Kiểm soát súng đạn tại Mỹ nhìn từ New Zealand

14:30 05/04/2019
Những lệnh cấm và quy định đầy cương quyết được New Zealand nhanh chóng đưa ra chỉ 6 ngày sau vụ xả súng đẫm máu tại hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, khiến 50 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, đã nhanh chóng làm dấy lên những so sánh với các cuộc tranh cãi kéo dài suốt nhiều năm và cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ về luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ.

Theo tuyên bố hôm 21-3 của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, các loại súng trường tấn công và các vũ khí bán tự động kiểu quân đội, hộp tiếp đạn cỡ lớn và những thiết bị tương tự báng liên thanh đều nằm trong danh sách cấm.

Điều luật mới được đưa ra trong cuộc họp Quốc hội New Zealand vào đầu tháng 4, nhưng lệnh cấm mua các thiết bị có hiệu lực ngay lập tức. Ngay sau động thái này của chính phủ New Zealand, các nhà lập pháp và những người ủng hộ việc kiểm soát súng đạn tại Mỹ đã lên tiếng chỉ trích sự bế tắc và trì trệ trong các cuộc tranh cãi về vấn đề nhạy cảm này.

Những rào cản

Mỹ từng ban hành lệnh cấm vũ khí trong giai đoạn từ 1994-2004, song Quốc hội không gia hạn điều luật này khi nó hết hiệu lực. Các nỗ lực không ngừng nghỉ của giới lập pháp đảng Dân chủ nhằm "hồi sinh" đạo luật kể trên về cơ bản đều gặp phải "hòn đá tảng" là đảng Cộng hòa.

Người dân Mỹ biểu tình đòi chính quyền siết chặt kiểm soát vũ khí sau vụ xả súng tại Florida năm 2018.

Bất chấp hàng loạt vụ xả súng đẫm máu diễn ra liên tiếp những năm gần đây tại Parkland, Las Vegas, Pittsburg, hay Sutherland… gần như chưa có bất kỳ thay đổi nào thực sự mạnh mẽ về các quy định liên quan đến việc mua bán và sở hữu các loại vũ khí sát thương, ngoại trừ quyết định được chính quyền Trump đưa ra hồi tháng 2-2018 nhằm cấm tất cả các thiết bị giúp chuyển đổi những khẩu súng bán tự động thành súng trường hoàn toàn tự động, loại vũ khí vốn được dùng trong vụ thảm sát Las Vegas hồi tháng 10-2017.

Đây là quyết định được đưa ra vài ngày sau vụ xả súng học đường khiến 17 người chết tại một trường trung học ở Florida.

Từ khi giành lại quyền kiểm soát tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 năm ngoái, đảng Dân chủ đã nhấn mạnh hơn tới các quy định về súng đạn. Hạ viện Mỹ gần đây đã lần lượt thông qua hai dự luật liên tiếp liên quan đến kiểm soát súng đạn, động thái được xem là chưa từng có tiền lệ ở một quốc gia thịnh hành văn hóa súng đạn như Mỹ.

Dự luật an toàn súng đạn quy mô lớn, cho phép mở rộng việc kiểm tra lý lịch đối với gần như mọi trường hợp mua bán súng, bao gồm cả các hoạt động mua bán tại các cuộc trưng bày vũ khí và qua mạng. Một dự luật liên quan khác có tên H.R.1112 cũng đã vượt qua "ải" Hạ viện.

Dự luật này quy định kéo dài thời gian xem xét kiểm tra thông tin đối với hoạt động mua bán súng đạn, trong đó đề xuất sẽ kéo dài thời gian xem xét ban đầu để kiểm tra thông tin về hoạt động mua bán súng đạn từ 3 đến 10 ngày. Việc những dự luật trên được thông qua sau một thời gian dài được coi là bước đột phá trong nỗ lực kiểm soát súng đạn ở Mỹ. Tuy nhiên, hai dự luật được dự báo sẽ không dễ dàng lọt qua cánh cửa Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Khác biệt căn bản

Hầu hết người Mỹ đều ủng hộ siết chặt lệnh cấm đối với vũ khí cầm tay, tuy nhiên giới chính trị gia Mỹ khó lòng đáp ứng những đòi hỏi này. Một trong những lý do chính là vì hệ thống chính trị Mỹ được thiết kế với rất nhiều cơ chế kiểm soát và cân bằng, với nhiều quy định về quyền phủ quyết.

Để một lệnh kiểm soát vũ khí được thông qua ở cấp liên bang, các nhà lập pháp cần phải hội đủ đa số ủng hộ tại Hạ viện và Thượng viện, rồi sau đó là sự hậu thuẫn của Tổng thống, hoặc có sự ủng hộ đủ để vượt qua sự phản đối của người đứng đầu Nhà Trắng. Đây thực tế là điều cực kỳ khó khăn và gần như là bất khả thi với những gì diễn ra tại Washington hiện nay.

Hệ thống chính trị tại Mỹ cũng khiến các cộng đồng ở vùng nông thôn có nhiều ảnh hưởng tới Thượng viện, nơi "văn hóa súng đạn" được xem là khá mạnh mẽ. Những bang có tỷ lệ sở hữu súng ở mức cao như Montana và Wyoming, là "quê hương" của nhiều thượng nghị sỹ.

Ngay cả nếu giới lập pháp và hành pháp có thể thông qua các biện pháp kiểm soát súng đạn thì cũng không có gì đảm bảo rằng chúng sẽ trở thành luật. Tu chính án thứ hai của Mỹ đảm bảo "quyền của công dân trong việc sở hữu và mang theo vũ khí". Năm 2008, Tòa án Tối cáo cho rằng lệnh cấm súng đạn có thể vi phạm quyền này. Có thể nói rằng một dự luật cấm súng đạn chắc chắn sẽ đối mặt với những thách thức dai dẳng từ tòa án.

Trong khi đó, hệ thống hiến pháp của New Zealand được xây dựng trên nguyên tắc đại diện. Các vị trí tại Quốc hội nhìn chung được phân bổ trên nguyên tắc tổng tuyển cử. Với hệ thống này, các chính đảng lớn tại cơ quan lập pháp cũng có tiếng nói quyết định đối với các vấn đề hành pháp, hạn chế nguy cơ nảy sinh mâu thuẫn giữa các nhánh lập pháp và hành pháp của chính phủ.

Hơn thế nữa, cơ cấu cơ quan lập pháp New Zeland chỉ gồm Nữ hoàng, người được đại diện bởi Toàn quyền tại Nghị viện, và Hạ viện, gồm các nghị sỹ do cử tri từ 18 tuổi trở lên bầu ra. Khi một chính đảng hay nhiều chính đảng nhận được sự ủng hộ của đa số tại Hạ viện thì chính đảng đó hay liên minh chính đảng đó có quyền đứng ra thành lập Chính phủ và điều hành đất nước. Theo Hiến pháp New Zealand, tòa án không có quyền phản đối các dự luật đã được Nghị viện thông qua.

Tất nhiên, mọi chuyện đều có hai mặt. Việc thiếu vắng các cơ chế giám sát và hạn chế đồng nghĩa với việc rất dễ một chính đảng dân túy tại New Zealand có thể kiểm soát chính phủ và thúc đẩy các chương trình nghị sự của mình mà không vấp phải quá nhiều rào cản. Song điều đó đồng nghĩa với việc các dự luật sẽ nhanh chóng và dễ dàng được thông qua hơn.

Ảnh hưởng ngầm

Một khác biệt rất dễ hiểu giữa Mỹ và New Zealand khiến quốc gia vừa chứng kiến vụ thảm sát bằng súng có thể nhanh chóng triển khai lệnh cấm trong khi Washington vẫn chật vật với các tranh cãi là bởi tại New Zealand không có "thế lực" nào mạnh như Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA), hay những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan với khả năng vận động hành lang và tác động rất lớn tới giới chính trị gia để phản đối mọi quy định siết chặt kiểm soát súng đạn.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern trong bài phát biểu về cải cách luật kiểm soát súng đạn. Liệu Mỹ có thể tham khảo?

Theo nhiều con số thống kê, NRA chi hàng triệu USD mỗi năm để ủng hộ các ứng cử viên của đảng Cộng hòa, những người sau đó sẽ tìm mọi cách để phản đối các dự luật nhằm kiểm soát súng đạn. Báo cáo của NRA cho biết họ đã dành khoảng 5 triệu USD cho các hoạt động vận động hành lang trong năm 2018 trong khi theo Trung tâm Phản hồi Chính trị, NRA đã chi tới 36 triệu USD trong mùa bầu cử 2017. Hơn thế nữa, các thành viên của NRA còn là lực lượng ủng hộ chính trị chính với khả năng tác động tới cơ hội giành chiến thắng của một ứng cử viên mà họ hậu thuẫn.

Tại New Zealand cũng có nhóm vận động hành lang song với quy mô nhỏ và hoạt động không quá sôi nổi, và thực tế là tổ chức này không thể cản trở những nỗ lực cải cách luật súng đạn. Ảnh hưởng và quyền lực của nhóm này không thể sánh với NRA.

Luật bầu cử của New Zealand - với các quy định chặt chẽ về tiền tài trợ và chi tiêu do một bên thứ ba thanh toán - cũng góp phần hạn chế việc lệ thuộc vào các nhóm lợi ích đặc biệt. Nói một cách đơn giản, một vụ tấn công khủng bố kinh hoàng là đủ để vượt qua ảnh hưởng của nhóm vận động hành lang tại New Zealand.

Tuy nhiên, "sức mạnh" thực sự của những thế lực ngầm lại nằm ở khả năng huy động khoảng 5 triệu thành viên của NRA ủng hộ các ứng cử viên cam kết đi theo đường lối này. NRA có hẳn một cơ quan truyền thông là NRATV để tuyên truyền và quảng bá cho các ứng cử viên mà họ hậu thuẫn, tạo nên lợi thế khá lớn trong các cuộc đua chính trị.

Trung tâm nghiên cứu Pew đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận và kết quả cho thấy gần 70% số người Mỹ được hỏi ủng hộ các biện pháp kiểm soát và hạn chế vũ khí, tuy nhiên điều này dường như khó có thể đem lại nhiều khác biệt khi các nhóm vận động hành lang có mối quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng đối với một trong hai chính đảng lớn.

Khác biệt về văn hóa

Một khó khăn khác trong việc ngã ngũ những tranh cãi về luật kiểm soát hay thả lỏng súng đạn tại Mỹ là định nghĩa thế nào là "vũ khí sát thương"?.

Thực tế trong luật pháp Mỹ không hề có định nghĩa cụ thể về nội dung này và lệnh cấm năm 1994 chỉ gồm hàng loạt quy định phức tạp liên quan tới các loại vũ khí cụ thể, hoặc cấm một số hoặc nhiều phần phụ kiện trên vũ khí bán tự động. Nhiều chuyên gia cho rằng nội dung lệnh cấm mà New Zealand dự định trình Quốc hội là những gì mà giới lập pháp Mỹ rất dễ phủi bỏ.

Văn hóa súng đạn tại Mỹ và xứ sở Kiwi có rất nhiều điểm khác biệt. Dù tỷ lệ người dân sở hữu vũ khí tại New Zeland khá cao (trung bình 26,3 khẩu súng trên 100 người - theo số liệu từ Small Arm Survey), súng gắn liền với thói quen săn bắn của quốc gia này, chứ không phải để tự vệ. Trong khi đó, cảnh sát New Zealand không thường xuyên mang theo vũ khí sát thương và thậm chí liên đoàn an ninh còn hết sức ủng hộ các biện pháp kiểm soát súng đạn.

Điều này hoàn toàn khác với những gì diễn ra tại Mỹ, nơi quyền sở hữu vũ khí được cho là gắn liền với quyền tự do công dân. Các tổ chức vận động hành lang, như NRA thường xuyên viện dẫn các cuộc cách mạng trong quá khứ và Tu Chính án thứ hai như quyền tự vệ cơ bản. Theo nhiều cuộc thăm dò dư luận, hơn 60% người sở hữu súng cũng nói rằng lý do chính để họ có ít nhất một thứ vũ khí sát thương trong tay là vì an toàn cá nhân.

Những thực tế này khiến người ta rất khó thuyết phục người Mỹ ủng hộ các biện pháp kiểm soát súng đạn và thậm chí còn tạo cớ để các tổ chức như NRA chỉ trích những người đối lập là thiếu trung thực hay tham nhũng. Hơn thế nữa, những người phản đối việc kiểm soát súng đạn tại Mỹ dường như lại hào hứng trong việc vận động hành lang về vấn đề này hơn hẳn những người ở phía bên kia. 

Bên cạnh lệnh cấm, New Zealand còn triển khai song song một chương trình mua lại các loại vũ khí để đền bù cho những người vừa mua các loại vũ khí bị cấm. Chính phủ nước này ước tính chi phí dành cho chương trình này có thể lên tới 200 triệu USD. Hiện chưa rõ số lượng vũ khí mua lại là bao nhiều song trong tổng số 5 triệu dân New Zealand có khoảng 1,2 triệu khẩu súng các loại, theo số liệu của 2017 Small Arms Survey.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, không một quốc gia phát triển nào trên thế giới lại phải đối mặt với tình trạng bạo lực súng đạn cao như Mỹ, tỷ lệ cao gấp 6 lần so với Canada, hơn 7 lần so với Thụy Điển và gần 16 lần so với Đức.

Tuy nhiên, nếu một chương trình tương tự như ở New Zealand được triển khai tại Mỹ, chi phí và nhân sự cần thiết sẽ thực sự là một "cơn ác mộng" đối với chính quyền khi người ta ước tính hiện có khoảng 393 triệu khẩu súng đang lưu hành trong số 326 triệu dân.

Một nghiên cứu được tiến hành từ năm 2016 cho thấy khoảng 3% dân số Mỹ sở hữu khoảng nửa tổng số súng này. Bên cạnh đó, theo các cuộc khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu Pew và khảo sát xã hội nói chung, người Mỹ chiếm chưa tới 5% dân số thế giới, nhưng sở hữu khoảng 45% tất cả vũ khí tư nhân của thế giới.

Những kêu gọi và sự so sánh của cộng đồng quốc tế đối với trường hợp của Mỹ và New Zealand không phải là "viên đạn bạc" giúp giải quyết những khúc mắc xung quanh tình trạng bạo lực súng đạn tại Mỹ. Phản ứng nhanh chóng của New Zealand là kết quả của một nền văn hóa với cách tiếp cận hoàn toàn khác với Mỹ, và của một hệ thống chính trị cho phép chính quyền có thể linh hoạt và ngay lập tức đề ra các thay đổi trong trường hợp cần thiết.

Dương Anh (tổng hợp)

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文