Khoảnh khắc lịch sử tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều

12:58 03/05/2018
65 năm sau cuộc chiến chia cắt hai miền và cũng chừng ấy thời gian Triều Tiên và Hàn Quốc sống trong căng thẳng, lo âu khi mọi nỗ lực đem lại hòa bình cho cả hai nửa Bán đảo Triều Tiên chưa mang lại kết quả. Nhiều gia đình ly tán trong chiến tranh vẫn chưa thể gặp mặt, những cơ hội phát triển dần trôi đi...

Cho tới ngày 27-4-2018, một ngày lịch sử của dân tộc Triều Tiên, giấc mơ hòa bình, thịnh vượng cho Bán đảo Triều Tiên đang mở ra khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng nhau ký Tuyên bố chung Panmunjom.

1. Giây phút lịch sử khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng giơ tay sau khi ký Tuyên bố chung, cam kết sẽ ký hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng giơ tay sau khi ký Tuyên bố chung. Ảnh: Reuters.

2. Những cái nắm tay, những bước chân cùng nhau bước qua ranh giới quân sự trong một mùa xuân mang khát vọng hòa bình đang làm tan đi băng giá của nghi kỵ, mở ra chương mới trên Bán đảo Triều Tiên. Những ai chứng kiến hình ảnh hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc cùng dắt tay nhau bước qua "giới tuyến chia ly" được xây lên để chia cắt hai miền Triều Tiên mới thấu hiểu lời nói của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in: "Khoảnh khắc Chủ tịch Kim bước qua đường phân giới quân sự thì Panmunjom trở thành biểu tượng của hòa bình, không còn là biểu tượng chia cắt nữa".

Và để đáp lại, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng khẳng định thiện chí rằng: "Khi tôi bước qua đây (giới tuyến quân sự), tôi đã tự hỏi tại sao việc này lại khó đến vậy? Giới tuyến này thậm chí còn không quá cao. Nó quá dễ dàng để bước qua, vậy mà chúng ta đã mất 11 năm để có mặt tại đây”. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nắm tay nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng bước qua giới tuyến quân sự giữa hai nước. Ảnh: Reuters.

3. “Một lịch sử mới hôm nay bắt đầu; kỷ nguyên của hòa bình, bắt đầu của lịch sử”. Đó là thông điệp được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un viết vào cuốn sổ lưu bút tại Nhà Hòa bình ở Panmunjom, trước khi vào phòng đàm phán với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Sự khởi đầu cho một tương lai tươi sáng trên Bán đảo Triều Tiên được chứng minh bằng những kết quả hai bên đã đạt được. “Tôi đến đây, quyết tâm gửi một tín hiệu bắt đầu bên thềm một lịch sử mới”, ông Kim Jong-un nói với người đồng cấp Hàn Quốc.

Để vượt qua được sự khởi đầu gian nan, hai nhà lãnh đạo đã không ngại ngần chia sẻ thẳng thắn với nhau những vấn đề gai góc nhất, những "hồ sơ" đang tồn đọng trong nhiều năm qua, từ vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, việc bảo đảm an ninh cho Triều Tiên và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, cải thiện quan hệ song phương, giảm căng thẳng ở khu vực biên giới cho đến vấn đề các gia đình ly tán, thúc đẩy các dự án hợp tác, ngoại giao nhân dân...; và các vấn đề có liên quan khác. (Ảnh 4)

Những nghi lễ trang trọng nhất mang biểu tượng hòa hợp mà phía Hàn Quốc chuẩn bị chu đáo để đón Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters.

4. Không khí hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong sự thân thiện, hòa hợp, như cách mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng: Tổng thống sẽ không phải mất ngủ nữa vì những vụ thử tên lửa liên tiếp lúc sáng sớm trong một năm qua. Thật nhẹ nhàng nhưng thông điệp ẩn chứa vô cùng sâu sắc. Đó dường như là một lời hứa về việc sẽ không có thêm các vụ phóng hay thử tên lửa.

Sự lạc quan giữa hai nhà lãnh đạo mang lại niềm hy vọng, sự tin tưởng cho người dân Hàn Quốc, Triều Tiên và cả khu vực về một tương lai hòa hợp và phi hạt nhân trên bán đảo này.

Hội đàm giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters.

5. Đích thân hai nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên cùng trồng một cây thông có từ năm 1953, thời điểm hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên được ký kết, với đất và nước lấy từ cả hai miền. Thông - loài cây có rễ cắm sâu trong đất, thân vươn lên cao, là biểu tượng cho tinh thần thượng võ, quân tử.

Hai nhà lãnh đạo cùng nhau trồng cây thông. Ảnh: Reuteus.

Như tất cả những gì đã diễn ra, sau Tuyên bố chung Panmunjom, tương lai giữa hai miền Triều Tiên sau cuộc thượng đỉnh 27-4 được kỳ vọng sẽ giống như cây thông kia, đứng vững giữa trời xanh, là nhân chứng chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu đang bắt đầu diễn ra ở Bán đảo Triều Tiên. 

Huyền Hoa (tổng hợp)

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文