Khoảng tối trước thềm Brexit

12:40 18/12/2018
Đồng bảng Anh mất giá ngay sau khi có tin Thủ tướng Anh Theresa May thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy giành 200 phiếu trên tổng số 317 phiếu tín nhiệm nhưng việc 117 nghị sĩ bỏ phiếu bất tín nhiệm là “đòn” giáng vào uy tín chính trị của Thủ tướng Anh vốn đang loay hoay để cân bằng các điều kiện để cuộc “ly dị” với Liên minh châu Âu (EU) êm thấm. Khoảng tối và cảnh báo lạnh người đang lộ ra.

Cú “lội ngược dòng” ngoạn mục

Kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm được đưa ra vào rạng sáng 13-12 (giờ Việt Nam)  trong tiếng reo hò và vỗ tay từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ khi Chủ tịch đảng này là ông Graham Brady công bố thông tin trên. Điều này có nghĩa là bà May sẽ không phải đối diện hình thức bỏ phiếu như vậy trong vòng một năm. Bà May sẽ có thêm cơ hội để tránh nguy cơ trì hoãn Brexit hoặc làm hại tiến trình này.

Theo phân tích của các chuyên gia, nếu không vượt qua được cuộc bỏ phiếu vừa rồi, nước Anh rất có thể sẽ có một nhà lãnh đạo mới cho đến cuối tháng 1 hoặc tháng 2-2019 và như vậy có nghĩa là họ sẽ phải xin EU thêm thời gian để đàm phán Brexit. Bởi khi bà May không vượt qua được “cửa ải” vừa rồi, bất cứ ai là thủ tướng sẽ phải trì hoãn Điều 50. Thời hạn 29-3-2019 mà nước Anh rời khỏi EU sẽ không thể thực hiện được.

Thủ tướng Anh và Thủ tướng Đức trong cuộc gặp ngày 11-12. Ảnh: Vox.

Vậy bà May đã dùng chiến thuật gì? Hơn 30 giờ trước khi cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit tại Quốc hội Anh như dự kiến vào ngày 11-12, vừa nhằm kéo dài thời gian tìm kiếm sự đảm bảo về pháp lý cho điều khoản “rào chắn” gây tranh cãi, vừa nhằm tìm kiếm sự đảm bảo từ EU để tăng cơ hội thỏa thuận Brexit được thông qua tại Quốc hội nước này, Bộ trưởng Brexit Anh Stephen Barclay cho biết bà May đã nỗ lực để có được sự đảm bảo về pháp lý và chính trị với điều khoản này. Ông khẳng định sau khi đảm bảo được vị trí lãnh đạo trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại đảng Bảo thủ cầm quyền, bà May sẽ có thời gian để thảo luận với EU.

“Chiến thuật” của bà May tỏ ra đặc biệt có tác dụng. Tuy rằng chặng đường Brexit đầy chông gai và không ít những bất ngờ khiến cả các bên trong cuộc và các bên quan sát liên tục trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Quyết định vào phút chót của bà May thực sự cho thấy việc Anh và EU đạt thỏa thuận chưa thể đảm bảo cho một tiến trình Brexit suôn sẻ. Con đường thậm chí còn chông gai hơn.

Sóng ngầm và “rào chắn”

Còn nhớ, ngày 13-11, thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Anh về việc quốc gia này và EU đạt thỏa thuận sơ bộ về Brexit được chào đón như một tín hiệu tốt lành giải tỏa những quan ngại rằng hai bên sẽ không thể đạt được thỏa thuận trước hạn chót. Niềm vui cũng từng xuất hiện trên khuôn mặt Thủ tướng Anh vào tối 14-11, khi thỏa thuận được nội các Anh thông qua. Nhưng khi ấy, nụ cười của “thuyền trưởng” May chỉ phảng phất nhẹ nhàng.

Có lẽ bà cũng hiểu những khó khăn trong tiến trình đàm phán vừa qua không thấm vào đâu so với những trở ngại trước mắt khi bà công bố bản thỏa thuận này với Quốc hội. Thậm chí, không loại trừ khả năng sẽ thất bại và chiếc ghế của bà sẽ bị “thổi bay” do những bất đồng trong quan điểm về Brexit lâu nay vẫn chia rẽ sâu sắc nước Anh, từ nội bộ các phe phái cho tới các tầng lớp dân chúng.

Một trong những điều khoản gây tranh cãi nhất và khiến cho thỏa thuận khó được chấp nhận chính là điều khoản “rào chắn” liên quan vấn đề hải quan và biên giới, cụ thể là điều khoản giúp duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland. Với điều khoản này, Anh sẽ ở lại Liên minh thuế quan EU còn vùng Bắc Ireland cũng tiếp tục nằm trong thị trường chung châu Âu tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại song phương. Có lẽ chính điều khoản này đã góp phần quan trọng giúp Anh và EU khơi thông thế bế tắc trong đàm phán và đi đến thỏa thuận.

Bà May được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn khi cân bằng giữa nội bộ và EU trong giải quyết vấn đề Brexit. Ảnh: BBC.

Nhưng đáng tiếc, đây lại là vấn đề đối nội lớn nhất mà bà May vấp phải khi mang thỏa thuận “về nhà”. Nhiều nghị sĩ trong đảng Bảo thủ cầm quyền cũng như các đảng đối lập đã không ngần ngại công khai chống lại thỏa thuận này. Họ lo ngại điều khoản này sẽ ràng buộc  Anh mãi mãi trong các quy định thị trường của EU, không cho Anh cơ hội tự chủ về kinh tế như những gì người dân mong muốn khi bỏ phiếu lựa chọn Brexit hồi năm 2016. Trong khi đó, Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) tại Bắc Ireland thì lo ngại thỏa thuận này sẽ chia rẽ vùng Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Liên hiệp Anh.

Hiểu rõ những khó khăn này của Thủ tướng Anh, EU tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Anh tìm kiếm thêm đảm bảo cho thỏa thuận. Ngày 1312, Ủy viên châu Âu Guenther Oettinger cho biết EU có thể nhất trí bổ sung thông tin làm rõ hơn các điều khoản trong thỏa thuận Brexit mà hai bên đạt được hồi tháng trước, nhưng chắc chắn sẽ không đàm phán thêm về các vấn đề cốt lõi như giải pháp “rào chắn” liên quan biên giới vùng Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Phát biểu trên kênh truyền hình Đức SWR, Ủy viên Oettinger xác nhận EU đồng ý làm rõ thêm các điều khoản nhưng sẽ nói “không” với bất kỳ yêu cầu đàm phán lại nào. Khi được hỏi liệu Ủy ban châu Âu (EC) có thể đồng ý với một giới hạn thời gian cụ thể cho giải pháp “rào chắn” hay không, ông Oettinger thẳng thừng phủ nhận khả năng này, đồng thời nhấn mạnh cần có luật rõ ràng cho việc lưu thông hàng hóa, đi lại tại biên giới giữa vùng Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn đài phát thanh Deutsch-landfunk, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas khẳng định nước này không có ý định đàm phán lại giải pháp “rào chắn”. Ông Maas khẳng định văn bản dự thảo không còn là vấn đề để tranh luận mà là cơ sở để ra quyết định.

Cùng ngày, hãng Reuters (Anh) dẫn một bản thảo gồm 6 điểm do EU chuẩn bị có nội dung khẳng định EU sẵn sàng đánh giá các phương án nhằm đảm bảo cho điều khoản “rào chắn” trong thỏa thuận Brexit cũng như đảm bảo cho chính thỏa thuận này nhận được sự ủng hộ tại Hạ viện Anh. Bản thảo được EU chuẩn bị cho Thủ tướng Anh Theresa May, nhằm giúp vị lãnh đạo này thuyết phục Quốc hội Anh đang còn nhiều chia rẽ thông qua thỏa thuận Brexit mà London và EU đã đạt được cuối tháng trước.

Bản thảo cũng nêu rõ những sự đảm bảo mà phía EU đưa ra sẽ không “làm thay đổi hay đối ngược” với thỏa thuận đã đạt được. Hiện 27 quốc gia thành viên EU vẫn chưa thể thống nhất toàn bộ nội dung bản thảo này, đặc biệt là đoạn nói về sự sẵn sàng của EU nhằm cung cấp thêm đảm bảo cho Anh.

Trước đó, ngày 12-12, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết các nhà lãnh đạo EU sẽ đưa ra một tuyên bố chính thức về Brexit sau khi nghe Thủ tướng Anh trình bày kế hoạch Brexit. Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết các lãnh đạo 27 quốc gia thành viên sẽ nhóm họp riêng và thông qua một tuyên bố về Brexit sau khi nghe bà May trình bày.

Các nhà ngoại giao cho rằng việc EU ra tuyên bố về Brexit sau hội nghị thượng đỉnh, sẽ giúp tuyên bố này có thêm tính ràng buộc pháp lý và mang lại những đảm bảo rõ ràng cho Anh về việc triển khai thỏa thuận Brexit. Vì thời gian là rất gấp, các lãnh đạo 27 quốc gia cũng sẽ thảo luận về công tác chuẩn bị cho một kịch bản Brexit không có thỏa thuận.

Brexit không thỏa thuận sẽ gây suy thoái

Như vậy là đã rõ, Thủ tướng Anh phải “đối phó” với cả trong lẫn ngoài để đạt được các bước tiến cho Brexit. Trong bối cảnh như vậy, “thuyền trưởng” May nhận rõ “cơn sóng dữ” trước mặt là quá lớn, nếu lựa chọn trực tiếp đối đầu, con thuyền của bà sẽ bị nhấn chìm. Lựa chọn khôn ngoan nhất lúc này là “chuyển hướng” với mong muốn tìm kiếm thêm cơ hội.

Trong lá thư khẩn cấp gửi tới Hạ viện, nhà lãnh đạo Anh thừa nhận bản “thỏa thuận ly hôn” đang phải đối mặt với nguy cơ lớn sẽ bị bác bỏ nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra như kế hoạch vào ngày 11-12. Dù khẳng định đây là một bản thỏa thuận cần thiết, nhưng bà May bày tỏ muốn tìm kiếm thêm sự đảm bảo về điều khoản “rào chắn” liên quan tới vấn đề Bắc Ireland trong các cuộc đàm phán sẽ diễn ra ngay sau đó với EU. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng quyết định này sẽ giúp thỏa thuận được thông qua, vì việc loại bỏ điều khoản liên quan Bắc Ireland là hầu như không thể.

Ngay sau khi bà May thoát hiểm, chính trường Anh thêm một phen dậy sóng. Thị trường tài chính Anh phản ứng đầu tiên với sự lao dốc của đồng Bảng xuống mốc thấp nhất trong vòng 20 tháng qua. Các chỉ số chứng khoán quan trọng cũng hòa vào xu thế giảm. Carolyn Fairbairn, Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Anh gọi đây là “cơn lốc” xoáy bay mọi hy vọng về một tương lai Brexit rõ ràng hơn. Còn giới chính trị gọi đây là điểm đánh dấu “sự sụp đổ” trong nỗ lực gần 2 năm qua của chính phủ London nhằm duy trì mô hình quay quanh “quỹ đạo” của EU kể cả sau khi rời khỏi liên minh này.

Nội bộ nước Anh cũng đang bị phân thành hai hướng giữa ra đi và ở lại EU. Ảnh: The Independent.

Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn cho rằng chính phủ đã không thể kiểm soát được tình hình và đang đi chệch hướng, đồng thời kêu gọi “nhường đường” cho Công đảng. Nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền cũng chia rẽ. Nghị sĩ Jacob Rees-Mogg, người đi đầu trong nỗ lực nhằm thay đổi lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, tiếp tục lên tiếng yêu cầu “Thủ tướng phải lựa chọn đương đầu để lãnh đạo hoặc từ chức”.

Tương lai Brexit lại một lần nữa rơi vào điểm giao thoa rắc rối, khiến giới phân tích đưa ra rất nhiều kịch bản, hầu hết là không mấy tươi sáng. Tồi tệ nhất là một Brexit không thỏa thuận, gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề cho nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau nhận định khả năng một Brexit không thỏa thuận “hao tài tốn của” đang cao hơn bao giờ hết. Còn Ngân hàng Trung ương Anh dự đoán kịch bản này sẽ tạo ra cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ qua và chứng kiến đồng bảng Anh rơi xuống vực thẳm chưa lường được đáy.

Khả năng nữa mới được đề cập nhất là hủy bỏ Brexit, khởi nguồn từ đề xuất của vùng Scotland về việc hủy bỏ điều 50 của Hiệp ước Lisbon để Anh lại trở về “vòng tay” EU.  Con đường này có vẻ rõ dần lên sau khi Tòa án công lý châu Âu ra phán quyết công nhận đây là con đường hợp pháp. Đức - “anh cả của châu  Âu” đã lập tức lên tiếng ủng hộ điều này. Nhưng dù có là phương án nào đi nữa thì việc thay đổi vào thời điểm này, khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là tới hạn chót Anh chính thức rời EU sẽ khiến Anh phải trả một cái giá nhất định.

Như Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond từng cảnh báo rằng bất kỳ giải pháp nào gây chia rẽ nội bộ, khiến phần đông dân số cảm thấy bị phản bội, sẽ gây ra những tác động chính trị và xã hội tiêu cực, và gây thiệt hại gấp nhiều lần những tác động kinh tế có thể gặp phải nếu ủng hộ thỏa thuận hiện tại.

Chính quyền của Thủ tướng May cũng như cả nước Anh đang đứng trước quá nhiều sức ép, nhưng lại thiếu đi sức mạnh và uy tín để đoàn kết nước Anh.  Nền kinh tế thứ 5 thế giới có thể rơi vào “tình thế nguy hiểm” nếu những con sóng ngầm là sự mất đoàn kết nội bộ tiếp tục không được kiểm soát. Một mình Thủ tướng Anh tìm kiếm nhượng bộ từ EU, nỗ lực cứu thỏa thuận sơ bộ với EU là không đủ.

Rõ ràng EU hiểu vở kịch bà May vừa thể hiện. Trong khi đó, các cử tri Anh từng giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU năm 2016, được hứa hẹn rằng họ sẽ có một tương lai kinh tế tốt đẹp hơn khi Anh ra khỏi khối 28 quốc gia này, lại tiếp tục hoài nghi. Trong bối cảnh những dự báo đầy u ám của Bộ Tài chính Anh trái ngược hoàn toàn với những hứa hẹn lạc quan về kinh tế trước đây.

Bất chấp việc bà May thể hiện rằng ít nhất bà đã chiến đấu bảo vệ “giới hạn đỏ” của bà về vấn đề di cư và sự toàn vẹn lãnh thổ của vùng Bắc Ireland, nhưng cử tri Anh vẫn muốn nhiều hơn nữa, bà May phải thể hiện rằng EU không thể điều khiển được mọi thứ theo ý mình.

Những tranh cãi Brexit đang bộc lộ “mặt tối” của ngoại giao của cả Anh và EU. “Tác dụng phụ” của một cuộc “ly hôn” cay đắng là việc tất cả mọi sự thật của các bên đã được nhìn thấu.

Hoa Huyền

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文