khiêu khích của Israel” đang dàn dựng cuộc tấn công vào các mục tiêu của Mỹ, đặt “cái bẫy” để Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump bắt đầu một cuộc xung đột với Iran với mục đích hủy bỏ kế hoạch cứu vãn thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 ký năm 2015 (Kế hoạch hành động chung toàn diện -JCPOA) của người kế nhiệm Joe Biden.

Trước đó, Washington quy trách nhiệm cho lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn về các cuộc tấn công tên lửa thường xuyên vào các cơ sở của Mỹ ở Iraq, bao gồm cả gần Đại sứ quán Mỹ. Tuy nhiên, đến nay, không có nhóm vũ trang nào được Iran hậu thuẫn lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này.

Ông Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh, Tehran sẽ tự vệ ngay cả khi nước này không tìm kiếm chiến tranh. Nói thêm về những động thái của Israel và Mỹ như đưa tàu ngầm tới vịnh Arab, kênh đào Suez..., Ngoại trưởng Iran cho rằng Tel Aviv và Washington đang chuẩn bị cho sự trả đũa có thể xảy ra của Iran sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân cấp cao Mohsen Fakhrizadeh hồi tháng 11.

Israel nhiều lần thừa nhận cho oanh kích "Mục tiêu Iran" trên lãnh thổ Syria.

Trong khi đó, tướng Yahya Rahim Safavi, cố vấn của thủ lĩnh tối cao Iran tuyên bố, Tehran thừa hiểu điểm yếu của các đối thủ như Mỹ và Israel và tự tin vào năng lực phòng vệ của mình. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh thì nói: “Mọi người đều biết vịnh Ba Tư có ý nghĩa gì đối với Iran. Mọi người đều biết các chính sách của Tehran liên quan đến an ninh quốc gia... Mọi người đều biết rất rõ rủi ro tăng cao như thế nào nếu ranh giới đỏ của Iran bị vượt qua. Chúng tôi đã gửi thông điệp tới Chính phủ Mỹ và bạn bè trong khu vực, khuyến cáo họ không nên dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới đầy nguy hiểm”.

Đáp trả lại những tuyên bố đầy cứng rắn của Iran, Bộ trưởng Năng lượng Israel Yuval Steinitz lại cáo buộc Tehran đang tìm kiếm tiền đề cho bạo lực. Ông Yuval Steinitz nói với đài phát thanh Kan của Israel hôm 3-1 rằng Iran đang chịu áp lực kinh tế và quân sự và “cố gắng tìm lý do để tấn công Israel”. Gọi cáo buộc của Ngoại trưởng Iran là “vô nghĩa”, Bộ trưởng Năng lượng Israel cho rằng, Tel Aviv cần phải tỉnh táo và có “cái đầu lạnh” vào thời điểm nhạy cảm này.

Trả lời phỏng vấn đài Kan, Bộ trưởng Văn hóa Israel Chili Tropper cũng xác nhận việc Tel Aviv đang cảnh giác cao độ trong lễ kỷ niệm 1 năm ngày tướng Qasem Soleimani bị ám sát. Cục Chống khủng bố Israel thì đưa ra khuyến cáo Iran có thể tấn công nhiều mục tiêu của Tel Aviv ở các quốc gia lân cận như: Gruzia, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain.

Mong đợi vào một sự thay đổi

Giới phân tích nhận định, trên thực tế, Israel tuy là đồng minh thân cận của Mỹ trong “cuộc chiến chống lại Iran” nhưng nước này cũng rất ngại đối đầu hay xảy ra chiến tranh. Mục tiêu chính của Tel Aviv là thâu tóm quyền lực, xây dựng bạn bè và tạo nên bức tường mềm cô lập Tehran ngay ở Vùng Vịnh nhất là khi Iran ngày càng muốn mở rộng ảnh hưởng của mình. Đây chính là lý do khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đi lại như con thoi  và tiến hành một loạt chuyến thăm các quốc gia Arab thời gan qua.

Ngược lại, Iran cũng muốn làm rõ rằng họ sẽ không ngần ngại bảo vệ mình trước hành động quân sự của Mỹ hay Israel nhưng họ cũng không muốn leo thang xung đột. Đáng tiếc là căng thẳng giữa Tehran và Washington đã bùng phát trở lại trong những tuần gần đây khi ông Donald Trump khơi lại các mối đe dọa chống lại quốc gia Hồi giáo này trong những tuần cuối cùng của ông tại Nhà Trắng.

Rồi vào đúng ngày đầu tiên của năm mới 2021, Iran đã gây sốc khi thông báo với Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc rằng nước này dự định sản xuất uranium với độ làm giàu lên tới 20% (so với mức hiện tại là 4,5%) tại nhà máy hạt nhân ngầm Fordow, theo một luật mà Quốc hội Iran thông qua mới đây. Đây là mức làm giàu uranium trước khi Tehran và nhóm P5+1 đạt được JCPOA.

Hãng CNN bình luận, một khi Tehran cụ thể hóa ý định trục xuất các thanh sát viên quốc tế và khôi phục hoạt động làm giàu uranium cấp độ 20%, vấn đề hạt nhân Iran chắc chắn sẽ một lần nữa được đưa trở lại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và mọi nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 hoàn toàn có nguy cơ “trôi sông đổ biển”. Đó là chưa kể đến những hệ quả khác đi kèm liên quan đến nguy cơ mất an ninh khu vực và thế giới, tạo ra sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa Iran-Israel và nhiều vấn đề khác.

Song, cũng phải nói rõ rằng, trên thực tế, Iran vẫn đang rất muốn hồi sinh JCPOA. Hồi đầu tháng 12 năm 2020, Tổng thống Hassan Rouhani khẳng định Iran sẵn sàng trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận ngay sau khi các bên còn lại tôn trọng những cam kết của mình. Vì thế, nước cờ bây giờ phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ mà nói chính xác hơn là người sẽ trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng vào ngày 20-1 tới. So với các Tổng thống Mỹ trước đây, ông Joe Biden được cho là hiểu rõ Iran hơn bởi ông từng đích thân đối mặt với các quan chức hàng đầu của Tehran trong nhiều thập niên.

Ngay cả Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng thừa nhận: “Khi tôi là đại diện của Iran tại Liên hợp quốc, tôi đã có một số cuộc gặp với ông Biden. Đó là quan hệ chuyên nghiệp dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau”. Một khi những hành động đầu tiên về chính sách đối ngoại mềm mỏng với Iran của ông Joe Biden được thực thi, Israel cũng sẽ thu “móng vuốt” và nhẹ nhàng hơn. Câu hỏi được đưa ra lúc này là Trung Đông hiện như một bãi mìn và ai di chuyển trước và làm thế nào để tháo ngòi nổ là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự cầu thị cũng như quyết tâm của các bên.

S.Thương

Bộ Công an đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cơ quan điều tra các cấp về điều tra tài chính, điều tra tội phạm nguồn gắn với điều tra tội rửa tiền; đẩy mạnh phối hợp với nhiều quốc gia trong công tác xác minh, xử lý các vụ án, vụ việc về tội phạm nguồn nói chung, tội phạm rửa tiền nói riêng

Các phương tiện truyền thông của Mỹ chính thức gọi tên ông Donald Trump là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, có thể nói ông là người từng và sẽ trở thành Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên trong lịch sử, từng có người làm điều này trước ông Trump. 

Quân chủng Phòng không - Không quân đã chủ trì phối hợp với các lực lượng của Quân khu 5 và các địa phương khẩn trương tổ chức lực lượng, phương tiện tìm kiếm cấp cứu mặt đất và trên không.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文